Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm đóng quân của Cục Quân khí (1951 - 1954), tỉnh Thái Nguyên

Ngày 01/9/1951, tại thôn Thẩm Vậy, xã Yên Thông (nay là xã Bình Yên), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Việt Nam, ký Nghị định số 277/NĐ về việc thành lập Cục Quân khí trực thuộc Tổng cục Cung cấp. Sau khi được Tổng cục Cung cấp đồng ý, cơ quan Cục Quân khí chọn ngày Chủ Nhật 16/9/1951 chính thức bước vào hoạt động và lấy ngày này là ngày truyền thống của ngành Quân khí Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong 04 năm đóng quân tại đây, Cục Quân khí đã tham mưu cho Tổng cục Cung cấp, Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh xây dựng và ngành Quân khí toàn quân bảo đảm quân khí cho các Chiến dịch: Chiến dịch Đông Xuân (1951 -1952), Chiến dịch Thu - Đông (1952), Chiến dịch Thượng Lào (Xuân - Hè 1953), Chiến cuộc Đông Xuân (1953 - 1954) và Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cũng trong thời gian này, Cục Quân khí đã triển khai xây dựng hệ thống kho Quân khí các cấp, thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản, cung cấp một khối lượng lớn sản phẩm vũ khí, khí tài, đạn dược cho lực lượng vũ trang nhân dân trên các chiến trường. Trong nhiều chiến dịch lớn, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, ngành Quân khí đã cung cấp cho bộ đội trên 17 nghìn tấn vũ khí đạn dược, góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử "lừng lẫy năm châu, Điện Biên chấn động địa cầu” và đã thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành Quân khí:“Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý”.

Đây là địa điểm ghi dấu Cơ quan Cục Quân khí (1951 - 1954) đóng và làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, giúp chúng ta nghiên cứu, tìm hiểu về quá trình hình thành và trưởng thành của ngành Quân khí; là nơi tham quan, ôn lại truyền thống của ngành Quân khí trong những năm tháng gian khổ nhưng đầy hào hùng của cán bộ, chiến sĩ Cục Quân khí; là đối tượng để tìm hiểu về lịch sử của ngành Quân khí trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; là địa điểm thuộc quần thể các di tích lịch sử ATK Định Hóa trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Lịch sử ra đời và hoạt động của cơ quan Cục Quân khí trong 04 năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gắn với các đồng chí: Trần Thùy, quyền Cục trưởng Cục Quân khí (1951 - 1952); Phan Tử Lăng, quyền Cục trưởng Cục Quân khí (1952 - 1953); Nguyễn Văn Nam, Cục trưởng Cục Quân khí (1953 -1958); Hoàng Xuân, Cục phó Cục Quân khí (1954 - 1955).

Hiện nay, còn nền lán, hầm hào, giếng nước… trên đồi Nặm Bó, dài khoảng 20m, chiều rộng 5m hướng về phía Tây; bên phải, cách nền lán khoảng 25m có dấu tích hầm trú ẩn; phía Tây là dấu tích giếng nước; sườn đồi phía Nam là dấu tích hầm cất giấu vũ khí có độ sâu 2,5m, chiều rộng 1,5m, dài 10m; cạnh đó có dấu tích hầm dài 03m, rộng 1,5m. Vào ngày 10/3/2004, Cục Quân khí (Tổng Cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) đã làm lễ khởi công các hạng mục: Nhà văn hóa, bia di tích, sân, đường, tường rào. Công trình hoàn thành vào ngày 19/8/2004, bàn giao cho Ủy ban nhân xã Lam Vỹ quản lý, sử dụng.

Với những giá trị nêu trên, Địa điểm đóng quân của Cục Quân khí (1951 -1954), tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1898/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website