Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Địa điểm Thủy Môn Đình, tỉnh Lạng Sơn

Di tích Thủy Môn Đình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh tại Quyết định số 41/2002/QĐ-UB ngày 02 tháng 10 năm 2002. Năm 2015, Bia Thủy Môn Đình được công nhận là Bảo vật Quốc gia tại Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Thủy Môn Đình gồm nhà bia và bia, trong khuôn viên với diện tích khoảng 60m2, tựa lưng vào núi, mặt quay về hướng Tây Nam.

Nhà Bia: kiến trúc dạng phương đình, nền nhà bia láng xi măng cao hơn thềm sân khuôn viên 20cm, kết cấu mái bằng gỗ, gồm: 04 cột cái và 04 cột quân được kê trên các chân tảng bằng đá, kết cấu bộ vì kèo kiểu giá chiêng - chồng rường, đế ghép; các xà thượng, bẩy hiên được chạm trổ hình tượng (Long, Ly, Quy, Phượng); Mái lợp ngói chiếu và ngói mũi hài màu đỏ; kìm nóc được trang trí theo dạng đấu tam cấp, các đầu đao được tạo tác uốn cong. Tiếp giáp nhà Bia về phía Tây Nam khoảng 12m là ngôi miếu nhỏ (diện tích 01m2) thờ Sơn Thần.

Bia Thủy Môn Đình: được dựng bên trong nhà bia, đây là phiên bản, bia gốc hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn. Toàn văn nội dung bia được khắc bằng chữ Hán, kiểu chữ chân phương gồm 33 dòng, 869 chữ, phân bố trong 02 mặt bia. Được tạo tác rất quy chuẩn, cân đối; chữ sắc nét, hình trang trí chạm khắc đẹp và công phu, mang đặc trưng điển hình của nghệ thuật tạo hình thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII).

Bia Thủy Môn Đình đã nổi bật lên những giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng bởi cụm từ “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan (dịch nghĩa: Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc). Việc sử dụng 02 chữ Việt Nam trên bia mang ý nghĩa hành chính rất lớn, khẳng định rằng Quốc hiệu Việt Nam được sử dụng, từ năm 1670 trên văn bia và chắc chắn nó đã có từ trước những năm 1670. Cho đến khi phát hiện “Thể tồn bi ký” tại Đồng Đăng (Lạng Sơn) thì ý nghĩa quốc gia với tên gọi Việt Nam mới thể hiện thật rõ nét thông qua câu: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” điều đó đã khẳng định quốc hiệu Việt Nam không phải do nhà Thanh ban cho như Đại Bách khoa toàn thư của Anh năm 1992 đã ghi.

Việc hai chữ Việt Nam trong Bia Thủy Môn Đình có niên hiệu Cảnh Trị (năm 1670) có một giá trị lịch sử đặc biệt, vì đây là tấm bia được đặt ở cửa ngõ của đất nước, đã khẳng định vùng biên cương Tổ quốc, một đất nước có chủ quyền, đất nước Việt Nam của con người Việt Nam. Bia Thủy Môn Đình được tạo tác công phu, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung Hưng. Đây là một trong số rất ít các thư tịch cổ, di vật lịch sử văn hóa ở nước ta có chữ “Việt Nam” hiện còn ở dạng nguyên gốc. Nội dung tấm bia chứa đựng những cứ liệu lịch sử đặc biệt quan trọng liên quan đến tên gọi, chủ quyền lãnh thổ của nước ta ở nơi cửa ngõ Tổ quốc. Ngoài ra, Bia Thuỷ Môn Đình còn có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam, là trang sử vàng cho con cháu đời sau tự hài về công lao bảo vệ Tổ quốc của cha ông. Nội dung bia với tư tưởng chủ đạo là: “Liên kết tồn tại”, điều đó đã nhắc nhở chúng ta rằng phải đoàn kết các dân tộc anh em, chung sức chung lòng trong việc bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Việc phát hiện bia Thủy Môn Đình đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, công luận và luôn được nhắc đến khi nói về lịch sử Quốc hiệu Việt Nam, về chủ quyền lãnh thổ của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Mặt khác, đây là lần đầu tiên trong bia biên giới khẳng định rõ ràng vùng đất Lạng Sơn xưa là cửa ngõ, là yết hầu, là ải quan trấn giữ phương Bắc của nước Việt Nam. Nội dung của văn bia cũng nêu rõ những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của Nguyễn Đình Lộc để đoàn kết nhân dân chung tay, chung sức bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc; là tư liệu quý giúp cho việc nghiên cứu lịch sử, hệ thống quản lý hành chính ở nước ta nói chung và Lạng Sơn nói riêng dưới thời phong kiến. Góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, xác định nguồn gốc và tên gọi của Tổ quốc rong suốt tiến trình phát triển của lịch sử.

Hàng tháng, vào mùng Một và ngày Rằm nhân dân địa phương và du khách thập phương đến đây dâng lễ, thắp hương để tưởng nhớ công lao Bắc quân Đô đốc phủ, Hữu Đô đốc Thao Quận Công Nguyễn Đình Lộc. Năm Quang Hưng (1593), Dũng quận công Nguyễn Công Thắng theo chỉ dụ của vua Lê Thế Tôn lên Nam Quan để thông hiếu với khâm sai nhà Minh. Sau đó ông được lưu lại làm phiên tướng trấn giữ vùng biên cương. Nhậm trọng trách của triều đình giao phó, ông ra sức luyện tập binh mã, ngày đêm tuần hành nơi biên ải. Sau này, để kế tục sự nghiệp của mình, Nguyễn Công Thắng đã trao truyền cho con trai trưởng là Nguyễn Đình Lộc tiếp tục cai quản toàn hạt và châu Văn Uyên. Với những công lao đóng góp to lớn của mình, Nguyễn Đình Lộc đã được triều đình phong tước Thao Quận công và được “ủy thác tiết chế các xứ giữ yên biên thùy”, các con của ông, con trai tiếp nối truyền thống người cha “thế tập” chức tước, bảo vệ biên cương; con gái giỏi giang và kết thông gia với một số dòng họ phiên thần khác ở Lạng Sơn như họ Hoàng, họ Vi... Sau này để nhắn nhủ con cháu muôn đời sau cùng đoàn kết chung lòng, làm tốt trọng trách bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc, niên hiệu Cảnh Trị thứ 8 (1670)  Đô Tổng binh sứ ty, Bắc quân Đô đốc phủ, Hữu Đô đốc tướng Thao quận công Nguyễn Đình Lộc đã cho tạc và đặt bia đá tại Đình Thủy Môn, tên bia là “Thể tồn bi kí” để ghi lại những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của một giai đoạn lịch sử cho con cháu lấy đó làm gương để bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

 Di tích Địa điểm Thủy Môn Đình có vị trí gần với các điểm di tích như: Đền Mẫu Đồng Đăng, đền Quan, Pháo Đài Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng),… sẽ là điểm di tích lý tưởng để kết nối các tuyến tham quan du lịch của huyện Cao Lộc nói riêng, tỉnh Lạng Sơn nói chung. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, tham quan trải nghiệm và học tập lịch sử.

Với những giá trị nêu trên, Địa điểm Thủy Môn Đình, tỉnh Lạng Sơn đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1992QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website