Ngày 23 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Đào Xá, tỉnh Hưng Yên

Căn cứ vào thần tích, sắc phong còn lưu giữ tại di tích và theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, Đình Đào Xá (xã Vĩnh Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) là nơi thờ Thành hoàng Vũ Thiên Nguyên và cùng phối thờ Đông Hải Đại vương Đoàn Thượng (thời Lý). Đây là những người công dẹp giặc ngoại xâm, góp phần đem lại thái bình cho đất nước, ấm no cho nhân dân. Năm 1902, đình được đại trùng tu thành công trình kiến trúc tồn tại đến nay. Dựa vào các sắc phong và bia ký hiện còn tại di tích, đình Đào Xá được khởi dựng vào khoảng thời Hậu Lê.

Đình Đào Xá được khởi dựng trên gò đất cao, phía trước có một con sông nhỏ, bên ngoài có rồng hổ bao bọc, mặt tiền quay hướng Tây Nam. Đình có kết cấu kiến trúc hình chữ Nhị gồm: Đại bái và Hậu cung. Các cấu kiện và thành phần kiến trúc đều được làm bằng gỗ lim vững chắc mang đậm phong cách mỹ thuật thời Nguyễn còn đồng bộ, vững chắc.

Đại bái là nơi diễn ra các nghi thức tế lễ, gồm 05 gian được làm theo kiểu tường hồi bít đốc với kích thước dài 19,5m, rộng 8,8m, cao 5,6m (tính từ nóc mái xuống nền đình). Đại bái với kết cấu 4 hàng chân cột, các cột đứng trên chân tảng bằng đá xanh không trang trí hoa văn. Hàng cột quân phía trong được thay thế bằng hệ thống tường bổ trụ nối liền với tòa Hậu cung. Bốn phía xung quanh nền Đại bái đều được bó vỉa bằng gạch chỉ, cao 0,50m so với sân đình, phía ngoài phủ vữa áo, móng được gia cố vững chắc. Mặt nền lát gạch bát (30cm x 30cm), mạch chữ công. Từ sân có 3 bậc cấp xây bằng gạch dẫn lên hiên Đại bái. Ngăn cách giữa Đại bái và hiên là các luồng cửa bức bàn với các cánh dựng song song với nhau trên bậu cửa, nối hai cột quân lại với nhau tạo ra sự kết nối liên hoàn, chắc chắn giữa các thành tố trong tổng thể kiến trúc ngôi đình. Các cánh cửa đều có trụ xoay, cài then, chốt gióng, để nguyên không trang trí. Mặt tiền 02 gian đầu hồi mở hai cửa sổ tròn, trang trí hoa văn chữ Thọ cách điệu để lấy ánh sáng cho bên trong tòa nhà. Mặt sau gian giữa để trống thông với tòa Hậu cung. Phần còn lại xây tường kín lên đến dạ tầu mái tạo sự kín đáo, thâm nghiêm cho khu vực thờ tự tại di tích.

Hậu cung (còn gọi là cung cấm) là hạng mục gồm 3 gian nằm song song với tòa Đại bái, mái được lợp bằng ngói mũi, bờ nóc để trơn không trang trí hoa văn, trên phủ vữa áo, tạo những đường gờ chạy song song. Hai bên Hậu cung xây tường bao lên tới dạ tầu mái. Nền Hậu cung được làm cao hơn so với nền Đại bái 5cm, lát gạch vuông (30cm x 30cm), mạch chữ công. Móng được bó vỉa bằng gạch chỉ, phía ngoài phủ vữa áo. Đỡ hoành mái là các bộ vì nóc được làm theo kiểu vì kèo đơn giản, để trơn không trang trí hoa văn. Hệ thống vì nóc được đặt trực tiếp lên tường bao xung quanh.

Hậu cung là nơi đặt ban thờ Thành hoàng làng Vũ Thiên Nguyên. Trên ban thờ đặt khám thờ cùng một số đồ thờ tự. Khám được làm bằng gỗ, ba mặt bưng kín đặt tại gian trung tâm tòa Hậu cung. Diềm cửa khám chạm khắc đề tài “lưỡng long chầu nhật”, xung quanh chạm hoa dây, triện tầu,... Trong khám đặt tượng Thành hoàng làng mang phong cách tạc tượng đầu thế kỷ XX. Tượng được tạc trong tư thế ngồi trên bệ, đầu đội mũ cánh chuồn, hai tay để trên gối, một tay úp, một tay ngửa. Tượng được sơn son thếp vàng, mặc áo triều phục, giữa ngực để ô vuông trang trí lẫn mây cách điệu.

Gian bên phải Hậu cung (theo hướng đình) là nơi đặt ngai và bài vị Thành hoàng. Ngai được chạm khắc cầu kì, tỉ mỉ. Đế ngai chạm hổ phù, lân, long vân, thân ngai làm kiểu chấn song con tiện, chạm bong kênh đề tài tứ linh, tay ngai chạm đầu rồng,… Bố cục bài vị được chia ra làm ba phần: phần đỉnh, phần thân và phần đế. Phần đỉnh là một ván gỗ tạo hình mặt trời với các đao lửa bốc lên. Phần thân của ngai với diềm trang trí ngoài cùng là một đường vây (vây rồng), cân xứng hai bên, ôm lấy một mặt phẳng chính hình chữ nhật dài. Phần đế được chia thành nhiều tầng lớp trang trí hình tượng rồng, hổ phù vô cùng sinh động. Đây là một trong những di vật có giá trị nghệ thuật cao còn lưu giữ tại đình Đào Xá. Ngoài ra, nằm về phía hai hồi tòa Hậu cung mỗi bên gồm 01 gian dùng làm nơi cất giữ đồ tế lễ phục vụ cho lễ hội tại đình.

Tại đình còn bảo lưu được một số di vật tiêu biểu có giá trị như: 22 đạo sắc phong (từ thời Lê đến thời Nguyễn), 05 bia đá, ngọc phả, đại tự, câu đối, tượng thờ, ngai và bài vị,...

Ngày nay, đình Đào Xá là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân nơi đây, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại. Qua đó, giáo dục cho thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của cha ông.

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Đào Xá, xã Vĩnh An, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 48/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2020./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website