Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Đông Trụ, tỉnh Hà Nam

Căn cứ vào các tư liệu Hán Nôm tại di tích, đình Đông Trụ được xây dựng vào niên hiệu Chính Hòa đời vua Lê Huy Tông (1687) và được tu sửa lớn vào năm niên hiệu Gia Long thứ 2 (1803). Đình thờ 6 vị Thần là: Dũng Nhiên Đại Vương, Sát Nhiên Đại vương, Siêu Nhiên Đại vương, Nhược Nhiên Đại vương, Lợi Nhiên Đại vương là các vị tướng thời nhà Đinh (968 - 980) và Tướng quân triều vua Lý Thái Tông (1028 - 1054) Trần Bá Nghị.

Đình tọa lạc trên một khu đất rộng ở vị trí đầu làng, mặt chính diện quay hướng Nam, kiểu kiến trúc mang đậm phong cách kiến trúc thời Hậu Lê và Nguyễn, gồm: cổng đình và hạng mục đình chính.

Cổng: gồm 02 cột đồng trụ cao 3,8m, chia làm 04 phần. Chân cột thắt cổ bồng, thân cột lõm hình chữ Nhật, câu đối chữ Hán, các cạnh được bao viền xung quanh bằng các đường chỉ thanh thoát, tiếp đến là ô lồng đèn hình vuông, trên cùng là Nghê chầu.

Đình chính: gồm một tòa 03 gian 02 chái, 04 mái cong; tổng chiều dài 20,1m; rộng 10,25m; gian giữa dài 3,8m, 02 gian bên dài bằng nhau 3,65m, 02 gian chái dài 3,8m. Hai đầu chái mỗi bên còn thêm 0,70m. Nền tiền đường lát gạch cổ, mái đình lợp ngói nam, hai bờ nóc đắp đầu kìm ngậm chặt bờ nóc.

Bộ khung chịu lực tòa tiền đường gồm 06 vì, 04 bộ vì nóc và 02 vì góc; 04 vì nóc gian giữa và hai gian bên được làm kiểu chồng rường con nhị, vì hai chái thiết kế vì bán giá chiêng. Gian giữa và hai gian bên có 04 hàng chân cột, 02 cột cái và 02 cột quân. Các cột cái được làm theo kiểu thượng thu hạ thách, chiều cao 4,90m; chu vi 1,8m. Cột quân cùng kiểu dáng với cột cái nhưng nhỏ hơn, cao 2,9m; chu vi 1,35m. Nối 02 đầu cột cái gian giữa là câu đầu, dưới dạ câu đầu khắc chữ Hán, đỡ câu đầu là nghé đỡ chắc khỏe, trên nghé chạm khắc hình Nghê. Trên vì nóc, các con rường được tạo tác tỷ mỷ, có điểm hình mây, lá lật mềm mại. Cùng với kết cấu bộ vì còn có các xà ngang, xà dọc được bào gọt nhẵn nhụi soi ống. Đỡ dàn mái là bộ hoành, rui được dàn trải đều đặn theo độ dốc của mái.

Các mảng chạm khắc kiến trúc tập trung chủ yếu trên các bộ vì 02 gian chái, trên các con rường vì chái, mang đậm phong cách thời Hậu Lê như: Long quần tụ, Rồng ổ cùng các họa tiết Rồng, Phượng, mây phong phú; Mảng chạm phía ngoài gian chái bên phải với Long quần tụ được chạm trên tất cả 05 con rường là hình ảnh 09 con Rồng lớn và 05 rồng nhỏ; Mảng chạm phía ngoài gian chái bên trái cũng là mảng chạm Long quần tụ; Mảng chạm phía trong gian chái bên trái cũng đều là hình tượng Rồng. Tất cả các bức chạm trên đều mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, với các nét chạm tinh xảo,

Đình còn lưu giữ được nhiều đồ thờ, mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và Nguyễn, gồm các chất liệu như: đồng, sành, sứ, gỗ... Tiêu biểu là hoành phi, câu đối, ngai, tượng, hương án, bát hương... Hàng năm, tại đình thường tổ chức các ngày lễ chính: Ngày 10 tháng Giêng ngày sinh của thần Dũng Nhiên và Sát Nhiên Đại vương; Ngày 10 tháng Sáu là ngày sinh của 03 vị thần Siêu Nhiên, Nhược Nhiên, Lợi Nhiên Đại vuơng; Ngày mồng 03 tháng Mười Hai là ngày hóa của 05 vị thành hoàng.

Bên cạnh đó, đình Đồng Trụ thường xuyên là nơi hoạt động cách mạng, nơi hội họp và luyện tập của bộ đội địa phương, dân quân du kích của thôn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Đông Trụ, xã Tiến Thắng, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1902/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2021./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website