Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Duyên Yên, tỉnh Hưng Yên

Đình Duyên Yên được khởi dựng vào thời Hậu Lê (1786) – Lê Hiển Tông. Đình thờ các vị Thành hoàng Đường nhị Lang tức An Sinh Vương Trần Liễu thân phụ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Phối thờ còn có ba vị là Đức Thiên Bồng Phong Lôi Đại Vương; Đức Thiên Trung Quảng tế đại vương và Đức Quốc vương Đương vực Đại vương - là người có công lao đánh giặc, chiêu dân lập ấp, bắc cầu đắp đê giữ nước, dạy dân cày cấy làm ăn.

Đình có kiến trúc theo kiểu chữ “Nhị” gồm: Đại bái và Hậu cung.

Đại bái gồm 5 gian hai chái được làm kiểu bốn mái, tường hồi bít đốc. Toàn bộ diện tích khu nội tự ước tính hơn 300m2. Mái lợp ngói ta, đường bờ nóc đắp gờ nổi, ở hai đầu bờ là đôi kìm với hàm răng chắc khỏe ngậm chặt vào. Đuôi kìm ngoảnh ra ngoài cuộn tròn theo kiểu hình chôn ốc và nhỏ dần về cuối đuôi. Bờ giải gấp khúc ở giữa và chạy dài xuống tới đầu đao. Ở đoạn gấp khúc đắp đôi Sóc (kỳ lân) ngoảnh đầu vào trong. Bối đầu đao cong nhờ các tàu lá mái. Lá mái là một tấm ván mỏng lót dưới lớp mái cuối cùng, vuông góc với lá mái là phiến gỗ dày gọi là tàu chạy suốt chiều dài của mái và rộn g ra ở hai đầu cho tới tận góc đao, che chỗ nối hai đầu lá tàu là một thanh gỗ gọi là ấu tàu. Hai bên góc đao đều lượn cong tạo thành góc nhọn vươn cao kiểu rồng mớm phượng.

Qua 5 bậc gọi là ngũ cấp được làm bằng đá xanh là hiên. Mái hiên được nâng đỡ bằng hệ thống bẩy hiên và hoành mái. Bẩy hiên ăn mộng vào cột ẩn trong khung cửa, dưới bẩy hiên được trang trí bằng các đầu dư chạm hình lá cách điệu. Toàn bộ tường trước đại bái được kết cấu bằng gỗ và mở ra 5 luồng cửa. Các của được là kiểu bức bàn có trục xoay, cài then, dóng trốt. Cánh cửa kiểu thượng song hạ bản. Bên trên làm kiểu chấn song con tiện tạo sự thông thoáng cho di tích, phía dưới để nguyên bản không trang trí hoa văn. Các cửa nằm xen với hệ thống cột. Đình Duyên Yên có hệ thống khung chịu lực hoàn toàn làm bằng gỗ chắc khỏe. Các cột cái và cột quân một người ôm không hết. Tổng cộng có 36 cột, tất cả các cột được kê trên những chân tảng bằng đá to và đồ sộ. Các cụ cao niên cho biết những cột chân tảng này được đặt ở Ninh Bình và vận chuyển về bằng đường thủy. Chân tảng đá được chia thành ba loại khác nhau. Các cột cái được kê trên chân tảng thắt quả bồng nghĩa là phía trên và dưới nhỏ ở giữa phình ra, dưới quả bồng là đế vuông đây được gọi là tảng kê kiểu âm dương ngũ hành. Các cột hai bên hồi cũng thắt bồng nhưng lại để vuông bốn cạnh. Những chân tảng kê trên cột ngoài cửa được tạo tác đơn giản hơn. Kết cấu vì được là kiểu vì kẻo trốn trụ, đây là đặc trưng kiểu kiến trúc trong giai đoạn thế kỷ XVII - XVIII. Bộ vì được bào trơn đơn giản với sự liên kết như sau: Thượng lương được tì lực trực tiếp lên cột trốn đặt chính giữa câu đầu. Nối các vì kèo với hệ thống cột là 6 câu dầm lớn và toàn bộ xà thượng, xà trung, xà hạ và kẻ góc. Ở tất cả các đầu cột đều có xà gỗ ngắn gọi là đầu dư. Để tránh sự thô cứng, các nghệ nhân xưa đã chạm khắc trên đó đầu rồng to khỏe với các đao lửa tủa ra phía dưới cằm. Cột cái được nối với cột quân bằng xà nách, đầu xà ăn mộng vào cột, trên các xà nách được trồng các con rường lên nhau, càng lên trên nhỏ dần theo chiều dốc của mái. Con rường cuối là rường cụt. Toàn bộ con rường trải đều một phía còn gọi là rường cánh. Để tạo sự mềm mại người ta đã tạo tác các con giống, hình rồng, hoa văn đao guột trên con rường. Tất cả con rường đặt trên đấu vuông thót đáy. Cột quân nối với cột hiên bằng một thanh xà ngắn gọi là xà hiên. Trên xà hiên cũng để các con rường trồng kên nhau về kê trên đấu vuông. Để tránh đơn điệu người ta cũng tạo tác các con vật trên xà hiên.

Hai bên chái được kết cấu như sau: Câu đầu tỳ lực trên cột trốn đặt giữa xà lửng một đầu ăn mộng vào cột cái, đầu còn lại gối lên cột hồi, với kết cấu này được gọi là vì chịu lực. Hai chái có 4 kẻ lớn ăn mộng vào cột quân và cột hiên. Hai bên chái được kết cấu bằng 6 bộ vì. Những bộ vì này được liêm kết với nhau giữa các cột và góc mái. Đây là hình thức phổ biến ở thế kỷ XVIII. Các con rường được trang trí hoa văn đao guột và con giống. Các vì cánh còn lại của hai chái làm kiểu giá chiêng đơn giản. Gian trung tâm đại bái treo bức đại tự có niên đại thời Nguyễn, sơn son thếp vàng, trang trí lưỡng long chầu nhật, hoa dây. Ở giữa khắc ghi 4 chữ Hán “Thiện tục khả phong” (Giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp). Phía dưới đặt ban thờ công đồng để tôn thờ những người có công với làng, với nước. Nhang án làm bằng gỗ, sơn thếp vàng, trang trí hoa văn. Trên nhang án đặt một số đồ thờ tự như bát hương, chân nến, đỉnh đồng…Ngoài ra, tại đây còn bầy một số đồ thờ tự khác như: Đại tự, câu đối, cửa võng, bát khí được sơn thếp và trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý.

Hậu cung gồm 3 gian tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bờ nóc chạy thẳng. Hai đầu bờ có dạng đầu đinh. Đường bờ giải làn kiểu giật cấp. Các bộ vì kiểu giá chiêng, bào trơn không trang trí hoa văn. Hai bên cửa chính là đôi phỗng đá có niên đại thời Lê, tạo tác trong tư thế quỳ trên bệ, hai tay cầm bát hương đặt trước ngực, bụng phệ ưỡn ra phía trước; mặt ngước lên, tai to, pho bên trái búi tóc thấp hơn pho bên phải và thắt dây ở bên dưới bụng. Bên hồi hiên đặt tấm bia thời Nguyễn năm 1925, khắc bằng chữ Hán có nội dung chép lại việc những người công đức tu sửa đình. Bia cao 1,25m, trán chạm lưỡng long chầu nhật. Hậu cung là nơi trang trọng đặt ban thờ Thành hoàng. Gian trung tâm thờ tứ vị và chia làm bốn cấp độ từ thấp lên cao. Hai bên để đôi hạc gỗ, bộ bát bảo sơn son thếp vàng. thứ tự được bố trí như sau: Ngoài cùng là bát hương được trang trí lưỡng long chầu nguyệt và đôi hạc nhỏ. Tiếp đến là bát hương đá, rồi đến đỉnh đồng. Tiếp đến là tượng An Sinh Vương Trần Liễu đặt trong khám. Tượng làm bằng gỗ, tạo tác trong tư thế ngồi, đầu đội mũ. Trong cùng là 4 cỗ ngai và bài vị thờ. Ngai chân quỳ dạ cá, thân chạm long vân, tay ngai hình đầu rồng. Bài vị đế vuông, diềm thân là hình đao lửa, chám tròn mặt nguyệt. Bài vị khắc chữ Hán ghi tên người được thờ. Trên ngai bài vị để hia, mũ đồng. Gian bên trái đặt nhang án gỗ sơn thếp vàng, bốn góc chạm tứ quý. Đây là ban thờ 82 liệt sỹ của làng, trên tường dựng tấm bia với dòng chữ: “Vạn đại tri ân”. Gian phải đặt một khám thờ gia tiên 14 dòng họ, trong khám để ngai. Khám và ngai được sơn son thếp vàng trang trí hoa văn.

Đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật như nghê đá, phỗng đá, bát hương đá, bia đá, ngai, bài vị, hạc gỗ...

Với những giá trị trên, đình Duyên Yên, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 78/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website