Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Lại Yên, thành phố Hà Nội

Theo văn bia lưu giữ tại quán Đình Lại Yên phụng thờ Chí Minh Đại Vương – vị thiên thần gắn liền với lịch sử tạo dựng ngôi quán cổ Kính Thiên Đài tương truyền có từ thờ Hùng Vương dựng nước. Đình nằm trên một khu đất rộng giữa làng và có quy mô lớn. Mặt bằng kiến trúc chính di tích gồm: đình chính (gồm Đại bái và Hậu cung) kết cấu hình chuôi vồ (chữ đinh - J) và nhà hữu mạc.

 Đại bái: là một nếp nhà ngang (kích thước 21,77 x 13,26 x 7,26 m) gồm 7 gian 2 chái, bước gian: gian giữa 3,95 m, hai gian bên 3,1 m, hai gian kế bên 3,0 m, hai gian kế tiếp bên 1,8 m, hai gian trái 1,1 m, xung quanh bó vỉa bằng đá xanh qua bậc nhị cấp tại gian chính giữa, hai bên có đôi rồng chầu kiểu vân mây cách điệu. Đại bái có hình thức kiến trúc kiểu mái đao bốn mái lợp ngói mũi hài, hai đầu kìm tạo hình thủy qoái makara miệng ngậm bờ nóc đuôi uốn cong tạo hình vân mây. Bờ nóc, bờ dải tạo hàng hoa chanh, khúc nguỷnh trang trí con xô hình nghê chầu trong tư thế nhìn hướng xuống phía dưới. Bốn đầu đao đình Lại Yên được tạo tác khá mềm mại với hình đầu rồng bằng kỳ thuật nề ngõa. Bảy gian hai trái được kết cấu bởi 8 bộ vì: Hai bộ vì gian giữa kết cấu kiểu “Thượng chồng rường, trung tiền chồng rường cốn mê, hậu chồng rường, hạ tiền kẻ bẩy, hậu chồng rường”; Bốn bộ vì còn lại thống nhất kiểu “Thượng chồng rường, hạ kẻ suốt”; hai bộ vì gian chái kiểu “ Thượng chồng rường, hạ kẻ xó”. Mỗi bộ vì gồm sáu hàng chân cột (cột cái, cột quân và cột hiên – cột hậu) đặt trên chân tảng đá hình vuông chân đế đỡ cột hình tròn. Cột dáng thượng thu hạ thách, khoảng cách giữa các cột: hai cột cái 4,2 m; cột cái – cột quân – cột hiên – cột hậu 1,8 m. Các cột có kích thước khác nhau: cột cái đường kính: 42 cm; cột quân đường kính 38 cm, cột hiên – cột hậu đường kính 35 cm. Tổng số cột tại đình: 48 cột gỗ lim còn nguyên bản từ thời Hậu Lê gồm 16 cột cái, 32 cột quân, cột hiên – cột hậu.

Hậu cung: là một nếp nhà dọc (kích thước: 4,3 x 4,51 x 4,7 m) gồm 1 gian nối liền thông với đại bái. Hậu cung xây kiểu tường hồi bít đốc. Mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải kiểu bờ đinh. Tường hồi hai bên trổ cửa sổ hình chữ nhật bằng hoa gốm hình vuông. hậu cung có bộ khung gỗ kết cấu bởi 2 bộ vì giống nhau kiểu “Thượng chồng rường, hạ chồng rường”. Mỗi bộ vì gồm bốn hàng chân (hai cột cái, hai cột quân), hai bên là tường. Khoảng cách giữa hai cột cái: 1,75 m; cột cái – cột quân: 1,1 m. Hai cột cái phía trước giáp Đại bái đường kính: 35 cm, hai cột cái phía sau đường kính 27 cm, cột quân kích thước 23 cm. Bộ vì phía trước nối với đại bái chỉ có hai cột cái, không có cột quân. Cột dáng thượng thu hạ thách. Cột cái phía trước được nối chân bằng cột xi măng.

Từ hai đầu cột cái là một quá giang ăn mộng vào hai đầu cột cái, phía trên là một con rường thông qua một đấu vuông thót đáy.  Con rường này đỡ Thượng lương thông qua một đấu kê hình thuyền. Trên đầu quá giang, con rường khoét các ổ đỡ hoành. Nối từ cột quân sang cột cái là một xà nách, một dầu ăn mộng vào cột quân, một đầu ăn mộng vào cột cái, phía trên xà là một con rường cụt kê qua một đấu kê dày. Các thanh rường được chạm nổi hoa văn họa tiết vân mây mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hữu mạc: là một nếp nhà ngang gồm 9 gian (kích thước: 20,42x 6,52x4,3 m; bước gian: 2,2 m) xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai nối trụ biểu (phần trụ bên phải còn phần thân trụ, mất phần đầu, trụ trái hiện không còn), đầu đốc đắp hình mặt hổ phù. Tường bao ba mặt, phía trước để trống. Nhà có mái lợp ngói ri, bờ nóc úp ngói bò, riềm mái dưới lợp ngói tây. Chín gian nhà được kết cấu bởi 10 bộ vì thống nhất kiểu “thượng chồng rường, trung kẻ ngồi, hạ bẩy”. Mỗi bọ vì gồm bốn hàng chân cột (tổng số 40 cột gồm 20 cột cái, 20 cột quân). Khoảng cách giữa hai cột cái 2m, cột cái – cột quân 1,3 m. Cột dáng đòng đong (đường kính cột cái: 22 cm, cột quân 18 cm) kê trên chân tảng đá vuông. Kết cấu vì nóc: từ hai đầu cột cái là một quá giang ăn mộng vào hai đầu cột cái, phía trên quá giang là các con rường xếp chồng lên nhau thông qua đấu vuông thót đáy. Con rường cuối cùng đỡ thượng lương qua đấu vuông thót đáy. Vì nóc hai vì áp tường hồi, các thanh rường được chạm nổi họa tiết văn thực vật. Kê giữa đấu hình thuyền và con rường mang tư cách như một đấu kê được chạm nổi băng hoa văn hình cánh sen và lá đề, đấu kê được làm cách điệu chạm nổi hình hoa với nhiều cánh đều nhau. Vì nách: Ăn mộng qua bốn hàng chân từ cột cái sang cột quân là một xà ngang được bào trơn đóng bén, trên xà ngang phần vì nách là một kẻ ngồi một đầu ăn mộng vào cột cái đỡ quá giang, một đầu ăn mộng vào xà nách, phía trên kẻ là ván dong có khoét các ổ đỡ hoành. Từ cột quân là một bẩy ngắn ăn mộng vào cột quân, một đầu vươn đỡ tàu mái, bẩy hậu phía dưới gối tường hậu. Bẩy đỡ tàu mái trang trí họa tiết văn thực vật. Liên kết giữa các bộ vì là hệ thống xà đai chạy dọc khắp các gian.

Các di vật có khung niên đại tạo tác chủ yếu vào thế kỷ XX, một số di vật tiêu biểu: Bức y môn – nghệ thuật thời Hậu Lê - thế kỷ XVIII, hương án, sập (hiện đặt tại quán Lại Yên) mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn – thế kỷ XIX. Bức y môn hiện treo tại gian giữa Đại bái với kỹ thuật nổi, chạm thủng, chạm bong kênh các họa tiết hình rồng, đề tài “Lưỡng long chầu nguyệt”, “Long mã” là di vật quý có giá trị nghiên cứu về kỹ thuật và mỹ thuật thời Hậu Lê.

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Lại Yên, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1991/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website