Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Long Đức, tỉnh Trà Vinh

Đình Long Đức (còn tên gọi là Thành Hoàng Miếu) thờ chính thần Thành Hoàng Bổn Cảnh và phối thờ Trần Trung Tiên. Đình Long Đức tọa lạc ở số 08 đường Phạm Hồng Thái, khóm 3, phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Qua nghiên cứu đặc điểm lịch sử xã hội, việc hình thành làng xã của vùng đất Trà Vinh và tư liệu lưu lại tại đình cho biết đình Long Đức được xây dựng vào khoảng thập niên 20 - 30 thế kỷ XIX.

Theo lời truyền kể của các vị cao niên, đình Long Đức ban đầu xây dựng đơn sơ bằng cây lá. Trải qua thời gian ngôi đình được sửa chữa nhiều lần, đến ngày 22 tháng 3 năm Kỷ Mão (1939), Ban Hương chức lúc này do ông Võ Quốc Xuân làm Tổng sự, Phạm Hòa Hưng làm Chủ sự, Bùi Quan Mẫn làm Phó chủ sự, Phan Tuấn Đức làm Tham sự, Phan Tấn Phúc làm Quản sự,… tiến hành xây dựng lại ngôi đình. Từ đó đến nay ngôi đình vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, chỉ sơn lại (năm 1980), sửa chữa mái ngói và lát lại nền nhà võ ca (năm 2008), sơn và sửa chữa mái đồng thời lát lại nền chánh tẩm (năm 2019).

Đình Long Đức được xây dựng trong khuôn viên rộng 2.054.8m2, mặt quay về hướng Bắc, với hai công trình kiến trúc hiện hữu là võ ca và chánh tẩm. Ngôi đình có kiến trúc kiểu nhà "sắp đọi" với hai ngôi nhà trước và sau song song nhau. Đây là loại kiến trúc cổ truyền phổ biến của người Việt ở Nam Bộ cùng với kiến trúc “chữ đinh”.

Võ ca: chức năng chính trước đây là phục vụ cho việc ca hát (hát bội) và tiếp khách trong mỗi dịp lễ hội.

Chánh tẩm: nối liền với võ ca, là nơi giành cho việc thờ tự các vị thần và thực hiện các nghi thức cúng bái trong các dịp lễ. Chánh tẩm được ngăn cách bởi các khánh thờ để chia ra làm hai phần tiền tẩm và hậu tẩm. Phần hậu tẩm thờ các vị Tiền Vãng. Ngoài ra, trước đây hai bên ngôi đình còn có hai dãy nhà tả vu, hữu vu (Đông lang, Tây lang).

Đình Long Đức là bằng chứng vật chất phản ánh một giai đoạn lịch sử xã hội của vùng đất Nam Bộ nói chung, Trà Vinh nói riêng - là giai đoạn mà vùng đất này tiếp nhận những cư dân đến đây sinh cơ, lập nghiệp, là bằng chứng vật chất phản ánh sự giao thoa văn hóa của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư trên đất Trà Vinh. Đình Long Đức là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu và là nơi lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc, hội họa truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc. Đình còn là nơi trao truyền, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể. Thông qua các đối tượng thờ tự và lễ hội, cho ta biết được đặc điểm về tín ngưỡng nói riêng và văn hóa của người Việt nói chung ở vùng đất này. Đặc biệt, lễ hội Kỳ Yên, đình này hàng năm có nhiều bà con trong vùng về đây tham dự, giao lưu cộng cảm, trao truyền đạo lý giữa con người với con người, giữa cá thể với cộng đồng, đây là phong tục tốt đẹp.

Trong suốt chặng đường lịch sử mở đất của cư dân Nam Bộ, đình là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng của dân làng. Bởi ở họ nó vừa là cội nguồn tổ tiên, vừa là nơi biểu lộ lòng tri ân các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp. Điều này không chỉ giúp người Nam Bộ duy trì tính cần cù sáng tạo, chịu thương chịu khó trong lao động sản xuất, tạo dựng cuộc sống ấm no, mà còn giúp phát huy truyền thống anh hùng, nhân nghĩa, thủy chung, góp phần vào công cuộc chống ngoại xâm của dân tộc. Đình cũng là nơi tập họp bà con trong vùng, tạo mối đoàn kết gắn bó giữa các thành viên cùng nhau xây dựng làng xóm quê hương ngày thêm giàu đẹp.

Hiện tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật như sắc phong, hoành phi, tủ thờ, chiêng, trống…

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Long Đức, tỉnh Trà Vinh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1989/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website