Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Thạnh Hòa, thành phố Cần Thơ

Theo lời kế truyền miệng và các tài liệu còn lưu lại tại di tích, đình Thạnh Hòa được dân làng dựng vào khoảng giữa thế kỷ XIX - khi thôn Thạnh Hòa Trung được thành lập, bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương như gỗ, tre, lá… tại vị trí cách đình Thạnh Hòa ngày nay khoảng 1km về hướng Nam. Năm 1902, để làm chợ Thốt Nốt, các hương chức, hội tề họp bàn bạc và quyết định dời Đình về vị trí hiện nay - nơi gần ngã ba sông lớn, có cảnh quan đẹp, thuận tiện cho bà con đến chiêm bái và tổ chức hội hè. Ngày 29/11/1852, vua Tự Đức phê sắc phong Thần Bổn Cảnh Thành Hoàng cho thôn Thạnh Hòa Trung. Trước năm 1975 sắc phong (thường gọi sắc Thần) được rước về thờ tại Đình trong 2 kỳ lễ hội chính: Lễ Thượng điền và Lễ Hạ điền. Từ năm 1975 đến nay, sắc phong được lưu giữ tại đình Thạnh Hòa. Giống như nhiều ngôi đình làng ở Nam bộ nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng, ngoài vị Thần được thờ chính là “Bổn Cảnh Thành Hoàng”, tại đình Thạnh Hòa còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công với quê hương, đất nước.

Hình thành từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Đình được xây dựng trên diện tích 1.424,3m2, mặt chính quay về hướng Đông, bao bọc khuôn viên đình là hàng rào bê tông sơn màu vàng. Khối kiến trúc chính của Đình, gồm 4 phần: Võ ca, Võ qui, Chính điện và Hậu điện, bố cục liền kề theo hình chữ Nhất (), kiểu “3 gian, 2 chái”, vách tường sơn màu vàng; nền lót gạch men trắng, được xây dựng trên diện tích 432,25 m2.

Võ ca: với 12 cột thân tròn chia 4 hàng, bằng gỗ căm xe, nâng đỡ hệ thống vì kèo bát dần bằng gỗ thao lao. Các cột đều sơn màu đỏ, riêng 2 cột trước sân khấu thân vẽ hình rồng uốn quanh.

Võ qui: các gian được phân bổ kích thước rộng hơn Võ ca, với 16 cột thân tròn chia thành 4 hàng, sơn màu đỏ; hệ thống vì kèo kiểu bát dần bằng gỗ thao lao; khoảng cách giữa các tầng mái gắn những lam gió hình vuông liền kề nhau.

Chính điện - kiến trúc trung tâm và là không gian trang trọng nhất của ngôi đình. Chính điện có khung sườn bằng gỗ căm xe với 4 hàng cột thân tròn (mỗi hàng 3 cột) sơn màu đỏ, nâng đỡ hệ thống vì kèo bát dần bằng gỗ thao lao.

Hậu điện: bài trí bàn thờ Cửu huyền trăm họ. Hai gian bên của Hậu điện được xây tường thành 2 phòng nhỏ, có cửa ra vào, làm kho chứa vật dụng phục vụ các kỳ lễ hội tại đình. Trên các bàn thờ trong đình, Ban Quản trị còn bài trí nhiều di vật, cổ vật có niên đại trên 100 năm tuổi như: 03 bộ lư và chân đèn bằng đồng thau, các cặp quy đội hạc, chuông (bằng đồng thau), trống (gỗ)…

Nhà thờ Tiên sư: xây vào năm 1902, diện tích 139,08 m2, làm nơi thờ Tiên sư và tiếp đãi khách trong các dịp lễ hội.

Đình Thạnh Hòa có hệ thống mái ngói khá đặc sắc: Võ ca, Võ qui và Chính điện lợp ngói âm dương, Nhà thờ Tiên sư lợp ngói móc. Các gờ bó mái được ốp bằng đất nung hình lá, màu vàng sậm, không phủ men. Võ ca, Võ qui và Nhà thờ Tiên sư có hai tầng mái, riêng Chính điện gồm 3 tầng mái. Chính độ cao thấp của các tầng mái đã tạo nên sự thanh thoát cho mái đình, tránh được sự nặng nề của cả hệ thống mái; đồng thời tôn được vị trí quan trọng và trung tâm của Chính điện. Trên đỉnh nóc, đầu hồi, đầu đao Võ ca, Võ qui, Chính điện và Nhà thờ Tiên sư được trang trí quần thể tiểu tượng sinh động trong hình các tòa nhà, tượng lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật, kỳ lân, cá hóa long, ông Nhật, bà Nguyệt… Đa số các tượng đều thuộc dòng gốm Nam bộ, men màu, có niên đại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Mảng tường ngăn cách giữa các tầng mái không vẽ hoa lá, chim muông, các sự tích và thơ chữ Hán như ở một số ngôi đình Nam bộ khác, thay vào đó là những lam gió hình vuông liền kề với nhau thành một dãy, nhằm để lấy ánh sáng và không khí thoáng mát cho nội thất của ngôi đình.

Đình Thạnh Hòa là một trong những ngôi đình mang đậm nét kiến trúc truyền thống dân tộc còn được lưu giữ khá nguyên vẹn ở thành phố Cần Thơ. Kiến trúc và trang trí của Đình còn thể hiện sự giao lưu văn hóa Việt – Hoa trong quá trình cộng cư, qua câu chữ Hán Nôm trên cổng trước Võ ca, quần thể tiểu tượng trang trí trên bờ nóc… bởi Thốt Nốt là địa phương có khá đông người Hoa cư trú so với các quận, huyện khác của thành phố Cần Thơ. Đình Thạnh Hòa hiện nay còn lưu giữ được một số di vật, cổ vật có giá trị trên dưới 100 năm tuổi như: Sắc phong của vua Tự Đức năm 1852, 03 đỉnh đồng, 04 cặp quy - hạc, 02 bộ binh khí, bình gốm men xanh, nhiều hoành phi, liễn đối, trống, chuông, mõ …

Với giá trị tiêu biểu trên, đình Thạnh Hòa, phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 3234/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website