Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Thọ Nham Hạ, tỉnh Hưng Yên

Theo Thần tích, Thần sắc của huyện Kim Động và những tư liệu tại địa phương, đình Thọ Nham Hạ thờ Thánh Tam Giang hay còn gọi là Tam Giang Đại Vương. Ông sinh ra trong một gia đình có 5 anh em vào đời vua tiền Lý Nam đế, từng theo Triệu Quang Phục đánh giặc Lương. Đình được khởi dựng từ rất sớm. Ban đầu, ngôi đình có quy mô nhỏ, làm bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá đơn giản. Trải qua thời gian, đình được trùng tu, tôn tạo nhiều lần dưới thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Dấu ấn kiến trúc hiện tại của ngôi đình là từ lần trùng tu lớn dưới thời Nguyễn niên hiệu Bảo Đại thứ 15 (1940) với quy mô kiến trúc bề thế, gồm nhiều hạng mục công trình: Đại bái, Hậu cung, nghi môn, giếng đình, giải vũ, nhà bia,...

Nghi môn đình Thọ Nham Hạ gồm ba cổng: Cổng giữa xây dạng cột trụ biểu rộng và cao hơn hẳn so với hai cổng phụ. Đỉnh cột trụ chính đắp “tứ phượng tụ vĩ” (4 con chim phượng chụm đuôi vào nhau). Phần ô lồng đèn trang trí tứ linh (long, lân, quy, phượng), hổ phù ngậm chữ Thọ. Thân trụ xây vuông, đắp gờ, kẻ nổi và đắp câu đối chữ Hán. Hai cổng phụ làm kiểu chồng diêm hai tầng tám mái, đường bờ nóc đắp con kìm ngậm đầu bờ nóc, chính giữa là hình tượng mặt trời với các đao lửa. Mái trên và dưới đắp giả ngói ống, các đầu đao trang trí hoa văn mềm mại. Phần cổ diêm đắp nổi chữ Hán. Thân cổng phụ xây vuông, đắp gờ, kẻ nổi và đắp câu đối chữ Hán.

Qua khoảng sân rộng là đến khu thờ chính có kết cấu kiểu chữ Đinh () gồm 05 gian 02 chái Đại bái và 03 gian Hậu cung, mặt tiền hướng Tây Nam, các cấu kiện kiến trúc được làm bằng gỗ mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn.

Đại bái làm kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp bằng ngói ta. Bờ nóc là một đường xây bằng gạch, phủ vữa áo tạo những đường gờ chạy song song. Trung tâm bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nhật, rồng uốn ba khúc khỏe mạnh, đầu vươn cao. Kết thúc đường bờ nóc là hai đấu vuông thót đáy và hai con kìm dạng đầu rồng há miệng ngậm bờ nóc, đuôi là một vân xoắn có dạng dấu hỏi “?” ngược lớn chạy từ đầu vươn ra phía sau, toàn thân chầu về phía trung tâm bờ nóc. Bờ dải được xây vuông góc với đường bờ nóc theo kiểu giật cấp để nguyên không trang trí. Cuối bờ dải là hai bức tường lửng và hai cột trụ biểu. Cột đồng trụ cao 7m, đỉnh cột đắp long cuốn ổ cách điệu quả dành dành, 4 chân quỳ, 4 góc đắp 4 phượng. Phần ô lồng đèn đắp nổi tứ linh (long, lân, quy, phượng). Thân cột xây vuông, đắp gờ, kẻ nổi và thể hiện 3 đôi câu đối chữ Hán.

Ngăn cách giữa Đại bái và hiên là ba luồng cửa. Cửa đình được làm theo lối cửa bức bàn. Mỗi cửa gồm bốn cánh dựng song song với nhau trên bậu cửa nối hai cột quân lại tạo ra sự kết nối liên hoàn, chắc chắn giữa các thành tố bộ phận trong tổng thể kiến trúc ngôi đình. Các cánh cửa đều có trụ xoay, cài then, chốt gióng. Đỡ cửa bức bàn là ngưỡng để hệ thống cửa không tiếp xúc với đất gây ẩm mốc, hư hỏng, trang trí hoa văn triện tàu lá mái. Phần trên khuôn cửa để hàng chấn song con tiện và các khoảng ô sa chạm trang trí tứ linh, tứ quý.

Nền Đại bái lát gạch vuông. Bộ khung chịu lực toà này được định vị vững chắc bởi hệ thống cột cái, cột quân, xà, vì,... Hệ thống cột đứng song hàng thành từng cặp (gồm 12 cột cái và 12 cột quân). Các cột trong vì đều có kết cấu “thượng thu hạ thách”, được kê lên chân tảng. Các bộ vì tòa Đại bái được làm theo kiểu “vì chồng rường”. Các con rường được tạo tác nổi khối, to khỏe tạo sự vững chắc, trang trí hoa văn lá lật mềm mại, kê trên các đấu vuông trang trí chữ Thọ. Vì nách làm kiểu cốn mê, trang trí tứ linh (long, lân, quy, phượng), tứ quý (tùng, trúc, cúc, mai) rất sinh động. Dưới quá giang là hai đầu dư được trang trí thành hai đầu rồng với các đao mác lượn sóng, râu tóc dài bay ra phía sau và cá hóa long. Bộ phận này có tác dụng chịu lực và trang trí làm giảm bớt đi sự thô cứng cho các bộ vì.

Phần trang trí tập trung nhất của Đại bái là gian trung tâm, nơi đặt ban thờ Công đồng. Phía trên ban thờ treo bức Đại từ đề ba chữ Hán: “Tịnh lưỡng nghi (Hợp Âm - Dương) và bức cửa võng sơn son thếp vàng, trang trí các đề tài lưỡng long chầu nhật, tứ linh, tứ quý, hổ phù ngậm chữ Thọ,... Phía dưới cửa võng đặt nhang án bằng gỗ được sơn thếp. Ba mặt nhang án chia thành nhiều ô hộc, chạm khắc các đề tài như: tứ linh, tứ quý, hoa dây, lá đề,… Trên ban thờ bài trí nhiều đồ thờ tự: bát hương, chân nến, lọ hoa,… Hai bên nhang án đặt bộ bát bửu, đôi hạc đồng và treo hai đôi câu đối bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi công đức của vị thần được thờ trong đình.

Hai gian sát hai gian hồi tòa Đại bái đặt ban thờ vọng cụ Lê Đức Vọng và tả hữu thần quan. Cụ Lê Đức Vọng quê quán thôn Phù Lưu (Từ Sơn, Bắc Ninh), đỗ khoa thi năm Tân Mão, làm quan tể tướng quận công triều vua Lê Huy Tông (1679). Cụ được triều đình cử đi sứ Trung Quốc 3 lần và cũng là một vị quan thanh liêm có công lớn giúp dân, dạy dân Thọ Nham Hạ khai hoang phục hóa và mang cây trầu không từ làng Phù Lưu (Bắc Ninh) về Thọ Nham Hạ cho dân trồng. Cây trầu không đã đem lại thu nhập cao, làm giàu cho nhân dân Thọ Nham trong một thời gian dài. Trên ban thờ bài trí ngai, bát hương sứ, lọ hoa, chân nến,…

Hậu cung đình gồm 03 gian, được chia thành hai phần, ngăn cách bằng hệ thống cửa gồm: Hậu cung ngoài 01 gian và cung cấm 02 gian. Cũng giống như tòa Đại bái, các bộ vì Hậu cung được làm theo kiểu “vì chồng rường”. Toàn bộ phần mái Hậu cung được đặt trực tiếp lên hệ thống cột, tường bao xung quanh và được lợp ngói ta.

Hậu cung ngoài thông phong với tòa Đại bái. Tại đây đặt một sập thờ làm bằng chất liệu gỗ quý chạm trang trí hoa văn cách điệu tứ linh, tứ quý, hổ phù ngậm chữ Thọ,… Đế làm kiểu chân quỳ dạ cá, bao lơn chạm lân quỳ. Trên sập bài trí khay đài, giá văn. Sau sập thờ là bộ chấp kích bằng đồng, cán gỗ,… Cây giá chấp kích thiết kế kiểu nhài quạt, chạm khắc cầu kỳ bởi các hoa văn chiện rút, hai chân chạm cách điệu đôi lân quỳ, mang giá trị nghệ thuật cao.

Trung tâm Cung cấm là nơi đặt ban thờ Tam Giang Đại vương. Trên ban thờ đặt một cỗ khám lớn được sơn thếp, trong khám là ngai và bài vị của Thành hoàng làng, cùng nhiều đồ thờ khác như đỉnh đồng, khay đài,… Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ một bát hương sứ men xanh ngọc, nổi rõ các vân mây, 5 ô hoa văn long hóa giữa chữ Thọ, có niên đại thời Lê Cảnh Hưng.

Bên phải ban thờ Tam Giang Đại vương đặt ban thờ Quế Hoa Công chúa. Tượng bà Quế Hoa được đặt trong khám thờ chạm trang trí kiểu khám trúc, lèo kép, lồng khung kính. Tượng làm bằng đồng, cao 61cm, dày vai 32cm, dày hông 43cm. Tượng được tạc trong tư thế ngồi trên bệ sơn son thiếp vàng hình bát giác, dáng thư thái như bà chúa trong triều, gương mặt đẹp; cổ kiêu 3 ngấn, tai đeo nụ vàng, đầu đội mũ vương miện, cổ đeo dây chuyền 4 vòng, mình mặc áo gấm, trên áo trang trí chạm đúc nổi các đồng tiền vàng giữa chữ Thọ. Tay trái để úp vào đùi, tay phải để trên đùi nghiêng vào lòng. Ngoài ra, trên ban thờ còn bài trí nhiều đồ thờ có giá trị như: đỉnh đồng, chân nến đồng, bát hương sứ,…

Nhìn chung, kết cấu kiến trúc của đình Thọ Nham Hạ còn khá đồng bộ, vững chắc, mang đậm nét kiến trúc thời Nguyễn Hiện nay, đình Thọ Nham Hạ còn lưu giữ được một số hiện vật, đồ thờ được chạm khắc đẹp, có giá trị về mặt lịch sử và mỹ thuật có niên đại thời Hậu Lê và Nguyễn như: bát hương sứ men ngọc, 04 bức đại tự, 03 đôi câu đối, 03 bức châm, 04 sắc phong (1 Thành Thái, 3 Khải Định), 02 khám thờ, 01 đỉnh đồng, tượng Quế Hoa công chúa,… Tất cả đã tạo nên không gian văn hóa tâm linh đặc trưng của một làng quê vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân bản địa, cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách gần xa trong chuyến hành hương của mình.

Đình Thọ Nham Hạ còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước: là nơi họp bàn của quân dân địa phương, làm nơi quan sát pháo binh …

Với những giá trị tiêu biểu trên, đình Thọ Nham Hạ, xã Thọ Vinh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên  được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 78/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004./.

 

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website