Ngày 24 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Đình Xâm Bồ, thành phố Hải Phòng

Theo truyền miệng ở địa phương, đình Xâm Bồ được khởi dựng tại nơi có dấu vết vòng thành - địa điểm đồn trú của quân Ngô Quyền khi đánh giặc ở cửa sông Bạch Đằng năm 938. Đình được xây theo lối kiến trúc cổ người Việt: không có móng chịu lực, toàn bộ phần khung gỗ được cất lên bởi sự liên kết các khung gỗ nối qua các mộng thắt hình mang cá. Đình có bố cục hình chữ Đinh gồm 5 gian tiền đường và 3 gian cung chuôi vồ. Công trình kiến trúc này có trên 40 cây cột lớn, nhỏ, đặt trên các đấu chân tảng, bằng đá xanh, hình vuông, liền thân cổ bồng. Trước sân đình xây ngũ môn gồm cổng giữa kiểu tam quan và 2 cổng bên tường hồi đối nhau kiểu nhất môn hai tầng, tám mái. Mái đình lợp ngói ta hai lớp “mái đao tàu thực”, bờ nóc đắp những linh vật thiêng theo thể đăng đối, rồng chầu mặt trời, kìm ngâm bờ nóc mái và nghê chầu.

Tòa Bái đường (Tiền Đình) là kiến trúc trọng yếu nhất của đình Xâm Bồ. Khung gỗ được làm bằng gỗ lim nguyên cây lớn, chắc chắn. Bái đường được chia làm 5 gian, 6 bộ vì gỗ cùng 2 bộ vì gỗ hồi chái đình. Mỗi vì gồm 4 hàng chân cột, 2 cột cái (đường kính 450cm) và 2 cột quân (đường kính 350cm - 380cm). Đình có hệ thống cửa gỗ kiểu “bức bàn cảnh bướm”. Hai gian trung tâm của tòa Bái đường có cấu trúc tương tự nhau kiểu “Chồng rường cốn mê”. Các thanh rường được kề lên nhau tạo thành hình chữ nhị. Câu đầu là một thanh gỗ lớn, nối hai đầu cột cái trong một bộ vì, được bào soi hình vỏ măng, dưới bụng tạo ô chữ nhật, trong lòng khắc chìm chữ Hán. Đầu dư trạm khắc tỉ mỉ, chau chuốt, thân rồng được phủ một lớp vây hình dao mác lớn (TK XVII - XVIII). Từ thân cột cái nhô ra kết cấu ba thanh kẻ nách làm nhiệm vụ đỡ các thanh hoành. Nối các cột cái với các cột quân là một xà nách lớn, bào hình vỏ măng. Bảy hiên khớp với bụng dưới của xà nách tạo thành ghé bảy, đầu bảy đỡ tàu tạo của mái đua. Bốn vì gỗ bên cũng có kết cấu tương tự như vì trung tâm. Các mảng cốn cũng được trang trí bằng nhiều đề tài quen thuộc như rồng, mây, tứ linh, hổ phù. Thanh xà nóc có nhiệm vụ đỡ đầu hoành mái chính và các đầu hoành của mái hồi.

Hậu cung là gian chuôi vồ phía sau Bái đường. Kết cấu 3 vòng nóc mái không đồng nhất. Vì gỗ thứ nhất và bộ vì thứ 3 có kết cấu kiểu “kẻ chồng giá chiêng” còn bộ vì thứ hai có kết cấu kiểu cốn mê. trên thanh và nóc hậu cung còn khắc niên đại tu tạo năm Duy Tân thứ 4 (1910).

Hiện nay, ngoài bộ sưu tập sắc phong mang niên đại Lê Trung Hưng thế kỷ XVIII, thì số di vật còn lại chủ yếu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX - XX như: tượng Ngô Quyền, quan hầu, kiệu bát cống, bát biểu, chấp kích, long đình, bia đá...

Với những giá trị trên, đình Xâm Bồ, phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 73/2005/QĐ-BVHTT ngày 16/11/2005./.

                                             Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website