Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hang Chùa, tỉnh Thái Nguyên

Danh lam thắng cảnh Hang chùa thuộc xóm Vân Khánh, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Từ trung tâm thành phố Thái Nguyên đi theo quốc lộ 1B đến km7 rẽ trái khoảng 10km về hướng Bắc là đến di tích.

Hang Chùa là hang đá tự nhiên, nằm cao hơn chân núi khoảng 200m, đường lên hang không dễ, có dây leo chẳng chịt. Đứng ở cửa hàng nhìn về hướng Bắc là dòng sông Cầu. Cửa hang hình vòm, cao khoảng 4m, rộng 7m - 9m quay hướng Bắc – Đông Bắc. Trần hang không quá cao, nhiều nhũ đá phủ. Hang có diện tích lớn, nền hang hiện nay không còn nguyên vẹn, bị xáo trộn nhiều do hoạt động của con người. Cửa hang dạng hàm ếch, ngay cửa có hòn đá to giống như con Voi phủ phục. Hang được chia thành 3 ngăn, được nhân dân ví như một ngôi chùa thiên tạo trong hang. Đây là một trong những hang động lớn của tỉnh Thái Nguyên có nhiều nhũ đá đẹp sánh ngang với hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà, hang Sa Khao, động Linh Sơn (những danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng quốc gia).

Ngăn 1 rộng và sâu, đáy là dòng suối ngầm chảy trong han,g hun hút dài vô tận, đi vài ngày mới hết, thông sang tận đất thuộc huyện Phú Lương. Trong hang có chỗ bằng phẳng trông như được trải một lớp đá cuội, có nhiều chỗ mang dấu vết sinh sống của người xưa, tận dụng vật tự nhiên làm thành giếng nước, chỗ ngồi,... có nhiều ngách hoang sơ. Vòm hang là cả một khối nhũ đá khổng lồ chạy dài như bức màn vây rủ xuống lòng hang đẹp đến sửng sốt.

Ngăn 2 đi sâu từ ngoài vào trong khoảng 200m bắt gặp nhiều cây nhũ đá khổng lồ, tạo ra các cảnh vật phong phú như: một cổng Tam quan trước khi vào chùa, hay kết hợp với các loại cây Cọ, cây Dừa... có cây cao trên 15m, chu vi thân từ 2m – 3m. Nhân dân địa phương ví đây là các cây cổ thụ trước một “ngôi chùa trong Hang”, có nhiều cây đứng song song thành cặp; ngoài ra, còn có nhiều khối đá giống như bàn thờ, bát hương, hình ghế ngồi và vô số hình thù khác nhau tùy theo tưởng tượng.

Ngăn 3 là tầng cao nhất từ dưới nhìn lên, cao và rộng, phải dùng đèn chiếu sáng mới có thể quan sát kỹ được không gian cảnh vật trong hang. Nhân dân ví cả hang là một ngôi chùa thì đây là các bàn thờ Phật. Trên vách hang cao có tượng Vọng phu, Đường Tăng đi lấy Kinh, Phật Quan Âm Bồ Tát, Đức Phật Thích Ca, hình voi chầu, hổ phục, rồng bay, kỳ lân múa... Đặc biệt, có loại giống như Buồng Tiên nữ, hay hình tượng của Lin Ga và Yoni - sinh thực khí tượng trưng...

Mỗi ngăn hang Chùa rộng rãi có thể chứa đến ngàn người, chiều dài ước khoảng gần 1km, chiều rộng nhất 100m, trong hang nhiệt độ ấm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Chính trong lòng hang có dòng suối ngầm nên về ngày mưa muốn lên hang sẽ khó khăn, bởi đường vào trở thành con suối ngầm chảy thông ra sông Cầu cách đó khoảng chưa đầy 1000m.

Hang Chùa là một trong những di tích có dấu hiệu về Khảo cổ học, là nơi cư trú lâu đời của con người thời Tiền sử. Những dấu vết của người xưa được tìm thấy trong khu vực ngách phải cách cửa hang 30m - 40m, khá dốc và tối. Bộ sưu tập đã phát hiện trong hang gồm 76 hiện vật đá và 1 mảnh gốm kim khí ( 01 công cụ chặt rìu ngang, 01 công cụ hình bầu dục, 05 công cụ mảnh, 10 mảnh tước, 32 đá nguyên liệu và 27 đá có vết ghè). Xét về loại hình chế tác, những hiện vật này gần gữi với bộ sưu tập Văn hóa Hòa Bình – Bắc Sơn thuộc giai đoạn sơ kỳ đá mới và là nơi cư ngụ của cư dân thời đại kim khí.

Cách Hang Chùa 1km về phía Tây, còn có thắng cảnh Thác Tiên là một cảnh đẹp của địa phương, nước trong mát, có dòng nước đổ từ trên cao xuống bọt tung trắng xóa như dải lụa bạc thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch. Nằm bao quanh Hang Chùa còn có một số điểm tham quan như Bản Tèn - nơi đồng bào dân tộc Mông còn bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nơi thực nghiệm dự án trồng cây hoa Tam giác mạch, kết hợp thành tuyến tham quan du lịch: từ đền Hích, làng Nhà sàn Tân Đô (xã Hòa Bình) qua Hang Chùa, suối Tiên và vùng hoa tam giác mạch Bản Tèn (xã Văn Lăng) đến Khu di chỉ khảo cổ học Thần Sa (huyện Võ Nhai).

Hang chùa có tổng diện tích 2 khu vực là 35.046,0m2. Khu vực I thuộc thửa số 104 tờ Bản đồ địa chính số 1 xã văn Lăng, diện tích: 23.273,0m2; Khu vực II thuộc thửa số 104 tờ Bản đồ địa chính số 1 xã văn Lăng, diện tích: 11.773,0m2.

Với những giá trị trên, Hang Chùa, xã Văn Lăng, huyện  Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 3082/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

 

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website