Ngày 20 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Hang động Thẳm Khến, tỉnh Điện Biên

Hang động Thẳm Khến (gọi theo tiếng của dân tộc Thái: Thẳm là hang động, Khến là một lại rau có vị đắng và ngọt, mọc ở cửa hang, nghĩa là hang động có nhiều cây rau Khến) thuộc bản Na, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, nằm ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, gồm 2 hang động:Hang động Thẳm Khến (gọi theo tiếng của dân tộc Thái: Thẳm là hang động, Khến là một lại rau có vị đắng và ngọt, mọc ở cửa hang, nghĩa là hang động có nhiều cây rau Khến) thuộc bản Na, xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, nằm ở độ cao khoảng 800m so với mực nước biển, gồm 2 hang động:

Hang động thứ nhất nằm ở vị trí lưng chừng đồi, cửa quay về hướng Đông, có chiều sâu 160m, được chia làm 03 khoang chính.

Khoang thứ nhất:

Qua cửa hang động nhỏ chiều rộng 0,6m, chiều cao khoảng 0,8m, chiều sâu khoảng 8m - 10m. Khoang thứ nhất có chiều sâu khoảng 30m - 35m, nơi rộng nhất 15m - 20m, nơi hẹp nhất 0,8m - 1m; Vòm hang hình vòng cung, nơi rộng nhất 10m - 12m, nơi hẹp nhất 0,8m - 1m; hang động ăn sâu xuống lòng đất khoảng 5m so với cửa hang, bằng phẳng dần vào trong, nền hang là đất đá, cùng các phiến đá, măng đá, cột đá đường kính từ 1m - 2m, cao khoảng 4m - 5m. Càng vào sâu bên trong, hang động có nhiều thạch nhũ tạo nên là hình các con vật như: voi, rồng, phượng, rùa, các loại chim….

Khoang thứ hai:

Có chiều sâu khoảng 70 - 75m (gấp đôi so với khoang thứ nhất), nơi rộng nhất 10m - 15m, nơi hẹp nhất 1m - 1,5m, vòm hang hình vòng cung nơi cao nhất 10m -15m, nơi thấp nhất 5m - 7m, có nhiều mảng nhũ đá lớn màu vàng, xám đan xen, sắc nhọn đâm thẳng xuống, nước ở các đầu nhũ nhỏ liên tục khiến cho cả khoang trở nên mát lạnh. Nền hang động hình thành lên các cột đá, măng đá như những cây thông, cây si cổ thụ khổng lồ cao từ 10m - 12m, với những bộ rễ dài đâm xuống nền, một số thì như những thác nước đang tuôn chảy tung bọt trắng xóa khắp khoang, các nhũ đá ở đây đều như những tác phẩm điêu khắc nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho hang động nơi đây.

Khoang thứ ba:

Có chiều sâu khoảng 40m - 45m (là khoang cuối cùng), nơi rộng nhất 15m - 20m, nơi hẹp nhất 1m - 1,5m; vòm khoang thứ ba bằng phẳng hơn so với hai khoang trước, nhẵn nhụi và ít nhũ đá hơn, nơi cao nhất 8m - 10m, nơi thấp nhất 3m - 5m; vách và nền hang động là những dải nhũ màu vàng hình thù kỳ lạ, nổi bật hơn cả là trụ đá to mọc giữa trung tâm khoang, xung quanh là những phiến đá nối tiếp nhau từ cao xuống thấp. Đặc biệt, cuối khoang có  một ô thoáng rộng 2m - 3m từ trên đỉnh núi chiếu thẳng xuống nền của khoang thứ ba, được người dân nơi đây ví là "giếng trời", làm cảnh vật nơi đây thêm phần lung linh, huyền ảo.

Hang động thứ hai có vị trí cao hơn cửa hang thứ nhất khoảng 20m - 30m, nằm cách hang động thứ nhất khoảng 60m về hướng Đông - Bắc, cửa rộng khoảng 25m - 30m, cao khoảng 8m - 10m, chiều sâu khoảng 280m, chia làm hai khoang. 

Khoang thứ nhất:

Có chiều sâu khoảng 160m, gồm một khoang chính và 02 ngách nhỏ:

Khoang chính có chiều sâu khoảng 55m, có nhiều tảng đá lớn, ghồ ghề. Từ khoang chính hang động hình thành lên hai ngách nhỏ.

Ngách thứ nhất nằm bên trái của khoang chính, có chiều sâu khoảng 65m, nơi rộng nhất của ngách 10m - 15m, nơi hẹp nhất 2,5m - 3m; trần động nơi cao nhất 10m - 15m, nơi thấp nhất 2m - 3m, các khối nhũ đá mang hình thù những dải lụa trải dài và rủ xuống nền hang động.

Ngách thứ hai cách ngách thứ nhất khoảng 12m về bên trái, có chiều sâu khoảng 40m, nơi rộng nhất khoảng 10m - 15m, nơi hẹp nhất 8m - 10m; trần động nơi cao nhất 10m - 15m, nơi thấp nhất 1,5m - 2m, các nhũ đá ở đây có hình thù sông suối, ao hồ, ruộng bậc thang; hai bên vách hang động là những gườm đá dài, khi gõ vào phát ra những âm thanh khác nhau.

Khoang thứ hai:

Là khoang cuối cùng có chiều sâu khoảng 120m, nơi rộng nhất khoảng 30m - 35m, nơi hẹp nhất 3m - 5m; vòm cao nhất khoảng 10m - 15m, thấp nhất khoảng 1m - 2m. Trần và hai bên vách nhũ đá như những móng vuốt sắc nhọn với những hình tượng sống động của thiên nhiên. Nền động là những phiến đá lớn trải dài, một số như được xếp trồng lên nhau thành tầng tầng, lớp lớp, một số lại mọc nối tiếp nhau đường kính 2m - 3m, cao từ 4m - 5m.

Hang động Thẳm Khến nằm trên dãy núi đá vôi, với 02 kiểu hệ sinh thái: núi đá vôi và hang động. Nơi đây có thể trở thành địa điểm nghiên cứu khoa học, công tác bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch và kinh tế xã hội của địa phương.

Danh thắng có khoanh vùng bảo vệ với tổng diện tích 116.610,8m2. Trong đó, khu vực bảo vệ I có diện tích 52.778,1m2, khu vực bảo vệ II có diện tích 63.832,7m2..

Với những giá trị trên, Hang động Thẳm Khến, xã Mường Đun, huyện  Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 3086/QĐ-BVHTTDL ngày 27/10/2020./.

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website