Ngày 19 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Mộ và đền thờ Đào Toàn Bân, tỉnh Bắc Giang

Tiến sĩ Đào Toàn Bân (1308 - 1386) (có sách chép là Đào Toàn Mân, Đào Toàn Phú, Lê Toàn Mân…), xuất thân trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại làng Song Khê, xã Song Khê, huyện Yên Dũng xưa. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn. Năm 1324, khi ông 16 tuổi, ông đi thi Hương và đỗ đầu. Sau khi thi đỗ ông từ chối làm quan, về mở trường dạy học ở quê nhà, học trò nhiều nơi tìm đến xin theo học. Năm Nhâm Thìn (1352) niên hiệu Thiệu Phong thứ 12, đời vua Trần Dụ Tông, lúc này Đào Toàn Bân đã 44 tuổi, ông tham dự kỳ thi Thái học sinh và đỗ Đệ nhị giáp, còn gọi là Hoàng giáp (là danh hiệu của học vị Tiến sĩ Nho học trong hệ thống khoa bảng thời Phong kiến). Sau khi đỗ, ông được bổ nhiệm làm quan ở Phủ Thiên Trường (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định ngày nay). Khi làm quan, ông được nhà vua hết sức trọng dụng, sủng ái và tin tưởng cho phép ông xây dựng hành dinh kế cận cung Thiên Trường. Lúc này, ông đã đưa một phần gia đình xuống đây và vận động nhân dân trong vùng khai khẩn, mở mang vùng đất, đặc biệt trong quá trình khai ấp lập làng, ông đã lấy tên ấp là ấp Song Khê để ghi nhớ về cội nguồn của mình (nay là Tổ dân phố Song Khê, thị trấn Cổ Lễ).

Cùng với việc mở mang vùng đất, với hơn 30 năm làm quan trong triều đình nhà Trần, ông đã từng giữ nhiều chức vụ quan trọng như: Lễ Bộ thượng thư (Lễ Bộ trông coi việc tổ chức và kiểm soát vấn đề thi Nho học khoa cử), Tham tri thẩm hình viện sự (cơ quan trông coi về luật pháp đầu đời Trần, cùng với Đăng Văn Viện). Trong cuốn sách “Nam Định địa dư chí mục lục” của Đốc học trấn Nam Định, Nguyễn Ôn Ngọc viết rõ về nội dung này: “Đào Toàn Phú, người xã Song Khê, huyện Yên Dũng, Bắc Ninh nhân đi học rồi làm nhà ở tại xã Cổ Lễ, đậu hương cống khoa Giáp Tý đời Trần. Đến khi thi Đình đậu Hương giáp làm quan đến Lễ Bộ thượng thư, Tham tri thẩm hình viện sự”. Năm Giáp Dần niên hiệu Long Khánh thứ 2 (1374), triều đình mở khoa thi Đình, các học trò của ông dự thi và ba ngôi đầu đều do học trò của ông chiếm lĩnh, trong đó con trai ông là Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên. Sự kiện này đã được sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép lại như sau: “Giáp Dần, năm thứ 2 (1374) (Minh Hồng Vũ Thứ 7). Mùa xuân tháng 2, Thượng hoàng về cung Trùng Hoa, phủ Thiên Trường. Thi Đình cho các Tiến sĩ. Đào Sư Tích đỗ Trạng Nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ Bảng nhãn, Trần Đình Thâm đỗ Thám hoa, cho bọn La Tu đỗ Hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Đều được ban yến và áo xấp, cho quan chức theo các thứ bậc khác nhau”. Năm Bính Dần (1386), ở tuổi 76 nhưng nhà giáo Đào Toàn Bân vẫn say mê với công việc dạy học. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu cũng năm đó ông đã qua đời, thi hài ông được đưa về quê an táng tại khu đồng Mối (nhân dân vẫn gọi là Bãi Trạng), nay thuộc địa bàn thôn Lịm Xuyên, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân làng Song Khê và dòng họ Đào đã xây mộ và lập đền thờ ông tại quê hương. Tại vùng Cổ Lễ (Nam Định) nơi ông có công khai khẩn đất đai cũng tôn thờ ông làm Thành Hoàng làng và lập đền thờ, khắc bia đá ghi lại. Trạng nguyên Đào Sư Tích (1350-1396): Là con trai của Đào Toàn Bân cũng được phối thờ cùng với cha.

Mộ Tiến sĩ Đào Toàn Bân: tọa lạc giữa cánh đồng thôn Lịm Xuyên (người dân thường gọi là Bãi Trạng), xã Song Khê, cách đền thờ khoảng 02km về phía Tây. Phía trước mộ là ngọn núi Nham Biền hùng vĩ, xung quanh là cánh đồng lúa. Toàn bộ khu mộ được xây bằng chất liệu đá xanh, bao quanh trong hệ thống tường xây gạch phủ vữa quét vôi trắng, diện tích 241.4m2, gồm các hạng mục: cổng, bình phong, mộ. Phần mộ có kết cấu hình vuông, bao quanh bằng đá xanh, cao hơn mặt sân khoảng 0,8m; 04 góc là 04 cột đồng trụ, trên đỉnh đắp hình nghê chầu. Bên trong mộ, bài trí khám thờ có khắc chữ “Đào Toàn Bân, Tiến sĩ Tri Thẩm Hình viện sự đời nhà Trần”.

Đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân và Trạng nguyên Đào Sư Tích: tọa lạc tại trung tâm làng Song Khê, ngoảnh nhìn hướng Bắc, với diện tích 372.2m2; gồm các hạng mục: nghi môn, bình phong, sân, Tiền tế, Hậu cung.

Đây là công trình tín ngưỡng gắn với hai danh nhân khoa bảng nổi tiếng đã có nhiều cống hiến cho sự phát triển thịnh trị trong lịch sử triều nhà Trần (XIII - XIV): Tiến sĩ Đào Toàn Bân và Trạng nguyên Đào Sư Tích. Trải qua hơn 700 năm với nhiều thay đổi trong lịch sử dân tộc, tên tuổi và công trạng của hai cha con họ Đào đối với quốc gia Đại Việt được ghi chép khá nhiều trong thư tịch cổ. Ngoài ra, tên tuổi của hai cha con Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích còn được khắc trên bia đá tại Văn miếu Bắc Ninh (các hiện vật bia đá này đã được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2019) như: Bia thứ nhất và bia phụ chép (bia thứ 11 bên trái) ở Văn miếu Bắc Ninh và bia “Nhị Đào công từ bi” soạn khắc niên hiệu Tự Đức thứ 9 - năm 1856 (chùa Cổ Lễ, thành phố Nam Định), bia thứ 2 tại Văn miếu Vĩnh Phúc. Đây là công trình văn hóa tín ngưỡng bảo lưu nhiều giá trị văn hóa vật thể, với nguồn gốc khởi dựng từ lâu đời, trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX) và các giai đoạn sau này.

Đền thờ có kết cấu kiến trúc cổ theo lối truyền thống. Riêng Mộ Tiến sĩ Đào Toàn Bân vẫn được bảo vệ và gìn giữ nguyên vẹn vị trí an táng ban đầu (năm 1386). Qua nhiều thế hệ, mộ và đền thờ đã trở thành di tích nho học tiêu biểu không những của tỉnh Bắc Giang mà trong cả nước. Hiện nay, di tích còn bảo lưu được nhiều tư liệu qúy có giá trị khoa học liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của hai cha con Đào Toàn Bân và Đào Sư Tích như: Gia phả dòng họ Đào (soạn năm 1892), ngai thờ, bài vị, ống hương, cây đèn, bộ đài thờ, bia đá… có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về di tích cũng lịch sử triều triều Trần (thế kỷ XIII - XIV). Đây là một trong những di tích khoa bảng tiêu biểu trong cả nước, lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể quý giá. Nghiên cứu về di tích Mộ và Đền thờ tiến sĩ Đào Toàn Bân chúng ta không chỉ hiểu thêm về thân thế sự nghiệp của các nhà khoa bảng nổi danh trong lịch sử, mà còn cung cấp thêm thông tin về chính trị - xã hội đương thời và những nét văn hóa đặc sắc riêng của vùng đất khoa bảng tiêu biểu trong cả nước. Đặc biệt, di tích đã trở thành nơi giáo dục về văn hóa truyền thống khoa bảng, tạo sức lan tỏa, khơi dậy tinh thần hiếu học cho các thế hệ mai sau.

Hàng năm, tại đây diễn ra nhiều sự lệ, trọng tâm là ngày giỗ của Tiến Sĩ Đào Toàn Bân (ngày 10 tháng Mười Âm lịch) và ngày giỗ của Trạng nguyên Đào Sư Tích (ngày 04 tháng Chín Âm lịch) với các nghi lễ, thể hiện sự gắn kết chặt chẽ giữa cộng đồng, gia tộc dòng họ Đào trong việc gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Với những giá trị nêu trên, Mộ và đền thờ Tiến sĩ Đào Toàn Bân, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 1901/QĐ-BVHTTDL ngày 18/6/2021./.

 

                                        Khánh Chi 

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website