Ngày 25 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Thác Luồng, tỉnh Hà Giang

Thác Luồng dịch theo tiếng Tày địa phương “Tát là Thác, Luồng là Rồng, Tát Luồng nghĩa là Thác Rồng”. Thác nằm ở dãy núi Pù Bo và Pù Luồng (theo tiếng Tày địa phương: Pù là Núi, Bo là Mỏ, có nghĩa là thác nằm ở núi Mỏ) và núi Rồng thuộc thôn Bản Bó, xã Nà Chì, huyện Xín Mần. Núi Mỏ và núi Rồng là 02 dãy núi bao quanh quần thể thác Luồng với quần thể sinh thái đa dạng, phong phú, hệ thống rừng tự nhiên nguyên sinh, hoang sơ ít bị sự tác động bởi bàn tay con người, có nhiều loại động vật, thực vật quý hiếm.

Thác Luồng có chiều dài trên 500m, rộng gần 10m, với  03 tầng thác:

Tầng thác thứ nhất nằm dưới chân tầng thác hai, là thác thấp nhất, có độ cao 326m so với mực nước biển và có tọa độ: N = 22032,385'; E = 104026,721'. Từ chân thác đến đỉnh thác có vực nước cao khoảng 12m và rộng khoảng 8m. Vào mùa mưa lưu lượng nước nhiều hơn mùa Đông, nước chảy từ chân tầng thác 02 rồi đến tầng thác 01 đổ xuống vực sâu, nước va đập vào những khối đá lớn tung bọt trắng xóa tạo thành khung cảnh sương mù bao trùm một không gian rộng gần 1.000m2. Dưới chân tầng thác có vực nước trong xanh rộng khoảng 100m2 tạo thành các bãi tắm tự nhiên.

Tầng thác thứ hai trên đỉnh tầng thác thứ nhất, có độ cao 345m so với mực nước biển và có tọa độ: N = 22032,368'; E = 104026,712'. Đây là tầng thác đẹp và có vực nước sâu nhất của Thác Bo. Thác cao hơn 05m, rộng 04m nên lưu lượng nước gọn tạo thành dòng nước lớn chảy mạnh, dưới chân thác 02 có đầm nước rộng hơn 200m2 và sâu 10m. Ở đầm nước này là nơi sinh sống của nhiều loài các quý hiếm như: dầm xanh, các vược, các sứt mũi... Ngoài ra, ở ngay cạnh chân tầng thác 02 có một nguồn nước nóng (nước khoáng) chảy ra quanh năm. Theo quan niệm của cộng đồng người Tày cho rằng, nguồn nước nóng này là của đôi Rồng trắng (thần Rồng) tuôn ra từ trong núi, nếu ai bị đau bụng uống nước này vào là khỏi, bị ngứa hay bệnh vảy nến đến tắm hoặc mang về cho vào bồn ngâm người trong đó vài lần là khỏi hẳn. Vì vậy, tên thác còn được gọi gắn với nguồn nước là Tát Bo (thác mỏ).

Tầng thác thứ ba trên cùng, cách đỉnh tầng thác thứ hai khoảng 200m, có độ cao 437m so với mực nước biển và có tọa độ: N = 22032,322'; E = 104026,701'. Đây là tầng thác đầu tiên nên vực nước thấp hơn so với tầng thác 01 và thác 02. Thác cao 04m, rộng 07m, dưới chân thác có đầm nước trong xanh rộng gần 100m2, hai bên dòng thác là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi và các cây dây leo vẫn đang sinh tồn.

Ngoài ra, bên trái Thác Luồng cũng có một con thác với chiều dài trên 01km với 11 tầng thác lớn nhỏ, chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam.

Thác Luồng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, giá trị thẩm mĩ cao như ngày nay đã phải trải qua hàng vạn năm do kiến tạo, đứt gãy của vỏ trái đất, các dòng nước chảy trên nền núi đá và đất Feranit, len lỏi qua kẽ đá tạo thành các vực nước cao và đầm nước sâu. Vẻ đẹp được tạo nên bởi dòng nước uốn lượn, luồn qua những phiến đá lớn và đất Feranit phát triển trên nền đá phiến sét rồi từ trên cao đổ xuống tung bọt trắng xóa. Nhìn từ xa các dòng thác nước như một dải lụa mềm mại nằm vắt ngang núi rừng đại ngàn. Trên đỉnh và dưới chân thác có các vực nước rộng, mỗi vực nước mang một vẻ đẹp riêng, tĩnh lặng và thanh bình, khác với vẻ ồn ào, mạnh mẽ của dòng thác. Phía dưới vực nước là những loài cây dây leo mọc quấn lên cây cổ thụ và những tảng đá lớn cũng tô điểm thêm cho vẻ đẹp cảnh quan của Thác Luồng. Thác có nhiều tiềm năng trở thành điểm du lịch hấp dẫn, giúp cho địa phương phát triển nhiều loại hình kinh kế du lịch như: du lịch thăm quan, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch xanh và du lịch nghỉ dưỡng...

Với giá trị tiêu biểu trên, thác Luồng, tỉnh Hà Giang đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Danh lam thắng cảnh quốc gia theo Quyết định số 1978/QĐ-BVHTTDL ngày 29/6/2021./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website