Ngày 26 tháng 4 năm 2024
Liên kết website

Tháp Tường Long, thành phố Hải Phòng

Tháp Tường Long được xây dựng từ thời Lý, mang những nét riêng về sự phân bố trong nền cảnh quan của kiến trúc Phật giáo Việt Nam xuất hiện ở thế kỷ XI - XII. Các chùa tháp này ngoài chức năng tôn giáo còn là một hành cung, nơi nghỉ ngơi của các vua chúa, quan đại thần trong những chuyến tuần du mọi miền đất nước.

Năm 1978, di tích tháp Tường Long lần đầu tiên được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật nhằm nghiên cứu một cách toàn diện ngọn tháp này. Kết quả cuộc khai quật, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một nền móng tháp xây theo kiểu giật 3 cấp, móng có hình vuông, lòng rỗng; cấp dưới cùng là cạnh rộng nhất 7,96m, cấp giữa dài 7,36m, cấp trên cùng có cạnh dài 6,92m. Ngoài ra, nhiều di vật cũng được phát hiện như gạch xây tháp, bệ tượng A di đà bằng đá xanh, chân tảng hoa sen và các con giống đất nung mang hình dáng của các vật thiêng như rồng, phượng, chim thần Kinnara.. .Sau đó, hiện trường khai quật được lấp lại, cho đến năm 1990, những người dân nơi đây đã xây một ngôi chùa trên nền móng tháp cổ Tường Long.

Năm 1998, khai quật lần 2, hiện trường khai quật lần 2 được giữ nguyên và bảo vệ bởi một lớp prô ximăng, xung quanh có cột gỗ và hàng rào B40 bảo vệ, nhằm mục đích phục vụ tham quan du lịch. Theo báo cáo khai, các nhà khảo cổ học đã phát hiện thấy nền móng thứ 2, ngoài nền móng cũ do cuộc khai quật lần 1 tìm thấy. Một nhận định mới được đưa ra: đây có thể là một quần thể tháp chứ không phải là một tháp đơn lẻ. Nhận định này được đưa ra là có cơ sở vì nền móng khai quật năm 1978 đã có một ngôi chùa được xây dựng ngay trên đó, còn nền móng thứ hai nằm ở phía sau ngôi chùa. Về kích thước của nền móng trong hai cuộc khai quật thì không khác nhau lắm, chỉ thấy có kiểu giật 2 cấp. Trong cuộc khai quật lần này, hiện vật thu được cũng không nhiều và chủng loại cũng không được phong phú hơn lần một.

Như vậy, qua hai cuộc khai quật, kết quả cho thấy đã phát hiện được hai nền móng cơ bản giống nhau, chỉ khác về kích thước. Xét về góc độ khảo cổ học, việc phát hiện nền móng của tháp đã khẳng định nơi đây tháp Tường Long đã được xây dựng và tồn tại rồi đổ nát theo thời gian, những di vật phát hiện được biết đến như một trung tâm lớn của thế kỷ XI - XII (thời Lý).

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, tháp Tường Long luôn được các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực quan tâm, nghiên cứu nhằm xác định vai trò, chức năng và giá trị di tích trong tiến trình lịch sử. Trước hết, một giá trị cơ bản được khẳng định là tháp Tường Long được xây dựng và tồn tại ở thời nhà Lý với tư cách là một đại danh lam kiêm hành cung của các nhà vua. Ở góc độ Phật giáo, tháp Tường Long được xây dựng cho thấy sự hội nhập và truyền bá tôn giáo này đã trải qua một quá trình dài và phát triển đến đỉnh cao. Về kiến trúc nghệ thuật, xuất phát từ hệ tư tưởng có ảnh hưởng trực tiếp của đạo Phật đã làm sản sinh ra ngọn tháp nhiều tầng như một chiếc cột linh quang rực rỡ chiếu rọi đạo pháp cho mọi người lúc đương thời.

Với những giá trị tiêu biểu trên, phế tích tháp Tường Long, phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích khảo cổ học quốc gia theo Quyết định số 65/2005/QĐ-BVHTTDL ngày 16/11/2005./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website