Bảo tàng tỉnh Hải Dương kỷ niệm 30 xây dựng và phát triển (1988 - 2018)
Sáng 09/6/2018, tại số 11 đường Hồng Quang, thành phố Hải Dương, Bảo tàng tỉnh Hải Dương tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập (1988 - 2018), với sự tham dự của đại diện một số cơ quan trung ương, lãnh đạo tỉnh Hải Dương, các cơ quan ban ngành của tỉnh, cùng nguyên lãnh đạo và cán bộ của bảo tàng qua các thời kỳ…
Ngày 15/6/1988, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Hưng đã ký Quyết định số 13/TC về việc đổi tên Phòng Bảo tồn Bảo tàng thành Bảo tàng tỉnh Hải Hưng, trực thuộc Sở Văn hóa - Thông tin. Theo đó, đây là ngày thành lập chung của hai bảo tàng Hưng Yên và Hải Dương. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển từ nền móng ban đầu được tạo dựng ngay sau thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65/SL ngày 23/11/1945 về bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, Bảo tàng tỉnh Hải Dương luôn nỗ lực trong công tác chuyên môn, xứng đáng là thiết chế văn hóa đặc biệt, nơi gìn giữ, tuyên truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của văn hiến xứ Đông, với những thành quả đáng ghi nhận:
Một góc của Trưng bày gốm tại Bảo tàng Hải Dương. Ảnh: Khắc Đoài
- Công tác sưu tầm, bảo quản: sưu tầm, lưu giữ, bảo quản gần 50.000 đơn vị tài liệu, hiện vật, trong đó có 34 bộ sưu tập tài liệu hiện vật, tiêu biểu như: sưu tập đồ đồng Đông Sơn, tài liệu Hán Nôm, gốm Chu Đậu, gốm Cù Lao Chàm…
- Công tác trưng bày chuyên đề: tổ chức trên 60 cuộc trưng bày phục vụ các sự kiện quan trọng của đất nước và của tỉnh Hải Dương, trong đó có 30 trưng bày chuyên đề phối hợp với các bảo tàng, ban quản lý di tích, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
- Công tác bảo tồn di tích: phối hợp với các đơn vị trong tỉnh kiểm kê, đăng ký với tổng số 1.545 di tích; Lập hồ sơ khoa học đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng 366 di tích, trong đó có 4 di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia, 220 di tích cấp tỉnh; phối hợp tổ chức trên 50 cuộc khai quật khảo cổ.
- Công tác nghiên cứu lịch sử địa phương: cập nhật, ghi chép, biên soạn, trên 2.000 sự kiện lịch sử tiêu biểu của Tỉnh ở nhiều lĩnh vực, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học…
Ngoài ra, Bảo tàng còn đưa nội dung trải nghiệm quy trình làm gốm cổ truyền trên bàn xoay, giúp các em học sinh có những hoạt động bổ ích, thiết thực khi đến tham quan bảo tàng
Là một điểm sáng trong hệ thống bảo tàng Việt Nam, Bảo tàng Hải Dương đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước. Đó chính là nguồn động viên, khích lệ công chức, viên chức và người lao động của bảo tàng nỗ lực hơn nữa trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh của địa phương, đất nước và thực hiện mục tiêu phát triển du lịch./.