Ngày 2 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Bia “Đại bi Diên Minh tự bi”, Hưng Yên

Bia “Đại bi Diên Minh tự bi”, hiện lưu giữ tại Ủy ban Nhân dân xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá xanh nguyên khối

- Niên đại: Thời Trần, năm Đinh Mão, niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327).

          - Giá trị:

          Bia được tạo tác thời Trần niên hiệu Khai Thái thứ 4 (1327), triều vua Trần Minh Tông. Tấm bia là hiện vật gốc độc bản đã tồn tại từ lâu đời tại chùa, được các nghệ nhân dân gian tạo tác hoàn toàn bằng kỹ thuật điêu khắc đá thủ công truyền thống hết sức công phu, tỷ mỷ và độc đáo. Kỹ thuật thủ công đó được thể hiện rõ trên toàn bộ thể thức của một bia đá cổ thời Trần. Hơn nữa, tấm bia là một kiệt tác điêu khắc đá thời Trần, minh chứng cho sự phát triển huy hoàng của chùa Đại Bi trong một khoảng thời gian lịch sử. Nội dung văn bia ghi chép về cảnh đẹp nơi di tích tọa lạc, việc trùng tu, những người công đức vào chùa và tấm lòng hướng Phật của một vị dòng dõi quý tộc Sa môn Trí Hành.

Tấm bia là một chứng tích về sự phát triển huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, phản ánh tư tưởng và giá trị thẩm mỹ của triều đại quân chủ Phật giáo thân dân, lấy tư tưởng Phật giáo mà cốt lõi là triết lý từ bi, hỷ xả, hòa quang đồng trần làm động lực thúc đẩy việc xây dựng con người và xã hội. Hơn nữa, tấm ra đời vào năm 1327 là thời kỳ Phật giáo Trúc Lâm phát triển toàn thịnh và được sự bảo hộ mạnh mẽ của triều đình nhà Trần. Quãng thời gian này, Phật giáo Trúc Lâm phát triển từ Yên Tử lan ra cả nước, sư tăng cả nước thuộc quyền cai quản của Đệ Nhị Tổ Pháp Loa ở chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Chùa Đại Bi Diên Minh ra đời trong khoảng thời gian này là một minh chứng rất rõ cho sự phát triển mạnh mẽ đó của Thiền phái Trúc Lâm.

Về mặt giá trị nghệ thuật, đây là một tấm bia thuộc dòng bia Phật giáo thời Lý và thời Trần với hai mặt đều chạm khắc trang trí còn khá rõ ràng, đề tài và bố cục tương tự như nhau. Tất cả các đề tài trang trí trên tấm bia: rồng, hoa cúc, ngọc báu,… có niên đại rõ ràng (1324 - 1327) nên đều là các mẫu hoa văn chuẩn để xác định niên đại cho các loại hoa văn tương tự ở các di vật hoặc di tích khác không được ghi niên đại. Thêm nữa, nghệ thuật Trần là một dòng nghệ thuật có diễn biến mạnh và nhanh trong suốt hai thế kỷ XII - XIII. Vì vậy, những hoa văn trang trí và tấm bia có niên đại như thế này sẽ góp phần xác định đặc điểm của nghệ thuật Trần trong giai đoạn đầu thế kỷ XIV. Tấm bia là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hoàn hảo, góp phần phản ánh mỹ thuật và kỹ thuật điêu khắc đá thời Trần đạt đến đỉnh cao trong lịch sử mỹ thuật nước ta.

Tấm bia là di sản văn hoá vật thể độc đáo ghi khắc về chùa Đại Bi Diên Minh. Nội dung văn bia ghi lại tương đối đầy đủ quá trình tu bổ, tôn tạo chùa vào thời Trần. Việc cúng ruộng đất vào chùa cho thấy tinh thần sùng đạo Phật của nước ta vào thời Trần. Đồng thời, thể hiện sự ổn định xã hội và hưng thịnh của đất nước. Đất nước có ổn đinh, phát triển thì các tầng lớp trong xã hội mới có điều kiện cung tiến để xây dựng các công trình tôn giáo. Văn bia có nội dung về lịch sử và hành trạng của người cho tu bổ, tôn tạo chùa Đại Bi Diên Minh là Sa môn Trí Hành. Do vậy, văn bia cũng dành một phần nội dung nói về nhà sư này. Qua tấm bia ta có thể hiểu thêm một số chi tiết quanh nhân vật nhà sư Sa môn Trí Hành mà hiện không còn tư liệu nào ghi chép. Văn bia thuật lại việc trùng tu, tôn tạo chùa Đại Bi Diên Minh và những người đương thời cung tiến ruộng đất vào chùa, do đó cung cấp một nguồn tư liệu quý giá, là văn bản tài liệu gốc phục vụ cho công tác nghiên cứu nhiều phương diện./.

Thúy Hà

   (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website