Ngày 7 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

“Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng” được Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO (MOWCAP) ghi danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào ngày  26/11/2022, tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra ở Thành phố Andong (Hàn Quốc).

Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, Việt Nam, nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 8km về phía Đông Nam. Cụm núi Ngũ Hành Sơn trải dài trên phần diện tích khoảng gần 2 km2 với hệ thống hang động đá vôi Karst tuyệt đẹp.

Từ thế kỷ XVII - XIX, Ngũ Hành Sơn là một trung tâm Phật giáo xứ Đàng Trong của Việt Nam, với một hệ thống 20 chùa chiền, đền miếu, trong đó có nhiều danh lam cổ tự được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.

Cũng trong giai đoạn này, cùng với sự phát triển của kinh tế ngoại thương Đàng Trong, Ngũ Hành Sơn nằm bên cạnh sông Cổ Cò – con sông nối liền cửa Hàn đến cửa Đại Chiêm, nối liền con đường chính cho hoạt động thương mại từ Đà Nẵng đến thương cảng Hội An, đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của những thương nhân người Nhật, người Hoa, người Ả Rập...và sau đó là các thương nhân, nhà truyền giáo Tây Phương.

Từ năm 1802, khi triều Nguyễn xác lập Thừa Thiên Huế là kinh đô thì Đà Nẵng trở thành phên giậu quan trọng che chắn phía Nam để bảo vệ vương triều. Với vai trò quan trọng, Đà Nẵng được triều đình nhà Nguyễn quan tâm đặc biệt, các vua thường xuyên đi thị sát và thăm thú, trong đó có danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Đặc biệt là vua Minh Mạng đã 3 lần xa giá đến đây và có nhiều đóng góp xây dựng Ngũ Hành Sơn. Sử nhà Nguyễn cho biết: “Mùa hạ, tháng 5 Minh Mạng thứ 6, vua xa giá tam tuần. Ngày Mậu Tuất, thuyền ngự đến bến Hóa Khuê. Hạ lệnh xa giá lên Ngũ Hành, đến hai chùa Trang Nghiêm và Bảo Đài xem khắp hang động và các bia ký. Bảo thị thần rằng: “Núi này là danh thắng bậc nhất, các thánh triều ta khi rỗi công việc thường đến chơi đây”.  Lần thứ hai, vua Minh Mạng ngự giá Ngũ Hành Sơn vào mùa hạ tháng 4 năm Đinh Hợi (1827). Đúng 10 năm sau, năm 1837, trong lần ngự du cuối cùng, vua Minh Mạng đã ban Sắc đặt tên cụm núi này là Ngũ Hành Sơn. Đại Nam dư địa chí ước biên thời Nhà Nguyễn chép: “Năm Minh Mạng thứ mười tám (1837) có sắc chỉ, ban cho ngọn núi phía Đông Bắc (núi Tam Thai) là Thủy Sơn. Ba ngọn núi phía Tây Nam là núi Mộc Sơn, núi Dương Hỏa, núi Âm Hỏa. Hai ngọn phía Tây là Thổ Sơn, Kim Sơn, (cho) khắc tên núi lên đá” .

Tiếp sau vua Minh Mạng, các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Thành Thái sau này đều có những ưu ái đối với Ngũ Hành Sơn.

Đi cùng trong các chuyến xa giá, vãng cảnh Ngũ Hành Sơn với các vị vua triều Nguyễn là các hoàng thân, đại thần và danh nhân nổi tiếng. Họ đã để lại nhiều bài thơ, tán khắc lên vách đá bên trong các động.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như: ngự bút, bia ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng bao thế hệ tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến tận những thập niên 60 của thế kỷ XX. Đây là nguồn tư liệu quý được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang hệ giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học.

Bia ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là những dương bản duy nhất, có số lượng lớn, hiện còn tồn tại trên các trên vách đá. Đến nay chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới về hình thức cũng như nội dung của các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Tính xác thực còn thể hiện ở việc các tư liệu này do chính các vị vua triều Nguyễn ngự bút, danh thần sáng tác, với thân thế con người, niên hiệu cụ thể, được sử sách ghi chép lại

Mỗi bia ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao, hàm chứa những nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp tâm hồn tài hoa của thi nhân, kinh nghiệm, kỹ nghệ của nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.

Tại danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện còn 78 bia ma nhai (trong đó, có 76 bia chữ Hán và 02 bia chữ Nôm). Cụ thể như sau:

a) Bia ma nhai ở động Hoa Nghiêm, ngọn Thủy Sơn, núi Ngũ Hành Sơn

Tại động Hoa Nghiêm của danh thắng Ngũ Hành Sơn có 20 bia ma nhai, trong đó, có 15 ma nhai đọc được nội dung và 05 ma nhai bị mờ chữ.

Niên đại khắc bản cũng khá đa dạng, qua nhiều thời kỳ. Sớm nhất ở hang động này là ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật [普陀山靈中佛] (khắc bản năm 1640); muộn nhất là ma nhai Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng (Phật lịch 2518 - Ất Mùi 1955). Bên cạnh đó, có một số ma nhai không ghi niên hiệu, năm khắc bản.

Nội dung bia ma nhai trên động Hoa Nghiêm chủ yếu vẫn là thơ vịnh cảnh núi Ngũ Hành, có một số bia ma nhai ký danh, văn bia ghi nhớ ngày tháng phụng tạo tượng Quán Âm Bồ Tát, văn khắc Bài vị (Phước Quảng Sa môn 福廣沙門).

b) Bia ma nhai ở động Huyền Không, ngọn Thủy Sơn, núi Ngũ Hành Sơn

Theo thống kê, động Huyền Không hiện đang lưu giữ 30 ma nhai, tuy nhiên chỉ có 15 ma nhai còn đọc được, có 09 ma nhai quá mờ, không còn đọc được nội dung và 06 ma nhai bị bôi trát bởi xi măng và sơn.

Nội dung của hệ thống bia ma nhai ở động Huyền Không đa phần vẫn là thơ tả cảnh ngụ tình, bên cạnh đó, còn có 01 ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng “Huyền Không Động玄空洞 và một số văn bia đề danh, ghi lại kỷ niệm khi vãng cảnh núi Ngũ Hành.

c) Bia ma nhai ở động Tàng Chơn, ngọn Thủy Sơn, núi Ngũ Hành Sơn

Hiện có 20 bia ma nhai trên vách đá động Tàng Chơn. Trong đó, bia có niên đại sớm nhất tại động Tàng Chơn là Nam Bảo Đài hinh bi  南宝薹馨碑 - được tạo tác vào thời chúa Nguyễn, (trước thế kỷ thứ XVIII) (vì không còn dòng niên hiệu nên không thể xác định được cụ thể niên đại), muộn nhất là văn bia đề danh của Mai Viên Nguyễn Khoa Nghi (năm Bảo Đại thứ 13 - 1938). Bia ma nhai ở động Tàng Chơn chủ yếu có nội dung tả cảnh, đề thơ, đề danh, với nhiều thể thức, kiểu chữ đa dạng.

Về hiện trạng, có 15 ma nhai có chữ khắc rõ, còn đọc được nội dung; 01 ma nhai bị mờ, không đọc được nội dung và 04 ma nhai bị đục hết chữ hay bôi trát bởi xi măng và sơn. Tuy nhiên, rất may, nội dung của chúng đã được sao lục khá đầy đủ trong Ngũ Hành Sơn lục [五行山錄] - một tư liệu chữ Hán do tú tài Hồ Thăng Doanh biên soạn vào đầu triều Khải Định (1916).

d) Bia ma nhai ở động Vân Thông, ngọn Thủy Sơn, núi Ngũ Hành Sơn

Động Vân Thông có 02 bia ma nhai: Một là, ma nhai Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc 伍緼山古跡佛寂滅樂 của thiền sư Huệ Đạo Minh được khắc bản năm Tân Mùi (1631); Hai là, ma nhai Vân Thông Động 云通洞, ngự bút của vua Minh Mạng vào năm (1837) với kiểu chữ Chân rất đẹp.

Hiện nay, ma nhai Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc không còn nguyên vẹn do bị người đời sau khắc đề lên một số chữ quốc ngữ.

e) Bia ma nhai động Linh Nham, ngọn Thủy Sơn, núi Ngũ Hành Sơn

Động Linh Nham hiện có 03 bia ma nhai. Trong đó, ngoài bức Linh Nham Động靈巖洞 do vua Minh Mạng ngự chế vào năm 1837 vẫn còn rõ nội dung thì 02 văn bia còn lại đã bị mờ, không còn đọc được nội dung.

f) Các Bia ma nhai khác

Tại hang Vân Căn Nguyệt Quật 雲根月窟, động Thiên Phước Địa 洞天福地, hang Vân Nguyệt Cốc 雲月谷 vẫn còn lưu lại 03 bia ma nhai ngự bút của vua Minh Mạng ngự chế vào năm 1837, khắc ghi tên hang, động.

Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng là những tư liệu cực kỳ giá trị, chân xác và đặc sắc, thể hiện rõ tính giao thoa, hòa điệu về kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia như Nhật Bản - Trung Hoa - Việt Nam tại Việt Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website