Ngày 27 tháng 12 năm 2024
Liên kết website

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung hưng, Thành phố Hà Nội

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

Vị trí cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa)

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa), thời Lê Trung hưng, hiện lưu giữ tại Khu di tích Cổ Loa, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Đá

- Niên đại: Năm Nhâm Tý, niên hiệu Long Đức nguyên niên (1732)

- Giá trị:

Cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) niên đại 1732 là cặp rồng đá duy nhất trên cả nước gắn với di tích nổi tiếng, thờ Đức vua An Dương Vương - vị vua lập nên Nhà nước Âu Lạc, thế kỷ III trước Công nguyên. Đó là cặp rồng đá thuộc thành phần kiến trúc của đền thờ Đức vua, nằm trong khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa. Kích thước, cấu trúc và hoa văn trang trí của cặp rồng đá không lặp lại ở bất kỳ di tích nào ở Việt Nam có cùng chức năng và niên đại.

Hình thức độc đáo của cặp rồng đá thành bậc đền Thượng (Cổ Loa) thể hiện ở việc chạm khắc hoa văn rất đặc biệt, mang những nét điển hình của nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung Hưng đầu thế kỷ XVIII. Nghệ thuật trang trí này gắn với nghệ thuật điêu khắc đá, nghệ thuật trang trí đã tạo nên một tác phẩm đầy sức sống tại chính ngôi đền thờ phụng vua An Dương Vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chính vị trí đặc biệt đó mà đền Thượng cũng được coi là Quốc tự, là nơi có truyền thuyết về hoàng cung của vua An Dương Vương, đồng thời là trung tâm luyện kim, đúc đồng của kinh đô Âu Lạc, nơi lưu giữ bảo vật quốc gia - pho tượng Đức vua An Dương Vương - hiện thân của vị vua lập nước Âu Lạc buổi đầu dựng nước.

Trong mối quan hệ với tổng thể kiến trúc đền Thượng, thành bậc rồng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Theo truyền thuyết lịch sử và trong dân gian Cổ Loa nhiều đời nay, đền Thượng được xây dựng trên đỉnh của đầu rồng. Thế đất ở đền Thượng không biết từ bao giờ, đã mô phỏng theo hình dáng một đầu rồng khổng lồ. Đỉnh đầu rồng là Hậu cung, từ đó xuôi dần về miệng rồng. Tại sân rồng hạ có hai mắt rồng. Nếu theo truyền thuyết này thì thế đất hình "đầu rồng" được xây đắp cùng thời điểm với việc xây dựng những kiến trúc trong khu đền còn đến hôm nay. Đền Thượng là "Chính pháp điện", tương truyền là Hoàng cung của triều đình Âu Lạc. Sự tồn tại của đền Thượng có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, ngoài những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật còn là những giá trị văn hóa phi vật thể, khi đền Thượng là trung tâm của lễ hội Cổ Loa - lễ hội tôn vinh vị Thần chủ - Đức vua An Dương Vương.

Giá trị tư tưởng thể hiện ở tính biểu trưng của các hình tượng, họa tiết trên bộ thành bậc. Trong Văn hóa phương Đông, rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh, có ý nghĩa phong thủy quan trọng. Rồng là loài vật mang sức mạnh tạo ra tiết khí, sự cân bằng về năng lượng âm - dương, về đất - nước - khí - gió. Nét đặc biệt của cặp rồng đá đền Thượng (Cổ Loa) là có sự kết hợp với ba cây hương đá phía trước ("Thiên thạch trụ" - ba trụ chuyển nguồn sinh học của tầng trời xuống dưới đất). Xét theo quan niệm tâm linh và triết học, cây hương đá ngoài trời chính là sự kết nối giữa trời và đất hay cõi âm - cõi dương - là cột thông thiên giữa trời và đất, cao hơn, chính là ý nghĩa vô cùng nhân văn, cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu cho những điều tốt đẹp đến với đời sống con người. Do vậy cặp rồng đá đền Thượng là hình tượng biểu trưng cho năng lượng của trời đất, là hình ảnh thể hiện sự biểu trưng cho nhà vua và quyền lực của nhà vua - của vị Thần chủ - Đức vua An Dương Vương, là vật thiêng mang lại sinh khí cho chốn linh thiêng như ngôi đền thờ Đức vua./.

                                                             Thúy Hà

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website