Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích
CHỈ THỊ
Về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích
và các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích
Di tích là một bộ phận cấu thành quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam. Trong những năm qua, công tác quản lý di tích nói chung, cũng như hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích trên cả nước nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhiều di tích đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình và người sử dụng, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, công tác quản lý và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chưa được chặt chẽ, một số nơi để xảy ra hiện tượng tự ý tu bổ hoặc sơn thếp di tích không tuân theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và tu bổ di tích, đưa vào di tích đồ thờ tự không phù hợp với tính chất của di tích… làm ảnh hưởng đến việc gìn giữ yếu tố gốc và tính tâm linh của di tích.
Để tăng cường công tác quản lý di tích và nâng cao chất lượng các hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ thị:
1. Đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Tăng cường kiểm tra công tác quản lý di tích, gắn trách nhiệm của chính quyền, các đoàn thể ở huyện, xã trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích; hướng dẫn để những người hảo tâm cung tiến những đồ thờ phù hợp, không tiếp nhận các đồ thờ trái với tính chất của di tích. Tăng cường giám sát chuyên môn để nâng cao chất lượng các dự án tu bổ di tích.
b) Tiếp tục kiện toàn và nâng cao trách nhiệm bộ máy quản lý, trông nom trực tiếp tại di tích, không khoán trắng công tác bảo vệ di tích cho các cá nhân.
c) Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cấp, các ngành, các chủ đầu tư dự án thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa, Quy chế Bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích của Bộ Văn hóa-Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các quy định về đầu tư xây dựng cơ bản khi triển khai các dự án tu bổ di tích (bất kể các dự án được triển khai bằng nguồn vốn đầu tư nào). Tăng cường kiểm tra hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cũng như phát huy trách nhiệm giám sát của cộng đồng để kịp thời phát hiện, điều chỉnh các sai sót có thể xảy ra trong quá trình triển khai các dự án, tránh để xảy ra sai phạm rồi mới xử lý nhằm bảo vệ tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích trong quá trình bảo quản, tu bổ.
d) Hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng các quy trình, quy định, thủ tục triển khai các dự án tu bổ di tích. Phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền rộng rãi về giá trị của di tích, lý do bảo quản, tu bổ, phục dựng di tích và nội dung dự án tu bổ di tích trước khi triển khai để nhân dân được biết, tham gia, đóng góp ý kiến nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận của xã hội về việc thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Khi hoàn thành dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích cần có hình thức thích hợp để giới thiệu giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật của di tích; ngày khởi công, ngày hoàn thành; những tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính; đơn vị thi công.
đ) Xây dựng kế hoạch trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bố trí kinh phí tổ chức tập huấn về quản lý di tích, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích đến các đối tượng là cán bộ cấp huyện, xã có liên quan và người trực tiếp trông nom di tích.
e) Đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về di sản văn hóa trên địa bàn để rút kinh nghiệm; xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cấp tỉnh đến năm 2015 trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để thực hiện; xây dựng kế hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích cấp quốc gia đến năm 2015 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2) Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
a) Cục Di sản văn hóa có trách nhiệm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về di sản văn hóa; tăng cường kiểm tra công tác quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích và hoạt động tu bổ di tích trên cả nước; chỉ đạo, hướng dẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý di tích và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về lập, triển khai các dự án bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích để giúp địa phương nâng cao trình độ cán bộ thực hiện các dự án tu bổ di tích; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục về di sản văn hóa và hoạt động bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về giá trị di sản văn hóa, cũng như hiểu biết về việc bảo vệ, giữ gìn các yếu tố gốc cấu thành di tích.
b) Vụ Kế hoạch, Tài chính: Theo dõi chặt chẽ việc thực hiện các quy hoạch di tích; phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Vụ Pháp chế, Viện Bảo tồn di tích xây dựng cơ chế chính sách tài chính mang tính chuyên ngành liên quan đến lập dự án, thiết kế, giám sát thi công tu bổ di tích để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, để thực hiện thống nhất trên cả nước.
c) Thanh tra Bộ có trách nhiệm phối hợp với Cục Di sản văn hóa, Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ Pháp chế tăng cường tổ chức thanh tra công tác quản lý và tu bổ di tích, xây dựng cơ chế xử lý vi phạm đối với các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.
Đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm nghiêm túc thực hiện Chỉ thị này./.
BỘ TRƯỞNG
(Đã ký)
HOÀNG TUẤN ANH