Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Chùa Sở Thượng, Thành phố Hà Nội

Chùa Sở Thượng (tên chữ là Hưng Phúc tự), hiện nay thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, khối vật chất kiến trúc và tư liệu thành văn hiện còn trong di tích cho biết di tích thờ Linh Lang đại vương, tạo dựng từ khoảng thời Lê.

Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong một không gian rộng, gồm: tam quan, nhà bia, khu vườn tháp, chùa chính, hai dãy nhà tả hữu.

Tam quan xây theo kiểu cổng ngũ quan hai tầng, bố cục kiến trúc theo chiều dọc, cổng lớn xây hai tầng tạo bởi hệ thống các cột trụ biểu, tầng dưới trổ ba cửa lớn kiểu vòm cuốn, tầng trên xây bốn mái, chồng diêm, mái lợp ngói giả ống, chính giữa nóc mái đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, các đầu đao đều đắp hình rồng đuôi xoắn, phần cổ diềm phía trong đắp hình tứ linh, mặt ngoài đắp ba chữ Hán “Hưng Phúc tự”. Nối tiếp cổng chính, chạy dọc hai bên tường là hai cổng nhỏ. Qua Tam quan dẫn vào khu sân vườn, ở giữa sân vườn nối Tam quan và chùa chính xây 2 nhà vuông làm nhà bia và lầu Quan Âm, kiến trúc tương tự nhau kiểu nhà vuông 8 mái, lợp ngói ta, các đầu đao đắp hình rồng được tạo cong vút. Qua hai tòa nhà này là khu mộ tháp gồm 5 ngọn tháp xây kiểu thức tháp mộ truyền thống. Đây là những tháp mộ của các hòa thượng, tăng ni đã viên tịch.

Phía trong hai nhà vuông là khoảng sân rộng hai bên xây hai dãy nhà, mỗi toà 5 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc, kết cấu kiểu vì kèo quá giang, trang trí, chạm khắc không cầu kỳ chỉ bào trơn kẻ soi.

Chùa chính xây kiểu chữ đinh, gồm Tiền đường và Hậu cung. Phần mái hiên của nhà Tiền đường xây kiểu tam quan chồng diêm, bốn mái, lợp ngói ta loại ngói mũi cong như gợn sóng, giữa bờ nóc mái thượng đắp hình mặt nguyệt, các đao mác đắp nổi hình rồng cách điệu, phần cổ diềm chính giữa đắp bức cuốn thư, hai bên đắp nổi tranh tích Phật. Hai hồi nhà Tiền đường xây hai cột trụ kiểu trụ vuông, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng cách điệu.

Chính giữa bờ nóc tòa Tiền đường đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt, hai đốc mái đắp nổi hình rồng, sáu hàng chân cột xây hình chữ nhật. Các vì kèo đỡ mái làm kiểu vì trụ giá chiêng - hạ kẻ, mái phân thượng tam - hạ tam, trang trí đơn giản chỉ bào trơn đóng bén.

Nghệ thuật được thể hiện khá nổi bật bởi hệ thống di vật văn hóa. Đặc biệt là sự tồn tại của quả chuông đồng niên hiệu Cảnh thịnh đinh Tỵ hoàng triều vạn niên thứ 5 (1797). Sự hiện diện của chuông đồng thời vua Cảnh Thịnh mà dòng niên bại và bài Minh trên chuông còn được bảo toàn nguyên vẹn, thể hiện tấm lòng yêu quê hương, đất nước, trân trọng bảo vệ một triều đại chân chính oai hùng trong lịch sử đấu tranh giữ nước. Ngoài phương diện đó, chuông đồng còn là một tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo được tạo tác công phu, tinh xảo bởi những nét trang trí hoa văn, đồng thời là nguồn tư liệu quý với những tên người, tên đất, địa danh lịch sử phản ánh những cuộc biến thiên và tấm lòng mộ đạo tha thiết của người dân Sở Thượng, luôn trân trọng giữ gìn, bảo tồn nền văn hóa cổ truyền dân tộc. Nguồn tư liệu thành văn ghi trên thân chuông đã góp phần không nhỏ trong việc tìm hiểu nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của địa phương.

Bộ sưu tập tượng tròn của chùa tuy số lượng không nhiều nhưng những pho tượng của chùa đền đều được tạo tác công phu, tỉ mỉ, thể hiện tính chân dung và nghệ thuật thẩm mỹ của thế kỷ 18, 19, 20. các pho tượng được tạo tác vào những thời kỳ khác nhau với những chất liệu không đồng nhất, nhưng đây là những tiêu bản quý góp phần tìm hiểu nghệ thuật tại tượng, đúc tượng và sơn son thếp vàng trong lịch sử nghệ thuật đầu tộc. Nguồn tư liệu thành văn ghi trên hoành phi, câu đôi là những tài liệu góp phần nghiên cứu về thiên nhiên, tập tục lễ nghỉ của một cộng đồng dân cư.

Chùa đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin công nhận là di tích nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 95-1998-QĐ/BVHTT ngày 24/01/1998./.

Tuyết Chinh

(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website