Ngày 25 tháng 4 năm 2025
Liên kết website

Chùa Triều Dương, tỉnh Hưng Yên

Chùa Triều Dương nằm về phía Tây Nam của làng, xung quanh có các gò đống như đầu voi, đầu ngựa, hình tàn, quạt, lá cờ,… phía trước là giếng rồng tạo cho chùa có thế đất “diện tiền long tỉnh”.

Chùa Triều Dương thờ Phật và là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương. Theo tài liệu bia ký hiệu còn lưu giữ, chùa Triều Dương xây dựng vào thời Hậu Lê thế kỷ XVII, được trùng tu lớn thời vua Lê Ý Tông niên hiệu Vĩnh Hựu năm Đinh Tỵ (1737). Đến năm 1858, dưới thời vua Tự Đức, chùa được tu sửa lần thứ hai.

Toàn bộ chùa chính được xây dựng theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc gồm Tiền đường, Tam bảo, 2 dãy hành lang và 5 gian hậu phòng. Ngoài đền chính còn khu thờ Mẫu được kiến trúc theo kiểu chữ Tam.

Toà Tiền đường của chùa chính được xây dựng theo kiểu tường hồi bít đốc, gồm 5 gian, mái lợp ngói mũi hài, các bộ vì kiến trúc theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ bảy đơn giản, các cấu kiện gỗ chủ yếu được bào trơn, đóng bén. Các con rường và bảy hiên được chạm khắc hình hoa văn sóng nước, hoa lá cách điệu. Ngăn cách giữa Tiền đường và phần hiên là hệ thống cửa bức bàn. Cửa gian giữa gồm 6 cánh và các cửa còn lại ở hai bên đều 4 cánh.

Gian bên trái của gian chính là nơi đặt ban thờ Đức ông, hai bên là hai tượng hầu bằng gỗ. Gian bên phải kế tiếp là ban thờ Thánh Hiền, phía trước hai bên là tượng Tôn Ngộ Không và Bà La Sát. Hai gian ngoài cùng của Tiền đường đặt hai tượng Hộ Pháp lớn (Khuyến Thiện và Trừng ác) được làm bằng đất. Phía ngoài treo một quả chuông đồng 4 núm, có niên hiệu Tự Đức năm thứ 5 (1852) cao 86cm, đường kính 45cm.

Vuông góc phía sau toà Tiền đường là Tam Bảo, với kiến trúc 3 gian. Các đề tài được trang trí theo hình hổ phù, lá hoá long cùng nhiều hoa văn cách điệu khác. Phía dưới câu đầu của vì là hai đầu dư cụt được chạm hình nghê hí cầu. Hai bộ vì của toà Tam Bảo làm theo kiểu chồng giường giá chiêng, các con giường được trạm khắc hình sóng nước hoặc để trơn.

Nằm song song bên trái chùa chính là nhà Mẫu, được xây dựng năm 1929 theo kiểu chữ tam gồm 3 gian Tiền tế, 3 gian Trung từ và Hậu cung. Tiền tế và Trung từ được làm theo kiểu tường hồi bít đốc. Hậu cung là nơi thờ Thánh Mẫu, được xây 2 gian và làm giả hai tầng, được trang trí hổ phù, vân mây, hay hình cửa sổ giả.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của dân tộc, chùa còn là nơi họp bàn, tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, là địa điểm tập trung của lực lượng vũ trang địa phương, là pháo đài chống phá sự càn quét của kẻ thù xâm lược.

Hiện nay di tích còn giữ lại được nhiều hiện vật quý giá: tượng thờ, câu đối, đại tự, chân đèn, đài, bát hương, chum, chuông đồng, bia đá…

Với những giá trị trên, chùa Triều Dương, xã Hải Triều, huyện Tiên Lữ,  tỉnh Hưng Yên được Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 78/2004/QĐ-BVHTT ngày 23/8/2004./.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website