Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Công ước UNIDROIT về tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép

tham dự Hội nghị Ngoại giao với mục đích thông qua Công ước UNIDROIT về việc hoàn trả quốc tế những tài sản văn hóa bị đánh cắp hay xuất khẩu trái phép.

Ý  thức được tầm quan trọng cơ bản của việc bảo vệ di sản văn hóa và trao đổi văn hóa đối với việc tăng cường hiểu biết giữa các dân tộc và phổ biến văn hóa vì hạnh phúc nhân loại và tiến bộ của nền văn minh.

Lo lắng sâu sắc trước tình trạng buôn bán trái phép tài sản văn hóa và những hư hại không thể sửa chữa được thường từ đó xảy ra, không chỉ đối với bản thân tài sản mà còn đối với di sản văn hóa của quốc gia, của bộ tộc, người bản xứ hoặc của cộng đồng khác, và cũng đối với di sản của nhân loại. Đặc biệt là tình trạng đánh cắp tại các địa danh khảo cổ và kết quả là sự thất thóat thông tin không thể kiểm soát được về khảo cổ, lịch sử và khoa học.

Quyết tâm đóng góp một cách hiệu quả vào cuộc chiến chống lại nạn buôn bán trái phép các tài sản văn hóa bằng việc tiến hành những bước đi quan trọng nhằm xây dựng những quy định chung, tối thiểu về việc hoàn trả tài sản văn hóa giữa các Nước thành viên, với mục tiêu tăng cường bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa vì lợi ích chung.

Nhấn mạnh rằng Công ước này hướng tới việc tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn trả tài sản văn hóa và rằng điều khoản về sự bồi hoàn, chẳng hạn như đền bù cần thiết để hoàn trả có hiệu lực tại nước này không có nghĩa là những biện pháp bồi hoàn đó được chấp nhận tại  nước khác.

Khẳng định rằng việc chấp nhận các điều khoản của Công ước trong tương lai không liên quan đến việc công nhận tính hợp pháp của bất kỳ một hoạt động giao dịch trái phép nào diễn ra trước khi Công ước có hiệu lực.

Nhận thức rằng Công ước này bản thân nó không phải là một giải pháp cho vấn đề nảy sinh từ thương mại trái phép nhưng đó là sự khởi đầu cho một quá trình tăng cường hợp tác văn hóa quốc tế và duy trì vai trò đúng đắn của thương mại hợp pháp và các thoả thuận liên quốc gia về trao đổi văn hóa.

Nhận thức rằng việc thi hành Công ước cần gắn liền với những biện pháp hiệu quả khác để bảo vệ tài sản văn hóa, chẳng hạn như phát triển sử dụng thẻ đăng ký, bảo vệ địa điểm khảo cổ và hợp tác kỹ thuật.

Công nhận hoạt động của nhiều cơ quan nhằm bảo vệ tài sản văn hóa, đặc biệt là Công ước UNESCO 1970 về nạn kinh doanh trái phép và sự phát triển những quy định quản lý ở khu vực tư nhân.

 

Các Nước tham gia Công ước đã đồng ý như sau:

 

CHƯƠNG I - PHẠM VI ÁP DỤNG VÀ ĐỊNH NGHĨA

 

Điều 1

Công ước này áp dụng cho những yêu cầu có đặc điểm quốc tế sau:

Hoàn lại các tài sản văn hóa bị đánh cắp;

Trả lại tài sản văn hóa bị di dời khỏi lãnh thổ của một Nước thành viên, đi ngược lại với pháp luật quy định về xuất khẩu tài sản văn hóa vì mục đích bảo vệ di sản văn hóa tại nước đó (dưới đây gọi là “xuất khẩu trái phép tài sản văn hóa”).

Điều 2

Vì mục đích của Công ước này, tài sản văn hóa là những hiện vật mà theo khía cạnh tôn giáo và phi tôn giáo, có tầm quan trọng về khảo cổ học, tiền lịch sử, lịch sử, văn học, nghệ thuật hoặc khoa học và thuộc về một trong các mục liệt kê trong phụ lục của Công ước.

 

CHƯƠNG II - HOÀN LẠI TÀI SẢN VĂN HÓA BỊ ĐÁNH CẮP

 

Điều 3

            Chủ sở hữu một hiện vật văn hóa bị lấy cắp sẽ hoàn trả nó.

            Vì mục đích của Công ước này, hành vi giữ lại trái phép một hiện vật văn hóa được khai quật hợp pháp hay bất hợp pháp sẽ bị coi là đánh cắp, điều này phù hợp với luật pháp của nước tiến hành khai quật.

            Bất cứ yêu cầu nào đòi hoàn lại phải được trình trong vòng 3 năm kể từ khi người lập yêu cầu biết vị trí của tài sản văn hóa hoặc nhận diện được người sở hữu và trong mọi trường hợp không vượt quá 50 năm kể từ khi hiện vật bị lấy cắp.

            Tuy nhiên,  yêu cầu đòi hoàn lại một tài sản văn hóa vốn là vật cấu thành không thể thiếu của một công trình xác định hoặc một địa điểm khảo cổ hoặc một bộ sưu tập chung sẽ không phải tuân theo giới hạn thời gian này ngoài giới hạn trong vòng 3 năm kể từ khi người lập yêu sách biết vị trí và nhận diện người sở hữu.

            Không xét đến các điều khoản trên đây, bất cứ Nước thành viên nào của Công ước có thế tuyên bố một yêu cầu phải tuân theo giới hạn thời gian là 75 năm hoặc lâu hơn thế theo quy định của luật pháp nước đó. Khi yêu cầu được lập ra tại một nước yêu cầu hoàn lại một hiện vật văn hóa đã biến mất khỏi một công trình, một địa danh khảo cổ hoặc một bộ sưu tập chung được trình tại một Nước thành viên khác đưa ra tuyên bố này, yêu cầu đó cũng phải tuân theo giới hạn thời gian trong tuyên bố.

            Tuyên bố được đề cập tại mục  trên sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký, phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hay gia nhập.

            Vì mục đích của Công ước, một “bộ sưu tập chung” bao gồm một nhóm hiện vật văn hóa nằm trong kho hay được xác nhận thuộc sở hữu của:

            Một Nước thành viên;

            Một cơ quan khu vực hay địa phương của Nước thành viên;

            Một cơ quan, tổ chức tôn giáo ở Nước thành viên; hoặc

            Một cơ quan, tổ chức được thành lập vì mục đích cơ bản và trên hết là văn hóa, giáo dục hay khoa học tại một Nước thành viên và được công nhận ở nước đó với chức năng phục vụ lợi ích chung.

            Bên cạnh đó, khi có  yêu cầu hoàn lại các hiện vật văn hóa quan trọng có ý nghĩa thần thánh hay có tính cộng đồng thuộc sở hữu hay được một bộ tộc hoặc một cộng đồng người bản xứ sử dụng tại một Nước thành viên như là đặc trưng tinh thần hay lễ nghi của cộng đồng đó, yêu cầu này sẽ phải tuân theo giới hạn thời gian áp dụng đối với các bộ sưu tập chung.

Điều 4

            Người sở hữu một hiện vật văn hóa bị lấy trộm khi trả lại sẽ được quyền yêu cầu bồi thường hợp lý miễn là người sở hữu này không biết rằng vật đó đã bị lấy trộm và có thể chứng minh được rằng người đó có được hiện vật này một cách tình cờ và vô tư.

            Nếu không tổn hại tới quyền lợi của người sở hữu theo như mục trên, việc đền bù cũng có thể áp dụng cho người đã chuyển nhượng hiện vật văn hóa này cho người sở hữu, hoặc một người chuyển nhượng trước đó và phù hợp với luật pháp của nước nhận được yêu cầu.

            Theo yêu cầu, người sở hữu sẽ nhận được đền bù từ người lập yêu cầu và khoản đền bù này có thể đến từ bất kỳ nguồn nào là quyền của người lập yêu cầu.

            Khi xem xét liệu người sở hữu có được hiện vật một cách vô tư hay không, hoàn cảnh có được hiện vật đó có thể là căn cứ để xem xét, bao gồm đặc điểm của hai bên mua bán (trao đổi), giá đã thanh toán, liệu người sở hữu có tham khảo bất cứ giấy đăng ký hợp lý nào của tài sản bị lấy trộm hay không, hoặc người sử hữu có nhận được bất kỳ thông tin hay tư liệu nào có liên quan và liệu người sở hữu có tham khảo các cơ quan có liên quan hay có bất kỳ hành động nào mà một người bình thường sẽ làm trong hoàn cảnh đó hay không.

            Người sở hữu sẽ không được xét ưu tiên hơn người mà trao cho ông ta tài sản văn hóa dưới hình thức thừa kế hay biếu tặng.

 

CHƯƠNG III - TRẢ LẠI TÀI SẢN VĂN HÓA BỊ XUẤT KHẨU TRÁI PHÉP

 

Điều 5

Một Nước thành viên có thể đề nghị toà án hay một cơ quan chức trách có thẩm quyền của một Nước thành viên khác ra lệnh trả lại tài sản văn hóa bị xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ của nước đề nghị.

Tài sản văn hóa được xuất khẩu tạm thời ra khỏi lãnh thổ của nước đề nghị, vì mục đích triển lãm, nghiên cứu hay phục chế có kèm giấy phép được cấp theo luật quy định về xuất khẩu cho mục đích bảo vệ di sản văn hóa và nếu tài sản này không được trả lại theo đúng điều khoản trong giấy phép cũng sẽ bị coi là xuất khẩu trái phép.

Toà án hay cơ quan chức trách có thẩm quyền khác được đề nghị ra lệnh trả lại tài sản văn hóa bị xuất khẩu trái phép nếu như nước đề nghị chứng minh được việc di dời tài sản đó ra khỏi lãnh thổ sẽ làm nguy hại một cách rõ ràng những mặt sau:

bảo tồn các tình trạng bên trong hoặc bên ngoài của hiện vật;

Tình trạng nguyên vẹn của hiện vật có cấu trúc phức tạp;

bảo tồn thông tin, ví dụ như đặc điểm khoa học hay lịch sử;

tính truyền thống hay lễ nghi của hiện vật thông qua một bộ tộc hay một cộng đồng người bản xứ;

hay chứng minh được hiện vật này có tầm quan trọng rõ rệt về bản sắc văn hóa đối với nước đề nghị.

Bất cứ đề nghị nào được lập theo mục 1 tại Điều này sẽ phải đính kèm với thông tin có tính xác thực hay pháp lý để hỗ trợ cho toà án hay cơ quan chức trách có thẩm quyền trong việc quyết định xem các điều kiện trong các mục 1, 3 đã được đáp ứng hay chưa.

Bất cứ đề nghị trả lại nào cũng phải được trình trong vòng 3 năm kể từ khi nước đề nghị biết được vị trí và nhận dịên đươc người sở hữu và trong mọi trường hợp không quá 50 năm kể từ ngày xuất khẩu hiện vật hoặc từ ngày hiện vật đó đáng nhẽ ra phải được trả lại theo như giấy phép nêu trong mục 2 tại Điều này.

Điều 6

Chủ sở hữu tài sản văn hóa bị lấy cắp - người có được tài sản này sau khi tài sản bị xuất khẩu trái phép sẽ được quyền, vào thời điểm trả lại, hưởng một khoản đền bù hợp lý  từ nước đề nghị, với điều kiện là chủ sở hữu không biết rằng tài sản này đã bị xuất khẩu trái phép.

Để xác định xem chủ sở hữu có biết được thực tế tài sản văn hóa bị xuất khẩu trái phép hay không, cần xem xét tình huống người này có được tài sản, bao gồm việc thiếu giấy chứng nhận xuất khẩu mà lẽ ra phải có theo luật pháp của nước đề nghị.

Thay cho đền bù, và theo thoả thuận với nước đề nghị, chủ sở hữu được đề nghị trả lại tài sản văn hóa cho nước yêu cầu, có thể quyết định:

giữ lại quyền sở hữu tài sản; hay

chuyển giao quyền sở hữu bằng một khoản tiền hay tặng không cho người mà ông ta chọn lựa tại nước đề nghị và chứng minh được rằng có đủ sự đảm bảo cần thiết.

Chi phí trả lại tài sản văn hóa xét theo điều khoản này sẽ do nước đề nghị chịu, không xét đến việc nước đó thanh toán chi phí cho ai.

Chủ sở hữu sẽ không được ưu tiên hơn người mà trao cho ông ta tài sản văn hóa dưới hình thức thừa kế  hay biếu tặng.

Điều 7

Các điều khoản của Chương này sẽ không áp dụng đối với:

xuất khẩu tài sản văn hóa không còn bị coi là trái phép vào thời điểm được đề nghị trả lại; hoặc

tài sản bị xuất khẩu trong thời gian người tạo ra nó còn sống hoặc trong vòng 50 năm sau khi người đó chết.

Không tính đến điều khoản 1.b), các điều khoản của Chương này sẽ áp dụng đối với tài sản văn hóa được làm ra bởi một thành viên hoặc nhiều thành viên của một bộ tộc hay cộng đồng người bản xứ để sử dụng trong cộng đồng đó và do vậy, tài sản này sẽ được trả lại cho cộng đồng đó.

 

CHƯƠNG IV - NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CHUNG

 

Điều 8

Ngoài toà án và những cơ quan chức trách có thẩm quyền khác có quyền phán xét theo như những quy định hiện hành tại các Nước thành viên khác, một yêu cầu theo Chương II và một đề nghị theo chương III có thể được đưa ra trước toà hoặc các cơ quan chức trách có thẩm quyền khác của Nước thành viên nơi tài sản văn hóa đang tồn tại.

Các bên có thể đồng ý đưa tranh chấp ra trước toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc trọng tài.

Có thể sử dụng các biện pháp tạm thời, bao gồm cả các biện pháp bảo vệ đã được quy định trong pháp luật của Nước thành viên nơi có tài sản văn hóa ngay cả khi yêu cầu hoàn lại hay đề nghị trả lại tài sản văn hóa được đưa ra trước toà án hoặc trước cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên khác. 

Điều 9

Không điều khoản nào trong Công ước này ngăn cản một Nước thành viên áp dụng bất cứ quy tắc nào tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hoàn lại hay trả lại tài sản văn hóa bị lấy trộm hay xuất khẩu trái phép.

Điều này sẽ được hiểu là không tạo ra nghĩa vụ bắt buộc phải công nhận hoặc thi hành một quyết định của toà án hoặc của một cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên khác.

Điều 10

Các điều khoản của Chương II chỉ áp dụng đối với tài sản văn hóa bị lấy trộm sau khi Công ước có hiệu lực thi hành tại nước nhận yêu sách, với điều kiện là:

Hiện vật này bị lấy trộm từ lãnh thổ của một Nước thành viên sau khi Công ước có  hiệu lực tại Nước thành viên đó; hay

Hiện vật hiện có trên lãnh thổ một Nước thành viên sau khi Công ước có hiệu lực đối với Nước thành viên đó.

Điều khoản của Chương III chỉ áp dụng đối với tài sản văn hóa bị xuất khẩu trái phép sau khi Công ước có hiệu lực thi hành tại Nước yêu cầu và Nước  được yêu cầu.

Công nước này trong mọi tình huống không hợp pháp hóa bất kỳ giao dịch bất hợp pháp nào diễn ra trước khi Công ước có hiệu lực hoặc không có hiệu lực nằm trong các khoản 1. hoặc 2. của Điều này, cũng không hạn chế quyền của bất kỳ nước nào hay cá nhân nào đưa ra yêu cầu theo những quy định sẵn có nằm ngoài khuôn khổ Công ước này về việc hoàn lại hay trả lại tài sản văn hóa bị lấy cắp hay xuất khẩu trái phép trước khi Công ước có hiệu lực.

 

CHƯƠNG V - NHỮNG ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG

 

Điều 11

Công ước này được mở để ký vào phiên bế mạc của Hội nghị ngoại giao để thông qua Dự thảo Công ước UNIDROIT về việc hoàn trả quốc tế tài sản văn hóa bị lấy trộm hay xuất khẩu trái phép và tiếp tục được mở để tất cả các nước  ký tại Rome cho đến ngày 30 tháng 06 năm 1996.

Công ước này cần được các nước đã ký phê chuẩn, chấp thuận hay thông qua.

Công ước này được mở để tất cả các nước không phải là nước ký có thể gia nhập kể từ ngày Công ước được mở để ký.

Việc phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hay gia nhập đều phải được thực hiện bằng văn bản gửi lên trung tâm lưu chiểu.

Điều 12

Công ước này sẽ có hiệu lực thi hành sau sáu tháng kể từ ngày nhận được văn bản thứ năm về phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hay gia nhập.

Sau khi văn bản thứ năm về phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hay gia nhập đối với mỗi nước phê chuẩn, chấp nhận, thông qua hay gia nhập Công ước có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ 6 kể từ  ngày các nước này nộp văn bản lưu chiểu.

Điều 13

Công ước này không ảnh hưởng đến bất kỳ văn kiện quốc tế nào mà Nước thành viên đang thực hiện và văn kiện đó chứa đựng các điều khoản về những vấn đề cũng được quy định trong Công ước, trừ phi có tuyên bố của các nước đang thực hiện văn kiện đó là có những điểm trái ngược.

Bất kỳ Nước thành viên nào cũng có thể thoả thuận với một hoặc nhiều Nước thành viên khác xét theo khía cạnh tăng cường  việc áp dụng Công ước này trong mối quan hệ song phương. Những nước ký kết thoả thuận sẽ gửi một bản sao thỏa thuận cho Trung tâm lưu chiểu.

Trong quan hệ với nhau, các Nước thành viên là thành viên của các tổ chức hội nhập kinh tế hoặc tổ chức khu vực có thể tuyên bố rằng họ sẽ áp dụng những quy tắc nội bộ của tổ chức mình và do vậy sẽ không áp dụng những điều khoản nào của Công ước có phạm vi áp dụng trùng hợp với những quy tắc nội bộ đó.

Điều 14

Nếu một Nước thành viên có hai hay nhiều đơn vị lãnh thổ liệu có hay không các hệ thống luật áp dụng khác nhau về những vấn đề quy định trong Công ước, vào thời điểm ký hoặc vào thời điểm phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hoặc gia nhập, tuyên bố rằng Công ước sẽ được mở rộng áp dụng cho tất cả đơn vị lãnh thổ của nước đó hay chỉ cho một hoặc một số mà thôi, và có thể thay tuyên bố này bằng một tuyên bố khác vào bất cứ  thời điểm nào.

Những tuyên bố này sẽ được gửi cho Trung tâm lưu chiểu và chỉ rõ những đơn vị lãnh thổ sẽ áp dụng Công ước.

Do tuyên bố theo Điều này, nếu Công ước được mở rộng áp dụng cho một hoặc một số nhưng không phải là tất cả đơn vị lãnh thổ của một Nước thành viên, căn cứ được xét là:

lãnh thổ của Nước thành viên theo Điều 1 được coi là phần lãnh thổ thuộc một đơn vị lãnh thổ của nước đó;

toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của Nước thành viên hoặc của nước được gửi yêu cầu được coi như toà án hay cơ quan có thẩm quyền của một đơn vị lãnh thổ của nước đó;

Nước thành viên nơi hiện có tài sản văn hóa theo Điều 8 (1) sẽ được coi là đơn vị lãnh thổ của nước hiện có tài sản văn hóa.

luật pháp của Nước thành viên nơi hiện có tài sản đó theo Điều  8(3) sẽ được coi như luật pháp của đơn vị lãnh thổ của nước hiện có tài sản văn hóa; và

một Nước thành viên, theo Điều  9 sẽ được coi là đơn vị lãnh thổ của nước đó.

Nếu một Nước thành viên không đưa ra tuyên bố theo khoản 1. Tại Điều này, Công ước sẽ được áp dụng cho toàn bộ các đơn vị lãnh thổ của nước đó.

Điều 15

Tuyên bố được đưa ra theo Công ước này vào thời điểm ký phải được xác nhận lại khi phê chuẩn, chấp thuận hoặc thông qua.

Tuyên bố và xác nhận tuyên bố phải được lập thành văn bản và thông báo chính thức cho Trung tâm lưu chiểu.

Một bản tuyên bố sẽ có hiệu lực đồng thời với Công ước tại nước đó. Tuy nhiên, đối với tuyên bố mà trung tâm lưu chiểu nhận được bản xác nhận chính thức sau ngày Công ước có hiệu lực thì tuyên bố đó sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ sáu kể từ ngày xác nhận tuyên bố.

Bất kỳ Nước nào ra tuyên bố theo Công ước này có thể rút lại vào bất cứ thời điểm nào bằng một văn bản thông báo chính thức gửi lên Trung tâm lưu chiểu. Bản rút lại tuyên bố sẽ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ sáu kể từ  ngày gửi văn bản rút lại tuyên bố.

Điều 16

Mỗi Nước thành viên vào lúc ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hoặc gia nhập, tuyên bố rằng yêu cầu hoàn lại hoặc đề nghị trả lại tài sản văn hóa theo Điều 8 phải tuân theo một hay một số thủ tục sau:

trực tiếp gửi yêu cầu tới toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước tuyên bố;

nước đó có thể chỉ định một hoặc một số cơ quan chức trách đứng ra nhận những yêu cầu hoặc đề nghị và chuyển những yêu cầu đó cho toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước đó;

Thông qua các kênh ngoại giao hoặc lãnh sự;  

Mỗi Nước thành viên cũng có thể chỉ định toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền ra lệnh hoàn lại hay trả lại tài sản văn hóa được quy định trong các điều của các Chương II và III.

Tuyên bố được lập ra theo các khoản 1 và 2 của Điều này có thể sửa đổi bất cứ lúc nào bằng một tuyên bố mới.

Những quy định trong khoản 1 và 3 của Điều này không ảnh hưởng đến những thoả thuận song phương hay đa phương về những vấn đề pháp lý thương mại hay dân sự giữa hai nước.

Điều 17

Không quá sáu tháng kể từ ngày gửi văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, thông qua hoặc gia nhập của mình, mỗi Nước thành viên sẽ gửi văn bản cung cấp thông tin về luật quy định việc xuất khẩu tài sản văn hóa của nước mình. Văn bản này được viết bằng những ngôn ngữ chính thức của Công ước. Thông tin trong văn bản đó sẽ được cập nhật đều đặn tuỳ theo tình hình từng nước.

Điều 18

Không được phép bảo lưu ngoài những điều đã được quy định rõ ràng trong Công ước.

Điều 19

1. Công ước này có thể bị bất kỳ Nước thành viên nào huỷ bỏ vào bất cứ thời điểm nào sau ngày Công ước có hiệu lực tại nước đó thông qua việc gửi văn kiện lên Trung tâm lưu chuẩn.

2. Việc huỷ bỏ có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ sáu kể từ ngày gửi văn kiện huỷ bỏ lên trung tâm lưu chiểu. Nếu thời hạn kể từ khi tuyên bố cho đến khi huỷ bỏ kéo dài thì phải ghi rõ trong văn kiện huỷ bỏ và Công ước sẽ bị huỷ bỏ đối với những tuyên bố ngay sau khi kết thúc thời hạn đó.

3. Công ước này sẽ vẫn áp dụng đối với yêu cầu hoàn lại hay trả lại tài sản văn hóa được đưa ra trước ngày huỷ bỏ có hiệu lực.

Điều 20

Chủ tịch Viện Pháp điển hóa Tư pháp quốc tế (UNIDROIT) có thể theo định kỳ hoặc vào bất kỳ lúc nào, theo yêu  cầu của năm Nước thành viên, triệu tập một uỷ ban đặc biệt nhằm xem xét lại cách thức thực thi Công ước.

Điều 21

1. Công ước này sẽ được nộp lưu chiểu cho Chính phủ nước Cộng hoà Italia.

2. Chính phủ nước Cộng hoà Italia sẽ:

a) Thông báo cho tất cả các Nước đã ký hoặc gia nhập Công ước và cho Chủ tịch Viện Pháp điển hóa Tư pháp quốc tế (UNIDROIT) về:

i)                     mỗi chữ ký mới hay một văn kiện phê chuẩn, chấp thuận, thông qua  hay gia nhập được gửi đến, cùng với ngày của mỗi sự việc đó;

ii)                   mỗi tuyên bố được đưa ra theo quy định của Công ước này;

iii)                  rút lại bất kỳ tuyên bố nào;

iv)                  ngày có hiệu lực của Công ước;

v)                    thoả thuận được nêu trong Điều 13;

vi)                  việc lưu chiểu văn kiện huỷ bỏ Công ước kèm theo ngày nộp lưu chiểu và ngày huỷ bỏ có hiệu lực;

b) Gửi bản sao có chứng thực của Công ước này cho tất cả các Nước ký, các nước gia nhập Công ước và cho Chủ tịch Viện Pháp điển hóa Tư pháp quốc tế (UNIDROIT);

c) Thực hiện những chức năng khác được quy định cho Trung tâm lưu chiểu.

 

Dưới sự chứng kiện của các đại diện toàn quyền, những người được uỷ quyền hợp pháp, ký tên vào Công ước.

Làm tại Rome, ngày hai mươi bốn tháng sáu, năm một ngàn chín trăm chín nhăm, một bản gốc duy nhất, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, cả hai thứ tiếng đều có giá trị  như nhau.

 

- Ký tên -

 

Phụ lục:

            a) Những bộ sưu tập và mẫu vật hiếm về động vật học, thực vật học, khóang sản và giải phẫu học và những vật thuộc diện cổ sinh vật học;
            b) Những tài sản liên quan đến lịch sử, bao gồm lịch sử khoa học, công nghệ, quân sự và xã hội, liên quan đến cuộc sống của những nguyên thủ quốc gia, những nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nghệ sĩ và liên quan đến những sự kiện có tầm quan trọng quốc gia;
            c) Những sản phẩm khai quật khảo cổ học (bao gồm khai quật hợp pháp và bất hợp pháp) hoặc những khám phá khảo cổ học;
            d) Những yếu tố cấu thành công trình nghệ thuật hoặc công trình lịch sử hoặc địa danh khảo cổ học đã bị chia cắt;
            e) Những di vật có hơn một trăm năm tuổi chẳng hạn như những bản khắc, những đồng xu và dấu triện khắc;
            f) Những hiện vật thuộc dân tộc học;
            g) Những tài sản nghệ thuật như: 
i) tranh, ảnh và bản vẽ làm hoàn toàn bằng thủ công với bất kỳ sự hỗ trợ và bằng bất kỳ vật liệu nào (không bao gồm những thiết kế công nghiệp và những sản phẩm sản xuất công nghiệp nhưng trang trí bằng thu công);
ii) nguyên tác về tạc tượng và điêu khắc bằng bất kỳ chất liệu nào;
iii) nguyên tác chạm khắc, bản in và in thạch bản;
(iv) nguyên tác của những tổ hợp tác phẩm bằng bất kỳ vật liệu nào   
            h) Những tác phẩm nguyên cảo và những cuốn sách in đầu tiên, sách cổ, tư liệu và ấn bản có tầm quan trọng đặc biệt (về lịch sử, nghệ thuật, khoa học, văn học, vv) đơn lẻ hay trongbộ sưu tập;
            i) Bưu phẩm, giấy in và tem thư đơn lẻ hay trong bộ sưu tập;
            j) Tư liệu lưu trữ lưu trữ dưới dạng âm thanh, hình ảnh và phim ảnh;

            k) Đồ gỗ hơn một trăm năm tuổi và nhạc cụ cổ.


Tải văn bản về     

Liên kết website