Công ước về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa
Đại hội đồng UNESCO họp tại Paris từ ngày 12 tháng 10 đến ngày 14 tháng 11 năm 1970, kỳ họp thứ 16,
Nhắc lại tầm quan trọng của các qui định nêu trong Tuyên bố về các nguyên tắc hợp tác văn hóa quốc tế được thông qua tại kỳ họp thứ 14 của Hội nghị toàn thể,
Cho rằng việc trao đổi tài sản văn hóa giữa các quốc gia vì mục đích khoa học, văn hóa và giáo dục sẽ làm tăng thêm hiểu biết về văn minh nhân loại, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của tất cả các dân tộc và tăng cường sự tôn trọng và nhận biết giá trị của nhau giữa các quốc gia,
Cho rằng tài sản văn hóa cấu thành một trong những yếu tố cơ bản nhất của nền văn minh và văn hóa quốc gia, và giá trị thực của chúng chỉ có thể xác định được khi có thể thu thập đầy đủ những thông tin về nguồn gốc, lịch sử và truyền thống,
Cho rằng phận sự của mỗi quốc gia là bảo vệ tài sản văn hóa nằm trong biên giới quốc gia mình tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp, khai quật lén lút và xuất khẩu trái phép,
Cho rằng để tránh những nguy cơ này, vấn đề quan trọng là các quốc gia ngày càng phải thức tỉnh lương tâm nhằm tôn trọng di sản văn hóa của riêng quốc gia mình cũng như di sản văn hóa của tất cả các quốc gia trên thế giới,
Cho rằng các cơ quan văn hóa, các bảo tàng, thư viện và trung tâm lưu trữ cần đảm bảo rằng bộ sưu tập của họ được thiết lập theo những nguyên tắc đạo đức mà thế giới công nhận,
Cho rằng xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa là một trở ngại lớn đối với sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia - mà đây chính là một phần trong những nhiệm vụ của UNESCO nhằm tăng cường hơn nữa thông qua việc đề xuất với các quốc gia có quan tâm tới các Công ước quốc tế về vấn đề này,
Cho rằng việc bảo vệ di sản văn hóa có hiệu lực chỉ khi được tổ chức trên quy mô quốc gia và quốc tế giữa các quốc gia trên cơ sở hợp tác chặt chẽ,
Cho rằng Hội nghị toàn thể của UNESCO thông qua đề xuất xây dựng Công ước này năm 1964,
Trước khi Công ước này ra đời đã có những đề xuất về các biện pháp ngăn cấm xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa, đây cũng là một vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp này như theo mục 19,
Đã được quyết định tại kỳ họp thứ 15 rằng vấn đề này sẽ là chủ đề được đề cập tới trong một Công ước quốc tế,
Thông qua Công ước này ngày 14 tháng 11 năm 1970.
Điều 1
Theo mục đích của Công ước này, thuật ngữ “tài sản văn hóa” nghĩa là những tài sản, xét theo khía cạnh tôn giáo và phi tôn giáo, được từng quốc gia xác định có tầm quan trọng đặc biệt về khảo cổ học, tiền lịch sử, lịch sử, văn học, nghệ thuật, khoa học và thuộc vào một trong những nhóm sau:
Những bộ sưu tập và mẫu vật hiếm về động vật học, thực vật học, khóang sản và giải phẫu học và những vật thuộc diện cổ sinh vật học;
Những tài sản liên quan đến lịch sử bao gồm lịch sử khoa học, công nghệ, quân sự và xã hội, liên quan đến cuộc sống của những nguyên thủ quốc gia, những nhà tư tưởng, các nhà khoa học, các nghệ sĩ và liên quan đến những sự kiện có tầm quan trọng quốc gia;
Những sản phẩm của khai quật khảo cổ học (bao gồm khai quật hợp pháp và không hợp pháp) hoặc những khám phá khảo cổ học;
Những yếu tố cấu thành công trình nghệ thuật hoặc công trình lịch sử hoặc địa danh khảo cổ học đã bị chia cắt;
Những cổ vật có hơn một trăm năm tuổi chẳng hạn như những bản khắc, những đồng xu và dấu triện khắc;
Những hiện vật thuộc về dân tộc học;
Những tài sản nghệ thuật như:
tranh, ảnh và bản vẽ làm hoàn toàn bằng thủ công với bất kỳ sự hỗ trợ và bằng bất kỳ vật liệu nào (không bao gồm những thiết kế công nghiệp và những sản phẩm sản xuất công nghiệp nhưng trang trí bằng thủ công);
nguyên tác về tạc tượng và điêu khắc bằng bất kỳ chất liệu nào;
nguyên tác chạm khắc, bản in và in thạch bản;
nguyên tác những tổ hợp tác phẩm bằng bất kỳ vật liệu nào;
Những tác phẩm nguyên cảo và những cuốn sách in đầu tiên, sách cổ, tư liệu và ấn bản có tầm quan trọng đặc biệt (về lịch sử, nghệ thuật, khoa học, văn học, ...vv) đơn lẻ hay thuộc bộ sưu tập;
Bưu phẩm, giấy in và tem thư đơn lẻ hay trong bộ sưu tập;
Tư liệu lưu trữ dưới dạng âm thanh, hình ảnh và phim ảnh;
Đồ gỗ hơn một trăm năm tuổi và nhạc cụ cổ;
Điều 2
Các Nước thành viên của Công ước công nhận việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng cạn kiệt nguồn di sản văn hóa ở những nước xuất xứ di sản này và hợp tác quốc tế là một trong những cách hiệu quả nhất nhằm bảo vệ tài sản văn hóa của mỗi nước tránh khỏi những nguy cơ từ đó mà ra.
Đối với Công ước này, các Nước thành viên sẽ phản đối bằng cách từ bỏ, đặc biệt từ bỏ thực hiện, chấm dứt cách làm hiện tại và bằng cách giúp đỡ để đưa ra những sửa đổi cần thiết.
Điều 3
Việc xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa đi ngược với các điều khoản được các Nước thành viên thông qua trong Công ước này cũng sẽ bị coi là bất hợp pháp.
Điều 4
Các Nước thành viên của Công ước công nhận rằng vì mục đích của Công ước, những tài sản nằm trong danh mục dưới đây cấu thành một phần di sản văn hóa của một quốc gia:
Tài sản văn hóa được làm ra bởi một cá nhân hoặc một tập thể thiên tài của các quốc gia thành viên hoặc tài sản có tầm quan trọng đối với quốc gia thành viên được làm ra trong lãnh thổ quốc gia đó bởi công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch đang cư trú tại quốc gia đó;
Tài sản văn hóa tìm thấy bên trong lãnh thổ một quốc gia;
Tài sản văn hóa có được từ hoạt động khảo cổ, nghiên cứu dân tộc học hay khoa học tự nhiên với sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất xứ tài sản đó;
Tài sản văn hóa là đối tượng của trao đổi tự do thoả thuận;
Tài sản văn hóa nhận dưới dạng quà biếu hoặc mua hợp pháp với sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền tại nước xuất xứ tài sản đó;
Điều 5
Để đảm bảo việc bảo vệ tài sản văn hóa khỏi bị xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép về quyền sở hữu, các Nước thành viên của Công ước cam kết, tuỳ theo tình hình cụ thể của nước mình, thiết lập một hoặc một số cơ quan quốc gia tại lãnh thổ của mình, nếu trước đó chưa có cơ quan này nhằm bảo vệ di sản văn hóa, với đội ngũ nhân viên đủ số lượng cần thiết và có năng lực thực hiện hiệu quả những chức năng sau:
Đóng góp vào việc xây dựng các dự thảo luật và quy định bảo đảm việc bảo vệ di sản văn hóa và đặc biệt là ngăn chặn tình trạng xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu những tài sản văn hóa quan trọng;
Thiết lập và thường xuyên cập nhật, trên cơ sở kho dữ liệu quốc gia về tài sản văn hóa, danh sách những tài sản văn hóa quan trọng của nhà nước và tư nhân mà nếu bị xuất khẩu sẽ làm cạn kiệt nguồn di sản văn hóa quốc gia;
Thúc đẩy sự phát triển hoặc thành lập các cơ quan khoa học và kỹ thuật (bảo tàng, thư viện, trung tâm lưu trữ, phòng thí nghiệm, xưởng...) thực hiện công tác bảo tồn và giới thiệu tài sản văn hóa;
Tổ chức giám sát những địa điểm khai quật khảo cổ học, đảm bảo sự bảo tồn nguyên trạng một số tài sản văn hóa, và bảo vệ một số khu vực để tiến hành nghiên cứu khảo cổ học trong tương lai;
Thiết lập, vì lợi ích của những cá nhân và tổ chức có liên quan (người phụ trách bảo tàng, nhà sưu tập, người kinh doanh đồ cổ, v.v...), những quy định phù hợp với các tiêu chuẩn đạo đức do Công ước đăt ra và đảm bảo thực hiện những quy định này;
Tiến hành các biện pháp giáo dục nhằm thúc đẩy và tăng cường sự tôn trọng di sản văn hóa của tất cả các quốc gia và phổ biến kiến thức về các điều khoản của Công ước này;
Nhận thức được rằng sự công khai ở một mức độ nào đó có thể là nguyên nhân dẫn tới sự biến mất của một số tài sản văn hóa;
Điều 6:
Các Nước thành viên của Công ước cam kết:
Ban hành chứng chỉ thích hợp mà theo đó nước xuất khẩu cho phép xuất khẩu một tài sản văn hóa nào đó. Chứng chỉ này liệt kê tất cả các khoản mục tài sản văn hóa được xuất khẩu theo các quy định;
Cấm xuất khẩu tài sản văn hóa từ lãnh thổ của các Nước thành viên trừ khi tài sản văn hóa có chứng chỉ xác nhận đi kèm;
Công khai lệnh cấm này bằng các phương tiện thích hợp nhất là đối với những người có khả năng xuất khẩu hoặc nhập khẩu tài sản văn hóa.
Điều 7
Các Nước thành viên của Công ước cam kết:
Thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp quốc gia nhằm ngăn chặn các bảo tàng và các cơ quan tương tự nằm trong lãnh thổ nước mình thu nhận những tài sản văn hóa có xuất xứ và được đưa ra trái phép từ một Nước thành viên khác sau khi Công ước có hiệu lực tại những nước này. Bất cứ khi nào có thể, thông báo cho nước xuất xứ là thành viên của Công ước về tài sản văn hóa đã bị đưa trái phép ra khỏi nước này sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước;
(i) Cấm nhập khẩu tài sản văn hóa là hiện vật ăn cắp từ các bảo tàng hoặc cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm công cộng hoặc từ một địa điểm tương tự vào một Nước thành viên khác của Công ước sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan, với điều kiện là tài sản đó có các giấy tờ chứng minh rằng nó thuộc về kho lưu trữ của cơ quan hay cơ sở đó;
(ii) (ii) Theo yêu cầu của Nước thành viên xuất xứ, một Nước thành viên cam kết sẽ có những biện pháp cần thiết nhằm phục hồi và trả lại bất cứ tài sản văn hóa nào được nhập khẩu vào nước đó sau khi Công ước có hiệu lực ở cả hai nước hữu quan, tuy nhiên, với điều kiện là nước yêu cầu phải trả tiền đền bù cho người mua vô tội hoặc người có tư cách hợp lệ đối với tài sản đó. Yêu cầu phục hồi và trả lại sẽ được thiết lập và trao đổi qua cơ quan ngoại giao. Nước yêu cầu bằng chi phí của mình, phải đệ trình các tư liệu và chứng cứ cần thiết để yêu cầu phục hồi và hoàn trả. Cả hai Nước thành viên sẽ không áp đặt bất kỳ khoản thuế hải quan nào khác hay bất kỳ loại phí nào lên tài sản văn hóa được trả lại theo hình thức được quy định trong điều khoản này. Tất cả các chi phí phát sinh từ việc trả lại và vận chuyển tài sản văn hóa này sẽ do nước yêu cầu chịu trách nhiệm.
Điều 8
Các Nước thành viên Công ước cam kết sẽ áp dụng hình phạt hình sự hoặc hình phạt hành chính đối với bất kỳ ai vi phạm những điều khoản quy định tại Điều 6 (b) và Điều 7 (b) nói trên.
Điều 9
Bất cứ Nước thành viên nào của Công ước này có tài sản văn hóa là hiện vật khảo cổ hay hiện vật dân tộc học bị cướp có thể kêu gọi sự hỗ trợ của các Nước thành viên hữu quan khác. Các Nước thành viên của Công ước này cam kết, trong tình huống này, sẽ cùng phối hợp trong một nỗ lực quốc tế để xác lập và triển khai những biện pháp cụ thể cần thiết bao gồm kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu và thương mại quốc tế về những hiện vật cụ thể có liên quan. Trong lúc chờ đợi một thoả thuận, mỗi nước liên quan sẽ thực hiện những biện pháp tạm thời khả thi nhằm ngăn chặn những hỏng hóc không thể sửa chữa được có thể gây nguy hại đến tài sản văn hóa của nước yêu cầu.
Điều 10
Các Nước thành viên của Công ước này cam kết:
Bằng giáo dục, phổ biến thông tin và nâng cao tinh thần cảnh giác, hạn chế tình trạng tài sản văn hóa bị đưa ra trái phép khỏi biên giới của bất kỳ Nước thành viên nào của Công ước, và tuỳ theo mỗi nước, bắt buộc những người kinh doanh đồ cổ, tuân thủ các hình phạt hình sự và hành chính, để duy trì hệ thống đăng ký về nguồn gốc của mỗi khoản mục tài sản văn hóa, tên và địa chỉ người cung cấp, chi tiết mô tả và giá của mỗi khoản mục được bán và thông báo cho người mua về các quy định cấm xuất khẩu mà tài sản văn hóa này có thể nằm trong diện cấm đó.
Nỗ lực bằng các biện pháp giáo dục để khơi dậy và phát triển nhận thức của công chúng về giá trị của tài sản văn hóa và nguy cơ đe doạ tài sản văn hóa do bị lấy trộm, khai quật lén lút và xuất khẩu trái phép.
Điều 11
Việc xuất khẩu và chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hóa dưới sức ép trực tiếp hay gián tiếp do một Nước thành viên bị thế lực nước ngoài chiếm đóng cũng bị coi là bất hợp pháp.
Điều 12
Các Nước thành viên của Công ước sẽ tôn trọng di sản văn hóa thuộc phần lãnh thổ mà xét theo quan hệ quốc tế họ phải chịu trách nhiệm và do đó sẽ có những biện pháp phù hợp nhằm ngăn cấm nạn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hóa trên những vùng lãnh thổ này.
Điều 13
Các Nước thành viên của Công ước cũng cam kết, phù hợp với luật pháp từng nước:
bằng mọi biện pháp thích hợp ngăn chặn tình trạng chuyển giao quyền sở hữu tài sản văn hóa mà có khả năng thúc đẩy xuất khẩu hoặc nhập khẩu trái phép tài sản văn hóa;
đảm bảo rằng các cơ quan chức trách của họ sẽ hợp tác nhằm tạo điều kiện đưa tài sản văn hóa bị xuất khẩu trái phép về cho chủ sở hữu hợp pháp;
chấp nhận hoạt động thu hồi những khoản mục tài sản văn hóa bị mất hoặc bị đánh cắp do chủ sở hữu hoặc người nhân danh chủ sở hữu tiến hành;
công nhận quyền sở hữu vĩnh viễn của mỗi Nước thành viên của Công ước để phân loại và công bố một số tài sản văn hóa không được chuyển nhượng, cũng như không được xuất khẩu và tạo điều kiện cho Nước thành viên hữu quan thu hồi tài sản trong trường hợp tài sản đó đã bị xuất khẩu.
Điều 14
Nhằm ngăn chặn nạn xuất khẩu trái phép và thực hiện nghĩa vụ phát sinh từ việc thi hành Công ước, mỗi Nước thành viên của Công ước cần, trong khả năng tối đa có thể, thiết lập các cơ quan quốc gia chịu trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa nước mình với ngân sách đủ hoạt động, và nếu cần thiết nên thiết lập quỹ cho mục đích này.
Điều 15
Trước khi Công ước này có hiệu lực tại những Nước thành viên liên quan, không điều khoản nào trong Công ước này ngăn cản các Nước thành viên tiến hành ký kết các thoả thuận cụ thể với nhau hoặc tiếp tục thực hiện những thoả thuận đã được ký kết trước đó liên quan đến việc hoàn trả tài sản văn hóa bị di dời khỏi lãnh thổ xuất xứ vì bất kỳ lý do gì.
Điều 16
Các Nước thành viên của Công ước sẽ đệ trình báo cáo thường kỳ lên Hội nghị toàn thể của UNESCO vào đúng ngày và theo cách đã được Hội nghị toàn thể quy định, cung cấp thông tin về những qui định pháp luật và hành chính đã được ban hành và những hoạt động đã triển khai để thực hiện Công ước này, cùng với bản báo cáo chi tiết những kinh nghiệm thu được từ hoạt động này.
Điều 17
Các Nước thành viên của Công ước có thể kêu gọi sự hỗ trợ kỹ thuật của UNESCO, đặc biệt trong những lĩnh vực sau:
Thông tin và giáo dục;
Tư vấn và chỉ dẫn chuyên môn;
Điều phối và gợi ý hữu dụng;
UNESCO có thể chủ động tiến hành nghiên cứu và xuất bản ấn phẩm về những vấn đề liên quan đến tình trạng dịch chuyển trái phép tài sản văn hóa.
Đối với Công ước này, UNESCO có thể kêu gọi sự hợp tác từ bất kỳ tổ chức phi chính phủ nào có năng lực.
UNESCO có thể chủ động đưa ra kiến nghị cho các Nước thành viên của Công ước trong quá trình thực hiện Công ước này.
Theo yêu cầu của ít nhất hai Nước thành viên của Công ước đang có tranh chấp về thực hiện Công ước, UNESCO có thể phái các quan chức có kinh nghiệm để hỗ trợ giải quyết tranh chấp.
Điều 18
Công ước này được làm bằng tiếng Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha, mỗi thứ tiếng đều có giá trị như nhau.
Điều 19
Công ước này phải được các Nước thành viên của UNESCO phê chuẩn hoặc chấp thuận theo những thủ tục hiến định tương ứng của nước mình.
Văn kiện phê chuẩn hoặc chấp thuận sẽ được trình lên Tổng Giám đốc UNESCO.
Điều 20
Công ước này cũng mở rộng cho các nước không phải là thành viên của UNESCO được Ban điều hành của Tổ chức mời tham gia Công ước.
Tiếp cận có hiệu lực khi văn kiện tiếp cận được trình lên Tổng giám đốc UNESCO.
Điều 21
Công ước sẽ có hiệu lực sau ba tháng kể từ ngày văn kiện thứ ba về phê chuẩn, chấp thuận hay gia nhập được trình lên nhưng chỉ áp dụng với những nước đã gửi văn kiện tương ứng của mình vào ngày đó hoặc trước ngày đó. Đối với những nước gửi văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay gia nhập sau ngày nhận văn kiện thứ ba này, Công ước sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày gửi văn kiện.
Điều 22
Các Nước thành viên tham gia Công ước công nhận rằng Công ước được áp dụng không chỉ trên lãnh thổ chính quốc gia của họ mà còn trên cả phần lãnh thổ mà theo quan hệ quốc tế họ phải chịu trách nhiệm; họ cam kết sẽ tư vấn, nếu cần thiết, cho các chính phủ hoặc cơ quan chức trách có thẩm quyền của vùng lãnh thổ này khi hoặc trước khi phê chuẩn, chấp thuận hay gia nhập xét theo quan điểm đảm bảo áp dụng Công ước trên những vùng lãnh thổ này, và họ cam kết sẽ báo cáo cho Tổng giám đốc UNESCO về những vùng lãnh thổ áp dụng Công ước, báo cáo này sẽ có hiệu lực sau 3 tháng kể từ ngày UNESCO nhận được thông báo.
Điều 23
Mỗi Nước thành viên của Công ước có quyền tuyên bố huỷ bỏ Công ước nhân danh chính nước mình hoặc nhân danh vùng lãnh thổ mà nước này chịu trách nhiệm xét theo quan hệ quốc tế.
Tuyên bố huỷ bỏ phải được lập thành văn bản trình lên Tổng giám đốc UNESCO.
Tuyên bố huỷ bỏ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày nhận được văn bản tuyên bố huỷ bỏ.
Điều 24
Tổng giám đốc UNESCO sẽ thông báo cho các Nước thành viên của Tổ chức UNESCO, các nước không phải là thành viên của tổ chức theo Điều 20, cũng như cho Liên hợp quốc về việc gửi các văn kiện phê chuẩn, chấp thuận và gia nhập theo các Điều 19, 20 và về thông báo, tuyên bố huỷ bỏ theo các Điều 22, 23 tương ứng.
Điều 25
Công ước này có thể bị Hội nghị tổng thể của UNESCO sửa đổi. Tuy nhiên, bất kỳ sửa đổi nào như vậy chỉ ràng buộc những quốc gia sẽ trở thành thành viên của Công ước sửa đổi.
Nếu Hội nghị tổng thể chấp nhận một bản sửa đổi toàn bộ hay một phần Công ước, hoặc khi có một Công ước khác được đưa ra, Công ước này sẽ không được mở ra để tiếp nhận văn kiện phê chuẩn, chấp thuận hay gia nhập kể từ ngày Công ước sửa đổi có hiệu lực.
Điều 26
Theo Điều 102 của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước này sẽ được đăng ký tại Ban thư ký Liên hợp quốc theo đề gnhị của Tổng giám đốc UNESCO.
Làm tại Paris ngày 17 tháng 11 năm 1970, thành hai bản xác thực có chữ ký của Chủ tịch thứ 16 của Hội nghị toàn thể và Tổng giám đốc UNESCO, bản này sẽ được gửi tới trung tâm lưu trữ của UNESCO, được công chứng là bản sao nguyên bản và được gửi cho tất cả những nước theo các Điều 19, 20 cũng như cho Liên Hợp Quốc.
Những điều khoản trên là văn bản gốc của Công ước được Hội nghị toàn thể của UNESCO thông qua một cách hợp lệ tại kỳ họp thứ 16 tổ chức tại Paris và tuyên bố kỳ họp này kết thúc vào ngày 14 tháng 11 năm 1970.
Với tinh thần trung thực, chúng tôi ký tên dưới đây ngày 17 tháng 11 năm 1970
Bản sao được công chứng |
|
Chủ tịch Đại hội đồng |
|
|
|
Giám đốc văn phòng phụ trách các |
|
Tổng giám đốc |