Công viên quốc gia Virunga
Công viên quốc gia Virunga, nước Cộng hòa Dân chủ Congo (có diện tích lên tới 790.000 ha) với môi trường sống đa dạng, nổi bật, bao gồm những đầm lầy, thảo nguyên đến dãy núi Rwenzori, nơi có tuyết bao phủ quanh năm ở độ cao hơn 5.000m và trải dài từ đồng bằng đến thảo nguyên trên sườn núi lửa. Di sản được UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới năm 1979.
Giá trị nổi bật toàn cầu
Công viên quốc gia Virunga là nơi duy nhất với chuỗi núi lửa đang hoạt động và môi trường sống đa dạng, phong phú hơn bất kỳ các công viên nào tại châu Phi. Phạm vi của nó bao gồm: thảo nguyên, đồng bằng, đầm lầy, vành đai rừng và vùng núi với thảm thực vật độc đáo, sông băng vĩnh cửu và tuyết trên đỉnh Monts Rwenzori cao tới 5000m. Di sản này còn nổi tiếng bởi 02 ngọn núi lửa Rwenzori và Virunga vẫn đang hoạt động mạnh nhất tại châu Phi. Sự phong phú của môi trường sống tạo ra đa dạng sinh học đặc biệt, đáng chú ý là các loài đặc hữu và các loài quý hiếm đang bị đe dọa như khỉ đột núi.
Tiêu chí
Tiêu chí (vii): Công viên quốc gia Virunga mang đến những cảnh quan đẹp nhất ở châu Phi. Núi Rwenzori trông giống như bức phù điêu lởm chởm với đỉnh núi tuyết trắng, vách đá và thung lũng dốc đứng. Ngọn núi lửa Virunga được bao phủ bởi thảm thực vật, như: dương xỉ, Lobelia và trên sườn dốc lại được phủ bởi những khu rừng rậm rạp. Các núi lửa hoạt động đều đặn, cứ sau vài năm, lại tạo ra những biến đổi về mặt cảnh quan và địa chất nơi đây. Công viên là một bức tranh toàn cảnh về cảnh đẹp thiên nhiên ngoạn mục, như các thung lũng bị xói mòn ở vùng Sinda và Ishango. Công viên cũng là nơi cư ngụ của đông đảo các loài động vật hoang dã quan trọng, như: voi, trâu và bò Thomas, và cũng là nơi tập trung của một số lượng lớn hà mã châu Phi, với 20.000 cá thể sống bên bờ hồ Edward và dọc theo sông Rwindi, Rutshuru và Semliki.
Tiêu chí (viii): Công viên quốc gia Virunga nằm ở trung tâm của Đới thung lũng tách giãn lớn Albertine. Phía Nam của Công viên, do các hoạt động kiến tạo mở rộng của lớp vỏ Trái đất đã gây ra sự xuất hiện của khối núi Virunga, bao gồm tám ngọn núi lửa, bảy trong số đó nằm trong, hoàn toàn hoặc một phần trong Công viên. Trong số đó, có hai ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở châu Phi là Nyamuragira và Nyiragongo, với lượng dung nham tuôn trào rất lớn. Hoạt động của Nyiragongo có tầm quan trọng trên thế giới, như là nhân chứng cho hoạt động của núi lửa đã tạo ra một hồ dung nham: trên thực tế, đáy của miệng núi lửa được lấp đầy bởi một hồ dung nham vĩnh cửu đổ ra định kỳ, gây ra những hậu quả thảm khốc cho cộng đồng địa phương. Khu vực phía Bắc của Công viên bao gồm khoảng 20% khối núi Monts Rwenzori - khu vực băng hà lớn nhất châu Phi và chuỗi núi cao duy nhất của lục địa; giáp với Công viên quốc gia núi Rwenzori của Uganda (Di sản thế giới), nơi có chung Pic Marguerite, là đỉnh cao thứ ba của châu Phi (5.109m).
Tiêu chí (x): Do sự thay đổi về độ cao (từ 680m đến 5.109m), lượng mưa và tính chất của mặt đất, Công viên quốc gia Virunga sở hữu nhiều loại thực vật và môi trường sống, đã trở thành Công viên quốc gia hàng đầu châu Phi về đa dạng sinh học. Hơn 2.000 loài thực vật hàng đầu đã được xác định, trong đó 10% là loài đặc hữu Albertine. Các khu rừng afro chiếm khoảng 15% thảm thực vật. Khu Rift Albertine chứa nhiều loài động vật có xương sống đặc hữu hơn bất kỳ khu vực nào khác của châu Phi. Công viên có 218 loài động vật có vú, 706 loài chim, 109 loài bò sát và 78 loài lưỡng cư, đóng vai trò là nơi ẩn náu của 22 loài linh trưởng, trong đó 03 loài: vượn lớn - khỉ đột núi (Gorilla beringei beringei), khỉ đột đồng bằng phía Đông (Gorilla beringei graueri) và tinh tinh phía Đông (Pan troglodytes schweinfurthi), chiếm 1/3 số lượng khỉ đột núi trên thế giới. Các khu vực thảo nguyên của Công viên bảo tồn quần thể loài động vật móng guốc đa dạng (chúng sinh trưởng tập trung ở những nơi cao nhất trên trái đất). Trong số các động vật móng guốc, có một số động vật quý hiếm, như: okapi (Okapi johnstoni), là loài đặc hữu của Cộng hòa Dân chủ Congo và duiker rừng đỏ (Cephalophus rubidus), là loài đặc hữu của Monts Rwenzori. Công viên cũng bao gồm các khu vực nhiệt đới, cần thiết cho loài chim Palearctic cư ngụ trong mùa đông.
Tính chân xác
Công viên có diện tích hơn 790.000 ha, là một bức tranh toàn cảnh về một môi trường sống đa dạng của các loài động thực vật quý hiếm được bảo vệ tốt, bất chấp những thách thức về sự phát triển kinh tế và con người. Di sản được quy định rõ tại Pháp lệnh năm 1954.
Công viên gồm hai hành lang sinh thái rất quan trọng vì nó kết nối các khu vực tương ứng khác nhau: hành lang Muaro kết nối khu vực Mikeno với khu vực Nyamulagira; phía Tây kết nối khu vực phía Bắc với khu vực trung tâm của khối núi Virunga. Sự hiện diện của Công viên quốc gia Nữ hoàng Elizabeth, một khu vực được bảo vệ, tiếp giáp với Uganda, cũng tạo thành một hành lang đất sinh thái nối giữa các khu vực trung tâm và phía Bắc. Ngoài ra, hồ Edward cũng tạo thành một hành lang thủy sinh quan trọng.
Yêu cầu về quản lý và bảo vệ
Công viên quốc gia được thành lập từ năm 1925, dưới sự quản lý của Viện Bảo tồn Thiên nhiên Congo (ICCN) (cơ quan này cũng đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý, ví dụ như nhiều cán bộ của họ đã bị bắt cóc, tử vong… trong khi làm nhiệm vụ).
Để đảm bảo di sản được bảo tồn giá trị nguyên vẹn, Công viên phải được quản lý trên cơ sở khoa học và có kế hoạch quản lý rõ ràng, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ các khu vực khác nhau. Cần tăng cường giám sát để đảm bảo tính toàn vẹn của ranh giới Công viên. Điều đó sẽ làm giảm nạn săn trộm, phá rừng và giảm áp lực lên các nguồn lợi thủy sản (có nguy cơ gia tăng), đáng chú ý là các hoạt động của các nhóm vũ trang sẽ bị cô lập. Cuối cùng, việc tăng cường nhân viên và sự sẵn có của thiết bị cũng như đào tạo nhân viên cho công viên là quan trọng hàng đầu.
Cải thiện, củng cố và giám sát cơ sở hạ tầng hành chính sẽ góp phần giảm áp lực đối với các loài quý hiếm và bị đe dọa, như: khỉ đột núi, voi, hà mã và tinh tinh. Theo quan điểm về sự gia tăng dân số, việc thiết lập các vùng đệm trong tất cả các lĩnh vực là không thể thiếu và là vấn đề cấp bách. Một ưu tiên khác nữa là thành lập một Quỹ ủy thác để đảm bảo đủ nguồn lực cho việc bảo vệ và quản lý di sản lâu dài.
Hoạt động quảng bá du lịch địa phương đi cùng với việc kiểm soát chặt chẽ có thể làm tăng thu nhập cho cộng đồng, đóng góp vào việc hỗ trợ thường xuyên cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Công viên quốc gia Virunga./.
Khánh Chi
(dịch từ website: www.whc.unesco.org)