Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây

Đình Tân Phước Tây, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, ra đời cùng với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ XIX. Đình được phong sắc thần từ sớm nhưng do bị mất, nên vào năm Tự Đức thứ 5 (1852), đình được phong sắc lại. Cũng như các đình làng khác ở Nam Bộ, Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây diễn ra hàng năm để tưởng nhớ những bậc tiền bối đã khai phá lập nên xóm làng, những vị có công trong việc mở mang bờ cõi và cầu an cư lạc nghiệp, mưa thuận gió hòa.

Lễ cúng Kỳ yên là cổ lệ với nguồn gốc từ miền Bắc đã có ở đình từ xa xưa, diễn ra từ  ngày 15 đến 17 tháng Chạp hàng năm. Theo lệ, cứ 3 năm, Ban quý tế đình làm lễ tế long trọng và quy mô với đầy đủ nghi thức, gọi là Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây. Về thời điểm tổ chức, theo các vị cao niên ở địa phương là ngày thôn Tân Phước Tây thỉnh sắc thần vua ban về an vị tại đình. Lễ vật cúng Thành hoàng bổn cảnh ở đình là những vật phẩm của địa phương, như: xôi, thịt, trà, rượu, bánh trái và con vật tế thần phải là con heo sống,…

Ngày 15 tháng Chạp diễn ra lễ Khai môn thượng kỳ và lễ Mộc dục. Lễ Khai môn thượng kỳ được cử hành vào lúc 9 giờ (giờ Tỵ). Đây là nghi lễ mở cửa chính của đình, bày biện trang trí, quét dọn, làm vệ sinh khu vực xung quanh đình và treo cờ, treo đèn, chọn lựa hoa quả đan kết hình tượng tứ linh trang trí trên các hương án thờ thần. Thành phần tham gia hành lễ gồm: Chánh tế, 02 bồi tế và 16 vị chấp sự phụ trách các bàn nghi, mõ, chiêng, trống, treo cờ và mở cửa đình. Sau đó, lễ Mộc dục được tiến hành vào lúc 11 giờ. Nghi thức này được tiến hành trang nghiêm: lau các bàn thờ, phơi sắc thần, y quan, mũ mão, hia của thần Thành hoàng đình. Sắc thần được phơi trên chiếc bàn nghi dài có trải vải đỏ hoặc giấy hồng đơn. Hai vị Đông xướng và Tây xướng sẽ xướng các phần việc, theo đó mà các vị tham gia lễ Mộc Dục phải thực hiện. Sau nghi thức dâng hương, dâng rượu, dâng trà, nghi thức Tắm thần vị được cử hành với việc Chánh tế, Bồi tế và Chấp sự thỉnh sắc thần và Y quan từ Chánh điện đi ra và tiến đến sân đình, rồi đặt lên bàn nghi để phơi sắc Thần, lau Y quan và mão cân. Những người thực hiện nghi thức này đứng trong vòng lụa đỏ bao quanh, không cho người bên ngoài nhìn thấy, bởi quan niệm sắc thần được xem là vật thiêng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Sau lễ Mộc dục, sắc thần được thỉnh trở lại bàn Chánh điện thờ. Đến 20 giờ cùng ngày, nghi thức tụng kinh cầu an được tiến hành tại tiền sảnh đình do Chư tăng và Phật tử chùa Bửu Long (còn gọi là chùa Thầy Sen, thị trấn Tân Trụ) phụ trách với ý nghĩa cầu an cho dân chúng.

15 giờ chiều ngày 16 tháng Chạp, diễn ra lễ Tiền hiền, Hậu hiền và Tiền vãng, Hậu vãng. Đây là lễ tế các vị tiền nhân có công lập làng, lập đình và các anh hùng liệt sĩ ở địa phương. Nghi thức đọc chúc văn được thầy lễ thực hiện sau nghi tuần dâng rượu thứ nhất. Khi xong lễ, các vị làm lễ đốt chúc văn và vàng mã rồi kết thúc lễ cúng. Đồng thời với lế tế, bên ngoài cũng lập hai ban cúng Thổ chủ, Thổ thần và thập loại cô hồn.

Lễ Tỉnh sanh diễn ra lúc 19 giờ, với việc lễ giết một con vật sống để tế thần linh. Con vật tế phải kêu thành tiếng, vì người xưa quan niệm, tiếng kêu ấy thay lời trăm họ cầu mong thần linh giáng phúc cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Trước khi tiến hành lễ phải chuẩn bị đầy đủ các vật dụng như: bàn kê trước tiền án để đặt con heo sống, 1 con dao thọc huyết, 1 cái thau đựng huyết, 1 cái tô có đĩa đậy, 01 đĩa trên có 3 lá vàng mã, 3 cây nhang, 1 cái kéo, 1 cái mâm đựng dùi mõ, chiêng trống và 1 cái mâm để dao “khai đao”. Trước đây, con trâu làm vật tế với nghi thức “sát ngưu tế thần”, ngày nay thay bằng heo. nhưng được chọn lựa kỹ lưỡng (là heo đực, tuyền sắc - chỉ thuần một màu duy nhất đen hoặc trắng, không bị khuyết tật dị dạng, có trọng lượng khoảng 70 -80kg và được tắm rửa sạch sẽ). Khi nghe xướng “chiết tửu”, chấp sự rót ra một chung rượu lớn trao cho chánh tế; chánh tế đổ rượu vào miệng cho con vật tỉnh táo, vỗ vào đầu cho nó kêu thành tiếng, dùng kéo cắt 1 chùm lông gáy của nó bỏ vào bát để sẵn, rồi cầu nguyện, đốt vàng mã; tiếp đến, Giám đao uống một ly rượu và thọc huyết vật tế. Vật tế được làm sạch và mang lên để trên chiếc bàn trước tiền án. Riêng bát đựng lông và huyết heo thì đặt ở phía dưới bàn tiền án để chuẩn bị cho nghi lễ Ế mao huyết (hay Yểm mao huyết).

Lễ Ế mao huyết là việc mang bát lông và huyết heo đem chôn dưới bàn thờ Thần nông - một nghi thức phổ biến trong lễ Kỳ yên ở đình làng Nam Bộ, diễn ra vào lúc 20 giờ nhằm phục hồi sinh khí, cầu mong cho cây lành trái ngọt, ruộng vườn tốt tươi. Sau khi thực hiện các nghi lễ ở bàn tiền án với sự tham gia của dàn nhạc lễ, bát huyết được người chấp sự mang ra bàn thờ Thần nông để thực hiện nghi thức đốt hương, nguyện hương, thượng hương và quỳ lạy trước khi dâng 3 tuần rượu, rồi đặt bát huyết xuống đất và lấp lại. Sau đó dâng trà ở bàn thờ Thần Nông, khi nghe xướng “Phần hóa”, chủ tế đốt giấy vàng mã, kết thúc phần lễ Ế Mao huyết.

Lễ chính trong đại lễ Kỳ yên ở đình Tân Phước Tây là lễ Đàn cả (Đoàn cả) để tế thần tạ ơn thần đã cho mưa thuận gió hòa, dân khang vật thịnh, thường được tổ chức vào lúc giữa đêm - thời điểm thanh tịnh nhất (hiện nay đình Tân Phước Tây tổ chức vào lúc 21 giờ). Lễ vật gồm: heo sống, trầm, đèn, nhang, rượu, trà, nước. Trước bàn tiền án có 2 chiếc mâm: một đựng 3 chiếc dùi trống, chiêng, mõ; một đựng kiếm sanh lịnh. Sau khi thực hiện các nghi thức dâng hương, dâng rượu, dâng hiến quả phẩm, dâng trà, đọc chúc văn bằng chữ Hán (nội dung thể hiện ý nguyện của nhân dân về việc cầu an và kể lại công đức của thần linh), con heo tế thần được cắt một ô vuông vùng thịt đùi trước và đùi sau để tế thần; kết thúc là nghi thức đốt chúc văn và vàng mã.

Sang ngày 17 tháng Chạp, lễ Tế hậu sở được cử hành lúc 19 giờ để cúng tế Tiền hiền, Hậu hiền, Tiền vãng, Hậu vãng và thập loại cô hồn,… có ý nghĩa thiết thực, quan trọng trong việc hướng con người về đạo lý trọng nghĩa, trọng tình, nhớ ơn tổ tiên, tiền nhân, gắn kết con người với nhau trong cộng đồng.

Ngoài ra, trong các kỳ Đại lễ Kỳ yên đình Tân Phước Tây còn có một số nghi lễ khác như: lễ Xây chầu, lễ Đại bội, Hát bội, lễ Tôn vương, Tôn soái.

Lễ Xây chầu có tên gọi là lễ khai tràng, là một trong những nghi thức long trọng trong ngày lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây tối ngày 17. Lễ Xây chầu có 3 loại: Xây chầu võ, Xây chầu văn và Xây chầu bán võ - bán văn căn cứ theo cử chỉ, cách ăn mặc và cách thức đọc các câu chúc. Trước ngày xây chầu, trống chầu phải được sơn và vẽ mới hình thái cực ở giữa mặt trống, đặt trống chầu theo hướng đại lợi và lấy khăn đỏ che kín mặt trống chầu (có ý nghĩa che thái cực vì thái cực là cõi u tối, hỗn mang), kể từ lúc này không ai được xê dịch trống chầu để giữ tính tịnh theo quan niệm của vô cực.

Sân khấu hát bội được dựng quay mặt vào đình. Trên sân khấu có bàn nghi bài trí lư hương, bộ chân đèn và khay trầu rượu. Roi trống chầu được thỉnh từ bàn thờ hội đồng và được đặt trang trọng trên khay, có thể đặt ở bên tả hoặc bên hữu sân khấu. Địa điểm hành lễ diễn ra tại chánh điện trước bàn thờ Hội đồng và trên sân khấu võ ca. Nghi lễ xây chầu được mở đầu tại chánh điện trước bàn thờ Hội đồng, Ban hành lễ tiến hành nghi thức dâng 1 tuần hương, 3 tuần rượu (đủ tam hiến), 1 tuần trà. Sau đó lễ 4 lễ, 3 vái, vắt vạt áo trước lên vai hô to: “phụng lệnh” (tuân theo lệnh thần) rồi lấy gươm lệnh đeo vào vai, thỉnh roi chầu được đặt tại bàn thờ thần ra bàn nghi trên sân khấu. Tại sân khấu, vị thủ cổ và các chấp sự thực hiện tiếp nghi thức tẩy trước chú (tẩy trược): vị thủ cổ tẩy trược cầm bông trang bỏ vào tách rượu đứng tại trống chầu giũ, rải rượu ra 4 hướng. Tiếp theo là nghi thức cầm roi khắc trống chầu: khi nghe lễ sinh xướng “Phế cân”, vị thủ cổ lấy tấm vải đỏ phủ trên mặt trống, lau sơ mặt trống rồi bao lấy roi chầu, roi họa trên mặt trống chầu chữ bùa Lỗ Ban, sau đó dùng roi viết lên trống các câu: “Hà an xã tắc”, “Khương trung an thới”, “Lê thứ thái bình”. Rồi đến nghi thức trịch mộc chú (khắc trống chầu) khắc vào trống 3 lần, mỗi lần độc một câu mang ý nghĩa chúc tụng “Thiên lai giáng phúc”, “Chủ địa nhi lai”, “Vạn thần lai ủng”. Sau đó vị thủ cổ đánh tiền đả 37 tiếng, trung đả 67 tiếng và hậu đả 99 tiếng. Theo cổ lệ phải đánh 3 hồi 300 roi chia ra nhất hồi 80, nhị hồi 100 và tam hồi 120. Ngày nay, số lượng roi chầu đã giảm bớt còn 36 – 72 - 108 hoặc 20 – 40 - 60 tùy theo sức khoẻ người thủ cổ.

Sau lễ Xây chầu là lễ Đại bội. Đại bội có nghĩa là lễ cúng lớn có trò diễn. Nếu như lễ Xây chầu thể hiện ý nghĩa khai thông thái cực, hòa hợp lưỡng nghi, sinh hóa tam tài, được diễn đạt bằng những hồi trống và những tiếng trống, thì lễ Đại bội cụ thể hóa lễ Xây chầu bằng hình tượng, điệu múa và lời nói qua các nghi tiết: nhứt thái (nhứt trụ), lưỡng nghi, tam tài, tứ tượng, ngũ hành, bát quái trình tự với số lượng người diễn xướng: 1, 2, 3, 4, 5, 8 biểu diễn tiết mục trên sân khấu. Trong lễ, đào kép gánh hát bội sẽ thực hiện các lễ tiết như: lễ khai thiên tịch địa (đình Tân Phước Tây gọi là điềm hương); lễ Xang (xoan = múa) nhật nguyệt tượng trưng cho lưỡng nghi, âm dương giao hòa sinh ra vạn vật; lễ Tam tài (còn gọi là lễ Tam đa, Tam tinh hay lễ Chúc thánh, Chúc thọ); lễ tứ thiên vương: tượng trưng cho tứ tượng tức thái dương, thiếu âm, thái âm, thiếu dương; lễ Đứng cái (còn gọi là trò Đại bội) để tượng trưng cho ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), các đào thài múa quạt ca ngợi đất nước xinh đẹp, chúc thọ toàn dân, bốn mùa tượng trưng mai, lan, cúc, trúc quanh năm tươi sắc; lễ Bát tiên hiến thọ tượng trưng cho bát quái gồm các quẻ: càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài theo quan niệm dịch lý của Nho giáo; lễ Gia quan tấn tước (còn gọi là lễ gia quan phổ tước) cầu chúc cho việc thăng quan tiến chức trong xã hội ngày xưa. Đêm diễn còn có sự tham gia của vị thủ cổ cầm chầu để trực điểm trống chầu mỗi khi hát, diễn hay. Kết thúc đêm diễn, nếu đêm sau còn hát bội, đánh trống chầu 3 hồi 9 tiếng, nếu không đánh hồi chầu, tiễn thần với 3 hồi trơn.

Ngoài ra, còn có một số nghi lễ phụ được tổ chức trong ngày Đại lễ Kỳ yên như: nghi lễ rước Tổ hát bội khi gánh hát đến đình và lễ cúng miễu ở các miếu Tiên sư, Ngũ Hành và miếu Điền.

Đại lễ Kỳ yên ở đình Tân Phước Tây thể hiện truyền thống trọng công lao của các bậc tiên tổ có công, uống nước nhớ nguồn, một hình thức tri ân các bậc tiền nhân có công khai sáng, bồi đắp cho địa phương, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, giải trí của nhân dân, thể hiện tính đoàn kết, bình đẳng cộng đồng ở địa phương. Đại lễ Kỳ yên Đình Tân Phước Tây tỉnh Long An đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Liên kết website