Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Dân ca Sán Chí

Dân ca Sán Chí (“Cnắng cọô”) là một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có lịch sử lâu đời của người Sán Chí ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Đây là lối hát đối đáp nam nữ gần giống như hát ví, hát trống quân, hát quan họ của người Kinh và các làn điệu sli, lượn của người Tày, Nùng, sịnh ca của người Cao Lan, mà lời ca thường là thể thơ "thất ngôn tứ tuyệt". Hiện chưa có tài liệu nghiên cứu nào cho thấy rõ nguồn gốc của dân ca Sán Chí, chỉ biết rằng, nhiều thế hệ người Sán Chí sinh sống ở xã Kiên Lao đã truyền dạy và duy trì loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng đến tận hôm nay.

Dân ca Sán Chí thường được trình diễn dưới nhiều hình thức, bối cảnh và không gian khác nhau, tiêu biểu là:

Hát ban ngày (chục cọô): còn được gọi là hát giao duyên hay hát ghẹo. Về thể loại này, người Sán Chí ở Kiên Lao còn lưu giữ được khoảng từ 300 - 500 bài ca viết bằng chữ Hán. “Chục cọô” là thể loại hát đối đáp giữa nam và nữ, giống như hát ví của người Kinh. Sự phong phú về câu hát gắn liền với trí thông minh, tài ứng khẩu và đặt lời mới của người hát. Ở lối hát này, người ta lấy việc đối lời, đối ý là chính, sao cho kịp thời, sâu sắc và đòi hỏi người hát phải nhanh trí, sáng tạo. Người Sán Chí có thể hát “chục cọô” trong các lễ hội hoặc trong cuộc sống lao động thường nhật trên một không gian rộng, như làm nương, đi chợ, làm đồng, đi đường… Họ hát để xua tan nỗi nhọc nhằn trong lao động. Những ai chưa quen biết nhau thì “chục cọô” là cầu nối để thử tài, để làm quen rồi kết bạn qua lời ca ứng tác. Cũng có khi đã quen biết, họ vẫn hát cùng nhau để trau dồi trí tuệ, kỹ năng và cũng có thể trêu ghẹo nhau để thư giãn. “Chục cọô” được ra đời trong những hoàn cảnh lao động và sinh hoạt khác nhau. Đó là sự giao lưu tình cảm giữa con người với con người một cách chân thành, cởi mở, hồn nhiên và trong sáng...

Hát ban đêm (Cnắng coộ): là loại hình phong phú nhất và tổng quát nhất của hát dân ca Sán Chí ở Kiên Lao. Với lối hát này, người Sán Chí chỉ hát ở trong nhà hoặc ngoài sân. Thời gian hát chủ yếu vào tháng Hai và cũng là dịp lễ hội của cộng đồng. Trước đây, thể loại “Cnắng cọô” thường được hát trong 7 đêm liền nhưng ngày nay chỉ được tổ chức trong 5 đêm. Trong 5 đêm này, người Sán Chí ở Kiên Lao có thể lựa chọn hát trong khoảng 700 đến 1000 bài. Số lượng các bài hát ở từng đêm ít dần theo trình tự từ đêm đầu đến đêm cuối. Người hát phải hát một số bài nhất định theo quy ước: đêm hôm sau không được hát lại bài của đêm hôm trước. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch mà người hát phải tuân theo. Vì thế, số lượng bài hát của đêm hôm sau sẽ ít đi. Ở thể loại này, người ta thường hát với giọng nhẹ nhàng, khoan thai như hát ru. Thời gian hát thường từ chiều tối ngày hôm trước đến sáng ngày hôm sau, theo quy ước: khi bạn hát từ nơi khác đến nhà hát thì phải đứng ở ngoài cổng hát vọng vào trong nhà, đến khi nào chủ nhà hát đối lại mời vào mới được vào. Đây là phép lịch sự, khiêm nhường của tộc người nơi đây và cũng là quy định khởi đầu của cuộc hát. “Cnắng cọô” thường là những bài hát được ghi bằng chữ Hán dưới dạng thơ “thất ngôn tứ tuyệt”, được người Sán Chí ở Kiên Lao lưu giữ qua nhiều đời. Nội dung của các bài này rất ngắn gọn, sâu sắc, trữ tình và đằm thắm nên rất cuốn hút người hát, người nghe. Do đó, cuộc hát kéo dài qua nhiều đêm mà người tham gia vẫn không cảm thấy chán và mỏi mệt.

Hát đám cưới (Chắu cọô): còn gọi là Tửu ca. Ở thể loại này, có chừng 100 bài hát và chỉ dành riêng cho đám cưới, với thang âm cao và vui nhộn. Khi có đám cưới, các bạn của cô dâu và chú rể đến hát mừng cho ngày vui của bạn mình. Vì hát đối trong đám cưới là nghi lễ hết sức quan trọng nên đòi hỏi cả hai họ (nhà trai và nhà gái) phải cử những người giỏi hát và ứng tác tham gia trình diễn.

Hát đổi danh (Zoóng hòô cọô): là thể loại chỉ có nam giới mới được hát. Ở thể loại này, số lượng bài hát còn truyền đến nay rất ít và cũng hiếm người thuộc cũng như biết hát. Lối hát này thường được thể hiện với giọng trầm, ấm, ngân nga như thể ngâm thơ. Theo phong tục của người Sán Chí, khi người con trai đủ 18 tuổi thì phải làm lễ đổi danh/tên. Sau khi đổi tên mới, người con trai đó sẽ trở thành người lớn, là thành viên chính thức của cộng đồng, được tham gia mọi công việc của gia đình và cộng đồng. Và, cũng từ đây, mọi người gọi người đổi danh theo tên mới.

Cáp chay cọô (hát về lục giáp): là thể loại hát bói toán về vận mệnh của con người - để xem tuổi hợp, tuổi khắc hay buồn vui, sướng khổ của người muốn xem, giúp cho người xem tránh được rủi ro theo định mệnh. Lời hát lục giáp thường nói về cảnh chiến tranh xâm lược, nội chiến, huynh đệ tương tàn, cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, anh em ly tán, nhà cửa đổ cháy, đồng ruộng tiêu điều hoang vắng…

Dân ca Sán Chí không chỉ phổ biến trong thanh niên nam nữ mà cả lớp trung niên và người già cũng rất say mê hát, bởi nó là phương tiện gửi gắm tâm tư, tình cảm, ước vọng của những người Sán Chí. Người Sán Chí mỗi khi có dịp gặp nhau lại hát cho nhau nghe những bài hát ca ngợi cảnh đẹp của quê hương, làng bản, những cảnh sinh hoạt, sản xuất trong bốn mùa, qua đó ngỏ ý giao duyên, kết tình. Bên cạnh đó, nhiều bài hát còn nói về sự kính trọng người già, công lao của cha mẹ, công đức của người có công đối với làng bản và đôi khi là những bài hát trêu đùa gây cười hoặc đả phá những thói hư tật xấu…

Có thể coi Dân ca Sán Chí là một nét sinh hoạt văn hoá phong phú, hấp dẫn, được kết tinh trong quá trình lao động, sản xuất và sinh sống của nhiều thế hệ và phản ánh được phần nào lịch sử - văn hóa của tộc người này. Theo đó, Dân ca Sán Chí là một nguồn tư liệu phong phú giúp nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán, âm nhạc, ngôn ngữ của người Sán Chí trong lịch sử.

Với đồng bào Sán Chí, khi điều kiện sống còn khó khăn, thì lời ca, tiếng hát chính là một món ăn tinh thần không thể thiếu, có tác dụng khích lệ, động viên, giúp con người xích lại gần nhau, yêu quê hương, làng bản của mình hơn. Đây là di sản văn hóa phi vật thể có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng người Sán Chí ở vùng cao Lục Ngạn.

Vì thế, dân ca Sán Chí đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo tồn, phát huy cũng như khẳng định thêm về giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này.

Liên kết website