Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động

Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động được hợp bởi quần thể hang động Tràng An và khu cảnh quan chùa - động Bích Động, thuộc địa phận huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.

1. Quần thể hang động Tràng An

Quần thể hang động Tràng An bao gồm 50 hang khô và 50 hang ngập nước, rất đa dạng về hình thái và chủng loại (hang động xuyên thủng, hang động thông và hang ngầm). Mỗi hang đều có một sắc thái riêng. Và, một điểm đáng chú ý là, các hang động ở đây thường tập trung thành từng cụm, có liên hệ mật thiết với nhau. Trong mỗi hang, do hiện tượng hòa tan và lắng đọng của đá vôi, đã tạo nên hệ thạch nhũ muôn màu, muôn vẻ... Dấu vết của các thời kỳ biển tiến, biển thoái còn hằn rõ qua những mực xâm thực cơ sở và qua hình thức các hang động liên thông với nhau. Ngay trong mỗi động cũng có nhiều ngách, nhiều tầng, với vẻ đẹp riêng. Hệ thống hang động ở Tràng An là hệ thống “hang sông” ngập nước thường xuyên, ngay cả trong mùa khô, với một số hang tiêu biểu như:

Hang Địa Linh: trong hang có ngã ba dẫn đi ba ngả khác nhau. Độ sâu của hang khoảng 2 - 2,5m, vòm hang cao khoảng 3m, có nơi vòm rất rộng và cao tới 7 - 8m, với nhiều hình khối khác nhau, khi được chiếu ánh sáng sẽ tạo nên những màu sắc kỳ ảo.

Hang Tối: gọi là hang Tối vì hang nhỏ, hẹp nên rất tối. Hang Tối dài 320m, độ sâu khoảng 1,4m, vòm hang cao từ 1 - 6m. Vòm hang nhiều chỗ có mặt cắt hình tam giác, chỉ đủ một chiếc thuyền nan nhỏ đi vừa. Bên trong hang có hai khoảng trống rộng, vòm trần có những nhũ đá như hình một chiếc màn lớn, nên thường gọi là khu “Màn vóc”. Lại có chỗ có một ngách cụt nhỏ, trước kia nhân dân đi qua không có đèn, dễ bị lạc vào ngách này nên gọi là ngách Lầm.

Hang Sáng: hang dài 120m, độ sâu khoảng 1,5m, vòm hang cao từ 1 - 2m. Trong hang khá thoáng, mát, ánh sáng vừa đủ để du khách có thể ngắm nhìn các nhũ đá trên trần và các vách hang.

Hang Nấu Rượu: gọi là hang Nấu Rượu vì trước đây, khi đi làm ruộng, nhân dân trong vùng thấy nhiều chum, vò sành và nậm rượu trong hang. Tương truyền, xưa kia vua Đinh thường chưng cất rượu ở hang này. Độ dài của hang khoảng 250m, độ sâu khoảng 1,5 - 2m, vòm hang cao từ 3 - 5m. Đây là hang có vòm cao nhất, không khí thoáng và mát mẻ nhất, đi lại bằng thuyền nan cũng thuận tiện nhất và dòng nước cũng trong lành nhất.

Hang Ba Giọt: hang có độ dài 156m, độ sâu khoảng 1,5 - 2m, vòm hang cao từ 1,5 - 2,5m. Chắn phía trước hang là một khối đá chìm (chỉ nhô lên một phần), có hình dáng một con rùa đang nổi lên.

Khu vực quần thể hang động này cũng là địa bàn có sự hiện diện của nhiều di tích lịch sử văn hóa, như phủ Đột (còn gọi là đền Trình, thờ hai vị tướng của triều Đinh là Nhị vị Thánh Tiền, tức Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù); đền Trần (còn có tên khác là đền Nội Lâm hay đền Vụng Thắm, thờ Quý Minh đại vương); phủ Khống, thờ vị quan triều Đinh có hiệu vị là Đinh Công Tiết chế; các di chỉ khảo cổ gồm: di chỉ hang Bói, di chỉ hang Trống, di chỉ mái đá Chợ, di chỉ mái đá Ông Hay...

2. Khu Tam Cốc - Bích Động

Khu Tam Cốc - Bích Động nằm trong quần thể núi đá vôi Hoa Lư. Trong khu vực này, những cảnh quan thiên nhiên như dòng sông Ngô Đồng, hang Cả, hang Hai, Hang Ba... kết hợp hài hòa với các công trình kiến trúc như đền Thái Vi (thờ các vị vua Trần) và chùa Bích Động…, tạo nên một cảnh quan tuyệt đẹp, được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động”.

Hang Cả, còn được gọi là hang Ngoài, hang Lớn, có chiều dài khoảng 180m, chiều rộng ước chừng 30m, trần hang cao hơn 5m. Đây là hang có nhiều nhũ đá đẹp đẹp rủ xuống. Do có vòm hang cao, nên vào mùa lũ, nước hầu như không lên tới trần hang, ít có sự bào mòn các nhũ đá, bởi vậy trong hang có nhiều nhũ đá hơn hẳn so với hai hang còn lại.

Hang Hai, còn được gọi là hang Giữa, hang Trung, dài khoảng 90m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 30m, phía trong hơn 30m, phần giữa của hang hơi thắt lại. Trần hang cao chừng 3,5m, có nhiều hình nhũ đá rất đẹp.

Hang Ba, còn được gọi là hang Bé, có chiều dài hơn 80m. Miệng hang phía ngoài rộng khoảng 20m, phía trong hơi loe ra, rộng khoảng hơn 30m. Độ cao của trần hang dưới 3m. Hang thường xuyên bị ngập nước khi mưa nhiều, dẫn đến các nhũ đá bị bào mòn, nhiều chỗ thành vệt nhẵn.

Từ hang Ba trở vào là cảnh sông, suối, rừng, núi... Cuối lộ trình này là đền Nội Lâm, thờ Cao Sơn đại vương.

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh chùa và động Bích Động là sự kết hợp hài hòa giữa cảnh đẹp kỳ thú của hang động, núi non với sự tài hoa, khéo léo của con người... Các kiến trúc ở đây chủ yếu dựa vào vách đá, hang động, tạo thành một khối thống nhất, vững chắc. Toàn cảnh chùa được bố cục theo kiểu “tam tòa”: phía dưới là chùa Hạ, tiếp đến là chùa Trung, trên cùng là chùa Thượng. Bên cạnh đó, người xưa đã lợi dụng hang tối để đặt tượng Phật và những vách đá để dựng những ngọn tháp, khiến vẻ linh liêng, cổ kính của ngôi chùa được tăng lên nhiều phần.

Theo văn bia ở chùa, sử sách và truyền thuyết dân gian, trước đây chùa và động cùng có tên gọi là Bích Sơn. Chùa được khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng, gắn liền với tên tuổi của các vị sư trụ trì là Trí Kiên và Trí Thể. Năm Giáp Ngọ (1774), khi tuần hành qua đây, chúa Trịnh Sâm đã giao cho Nguyễn Nghiễm giám sát phường thợ làm ròng rã trong 8 tháng để khắc lên vách đá 2 chữ “Bích Động” - viết theo lối đại tự, chân phương, khuôn chữ dài 1,5m, rất sắc nét. Từ đó, tên chùa cũng được gọi theo là Bích Động.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Bích Động từng là một khu căn cứ quan trọng. Tại đây, Công binh xưởng Phan Đình Phùng đã được thành lập, để sản xuất vũ khí. Chùa và động còn là nơi chứa lương thực, in tài liệu tuyên truyền, đồng thời là địa điểm huấn luyện chiến đấu của bộ đội, du kích địa phương.

Quần thể hang động Tràng An và khu vực Tam Cốc - Bích Động cách Cố đô Hoa Lư không xa, nên cũng nằm trong không gian văn hóa của lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư - Lễ hội được diễn ra từ mồng 6 tháng Ba đến mồng 8 tháng Ba (Âm lịch) hằng năm.

Lễ hội chính tại khu danh lam thắng cảnh này được tổ chức tại đền Trần (ở xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) vào ngày 18 tháng Ba (Âm lịch) hằng năm, để tưởng nhớ Đức Thánh Quý Minh đại vương. Điều độc đáo là, lễ hội này diễn ra trên dòng Sào Khê - dòng sông nằm bên đại lộ Tràng An, gắn với hành trình du xuân trên các hang động Tràng An, rồi kết thúc bằng việc neo lúi, dâng hương tế lễ tại đền Trần.

Trong quần thể hang động Tràng An và khu vực Tam Cốc - Bích Động hiện còn lưu giữ được khá nhiều di vật, cổ vật, bằng các chất liệu, như đá, đồng, gỗ..., có niên đại chủ yếu từ thời Nguyễn...

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc biệt của khu danh lam thắng cảnh, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/05/2012).

Khánh Ngân (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Liên kết website