Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long, hiện lưu giữ tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, được công nhận là Bảo vật quốc gia tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chất liệu: Kim loại

-  Niên đại: Thời Trần, thế kỷ XIV

- Giá trị:

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long được phát hiện tại hố A10 Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội thuộc khu trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý, Trần, Lê. Hiện vật được phát hiện trong lớp địa tầng tin cậy. Tài liệu địa tầng và các di vật cùng phát hiện cho phép khẳng định tính chân xác của hiện vật. Hiện nay chưa phát hiện bất kỳ thanh đao nào giống với đao này. Tại các địa điểm khảo cổ trong không gian của Hoàng thành Thăng Long xưa đã phát hiện một số loại hình binh khí như kiếm, đao, giáo nhưng không có hiện vật nào có cấu trúc tương tự, đặc biệt, không có hiện vật nào có trang trí hoa văn cầu kỳ và tinh xảo như Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho trình độ phát triển cao của kỹ nghệ rèn thời Trần. Các sắc thái khác nhau của kim loại (đồng) tham gia vào các bộ phận của Đao: đai chuôi, họa tiết trang trí cho thấy trình độ điêu luyện của người thợ trong việc chiết xuất vật liệu, vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang tính mỹ thuật cao. Kỹ thuật tượng khảm điêu luyện với những nét khảm nhỏ, mảnh và sâu không chỉ minh chứng cho trình độ thẩm mỹ mà ẩn phía sau của những đường nét tinh xảo đó là trình độ và sự khéo léo của người thợ. Kỹ thuật tượng khảm bắt đầu Trung Hoa và được phổ biến ra các nước. Tại Nhật Bản, bằng chứng sớm nhất về kỹ thuật tượng khảm được tìm thấy có niên đại thế kỷ VII - VIII. Ở Việt Nam, chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về vấn đề này, ngoại trừ Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long, các di vật đã biết được cẩn tam khí đa phần có niên đại thời Lê Trung hưng, do vậy đôi khi, một số nhà nghiên cứu căn cứ vào kỹ thuật khảm mà cho rằng di vật có niên đại thời Lê Trung hưng. Tuy nhiên, với việc phát hiện Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long; tư liệu địa tầng, hoa văn và thành phần chất liệu của nó đã cho phép khẳng định, kỹ thuật tượng khảm đã xuất hiện ở Việt Nam sớm hơn, đến thời Trần kỹ thuật này đã được sử dụng một cách thành thạo. Do vậy, Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng sống động cho kỹ thuật tượng khảm ở Việt Nam dưới thời Trần, nó đồng thời làm thay đổi nhận thức về sự phát triển của kỹ nghệ luyện kim của Việt Nam thời cổ trung đại.

Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long là một trong số rất hiếm binh khí thời Trần đến nay đã biết. Trong lịch sử Đại Việt, nhà Trần được coi là thời kỳ có lực lượng quân đội mạnh, 3 lần chiến thắng giặc Mông - Nguyên là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Để có được những chiến thắng trước đối thủ lớn như vậy, ngoài sự tài năng của tướng lĩnh, tinh thần quả cảm của người lính, sự đoàn kết trên dưới một lòng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” thì một yếu tố đóng vai trò quan trọng khác là trang bị trong đó binh khí. Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho thấy trình độ và kỹ thuật trong sản xuất binh khí của nhà Trần. Các họa tiết trang trí tinh xảo trên đao cho thấy, thời Trần, không chỉ sản xuất được những binh khí có chất lượng tốt mà còn đẹp về thẩm mỹ.

Sự tinh xảo và cầu kỳ của hoa văn có thể cho thấy, Đao cẩn tam khí, Hoàng thành Thăng Long không phải là loại đao thường, chủ nhân của nó ít nhất cũng thuộc tầng lớp cao hoặc nắm giữ một vị trí quan trọng trong triều Trần./.

                                                                     Thúy Hà

   (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website