Đền Xã Tắc, tỉnh Quảng Ninh
Căn cứ vào tài liệu văn khắc trên bia đá và bài vị đá được lưu tại di tích, đền Xã Tắc thờ Bản cảnh Thành Hoàng Xã Tắc Đại Vương, đã được trùng tu lớn vào năm Kỷ Mão (1879), như vậy, chắc chắn rằng đền đã được xây dựng vào thời gian trước đó, ít nhất là thế kỉ XIX đã tồn tại đền Xã Tắc tại Móng Cái (thời đó còn gọi là phủ Hải Ninh).
Hiện nay, đền vẫn còn lưu giữ được 03 tấm bia và 03 bài vị đều được chế tác từ đá cát kết, nội dung các văn bia và bài vị cho biết các nhân vật được thờ trong đền: Xã Tắc Đại Vương, bản thôn Long mạch Thổ thần và các dòng họ đã đóng góp công đức xây dựng đền. Đồng thời, nội dung của các bia đá này cho biết đền đã trùng tu nhiều lần (năm Kỉ mão và năm Tân Tỵ), lần trùng tu lớn nhất vào năm Kỷ Mão (1879).
Đến đầu Thế kỷ XX, do thiên tai bão lũ, sạt lở sông, dân làng chuyển đền vào phía trong Soáy Nguồn. Đây là vị trí hết sức đặc biệt ở sát dòng sông Ka Long, nơi giáp ranh giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, thuộc tổ 10 khu 3, phường Ka Long, thành phố Móng Cái. Năm 1992, đền được tu sửa theo hướng Nam, gồm: cổng đền, đền chính, nhà thờ Mẫu, ban thờ Chúa bản cảnh, lầu cô, lầu cậu và cây hương ngoài trời. Năm 2009, Đền Xã Tắc được xây dựng mới gồm các hạng mục: Chính điện, nghi môn nội, nghi môn ngoại, lầu chuông, gác trống, nhà tả vu, hữu vu, am Sơn thần, am hóa vàng và một số công trình phụ trợ khác. Đền Xã Tắc thờ chủ thần là Xã Tắc Đại Vương, ngoài ra còn phối thờ Cao sơn Đại Vương, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng và Tam tòa Thánh Mẫu.
Đền Xã Tắc được xây dựng trên tổng diện tích là 11.486m2, năm 2009, triển khai thực hiện tu bổ tôn tạo đền Xã Tắc gồm những hạng mục sau: nghi môn, chính điện, tả hữu vu, lầu chuông, gác trống, miếu sơn thần, am hóa vàng và một số hạng mục phụ trợ.
Hiện nay tại trên đất nước ta, ngoài các dấu tích vật chất về đàn Xã Tắc thời Lý (tại phố Xã Đàn, phường Kim Liên, Hà Nội), đàn Xã Tắc thời Trần (thuộc Thanh Hóa ngày nay) và đàn Xã Tắc của vương triều Nguyễn (tại Phú Xuân, Huế) thì dạng thức thờ Xã Tắc gắn với phục dựng lại lễ tế đàn Xã Tắc mang tính địa phương hầu như không thấy thấy xuất hiện. Móng Cái là một số ít địa phương trong cả nước hiện nay còn lưu giữ, duy trì và phát huy giá trị trong việc thờ thần Xã Tắc và thực hiện lễ tế đàn Xã Tắc, đây chính là nét đặc trưng riêng có của vùng đất nơi địa đầu Tổ quốc - Móng Cái.
Việc thờ thần Xã Tắc còn mang ý nghĩa thể hiện cho nguyện vọng, ý chí: từ thiên tử cho tới thứ dân cùng tôn sùng, xây dựng, giữ gìn một biểu tượng quốc gia, dân tộc, cụ thể là tinh thần độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Thường thì địa đầu biên giới bao giờ cũng là nơi đụng độ đầu tiên giữa kẻ thù xâm lược và đội quân trấn thủ biên cương; do đó, hơn bất cứ nơi nào khác, việc thờ thần Xã Tắc tại Móng Cái, Quảng Ninh có thể được coi là biểu tượng của quốc gia dân tộc - ý chí độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng như biểu tượng cho những vụ mùa bội thu, cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc…
Các tư liệu bằng chữ Hán (03 bia đá và 03 bài vị đá) hiện còn được lưu giữ tại đền Xã Tắc đã được dập, phiên âm, dịch nghĩa. Những thông tin trên bia cho biết tại đây đã từng xuất hiện đàn tế và như vậy chứng minh tại đây cũng đã xuất hiện nghi thức thực hành tế tự của người xưa, đây chính là căn cứ khoa học quan trọng khẳng định sự xuất hiện, tồn tại của đàn Xã Tắc tại phủ Hải Ninh trước đây (Móng Cái ngày nay). Thông qua những nội dung văn bia còn cung cấp cho ta biết những nhân vật được thờ tự tại đền; đồng thời cũng cho biết trong quá trình tồn tại và phát triển, di tích đền Xã Tắc đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần.
Với những giá trị nêu trên, đền Xã Tắc, phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia tại Quyết định số 3238/QĐ-BVHTTDL ngày 04/11/2020./.
Khánh Chi
(Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)