Di tích khảo cổ Hang Con Moong và các di tích phụ cận
Di tích Hang Con Moong và các di tích phụ cận thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, có tổng diện tích 4.999.180m2, khai quật lần đầu tiên vào năm 1976. Năm 2008 - 2009, hang Con Moong được đào kiểm tra, nghiên cứu tổng thể và khảo sát các di tích phụ cận. Trong thời gian khai quật hang Con Moong (2010 - 2015), đoàn khảo cổ học Việt - Nga đã phát hiện thêm các di tích là hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, di tích đất đắp núi Đầu Voi, hang Mang Chiêng, Hang Diêm, đồng thời khai quật 4 di tích xung quanh là: Hang Lai (2010), hang Lý Chùn (2010), hang Mang Chiêng (2011 - 2012) và Hang Diêm (2013 - 2014). Cụ thể:
1. Hang Con Moong: tọa độ 20015’52,2” vĩ Bắc và 105037’26,94” kinh Đông; khu vực I là 3.881.948m2, khu vực II là 957.913m2; độ cao tuyệt đối là 147m, độ cao tương đối so với mặt thung lũng là 32m; nằm trong núi đá vôi tuổi Triat thượng (Upper Triassic) thuộc hệ tầng Đồng Giao (T2ađg), khoảng 240 triệu năm. Hang Con Moong có địa tầng dày trung bình từ 9,5m - gồm 10 lớp có cấu trúc khác nhau. Từ lớp 1 đến lớp 6 (độ sâu từ 1m - 6m) tìm thấy nhiều công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động thực vật, nhưng có nhiều công cụ mảnh tước, chế tác bằng đá quartz, tập trung nhất là ở lớp 10. Theo nghiên cứu bước đầu, hang Con Moong trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa. Kết quả nghiên cứu các bon phóng xạ (C14) các lớp trên, độ từ cảm, tập trầm tích ở Con Moong và so sánh tương thích văn hóa với các di chỉ khảo cổ khác cho thấy niên đại sớm nhất của Con Moong được dự đoán 40.000 đến 60.000 năm cách ngày nay. Từ kết quả khai quật khảo cổ cho thấy, hang Con Moong là 1 trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
Hang có hình tang trống, hai cửa thông nhau, chiều dài 40m, chỗ rộng nhất lòng hang đạt 9m. Phần nền trước cửa hang tương đối bằng phẳng, lòng hang (mặt trên của tầng văn hóa khảo cổ) thấp hơn cửa khoảng 0,70m. Cửa thứ hai có hướng Đông - Đông Nam (Đông lệch Nam 12o), rộng 4m, vòm cửa cao 4m - 4,5m, trước cửa có nhiều khối đá lớn từ vòm rơi xuống và có một khoảng tương đối bằng phẳng, ánh sáng nhiều, nền hang khô ráo, mặt bằng di chỉ hang Con Moong rộng trên 250m2.
2. Các di tích phụ cận:
- Di tích Hang Lai: nằm trong dãy núi đá vôi thuộc thôn Thành Trung, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, khu vực I là 11.590m2 và khu vực II là 11.928m2; cao 111m so với mặt nước biển. Hang nằm cùng dãy núi đá vôi với hang Con Moong và cách Con Moong 2,3km về phía Tây - Bắc theo đường chim bay. Hang có hình hàm ếch, cao hơn mặt ruộng khoảng 10m - 15m, cửa hướng Tây Nam, rộng 8,5m, vòm cao 6,2m. Trước cửa hang có một khoảng đất khá bằng phẳng, lòng hang hình tam giác chạy theo hướng Bắc - Đông Bắc (Bắc lệch Đông 12o).
- Di tích Hang Lý Chùn: khu vực I là 2.824m2 được phát hiện vào giữa những năm 1960, với các di tích cổ sinh trong trầm tích bám trên vách hang. Lòng hang như một mái đá nhỏ, cửa hướng Tây - Tây Nam, cao hơn mặt ruộng 0,60m - 0,80m, cửa rộng khoảng 5m, vòm cao 2m không phẳng nhiều diềm và nhũ đá rủ xuống, chiều dài sâu trên 2m, vách hang có những vỉa đá lan ra cửa, có nhiều mảng khối trầm tích chứa xương răng động vật hóa thạch.
- Di tích Hang Bố Giáo: thuộc địa phận thôn Yên Sơn 2, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, cách hang Con Moong 4,9km theo hướng Tây - Tây Bắc. Khu vực I là 11.311m2, cao 174,6m so với mực nước biển và cao khoảng 51m so với chân núi, cửa hang quay hướng chính Tây. Hang có hai khoang, ngăn cách nhau bởi các cột nhũ đá lớn.
- Di tích Đất đắp Núi Đầu Voi (hay còn gọi là Hệ thống hào lũy núi Đầu Voi, Thành đất đắp núi Đầu Voi, Thành Lý Chùn, Lũy Đầu Voi, Đồn Binh Lý Chùn) khu vực I là 9.536m2, nằm sát (bao bọc ba mặt) núi Đầu Voi, thuộc một phần dãy núi đá có tên gọi là núi Voi, trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, cao 105,2m so với mực nước biển, cách Hang Con Moong 4,954km về phía Tây - Tây Bắc.
Khu vực II của Hang Lý Chùn, Hang Bố Giáo và Di tích đất đắp núi Đầu Voi là 44.858m2
- Di tích Hang Diêm: nằm trong khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu vực I là 19.881m2 và khu vực II là 21.491m2; cao 179,5m so với mực nước biển, cách hang Con Moong 3,239km về phía Đông Nam. Hang có hình ống dài trên 50m, rộng trung bình 10m. Phần diện tích có thể khai quật được rộng 200m2, hướng Đông Nam, nhìn xuống một thung lũng karst hẹp.
- Di tích Hang Mang Chiêng (hay còn gọi là Vang Chiêng): nằm trong địa bàn của Vườn Quốc gia Cúc Phương, cách xã Cúc Phương, huyện Nho Quan tỉnh Ninh Bình 15,8km về phía Đông Nam, nhưng chỉ cách hang Con Moong 6,2km về phía Tây Bắc, trước cửa hang có hai cây Vông lớn nên nhân dân còn gọi là hang Cây Vông.
- Di tích Hang Mộc Long và Mái đá Mộc Long: nằm trên một phía của núi Chùa thuộc xã Thành Minh, khu vực I là 19.479m2 và khu vực II là 5.421m2, cao 104,9m. Hai di tích này cách nhau gần 10m, ở độ cao 25m so với thung lũng dưới chân núi.
Sau quá trình nghiên cứu, khai quật hang Con Moong và các di tích phụ cận, các nhà khoa học bước đầu nhận xét, đánh giá những giá trị nổi bật:
- Cấu tạo địa tầng và tầng văn hóa ở di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận cho thấy, đây là di tích cư trú, mộ táng của cư dân thuộc nhiều thời kỳ. Hang Con Moong là 1 trong số rất hiếm di chỉ khảo cổ học, có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam và cả Đông Nam Á.
- Các di vật khai quật được ở hang Con Moong là những bằng chứng xác thực về truyền thống cư trú trong hang, chế tác và sử dụng công cụ đá với sự thay đổi về loại hình và kỹ thuật chế tác công cụ, từ đó, có thể nghiên cứu sự thay đổi về hành vi, ứng xử của người cổ trước những biến động của cổ khí hậu và môi trường tự nhiên...
- Giá trị lịch sử văn hóa nổi bật ở hang Con Moong là sự thích nghi của con người với môi trường trong suốt hàng vạn năm, từ hái lượm săn bắt, tiến dần đến trồng trọt, chăn nuôi... Kết quả khai quật cho thấy, con người đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước, song không thường xuyên. Từ khoảng 25.000 - 20.000 năm trước, khí hậu ấm dần, có thời kỳ xen kẽ ấm và lạnh, người ta cư trú trong hang thường xuyên hơn. Từ sau 20.000 năm là thời kỳ nóng ẩm mưa nhiều, khiến các loài ốc và nhuyễn thể sinh sôi, là nguồn thức ăn thường xuyên của con người, bằng chứng là vỏ nhuyễn thể chất đầy cửa hang, có chỗ dày tới 4m. Từ 11.400 năm đến 8.000 năm là thời kỳ mưa nhiều, người Tiền sử liên tục cư trú ở cửa hang Con Moong. Tại khu vực này đã thu được trong địa tầng rất dày toàn vỏ ốc với hàng trăm công cụ lao động bằng đá, xương, sừng, vỏ nhuyễn thể… với kỹ nghệ chế tác công cụ phát triển từ văn hóa Sơn Vi đến văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn. Từ 7.000 năm cách ngày nay là thời kỳ biển lùi, mưa ít, con người bắt đầu rời hang động dần chiếm lĩnh đồng bằng, ven biển, xác lập các nền văn hóa biển đầu tiên trong thời kỳ Tiền sử. Những dấu tích lớp văn hóa trên cùng ở Con Moong gồm những chiếc rìu mài và gốm văn đập thô sơ tương thích với lớp sớm nhất của văn hóa Đa Bút cho thấy sự chuyển cư của cư dân hang Con Moong đã tiến dần xuống đồng bằng ven biển, lập nên văn hóa Đa Bút.
- Song song với việc hoàn thiện khai quật hang Con Moong, các nhà khoa học đã khảo sát, khai quật và nghiên cứu các hang động xung quanh khu vực hang Con Moong. Qua đây cho thấy Con Moong là di tích cổ xưa nhất, có mối quan hệ nhất định với các di tích xung quanh ở các bình tuyến khác nhau. Từ Con Moong, trải qua hàng chục ngàn năm do biến đổi của khí hậu, thời tiết dẫn đến môi trường sinh sống được mở rộng, kỹ nghệ chế tác công cụ lao động, sinh hoạt ngày càng tiến bộ, người nguyên thủy đã tách ra từng bầy nhóm, di chuyển đến các hang động Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai, hang Mộc Long, Mái đá Mộc Long, Hang Đắng (Động Người xưa), hang Bố giáo … Những kết quả nhiên cứu đó đã góp phần nâng tầm giá trị lịch sử - văn hóa của quần thể di tích - hang động khu vực hang Con Moong.
Với giá trị tiêu biểu, di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg, ngày 23/12/2015)./.