Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê nằm trên địa bàn thị trấn Óc Eo, thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, có tổng diện tích quy hoạch bảo tồn khoảng 433,1ha, trong đó, diện tích khu vực sườn và chân núi Ba Thê (khu A) là 143,9ha, cánh đồng Óc Eo (khu B) là 289,3ha.

Trên nền tảng của những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, văn hóa Óc Eo hình thành và phát triển mạnh ở khu vực đồng bằng Nam Bộ trong khoảng 10 thế kỷ đầu Công nguyên. Năm 1879, những cổ vật đầu tiên của nền văn hóa này đã được bác sĩ A.Corre thông báo trong tập san “Excursions et Reconnaisances”. Từ năm 1937, L.Malleret đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu một vài địa điểm văn hóa Óc Eo trong vùng Ba Thê và ghi nhận hàng loạt di tích phân bố trên các gò thấp, hệ thống kênh cổ. Nhờ nghiên cứu không ảnh, ông đã xác định được dấu vết của thành phố cổ Óc Eo. Và, qua khai quật khảo cổ, L.Malleret cũng đã xác định được vòng thành cổ và nhận định, đây là một đô thị cổ, hay còn gọi là thị cảng Óc Eo. Tên gọi văn hóa Óc Eo được đặt theo tên địa điểm gò Óc Eo, được phát hiện và công bố năm 1942.

Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê gồm các loại hình tiêu biểu sau:

Di tích kiến trúc: thường có niên đại kéo dài từ giai đoạn tiền Óc Eo đến giai đoạn hậu kỳ Óc Eo, phân bố ở quanh sườn và chân núi Ba Thê, Linh Sơn Nam, Linh Sơn Bắc, gò Danh Sang...

- Linh Sơn tự (chùa Linh Sơn) được xây dựng bên trên nền móng của một công trình kiến trúc cổ. Trong chùa hiện đang lưu giữ tượng thần Vishnu, hai bia đá và nhiều hiện vật có giá trị. Chùa Linh Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1988.

- Tại địa điểm gò Út Trạnh, các nhà khảo cổ đã phát hiện một tổng thể kiến trúc gạch, gồm ba hạng mục chính, được xây thẳng hàng và cách đều nhau, dàn trải theo trục Bắc- Nam, cửa quay hướng Đông... Kiến trúc này nằm trong hệ thống tường bao hình chữ nhật, có diện tích khoảng 500m2. Đây là một loại hình kiến trúc tôn giáo hoàn toàn mới tại khu vực Óc Eo - Ba Thê và miền Tây Nam Bộ, được xây dựng và sử dụng vào thế kỷ VII và thế kỷ VIII - IX sau Công nguyên.

- Gò Cây Trôm (Dwl Samron), thuộc địa phận ấp Trung Sơn, xã Vọng Thê. Khi tiến hành khai quật tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu tích một công trình kiến trúc cổ, xây bằng gạch và nhiều hiện vật gắn với hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng (con dấu, bùa đeo). Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn phát hiện được 01 linga bằng đá, cao 1,7m, niên đại thế kỷ V - VII.

Di chỉ cư trú: phân bố trên địa bàn rộng, tiêu biểu như ở các địa điểm: Ba Thê, gò Tư Trâm, gò Cây Me 2, gò Cây Da... Các di chỉ này đều có tầng văn hóa dày trung bình từ 1m trở lên, nằm dưới lớp đất màu xám đen chứa mảnh gốm, gạch vỡ, xương động vật, công cụ bằng gỗ, bát gáo dừa, cọc gỗ, vò gốm thô, chum nhỏ, nồi đáy tròn. Đặc biệt, tại di tích gò Cây Da đã phát hiện dấu vết của kiến trúc nhà sàn (có thể được dựng trên mặt đất hoặc trên mặt nước), với những cọc gỗ tập trung thành nhóm trên cánh đồng, ven chân gò và cả dưới lòng lung...

Di chỉ mộ táng gồm các loại hình sau:

Mộ vò gốm: phát hiện ở khu vực Linh Sơn Nam, với miệng loe xiên, thành miệng rộng, có nắp đậy, bên trong chứa năm hạt chuỗi bằng vàng, một hạt chuỗi mã não (bị vỡ), niên đại vào khoảng những năm 40 - 70 sau Công nguyên.

- Mộ huyệt đất: mộ phát hiện ở khu vực gò Tư Trâm có hình chữ nhật, dọc theo hai bờ vách vẫn còn dấu vết của những thân gỗ mục, in dấu tấm đệm đan bằng cỏ lác trải rộng khắp bề mặt; đáy mộ có dấu vết xương cốt bị phân hủy. Những phát hiện trên đã chỉ ra rằng, ngôi mộ này có cùng niên đại với tầng văn hóa cư trú sớm nhất ở trên gò.

- Mộ hỏa táng: phát hiện tại các khu vực gò Cây Cóc, gò Ông Côn, gò Đôi, gò A7, thường có hình vuông hoặc hình chữ nhật, được xây bằng gạch, hoặc xếp đá, chính giữa để một lỗ vuông thông suốt, bên dưới lớp cát trắng chứa các lá vàng, chuỗi hạt bằng đá quý...

Di chỉ xưởng: những chuỗi hạt thành phẩm và bán thành phẩm, đá thủy tinh với đủ loại hình, màu sắc, chất liệu và kích thước khác nhau phát hiện tại gò Óc Eo chứng tỏ nơi đây đã từng tồn tại những xưởng thủ công có quy mô lớn.

Hệ thống giao thông thủy: lung Giếng Đá còn có tên gọi khác là lung Lớn (Antun Bhtak Kay), dài 30km, chạy theo hướng Bắc - Đông Bắc, Nam - Tây Nam, từ Tráp Đá qua vịnh Thái Lan, đến Nền Chùa (Tà Kèv). Trong lòng lung đã phát hiện được nhiều hiện vật khảo cổ, như cọc gỗ, gốm cổ, vật dụng, đồ trang sức bằng đồng và gỗ…

Baray (hồ chứa nước): nằm trong khu đất nhà bà Út Nguyên, thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo. Hồ có hình vuông, bao quanh bởi bờ kè, hai bên hồ nước có hai dòng suối chảy vào.

Vì những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê là Di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).

Cảnh Toàn (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích, tư liệu Cục Di sản văn hóa)
Liên kết website