Ngày 6 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Di tích Khởi nghĩa Trương Định, tỉnh Tiền Giang

Di tích Khởi nghĩa Trương Định (thuộc thị xã Gò Công, huyện Gò Công và huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), là nơi ghi dấu sự kiện lịch sử tiêu biểu - cuộc khởi nghĩa đầu tiên có sức ảnh hưởng và ý nghĩa lớn của nhân dân Việt Nam chống lại thực dân Pháp. Gồm 05 điểm di tích:

1. Mộ và đền thờ Trương Định (thị trấn Gò Công Đông, huyện Gò Công Đông): Ngày 20/8/1864 Trương Định tuẫn tiết tại Gia Thuận, sau đó bà Trần Thị Sanh (vợ thứ của ông) tổ chức tang lễ và tiến hành xây mộ bằng đá ong với hồ vôi ô dước, tấm bia trước mộ được làm bằng đá cẩm thạch trắng, rèm bia trang trí hoa lá mềm mại ngay giữa bia mộ có đề “Đại Nam... Bình Tây Đại Tướng quân, Trương Công Định chi mộ”, sau này Pháp cho đục dòng chữ Bình Tây Đại Tướng quân.

Đến khoảng năm 1930 - 1931, gia đình Đốc Phủ Hải - Huỳnh Thị Điệu (cháu ngoại bà Sanh), đã trùng tu ngôi mộ của Trương Định. Xây thêm vòng thành bằng đá, đúng với tước Quận công được truy tặng. Tấm bia cũ bị đục được thay bằng tấm bia mới, khắc “Đại Nam - Phần Dũng Đại Tướng quân, truy tặng Ngũ quân Quận công, Trương Công Định chi mộ". Kế bên là dòng chữ nhỏ “Tốt ư Giáp Tý, Thất nguyệt Thập Bát nhật" (tức chết ngày 20/8/1864) và một bên đề "Trần Thị Sanh lập thạch". Bia cuối mộ khắc hai chữ “Trung Nghĩa”. Mộ có 02 bia đều có mái che: 01 phía trước mộ, 01 phía cuối mộ.

Năm 1973, nhân dân địa phương tổ chức xây ngôi đền thờ kích thước 16,5m x 13,2m, cao 10m, ảnh của vị anh hùng dân tộc đặt ngay bàn thờ chính, hai bên tả, hữu "tả văn ban, hữu võ bá" và nhiều câu đối do nhân dân địa phương viết để thờ các vị quan văn và quan võ của Trương Định. Hiện nay, khuôn viên di tích gồm

+ Khu vực bảo vệ I có diện tích 1.250m², bao gồm: Mộ và đền thờ, khuôn viên cây xanh và các công trình phụ.

+ Khu vực bảo vệ II có diện tích 324,8m², bao gồm: nhà mát bằng gỗ (trước đây là công trình nhà che bia Liệt sĩ).

2. Lũy Pháo đài của nghĩa quân Trương Định (xã Phú Đông, huyện Gò Công Đông): Để bảo vệ Cửa Tiểu, năm Minh Mạng thứ Mười lăm (1834) triều đình nhà Nguyễn cho xây dựng tại đây một “Bảo” (đồn, chốt để canh gác) bằng đất gọi là Đồn Từ Linh, chu vi 60 trượng (378m), cao 5 thước 5 tấc (2,57m), mở hai cửa. Sau khi thành Định Tường thất thủ, tháng 4/1861 Trương Định về Tân Hòa xây dựng căn cứ kháng Pháp. Đồn Từ Linh được sử dụng làm chiến lũy, gọi là “Chiến lũy pháo đài", có trang bị súng thần công loại lớn, xung quanh là thành đất đắp cao, dày, có 06 cạnh cân đối khá đều nhau, thành hình lục lăng (lục giác), diện tích khoảng 3.000m². Pháo đài có một gò tròn cao 21m, đường kính 15 - 20m (gò Thổ Sơn) phía Đông Nam làm đài quan sát của nghĩa quân. Bao bọc bên ngoài thành lũy là rừng kẻ, đước, dừa nước, bần. Nghĩa quân đã đổ đá, hàn một đoạn theo chiều rộng của sông Cửa Tiểu trước chiến lũy về hướng Tây (Đập Đá Hàn, đên nay, đập vẫn còn giữa sông).

Hiện nay, khuôn viên di tích gồm hai phần:

+ Khu vực bảo vệ I có diện tích 4.990,1m², bao gồm: hào nước, thành lũy và các công trình bên trong thành lũy: nhà bia, nhà mát, giếng nước, khuôn viên cây xanh.

+ Khu vực bảo vệ II có diện tích 81,212,4m², bao gồm: nhà phục vụ, hệ thống kênh nước, cây xanh, đường đi dạo.

3. Đền thờ Trương Định (thuộc ấp 2, xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông): Sau khi Trương Định tuẫn tiết, nhân dân Gia Thuận đã lập đền thờ, do nằm trong vùng địch kiểm soát, cấm đoán gắt gao, lúc đầu nhân dân chỉ xây dựng được đền thờ bằng tre lá đơn sơ với diện tích khoảng 12m² và gọi là Đình Gia Thuận.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, đền thờ được trùng tu lại bằng bằng gỗ quý, mái lợp ngói âm dương, kèo cột theo kiểu tứ trụ chồng rường, cột kê trên chân tảng đá xanh, nền lát gạch tàu, bó nền bằng đá tổ ong, diện tích đền thờ lúc bấy giờ hơn 80m².

Sau Cách mạng tháng Tám, giặc tái chiếm Gò Công, chúng chiếm vùng Gia Thuận, lấy Đền thờ làm đồn bốt, sau khi rút chạy (năm 1949), đã phá hủy hoàn toàn ngôi đền thờ.

Năm 1956, nhân dân Gia Thuận xây dựng lại đền thờ trên nền công trình cũ, phía trước đền chính xây thêm Vỏ ca bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương.

Nhằm kỷ niệm 130 năm ngày Trương Định tuẫn tiết, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành xây dựng tường rào diện tích 3.345m², tu bổ lại Vỏ ca, trang trí sân đền thờ và mở rộng ao nước bên trái đền thờ lên hơn 100m². Ngoài ra còn mở rộng bãi đậu xe và tu bổ đường đi đến di tích. Hiện nay, tổng hiện trạng đất di tích là 59.087,8m².

4. Đám lá tối trời: Là nơi ở gần làng Gia Thuận (nay thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vào những năm 60 của thế kỷ XIX là một vùng đất hoang vu, um tùm với rất nhiều dừa nước, khi vào bên trong dù vào ngày nắng, vẫn thấy tối om nên người dân địa phương gọi nơi đây là "Đám là tối trời", Trương Định đã lập căn cứ địa, tại đây, ông đã viết Hịch kêu gọi các tầng lớp nhân dân và sĩ phu Nam kỳ lục tỉnh đứng lên chống lại ách xâm lược của giặc Pháp.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nhiều cơ quan của cách mạng đã được đặt trong “Đám lá tối trời”: công binh xưởng, trạm y tế... Dưới thời Mỹ - Ngụy, giặc đã nhiều lần cho quân bao vây hàng tháng trời, dùng chất độc hóa học để hủy diệt rừng, cho pháo binh, máy bay bắn phá.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, qua quá trình khai hoang, chuyển đổi đất sản xuất. Di tích được quy hoạch bảo vệ năm 2003: 143.171m².

Năm 2023, sau khi đầu tư tuyến đường phòng hộ, tỉnh Tiền Giang đã tiến hành đo đạc và xác định lại khu vực bảo vệ I có diện tích là 16.521,6m, khu vực bảo vệ II có diện tích là 119.554,1m².

5. Ao Dinh: Đêm 19 rạng ngày 20/8/1864, Huỳnh Văn Tấn dẫn quân Pháp bao vây ngôi nhà mà Trương Định và nghĩa quân đang trú ngụ. Trong lúc mở vòng vây, ông trúng đạn và tuẫn tiết tại vuông đất gọi là vuông Dinh (hay còn gọi là khuôn đất Vinh). Về sau, nhân dân trong vùng đào ao chứa nước ngọt để dùng trong mùa khô gọi là Ao Dinh (hay còn gọi là Ao Vinh).

Ao Dinh tọa lạc trên thửa đất số 271 có diện tích 1.735,9 m² (thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông). Hơn 150 năm tồn tại, Ao Dinh vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu, sâu khoảng 3m, mặt nước có diện tích khoảng 1.000m², bờ ao trồng các loại cây chống sạt lở như bình bát, mãng cầu.

Năm 2009, Ao Dinh được đầu tư làm hàng rào lưới B40 chung quanh, kéo điện, lắp đèn khuôn viên di tích phục vụ khách tham quan và làm tấm bia tưởng niệm lớn tại di tích. Bia có hình chữ kim, mái lợp ngói vảy cá cao 200cm, ngang 100cm.

Vào ngày 18, 19, 20 tháng 8 (Dương lịch) các năm chẵn, lễ hội Trương Định được tỉnh tổ chức với quy mô lớn, các năm còn lại do các huyện tổ chức. Lễ hội Trương Định ở Gò Công đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích Khởi nghĩa Trương Định (tỉnh Tiền Giang) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024)./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website