Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương (Sùng Phúc tự, chùa Tây) tọa lạc trên núi Câu Lậu, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội. Theo một số nhà nghiên cứu, năm Giáp Dần (1554) đời Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561) niên hiệu Quang Bảo năm thứ nhất, chùa Tây Phương đã được làm quy mô như ngày nay. Năm Canh Tý (1660), chúa Trịnh Tạc (1657 - 1682) cho tu sửa chùa và làm Tam quan. Vào thời vua Lê Huy Tông, Uy vương Trịnh Giang cũng tu sửa chùa và tạc thêm tượng Phật tại chùa. Chùa quay hướng Đông, trông ra gò Đồng Sộng và gò Kim Quy (núi Nủ Rùa), hướng Tây có dòng Tích Giang, hướng Nam có núi Con Voi, phía Đông Nam có núi Lý Ngư, phía Tây Bắc có đỉnh Ba Vì, bao gồm các hạng mục: Tam quan hạ, Tam quan

1. Tam quan hạ: nằm sát chân núi, gồm 4 trụ biểu: 2 trụ giữa nhô cao, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, đế thắt cổ bồng; 2 trụ bên kết cấu tương tự, nhưng đỉnh trụ đắp búp sen, 3 mặt để trống, mặt trước đắp đôi câu đối chữ Hán.

2. Tam quan thượng: được xây trên nền kẻ đá ong, cao 50cm, giật 3 cấp, gồm có 4 cột xây bằng gạch, trên đỉnh 2 cột ngoài là hai búp sen, phía dưới có đấu vuông thót đáy. Dưới đấu vuông là một chỏm cong mui luyện đắp cờ nổi dạng “dạ cá” uốn cong ở đầu đao, sau đến lồng đèn hình vuông với những ô hộc, khắc chìm sâu trong lòng cột, mặt trước của hai cột ngoài cùng có viết câu đối chữ Hán. Hai cột trụ lớn ở bên trong cao hơn, đỉnh trụ có kết cấu dạng đuôi phượng lá lật, vuốt ngược lên chụm vào nhau, phía dưới trang trí giống cột hai bên.

     3. Miếu Sơn thần (đền Đức ông): nằm phía bên trái chùa, là một ngôi nhà 4 gian nhỏ, thấp, vừa là miếu Sơn thần, vừa là nơi thờ Đức Ông; xây theo kiểu tiền đao hậu đốc, lợp ngói ri.

 4. Chùa chính: tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, kiến trúc kiểu chữ “Công”, bao gồm Tiền đường, Trung đường và Thượng điện. Cả 3 tòa nhà đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái “tầu đao lá mái”, giữa hai tầng là cổ diêm, được bưng kín bằng những tấm ván đố. Tiền đường và Thượng điện đều xây 5 gian 2 chái với 6 bộ vì nóc, cao 1m; Trung đường được thu ngắn chiều ngang chỉ còn 3 gian 2 chái, 4 bộ vì kèo, nhưng lại có mái thượng diêm cao vượt lên là 1,40m. Mặt trước Tiền đường bưng cửa gỗ bức bàn ở 3 gian giữa, hai bên xây gạch Bát Tràng để trần, chạy viền theo ba tòa nhà.

Kết cấu khung gỗ của các tòa có sự liên kết các vì bởi các hàng xà theo chiều ngang và dọc. Các bộ vì kèo chính của cả 3 tòa được liên kết theo kiểu “chồng rường bẩy hiên” với 4 hàng chân cột, kết hợp với 2 cột trốn được đặt trên xà hạ. Các chân cột đều được kê trên các chân tảng lớn, bằng đá âm dương, trên có chạm hình hoa sen. Cả 3 tòa đều lợp ngói mũi hài cỡ lớn, phía dưới là một lớp ngói lót 5 màu (đỏ, xanh lục, xanh lam, vàng và trắng) vừa có tác dụng trang trí, vừa mang ý nghĩa Phật đạo, tượng trưng cho chiếc áo cà sa hoặc ví như 5 màu của bông sen thanh khiết. Hai đầu kìm có hai đấu vuông thót đáy, bờ nóc đắp nổi rồng, đuôi theo kiểu vân xoắn. Bờ dải được trổ thủng các hình tròn dẹt xen kẽ, các con sô được làm dưới dạng những con lân đang chạy xuống. Từ chỗ con lân chạy ra các đầu đao là những bờ guột. Đầu guột trong được chạm một con rồng đang trong tư thế chạy ngược trở lại với đuôi được làm lớn hơn dưới hình thức các vân xoắn. Guột ngoài đắp thành bờ lớn bay cong lên, còn đầu đao lớn nhất được đắp nổi rồng với đầu ngóc cao trong tư thế quay vào.

Trang trí trên kiến trúc được thể hiện hầu như ở khắp mọi nơi trên các vì nóc, mái trên, xà bảy dưới dạng ván lá gió, trên diềm mái, vỉ ruồi... chạm khắc nổi với những đề tài vân mây, hổ phù, tứ linh, tứ quý, cánh sen, hình giả đấu ba chạc làm nền cho các đề tài...

5. Nhà Tổ - nhà Mẫu: ba gian hai dĩ, kết cấu kiểu chữ Nhị, bên ngoài thờ Tổ, bên trong thờ Mẫu. Các vì chính theo kiểu “vì kèo giá chiêng”. Ba gian giữa được bưng bằng cửa bức bàn, hai gian chái cửa ván đố. Trên bộ vì nóc và cốn được thay bằng kết cấu chồng rường - được trang trí hoa lá, đao mác cách điệu. Tại bốn chiếc cốn này, có chạm nổi hình cây cỏ cùng mai, tùng, cúc, trúc được thể hiện trong các đề tài mai điểu, trúc tước, cúc điệp, tùng lộc...

6. Nhà khách: mới được phục dựng gần đây, nằm ở bên phải chùa. gồm 7 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, hai bờ dải thoải dần theo hình tay ngai. Các bộ vì hiên là theo kiểu kèo kẻ, bào trơn đóng bén, vì bên trong kiểu “giá chiêng kẻ ngồi”, hai bộ vì hồi kiểu ván mê đố lụa.

Chùa Tây Phương là di sản văn hóa mang giá trị đặc biệt thể hiện qua nghệ thuật kiến trúc đỉnh cao (về tỷ lệ hình học, mỹ thuật, khoa học), chạm khắc, tạc tượng... từ đầu bẩy, các bức cốn, xà nách, ván long... đều chạm trổ đề tài trang trí truyền thống, như: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo. Hệ thống tượng Phật là điểm đặc sắc nhất, có thể coi đây như là một Bảo tàng tượng Phật của Việt Nam. Các pho tượng Phật được làm bằng gỗ mít, được tạo tác công phu, tinh xảo, giá trị nghệ thuật điêu khắc vào bậc nhất nước ta. Phần lớn các tượng này có niên đại khoảng cuối thế kỷ XVIII, một số tượng khác được tạc vào giữa XIX. Trong đó, tiêu biểu là các pho tượng Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ Kim Cương... hội tụ đầy đủ và tạo ấn tượng thẩm mỹ sâu đậm về nền điêu khắc cổ truyền.

Có thể nói lịch sử hình thành chùa Tây Phương diễn ra cùng với quá trình phát triển Phật giáo của dân tộc. Những tấm bia đá, minh văn, hoành phi câu đối và những truyền thuyết dân gian là phương tiện truyền tải giá trị lịch sử đặc sắc đó, thể hiện tinh thần độc lập dân tộc, bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam. Giá trị lịch sử của chùa Tây Phương còn được khẳng định là một trong những địa điểm đánh dấu sự chuyển biến về hệ tư tưởng Phật - Lão - Nho cuối thời Lê Sơ, sang nhà Mạc, rồi thời Lê Trung Hưng với thể hiện rõ nét nhất ở kết cấu kiến trúc hai tầng tám mái, ô cửa hình tròn biểu tượng cho âm dương ngũ hành, sắc sắc không không.

Bên cạnh đó, lễ hội chùa Tây Phương là một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng với nghi lễ tế cáo trời đất, nghi thức cúng Phật truyền thống và những trò chơi dân gian... đã tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo và đặc sắc. Vì vậy, chùa Tây Phương không chỉ là một bảo vật văn hóa của nhân dân địa phương, mà vượt khỏi không gian làng xã, trở thành địa chỉ văn hóa cho du khách thập phương trong và ngoài nước.

Với giá trị đặc biệt của di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014)./.

Liên kết website