Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc

Đền Sóc phụng thờ người anh hùng văn hóa làng Gióng có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước từ buổi bình minh trong lịch sử dân tộc. Theo truyền thuyết, Vua Hùng đã cho lập đền thờ Thánh Gióng ngay sau khi dẹp xong giặc. Qua các nguồn tư liệu, đặc biệt là văn bia niên hiệu Dương Đức (1672) đã đoán định đền được dựng khoảng thời Lê trước năm 1672.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, đền Sóc luôn được chính quyền và nhân dân gìn giữ, tu bổ, tôn tạo. Hiện nay, Khu di tích Đền Sóc (Đền Quốc tế) thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội, bao các hạng mục: Nghi môn, đền Hạ, đền Thượng, chùa Đại Bi, đền Mẫu, nhà khách, khu phụ, chùa Non.

1.Nghi môn: xây gạch kiểu tứ trụ, hai trụ lớn đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng, đuôi chụm vào nhau, tạo thành hình trái giành cách điệu, bên dưới là các ô lồng đèn, đắp nổi đề tài “tứ linh”, “tứ quý”, thân trụ đắp nổi các câu đối chữ Hán.

2.Đền Hạ (đền Trình): toạ lạc trên một khu đất cao, dưới chân núi Vệ Linh, tương truyền đền được dựng để thờ thần linh thổ địa nơi Thánh Gióng dừng chân khi dẹp xong giặc Ân, trước khi bay về trời. Đền có kết cấu kiểu chữ “Nhị”, nằm ở bên trái lối đi vào di tich gồm Đại bái và Hậu cung.

Đại bái: hướng Nam, gồm 05 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, trang trí hàng hoa chanh, hai đốc mái đắp trụ diêm. Phía trước mở cửa bức bàn kiểu thượng song hạ bản. Trang trí trên kiến trúc tập trung ở các bức cốn nách, đầu bẩy, con rường với các hoạ tiết hình rồng lá, văn mây, hoa lá, kỹ thuật chạm nổi.

Hậu cung: xây trên nền cao hơn nền Đại bái 25cm, xung quanh nền bó vỉa gạch, gồm 03 gian chạy ngang, nối với nhà đại bái bằng một khoảng sân nhỏ lát gạch đất nung, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, phía dưới trang trí hàng hoa chanh chạy suốt nóc mái.

3.Đền Thượng: nằm trên một khu đất cao tựa lưng vào núi Vệ Linh, phía trước có hồ nước, gồm: Nghi môn, Tiền tế, Trung cung và Hậu cung.

Nghi môn: kiểu tứ trụ, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phượng, đuôi chụm vào nhau, đầu quay bốn hướng tạo thành hình trái giành cách điệu, các ô lồng đèn bên dưới trang trí “tứ linh”; “tứ quý”, thân trụ đắp nổi các câu đối chữ Hán.

Tiền tế: 05 gian 02 chái, bộ khung gỗ gồm 6 thức vì kiểu chồng rường, giá chiêng hạ kẻ. Trang trí tập trung ở các bức cốn nách với nghệ thuật chạm nổi rồng chầu, vân mây, lá lật, văn dấu hỏi, chữ triện, phượng hàm thư, văn hình học, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Gian giữa đặt một hương án và các đồ thờ tự, hai gian bên đặt ngựa thờ và tượng quan Hoàng.

Trung cung: gồm 02 gian dọc, mái lợp ngói mũi hài, mặt bằng bốn hàng chân, các cột gỗ tạo tròn kiểu thượng thu - hạ thách, đặt trên các chân tảng đá xanh. Các bộ vì kiểu chồng rường giá chiêng, hai bộ vì hồi kiểu Vì cốn ván bưng kín. Trang trí tập trung ở các thanh rường chạm nổi hình lá lật, vân mây.

Hậu cung:  03 gian, 02 dĩ, xây tường bao, dạng bốn mái, lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh. Các bộ vì kết cấu chồng rường giá chiêng hạ kẻ không trang trí. Nền nhà lát gạch Bát Tràng. Phía trên các gian đều treo những bức cửa võng trang trí rồng chầu mặt trời, chim trĩ, hoa dây.

4. Đền Mẫu: hướng Nam, kiến trúc chính kiểu chữ Nhị, gồm Tiền tế và Hậu cung. Tiền tế 03 gian, trên nền cao hơn mặt sân 45cm, tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, phía trước xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đền, đỉnh trụ đắp nổi hình trái giành, phần lồng đền có trang trí hoa văn. Các bộ vì kèo gỗ kiểu giá chiêng chồng rường trụ chống tiền kẻ hậu bẩy, nối liền với hậu cung. Tiền tế nối với Hậu cung bằng hệ thống máng lớn, đặt trên bẩy nối liền giữa các cột cái. Hậu cung 01 gian 02 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta, bốn bộ vì kèo gỗ kiểu giá chiêng trụ chống, các gian được nối với nhau bằng hệ thống xà đai.

5. Chùa Đại Bi: nằm trên một khu đất cao, dưới chân núi Vệ Linh, tương truyền chùa được xây dựng trên mảnh đất nơi Thánh Gióng đã dừng chân, trước khi bay về trời. Chùa có kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm: Tiền đường và Thượng điện.

Tiền đường: hướng Nam, trên nền cao hơn mặt sân 30cm, xung quanh bó vỉa gạch, gồm 05 gian, kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, trang trí hàng hoa chanh, hai đốc mái đắp trụ diêm. Trang trí trên kiến trúc tập trung vào các bức cốn nách, đầu bẩy, con rường với đề tài hình rồng, hoa lá, vân mây.

Thượng điện: 02 gian, chạy dọc về phía sau nối hồi với gian giữa tiền đường, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh dưới trang trí hàng hoa chanh chạy suốt nóc mái. Mặt bằng bốn hàng chân, cột gỗ tròn kiểu thượng thu - hạ thách. Các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu chồng rường - hạ kẻ.

6. Nhà bia: nằm trên núi nhỏ (núi Bia), xây bằng gạch, kiểu phương đình bốn mái. Một tấm bia đá xanh tám mặt cao 2,5m đặt ở chính giữa nhà bia, đồng thời có chức năng chống đỡ phần mái của nhà.   

7.Chùa Non: toạ lạc hướng Nam trên sườn núi ở phía Tây Bắc khu đền Sóc, có quy mô kiến trúc khá bề thế, mặt bằng kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm: Tam quan, Tiền đường, Thượng điện, nhà khách.

Tam quan: toạ lạc lưng chừng núi, kiểu trụ biểu, các trụ hình vuông đỉnh đắp nổi hình bốn chim phượng đầu quay bốn hướng, đuôi chụm vào nhau tạo thành trái giành cách điệu.

Tiền đường: 05 gian xây kiểu mái chồng diêm hai tầng tám mái, lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải trang trí hàng hoa chanh chạy suốt, các góc đao uốn cong, phần cổ diêm trang trí hình chấn song con tiện. Phía trước mở bẩy bộ cửa ra vào kiểu thượng song - hạ bản. Bộ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì kết cấu kiểu: chồng rường giá chiêng hạ kẻ, các con rường kê trên các đấu vuông thót đáy, mỏng thấp. Sáu hàng chân cột gỗ tròn làm kiểu thượng thu - hạ thách đặt trên chân tảng đá xanh, thân cột gắn câu đối chữ Hán.

Thượng điện: 04 gian, xây chạy dọc về phía sau, kiểu tường hồi bít đốc nối với toà tiền đường tạo thành hình chữ đinh, bờ nóc trang trí hoa chanh chạy suốt, mặt bằng bốn hàng chân. Các bộ vì đỡ mái kiểu giá chiêng chồng rường.

Đền Sóc hiện còn lưu giữ được 145 hiện vật có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê, tập trung vào triều Nguyễn, tiêu biểu như: hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án, ngai thờ, bát bửu, chân đèn, ngựa gỗ, chuông đồng... Đặc biệt là tấm bia bát giác thời Lê dựng trên núi, phía sau đền Thượng, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, cung cấp nhiều thông tin về Thánh Gióng và phong tục tập quán, địa phương qua các thời kỳ.

Hội đền Sóc là sự tồn tại của nhiều lớp văn hoá - tín ngưỡng được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Đó là tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên - dấu chân ông Đổng - vị thần sấm sét, mưa dông, tín ngưỡng thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cây đá - một tín ngưỡng cổ xưa của người Việt... Hội đền Sóc được tổ chức từ ngày mùng 6 - 7 tháng Giêng (kỷ niệm ngày hoá của Thánh Gióng) ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đa diện, độc đáo, tiêu biểu của dân tộc. Năm 2010, UNESCO đã vinh danh Hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Với giá trị đặc biệt của di tích, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc (huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014)./.

Liên kết website