Ngày 21 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình So, Hà Nội

Theo “Sơn Tây tỉnh địa chí” của tác giả Phạm Xuân Độ có ghi: “Đình Sơn Lộ làm vào đời Hậu Lê, năm Dương Đức thứ III (1667), đình xây lối cổ, dài 90 thước, rộng 10 thước, theo hình chữ công, xung quanh có bao lan gỗ và sân lát gạch. Hậu cung có nghi môn che kín. Hai bên đình là hai nhà giải vũ. Đằng trước có chiếc cổng ba gian, làm theo lối tam quan các chùa và trông ra một hồ bán nguyệt, rộng ngót 7 mẫu, ở giữa nổi lên ba gò đất hình tròn. Lươn quanh mé hồ, là đường đê, đi xe hơi được”.

Theo tư liệu khảo sát của phòng Bảo tồn Bảo tàng tỉnh Sơn Tây cũ thì: Các già làng địa phương cho biết đình So lúc đầu xây dựng ở xóm Đông, sau mới chuyển ra địa điểm hiện nay, đình đã qua nhiều lần tu sửa, gần đây nhất vào các năm 1924, 1928 và 1952.

Bia “Đại đình bi ký” dựng năm Cảnh Hưng 43 (1782) tại đình ghi chép về việc dựng đình như sau: “Nay phụng sự việc xây cất ngôi đình này. Nhằm ngày mười ba tháng sau, giờ tốt tháng Giáp Thân năm Tân Sửu (1781) phạt mộc. Theo đó ngày tới 20/8 khởi công. Ngày mồng Bảy tháng Giêng năm Nhâm Dần đặt cột đình. Tháng Ba trong năm công việc hoàn tất. Đến tháng Năm hoàn thành ngôi đình”.

Sách “Di tích Hà Tây” có nhắc tới một số di vật hiện còn lưu giữ trong đình: “Đôi rồng đá ở trước tòa Đại đình toàn thân được chạm cẩn thận, chi tiết với đường nét chắc khỏe, dứt khoát, mà vẫn mềm mại, có lẽ đây là đôi rồng trong không nhiều rồng đẹp nhất của thế kỷ XIX… Dựa theo bia thì đình được làm vào cuối thế kỷ XVII, nhưng hiện chỉ còn vài đầu dư và một số mảng chạm của giai đoạn đó, còn hầu như đã được làm lại vào thế kỷ XIX… Kiến trúc Hậu cung chủ yếu bào trơn đóng bén như một vài mảng trang trí của thế kỷ XVII còn sót lại, khiến ta có thể nghĩ rằng đình So là một trong không nhiều kiến trúc có Hậu cung (hình chuôi vồ hay chư công) sớm nhất nước ta. Hiện vật của đình có nhiều đồ quý. Đặc biệt là hai khám mui luyện là cổ kiểu, hạc… mang nghệ thuật đầu thế kỷ XVIII”.

Căn cứ các tư liệu nêu trên, cùng với hiện trạng kiến trúc và hiện có thể nhận định đình So được khởi dựng vào nửa cuối thế kỷ XVII. Sau đó hơn trăm năm, đình được chuyển về xây dựng lại ở vị trí hiện nay và khắc bia lưu tại đình vào năm Cảnh Hưng 43 (1782).

Đình So thờ ba anh em họ Cao đã có công phù giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân và trở thành những vị thần linh thiêng của làng. Nhân dân làng So xưa kia và ngày nay thờ các thần để tưởng nhớ công lao với dân với nước và cầu mong các thần phù hộ cho dân làng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Vì sự hệ trọng trong tục thờ Thành hoàng làng như vậy nên việc chuẩn bị  cho các nghi thức tế lễ rất chu đáo, cẩn trọng trong ngày sinh, ngày hóa, ngày thắng trận khao quân của Thành hoàng cũng chính là ngày hội làng. Việc thờ cúng các nhân vật lịch sử trên làm thần thành hoàng là để giáo dục các thế hệ phải biết tôn trọng, nhớ về cội nguồn, tiên tổ, giáo dục tinh thần đoàn kết cộng đồng để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đình So là một kiến trúc nổi tiếng và khá quy mô của vùng Phủ Quốc xưa, nổi danh với câu ca “ Đẹp đình So, to đình Cấn”. Đình So nằm trên thế đất hình con quy theo thế gối sơn đạp thủy. Phía sau đình là ngọn núi đất Vĩ Quy làm thế tựa, phía trước đầu Quy là tòa nghi môn trông xuống hồ bán nguyệt. Bên ngoài đê là cánh đồng bãi màu mỡ ven dòng sông Đáy linh thiêng. Quanh đình là vườn cây lưu niên tạo không gian xanh mát, tĩnh lặng cho ngôi đình.

Nghi môn: hay còn được gọi là ngũ môn với chính môn lớn có ba cửa với hai cửa tả, hữu môn, đó là nơi xác định khuôn viên của đình và cũng là công trình kiến trúc đầu tiên, là ranh giới giữa thế giới phàm trần và cõi linh thiêng. Nghi môn có kích thước rất lớn với nhiều mảng chạm trang trí với các đề tài tứ linh, tứ quý: long, ly, quy, phượng; tùng, cuc, trúc, mai.

Từ Nghi môn, qua một khoảng sân lát gạch, bước qua 5 bậc thềm đá là lên tới tòa Đại đình. Đại đình So bao gồm Đại bái, ống muống và hậu cung.

Đại bái: là nơi thực hành các hoạt động sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng - tôn giáo. Trong tòa kiến trúc này được phân chia rõ ràng về mặt chức năng như sau: Gian giữa (gian lòng thuyền) là nơi thực hành các nghi lễ tín ngưỡng - tôn giáo vào các dịp lễ hội, 4 gian, 2 chái và 2 dĩ còn lại hai bên được tôn cao bằng các ván sàn và làm nơi hội họp mỗi khi có công to việc lớn của làng xã.

Tòa Đại bái có tổng diện tích khoảng 300m2, toàn bộ xung quanh được bao kín bởi các hàng cửa bức bàn. Các cửa này thường ngày chỉ mở một số cửa để tiện cho việc ra vào của dân làng và khách thập phương đến lễ bái và thăm di tích, vì cánh cửa chính của tòa Đại bái thì ngày thường được khép kín, chỉ được mở trong những ngày có việc lớn của làng.

Ống muống: ở gian giữa tòa Đại bái nối với Hậu cung, được xây dựng cao hơn phần nền tòa Đại bái là 0,4m so với hai bên là hai dãy bậc thang dật tam cấp dẫn lên. Cấu trúc không gian của tòa Ống muống là một hình vuông theo trục của con đường thần đạo dẫn từ Đại đình vào Hậu cung, hai bên phải và trái được bao kín bởi tường gạch. Bốn góc có bốn cột lớn đỡ lấy toàn bộ hệ mái của tòa nhà này.

Hậu cung: còn được gọi là nội điện, chỗ thâm nghiêm, nơi thờ Thánh của cả làng. Trước kia nó được nối liền với Đại đình thành hình chuôi vồ và hai giải vũ. Có ba cửa, hai cửa nhỏ hai bên, cửa lớn nằm ở giữa có hai cánh để thực hành những nghi thức tế lễ đối với Thần, còn trong các ngày thường thì Hậu cung luôn đóng kín. Vào những ngày lễ hội chỉ có hai cụ từ mới được phép vào để đưa các đồ tế dâng lên Thần, mọi nghi lễ của người dân đều vái vọng từ ngoài vào. Điều này thể hiện sự tôn nghiêm của vị Thành hoàng làng, vừa uy linh lại vừa huyền bí. Ở chính giữa có một nhang án, trên đặt các đồ thờ và đặc biệt là ba long ngai lơn đươc sơn son thiếp vàng cùng nhiều đố tế tự khác.

Nhìn chung, về mặt bố cục mặt bằng tổng thể, đình So cũng như các đình khác của người Việt ở đồng bằng Bắc bộ có xu hướng trải rộng, nhưng đây là một trong những ngôi đình có không gian đẹp và được giữ lại một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Đình So hiện lưu giữ được hệ thống tư liệu thành văn gồm: bia đá “Đại đình bi kí” có niên đại vào năm Dương Đức năm thứ 3 (1673), bia đá có niên đại vào năm Cảnh Hưng thứ 43 (1783), tảng đá kê chân cột hình hoa sen, rồng đá, nhang án gỗ chạm khắc khá tỉ mỉ mang phong cách nghệ thuật nửa đầu thế kỷ XVII. Hiện vật giấy gồm cuốn thần tích, hương ước và 42 Đạo sắc, sớm nhất có niên đại là năm Hoằng Định thứ 2 (1601) và muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924),…

Với giá trị đặc biệt nêu trên, đình So đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg ngày 24/12/2018./.

 

     Khánh Chi

(Theo tư liệu của Cục Di sản văn hóa)

 

Liên kết website