Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai

Tháp Pô Klong Garai (còn được gọi là Tháp Pô Klông Giarai, tháp Pô Klaung Garai, PoKlaun Garai, tháp Bửu Sơn), thuộc phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.

Theo truyền thuyết của người Chăm, tháp Pô Klaung Garai được Chế Mân (vua Jaya Simhavarman III) cho xây dựng để thờ Pô Klaung Garai - vị vua có nhiều công trạng đối với người Chăm trong việc chống giặc ngoại xâm, khai mương, đắp đập làm cho ruộng đồng tươi tốt… Chính vì lẽ đó mà ông đã được người Chăm coi như một vị vua - tối thượng thần (Shiva) và được thờ phụng trong tháp Pô Klong Garai đến nay.

Tháp Pô Klong Garai gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Panduranga - vùng đất cực Nam của vương quốc Chămpa xưa, nay thuộc địa bàn các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Dựa trên bia ký, phong cách kiến trúc, nghệ thuật trang trí, cùng hiện vật gắn với di tích và một số tư liệu khác…, có thể tin rằng, tại vị trí đền tháp hiện nay từng có một đền tháp thờ Siva (?), được xây dựng từ thế kỷ XI, sau đó được chuyển hóa thành tháp thờ vua Pô Klong Garai (kết hợp với Siva). Tức là, tháp Pô Klong Garai hiện nay có thể được xây dựng trên nền móng hoặc được tu bổ, tôn tạo trên cơ sở của một ngôi tháp cũ vào khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV. Đây là một vấn đề hết sức lý thú, cần được tiếp tục nghiên cứu và giải mã. Tuy nhiên, với đối tượng chính là tháp Pô Klong Garai gắn với chức năng thờ Pô Klong Garai, chúng tôi tạm xác định, ngôi tháp hiện nay có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ XIII - đầu thế kỷ XIV.

Di tích tọa lạc trên khu đất có tổng diện tích 86.969,3m2 (khu vực bảo vệ I: 1.571,5m2, khu vực bảo vệ: II 8.5397,8m2). Trong phạm vi di tích hiện nay, ngoài các hạng mục sân, vườn, tường rào, đường nội bộ, cổng (cổng vào di tích và cổng phía Đông), tổ hợp công trình phục vụ du lịch - văn hóa, kiến trúc phụ trợ, miếu thờ, phế tích kiến trúc…, còn 3 kiến trúc gốc tương đối hoàn chỉnh, gồm tháp trung tâm (KaLan), tháp cổng (Gopura) và tháp nhà.

1. Tháp trung tâm (KaLan)

Là tháp thờ chính, được xây dựng trên vị trí trung tâm ngọn đồi, có quy mô lớn nhất, cao trên 20m, bình đồ mặt bằng hình vuông, kích thước 10,5 x 10,5 m.

Đế tháp là một khối hộp xây gạch, hình dáng như một bệ thờ, thắt ở khoảng giữa, với những ô hộc chìm phân bố đăng đối. Dưới chân cột có các khối ốp trang trí hình trụ thon, phía trên đỡ khối xây hình mũi lao nhọn, áp vào chân cột. Cửa ra vào lòng tháp mở về hướng Đông, vươn khỏi thân tháp không nhiều, với 4 lớp cột cửa xây gạch khối vuông vắn, vươn lên nhô dần ra ngoài. Cột cửa ngoài cùng bằng chất liệu đá khối ghép lại thành khung cửa, với chân và đầu mũ cột vuông, mặt đứng cột khắc chữ Chăm cổ. Đỡ phía trên là mi cửa bằng chất liệu đá, để trơn không trang trí. Vòm cửa có 4 lớp hình mũi lao nhô dần ra, diềm các lớp gắn các khối đất nung có trang trí hoa văn móc xoắn, uốn cong hướng lên đỉnh vòm. Kết thúc đỉnh vòm cửa là viên đá chốt, tạo hình giống dạng búp sen. Trong vòm cửa gắn phù điêu tạc hình thần Siva đứng trên bệ, thần có có 6 tay, đầu đội mũ chóp nhọn, chân khuỳnh, trong tư thế nhảy múa. Ba mặt còn lại là hệ thống cửa giả, được bố trí đăng đối, có hai lớp cột cửa nhô dần ra khỏi thân tháp. Cột được xây gạch dạng khối, phía trên đỡ hai vòm cửa hình mũi lao nhọn, diềm vòm cửa gắn hình đất nung có hoa văn trang trí - dạng hoa văn móc, uốn cong hướng lên đỉnh. Trong vòm cửa có gắn phù điêu hình ảnh tu sĩ ngồi cầu nguyện trên bệ thờ - đầu đội mũ hình khối trụ tròn, hai tay chắp trước ngực, hai chân xếp bằng, lòng bàn chân ngửa. Chân và đầu mũ cột gồm nhiều lớp gờ loe dần ra, mặt đứng gờ để trơn. Mỗi mặt tường tháp có 5 cột (kể cả cột góc) - dạng cột khối đơn, để trơn không trang trí, giữa các cột là khe hẹp chạy dài, với nhiều lớp gờ ăn sâu vào tường tháp. Chính giữa nổi lên dải gờ cao chạy dọc theo thân tháp chia đều khoảng cách hai cột. Diềm mái tháp gồm nhiều lớp gờ nhô dần ra đỡ lấy bộ mái. Lớp gờ giáp mái được uốn cong thành bát hướng lên trên, mặt gờ tạc hoa văn cánh sen xếp nghiêng kết thành dải vây quanh. Phân cách dải diềm và bộ mái tháp là các đá điểm góc, với những hình hoa văn uốn xoắn ốc nhiều lớp hướng lên, hay hình những tiên nữ apssara chắp tay thành kính gắn với trang trí góc diềm mái tháp.

Bộ mái tháp gồm 3 tầng thu nhỏ dần lên trên. Tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, phân cách các tầng là những diềm nhiều lớp gờ nhô dần ra. Ở tầng 1, bốn góc đều có các tháp góc trang trí. Tháp góc ở đây thể hiện khối đơn giản, phía dưới là khối gạch xây hình bệ thờ thắt giữa, hai đầu uốn hướng ra đăng đối, mặt uốn có khắc hoa văn cánh sen dưới dạng nghiêng, xếp lớp. Phía trên là khối trụ 4 mặt thu dần về phía đỉnh. Ở thân tầng 1, bộ mái thể hiện dưới dạng mô phỏng theo thân tháp, với 4 mặt là hệ thống cửa đăng đối nhau, mỗi mặt tường có 5 cột, chân cột trang trí hình áp với hình mũi lao nhọn. Cửa có hai lớp cột nhô dần ra, phía trên đỡ hai vòm cửa hình mũi lao nhọn, diềm vòm gắn khối đất nung có trang trí. Trong vòm cửa gắn phù điêu tu sĩ ngồi cầu nguyện. Tầng 2 và tầng 3 thể hiện tương tự như tầng 1, nhưng hình khối được thu nhỏ dần, tháp góc chỉ còn lớp đế mỏng, phía trên đỡ khối trụ 4 mặt thu nhỏ dần lên và kết thúc bằng khối đá trụ tròn biểu tượng của Linga. Cột cửa hai lớp phía trên đỡ vòm cửa hình mũi lao nhọn, trong vòm có gắn phù điêu tu sĩ ngồi thiền. Cột các tầng chỉ còn cột góc khối trơn. Riêng ở vòm của tầng 3, do kích thước của phù điêu gắn trong vòm không còn nữa, nên ở phần kết thúc đỉnh tháp bốn bóc góc gắn 4 hình đầu linh vật, trong tư thế đang vươn ra tựa như đá điểm góc. Chính giữa đỉnh là khối đá trụ tròn lớn, là biểu tượng của một Linga.

2. Tháp cổng (Gopura)

Tháp có mặt bằng hình vuông và là hình ảnh thu nhỏ của tháp chính, cao khoảng 10m, nằm ở phía Đông tháp thờ chính, mở hai cửa theo hướng Đông Tây đồng trục với cửa ra vào lòng tháp thờ.

Tháp được xây trên nền một khối gạch khổng lồ. Đế tháp hình khối như bệ thờ thắt giữa, nhưng độ cao thấp. Tháp mở hai cửa thông nhau đối xứng qua thân tháp, cột cửa hai lớp xây gạch hình khối nhô dần ra, phía trên là tấm mi cửa chất liệu đá, để trơn, đỡ vòm cửa hai lớp hình cung nhọn, diềm vòm cửa có gắn các khối đất nung trang trí. Cột góc tháp dạng khối lớn, thể hiện đơn, để trơn không trang trí. Cột tường tháp “biến mất” và được thay thế bằng hệ thống cột cửa nhô ra, tạo nên sự thanh thoát cho khối hình thân tháp. Diềm mái gồm nhiều lớp gờ nhô dần ra, riêng diềm gờ uốn cong thành bát hướng lên được để trơn không trang trí. Bộ mái tháp gồm 3 tầng thu nhỏ dần lên trên. Các tầng sử dụng tháp góc trang trí. Tháp góc thể hiện hình khối 4 cạnh thu nhỏ dần, các tầng được phân định bởi các hình điểm bằng đất nung có gắn chi tiết trang trí. Bốn mặt các tầng có 4 cửa đối xứng nhau, cột cửa có hai lớp đỡ phía trên là vòm cửa hình mũi lao nhọn, trong lòng vòm cửa không có gắn phù điêu trang trí. Tầng hai và ba cũng được thể hiện tương tự và kết thúc đỉnh tháp là khối trụ tròn vươn lên.

3. Tháp nhà

Được xây dựng phía trước tháp thờ, nằm xế về phía Đông - Nam, là tháp chứa đồ thờ trong nghi lễ hay còn cho là tháp thờ thần Hỏa (thần lửa Anhi). Tháp có mặt bằng hình chữ nhật, quay hướng Đông - Tây, dài 8m, rộng 4m, cao gần 10m. Lòng tháp chia làm hai phòng, mở ba cửa, hai cửa thông nhau theo trục Bắc - Nam và một cửa quay về hướng Đông.

Tháp được xây trên nền gạch lớn, đế tháp thắt giữa, với nhiều lớp gờ nhô ra. Cửa tháp có hai lớp cột khối trơn nhô dần ra, phía trên là mi cửa, chất liệu đá đỡ vòm cửa hai lớp hình mũi lao nhọn, mặt vòm để trơn. Khoảng giữa các cột là ô chìm vào tầng tháp, với những đường gờ giật cấp sâu dần, chính giữa là gờ nổi nhô cao, chạy dọc theo chiều cao cột. Chân và đầu mũ cột loe nhiều lớp đỡ bộ mái phía trên, chân không trang trí hình áp. Đầu hồi phía Tây của tháp thể hiện 3 cột tường, đầu hồi phía Đông mở cửa hình cung nhọn. Hai đầu hồi này chỉ có hệ thống cột góc tháp. Cột tường hầu như được thể hiện ẩn vào khung cửa. Diềm mái gồm nhiều lớp gờ nhô dần ra, uốn cong thành bát hướng lên, để trơn. Phía trên, trong thành đứng mặt diềm khá cao, khắc tạc những hình áp kết dải nhô lên. Hình áp có đế hình trụ, với khối phía trên đỡ vòm hình mũi lao áp vào tường diềm tháp. Bộ mái tháp khá đặc biệt, bốn góc mái trang trí tháp góc (thể hiện giống tháp góc trên bộ mái tháp Cổng). Tháp góc trang trí có 4 tầng, các tầng thu nhỏ dần từ dưới lên đỉnh, phân chia tầng là các khối đất nung có gắn trang trí. Kết thúc là hình khối mặt nhọn. Thân tầng mái thể hiện mặt bằng theo thân tháp hình chữ nhật, bốn góc thể hiện cột góc khối trơn, chân và đầu mũ cột loe, dọc chiều dài thân có 5 cột, hai đầu hồi mỗi bên 3 cột, với bộ diềm nhiều lớp gờ nhô ra đỡ bộ mái đồ sộ phía trên. Bộ mái tháp uốn cong hình yên ngựa, gạch xây mái cuốn cong hình mui luyện, hai đầu đốc gắn hai phiến đá uốn cong, diềm đầu đốc gắn các hình đất nung có trang trí. Hai đầu đốc để trơn không trang trí…

Trong lòng tháp hiện nay còn nguyện vẹn bệ thờ Yony - Linga, trên Linga còn thể hiện MuKhaLinga, hình ảnh vị vua được thờ. Theo truyền thuyết, đó chính là hình ảnh vua PoKlaun Garai đã được hóa thân vào biểu tượng thờ của thần Siva.

Trong di tích hiện còn 01 tượng Linga Yoni - Pô Klong Garai; một số tượng gắn xung quanh các tháp; 01 tượng bò Nandin; 02 bia kí khắc trên cửa tháp, một bia đá 3 mặt có chữ; 01 bia không còn chữ; 01 tượng Kút hoàng hậu và 1 trụ đá (Linga) ở ngoài vòng thành phía Nam quần thể di tích. Ngoài ra, còn một số hiện vật hiện vốn thuộc di tích đang được Bảo tàng Ninh thuận bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị.

Vượt qua những biến cố, thăng trầm lịch sử, tháp Pô Klong Garai cùng với các tháp Chăm khác luôn khẳng định được vai trò là nơi quy tụ, cố kết cộng đồng tộc người, quốc gia - dân tộc, thể hiện được bản sắc văn hóa tộc người (có tết riêng của tộc người), góp phần khẳng định tính đa dạng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Giới nghiên cứu đã xếp Pô Klong Garai vào phong cách Muộn, sau các phong cách: Mỹ Sơn E1 - Hòa Lai - Đồng Dương - Mỹ Sơn A1 - Bình Định. Đây cũng là nhóm đền - tháp được xây dựng hoàn chỉnh, cuối cùng trong tổng thể các kiến trúc tháp Champa. Sự tồn tại của kiến trúc tháp Pô Klong Garai đã góp phần vào sự đa dạng phong cách kiến trúc tháp Chăm - một nền kiến trúc đã phát triển đến đỉnh cao từ thời Trung đại, có sức lan tỏa và phát triển liên tục trong khoảng hơn 10 thế kỷ.

Tại di tích, hằng năm diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng và khách thập phương, nhưng nổi bật và thu hút được sự quan tâm đặc biệt, chính là lễ Katê - Tết của người Chăm theo đạo Bàlamôn, với nhiều nghi lễ và trò diễn đặc trưng của người Chăm. Hiện chưa tư liệu nào khẳng định, lễ hội Katê/T  ết Katê của người Chăm ở nước ta xuất hiện từ khi nào, nhưng chỉ biết rằng, lễ này thường được đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn tại 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức hằng năm vào ngày 30/6, 01/7 đến 10/7 theo lịch Chăm, tương ứng với khoảng thời gian vào tháng 9, 10 hoặc tháng 11 (Dương lịch), với ngày đầu tiên ở trên các đền - tháp; ngày thứ hai ở ngôi nhà chung của làng; ngày thứ ba ở nhà cả sư; từ ngày thứ tư đến hết ngày 10/7 lịch Chăm, thường dành cho các hộ gia đình. Theo chu trình thời gian, đây là dịp cuối mùa Thu, mùa màng đã thu hoạch xong, là lúc nhàn rỗi, nghỉ ngơi để chuẩn bị bước vào vụ mùa tiếp theo. Vì vậy, có thể nhận định, tháp Pô Klong Gia Rai đã trở thành một trong những vùng “không gian lõi” để tổ chức, liên kết các “vùng văn hóa” có lễ hội Katê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận nói riêng và trong cả nước nói chung.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Pô Klong Garai (thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.

Khắc Đoài (theo Hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website