Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai
Di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai (Ba Tháp, Yang Hakral), được xây dựng vào khoảng thế kỷ VIII- IX, nay thuộc huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Từ kết quả khảo sát thực địa và nghiên cứu cho thấy, Hòa Lai vốn là một phức hợp kiến trúc, gồm 3 cụm tháp chính, với nhiều tháp phụ vây quanh. Niên đại xây dựng tháp Nam/cụm phía Nam (thuộc giai đoạn chuyển tiếp giữa phong cách Mỹ Sơn E1 với phong cách Hòa Lai, được xây dựng trong khoảng từ đầu đến giữa thế kỷ VIII), tháp Giữa/cụm Giữa (phong cách Hòa Lai, được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ VIII) và cuối cùng là tháp Bắc/cụm phía Bắc được xây dựng muộn hơn.
Di tích nằm trong khu đất có tổng diện tích 4.9294,9 m2, gồm khu vực bảo vệ I là 14.871,7 m2; khu vực bảo vệ II là 34.423,2m2. Khu vực bảo vệ II của di tích có ruộng, gò, đất canh tác nông nghiệp của cư dân... Khu vực bảo vệ I của di tích, hiện còn tháp Nam và tháp Bắc tương đối nguyên vẹn (tháp Giữa chỉ còn nền móng), cùng một số phế tích kiến trúc khác, với những đặc điểm cơ bản như sau:
1. Về mặt bằng kiến trúc
Tháp Nam và tháp Bắc đều có mặt bằng cơ bản hình vuông. Kích thước các cạnh trên mặt bằng thân tháp Bắc là 8,4m x 8,4m, kết hợp với các khối cửa ở các mặt tường xây giật ra, trong đó, khối cửa chính hướng Đông phát triển lớn hơn, tạo thành một cấu trúc tiền sảnh. Mặt bằng lòng tháp gần như đồng dạng với đường bao thân tháp, các cạnh trong lòng dài từ 4,65m - 4,80m. Hình vuông cơ bản của mặt bằng tháp Nam rộng 9,2m x 9,2m, kết hợp các khối cửa xây giật ra ở các mặt tường. Diện tích mặt bằng thân tháp Nam lớn hơn tháp Bắc, độ dày tường trung bình cũng lớn hơn, nhưng tháp Nam thấp hơn, trang trí đơn giản hơn và diện tích lòng tháp cũng nhỏ/hẹp hơn, các cạnh trong lòng dài từ 3,75m đến 3,80m.
Mặt bằng tầng trên của các tháp được cấu trúc đồng dạng với mặt bằng thân tháp, nhưng được thu nhỏ và ngắn dần về phía đỉnh. Với cấu trúc mặt bằng như vậy, thân tháp được nổi trội hơn, khi quan sát các tháp bằng mắt thường, nhất là tháp Nam, sẽ có cảm giác chiều cao thân nhỏ hơn chiều rộng thân. Vì lý do này, Henri Harmentier đã xếp tháp Nam vào dạng nghệ thuật lập phương (Art cubique). Đối với tháp Bắc, Henri Harmentier cho rằng, đây chỉ là bản sao chép vụng về của tháp Giữa, những người xây dựng tháp Bắc có ý muốn đưa tỷ lệ của bản sao này trở về với tỷ lệ kiến trúc của nghệ thuật nguyên sơ, nhưng vụng về, đơn giản hoá trong trang trí, cứ lặp đi lặp, lại các hình áp,... Do đó, ông cho rằng, tháp Bắc thuộc loại hình nghệ thuật hỗn hợp (Art mixte).
2. Kiến trúc và nghệ thuật trang trí mặt đứng
Mặt đứng kiến trúc các tháp được chia làm ba phần: đế, thân và mái
- Phần đế: được trang trí chủ yếu bằng các khối ốp. Ở tháp Nam, các khối ốp dường như chưa hoàn chỉnh. Nhìn từ xa, các khối ốp như những hình người đang đứng chắp tay trước ngực. Điều đặc biệt ở các chi tiết này là sự phát triển theo chiều cao, vươn lên đến tận cao độ giữa các cột, trong khi đó, phần chân của nó chỉ là các đường giật vuông góc đơn giản đặt trên đế tháp. Các khối ốp đế tháp Bắc được hoàn thiện đến từng chi tiết nhỏ, gồm các lớp chồng lên nhau theo cấu trúc ba phần: phần đế kết hợp các đường giật vuông và vát chéo; phần thân là khối vuông chia làm ba khoảng dọc, với dải trang trí ở khoảng giữa; phần đỉnh là các chi tiết hoa lá cuộn ngược chiều, kết thành một dáng vòm thấp, kết thúc đỉnh vòm là một vành tròn ôm lấy bông hoa tám cánh.
- Phần thân: các tháp được tạo nên bởi nhiều thành tố kiến trúc nghệ thuật, trong đó, đáng lưu ý là các cột nổi và hệ thống cửa giả. Trên mỗi mặt tường có bốn cột nổi, chân cột bị che lấp một phần bởi các khối ốp đế vươn cao, đỉnh cột có điêu khắc hình Garuda đang xoè cánh, như đỡ trên vai toàn bộ dải trang trí diềm thân tháp. Ở tháp Bắc, hình Garuda được tạo tác tỉ mỉ, đầy đủ chi tiết. Ở tháp Nam, hình Garuda không rõ ràng vì các đầu cột đã bị sạp lở nặng nề.
Các cột chia làm ba dải trang trí chạy dọc, trong đó, dải trang trí ở giữa các cột của tháp Bắc có điêu khắc hình hoa lá uốn lượn và các trụ hoa nối tiếp nhau, đặc biệt ở đây có trang trí dạng lá móc nối tiếp nhau, được các nhà nghiên cứu nghệ thuật đánh giá là loại hình trang trí duy nhất của Hòa Lai, không gặp trong bất cứ tháp Chămpa nào khác. Cột góc và cột kế tiếp tạo thành một ô khám nông, dạng hình thang, đỉnh thu nhỏ dần. Đây là một nét đặc trưng của các ô khám vách tường ở Hoà Lai, nó tạo cho các cột càng lên cao thì càng loe rộng ra. Các cột ở giữa cách nhau khá xa, đủ chỗ để bố trí một khung cửa giả có trang trí hình môn thần trong tư thế đứng, tay cầm binh khí. Cửa giả của cả hai tháp đều gồm các lớp giật ra khá xa so với phần thân, nhưng có những nét khác nhau. Cửa giả tháp Nam, giữa khung cửa có hai ô khám nông chạy dọc, được phân chia bởi một đường gân nổi thấp. Vòm cửa gồm hai lớp, lớp trong vươn lên khỏi mặt diềm thân, lớp ngoài thấp hơn, bề mặt không có trang trí. Chu vi phía ngoài của vòm có dáng chuông, thấp, nhưng chân vòm được mở rộng về hai phía bằng các đường cung tròn nhỏ, cung tròn phía trong cuốn theo chiều ngược lại. Vòm cửa giả tháp Bắc đã hoàn chỉnh điêu khắc, hai lớp vòm gần như đồng dạng với nhau, có dáng cao hơn vòm tháp Nam và trang trí cầu kỳ hơn. Bề mặt vòm được trang trí bởi các hoa dây chạy xuống từ đỉnh vòm, những hoa dây phía ngoài cứ đi hết một guột lá lại cuốn ra ngoài tạo thành một mô típ lá cuộn tròn hoàn chỉnh; phía trong, những guột lá chạy uốn lượn đến tận chân vòm rồi cũng cuốn lại nhưng ngược chiều với đường viền phía ngoài. Tất cả tạo thành một khung uốn lượn hình quả bầu nậm, ôm lấy một hình người cưỡi hổ trong ô khám giữa vòm. Đỉnh vòm cửa giả tháp Bắc như được khoá lại bằng một khung hình chữ nhật, bên trong có tượng thần ngồi xếp chân trong tư thế thiền định. Hình thức vòm cửa giả được lặp lại ở hai bên cánh tiền sảnh nhưng giản lược hơn. Các tháp ở Hoà Lai đã có cấu tạo cửa giả tiền sảnh hoàn chỉnh, song hiện trạng chỉ còn thấy rõ ở tháp Bắc, ở tháp Nam có thể không có cửa giả tiền sảnh.
- Phần mái: các tháp về cơ bản còn lại ba tầng lặp lại và thu nhỏ cấu trúc phần thân. Trên các tầng mái, hai cột nổi ở giữa hầu như bị che khuất bởi một cấu trúc vòm giả ba lớp, tịnh tiến thu nhỏ dần về phía xa mặt tường. Các vòm giả này cũng bị thu ngắn lại, nó trở nên có dáng thấp bè và đặt ngay phía trên một khung hình chữ nhật dựng đứng và khoét nông, bên trong khung có điêu khắc. Các cột ở góc tường cũng bị choán hết diện tích bề mặt do có sự xuất hiện của khối ốp. Đó là chi tiết đã bị giản lược, thực chất nó chính là sự thu nhỏ của lớp ngoài cùng của khối ốp đế. Ô khám giữa các cột trên các tầng mái vẫn còn khung hình hoàn chỉnh. Nó cũng được tạo dáng hình thang, song, do sự thu ngắn của chiều cao các tầng mà chiều cao của hình thang không lớn hơn quá nhiều so với cạnh đáy của nó. Các tầng mái của tháp Nam đã được hoàn chỉnh và có điêu khắc (thường là hình tu sĩ), không còn tình trạng vỡ vạc và bỏ dở như phần thân tháp này. Tuy nhiên, do các vòm cửa ở thân tháp Nam quá phát triển, nhô ra quá xa so với các mặt tường, nên các tầng mái bị thu vào một cách đột ngột, không tạo nên được sự hài hòa và cân xứng như tháp Bắc.
Sau khi hoàn thiện các tầng mái, trên đỉnh các tháp được tạo thêm một khối bệ có hướng thoải dần từ tâm tháp ra phía ngoài. Đây có thể là một khối đỡ cho chi tiết đỉnh tháp gắn vào. Ở tháp Bắc còn rõ khối bệ mặt bằng hình đa giác đều, còn ở tháp Nam, sự sạp lở trên đỉnh đã không cho biết thật rõ chi tiết này.
3. Mặt cắt lòng tháp
Về cấu trúc mặt cắt lòng các tháp Hòa Lai, có một đặc điểm rất đáng lưu ý, đó là sự khác nhau giữa cấu trúc phần mái của hai tháp. Ở tháp Bắc, mặt cắt dọc mái giống với hầu hết mặt cắt mái của các tháp Chămpa khác, là cấu trúc thu nhọn dần về phía đỉnh. Tuy nhiên, ở tháp Nam, mặt cắt dọc mái có sự mở rộng ở đoạn giữa, tại cao độ mà bốn mặt tường có khe rãnh hẹp thông ra phía ngoài. Với cách xây giật gạch, dạng con sơn thu dần về phía đỉnh thì dường như sự mở rộng này, kết hợp với việc thu nhỏ khoảng cách các đoạn giật, là những thủ pháp nhằm tăng chiều cao cho mái.
4. Mặt bằng tổng thể di tích qua kết quả khai quật khảo cổ
Qua kết quả khai quật khảo cổ, cho đến nay, về cơ bản, toàn bộ nền móng các kiến trúc ở Hòa Lai đã được xuất lộ. Mặt bằng tổng thể của khu tháp với ba ngôi tháp chính cùng 20 kiến trúc phụ xây dựng xung quanh. Bao quanh ba cụm tháp này là hệ thống tường bao thấp, xây khép kín, tạo một bình đồ hình chữ nhật và kết nối vối ba tháp cổng phía trước các khu tháp.
- Cụm tháp Giữa là khu vực quan trọng nhất trong tổng thể, có 11 đơn nguyên kiến trúc xây dựng xung quanh các mặt phía Nam, phía Đông và phía Bắc. Phía Đông và trực đối với tháp Giữa là tháp cổng và đường dẫn vào đến tam cấp. Có hai đường gạch chạy dài theo trục Đông - Tây để giới hạn khuôn viên nội bộ của khu tháp Giữa.
- Cụm tháp Bắc là một mô hình tương đối giống cụm tháp Giữa, xung quanh các mặt phía Nam, phía Đông và phía Bắc là 6 đơn nguyên kiến trúc phụ. Phía Đông là tháp cổng với đường dẫn vào bậc cấp ngôi tháp.
- Cụm tháp Nam chỉ có 3 đơn nguyên kiến trúc ở các mặt phía Nam, phía Đông và phía Bắc. Ở phía Đông cũng là tháp cổng và đường dẫn vào khu tháp.
Bên trong các cụm tháp là hệ thống đường đi, được lát gạch để kết nối các kiến trúc phụ vào hệ thống đường dẫn.
Vào năm 1989, phát hiện duy nhất một bộ linga - yoni gắn với tháp Hòa Lai. Trong đợt khai quật di tích các năm 2005, 2012 - 2013, 2016, đã phát hiện được thêm 405 hiện vật thuộc các loại hình tượng thờ, vật thờ, vật liệu kiến trúc có điêu khắc trang trí,… đặc biệt là bia ký gắn với tháp Hòa Lai. Tất cả hiện vật hiện đã được đưa về và bảo quản, trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng Ninh Thuận.
5. Về giá giá trị của tháp Hòa Lai trong hệ thống tháp Chămpa Việt Nam
Về mặt lịch sử, nhóm tháp Hòa Lai hội đủ những yếu tố liên quan đến nhân vật và sự kiện lịch sử. Trước hết, phải kể đến Satyavarman - vị vua trị vì Chămpa từ năm 774 đến năm 784, người đã có nhiều công lao đối với cư dân Chămpa đương thời. Mặc dù, chỉ trước sau thời điểm lên ngôi không lâu, vị vua này đã phải đối mặt với những cuộc tấn công của người Java, chứng kiến những đền đài bị tàn phá, hủy hoại. Song, sau đó là quá trình phục hồi những cơ sở tôn giáo, tạo lập những bia ký để kỷ niệm,... Đặc biệt, vào năm 778, Satyavarman đã cho lập bia Hòa Lai để ca tụng công đức của các thần và ghi lại hoạt động xây dựng, tu bổ nhóm tháp Hòa Lai. Thông qua nội dung bia Hòa Lai, có thể nhận thấy, địa điểm này vào thời gian trước (cuối thế kỷ VIII) là một thánh đường khá quan trọng của cư dân Chămpa, đã có nhiều tháp được xây dựng. Sau đó, vua Satyavarman cho xây dựng thêm những công trình mới, cung tiến Kosa bằng bạc, mạ vàng,... cho thấy, tại địa điểm này tiếp tục diễn ra hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, không bị ngắt quãng qua những giai đoạn lịch sử.
Về mặt văn hóa, nhóm tháp Hòa Lai đã cho thấy dấu ấn của văn hóa Ấn Độ - Trong bối cảnh chung của khu vực Đông Nam Á đương thời, nghệ thuật Chămpa và các nền nghệ thuật lân cận, như Khmer và một số quốc gia hải đảo, tiếp nhận sự lan tỏa của văn hóa Ấn Độ, để rồi dung hội vào trong sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán, văn tự, bia ký và trên kiến trúc tháp... và cũng có những biểu hiện sự trỗi dậy của những giá trị văn hóa bản địa.
Về mặt khoa học, các tháp Hòa Lai có vai trò quan trọng, là tiền đề cho việc hình thành một số đặc điểm kiến trúc tháp Chămpa giai đoạn sau Hòa Lai, nằm trong dòng chảy chung và ở thời kỳ đầu của lịch sử kiến trúc tháp Chămpa. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các tháp Hòa Lai cũng có những đặc điểm riêng, không giống với bất cứ một tháp Chămpa nào khác, đó là: dạng cột ốp thót chân, tạo cho ô khám giữa hai cột kế tiếp nhau có dạng hình thang cân, gợi lại hình ảnh "thượng thu hạ thách" trong kiến trúc dân gian của một số dân tộc ở Đông Nam Á đương thời; họa tiết trang trí hình lá móc, gợi nên một hướng tiếp cận cho các nhà khoa học, nghiên cứu xuất xứ và ý nghĩa văn hóa của những họa tiết này.
Hòa Lai là một trong ba khu di tích Chămpa quan trọng nằm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với hầu hết các kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn, được chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm, trùng tu, tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị. Ba khu di tích đại diện cho ba giai đoạn phát triển gần như nối tiếp nhau, gồm: Khu di tích Hòa Lai có niên đại thế kỷ VIII – IX; Khu di tích Po Klong Garai có niên đại từ thế kỷ XIII – XIV; Khu di tích Po Rome có niên đại khoảng thế kỷ XV - XVII. Hiện nay, tháp Hòa Lai có vị trí địa lý thuận lợi nhất, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam, thuận tiện cho du khách tham quan, nghiên cứu, với mục đích và đối tượng quan tâm rất đa dạng. Đây là một trong những lợi thế mà tỉnh Ninh Thuận cần tích cực nghiên cứu, khai thác, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Tháp Hòa Lai (huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016)./.
Khắc Đoài (theo Hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa)