Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh

Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh thuộc thị trấn Đăk Tô và xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân ta năm 1967, 1969 và 1972.

Nhìn từ trên các điểm cao Ngok Bơ Biêng, Ngok Ring Rua ta có thể thấy toàn bộ di tích Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh như một lòng chảo với bốn bề là núi non trùng điệp: phía Tây và Tây Nam là dãy núi Ngok Bơ Biêng cao từ 800m đến 1200m, kéo dài từ Đông Nam sang Tây Bắc giáp với Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia - nơi ngã ba của Đông Dương; phía Bắc có dãy núi Ngok Tụ cao 890m; phía Đông có núi Ngok Long cao 903m và đường 14 đi về thành phố Kon Tum.

Huyện Đăk Tô có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ cửa ngõ phía Bắc của Tây Nguyên. Từ năm 1957, chính quyền Ngô Đình Diệm đã cho xây dựng một căn cứ quân sự vững mạnh, đồng thời dồn dân lập ấp, đưa thêm dân từ đồng bằng lên xây dựng cơ sở kinh tế hậu cần, phục dịch cho bộ máy ngụy quyền tại địa phương. Chính vì vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc giao tranh quyết liệt giữa ta và địch, trong đó phải kể đến 3 chiến dịch lớn, đó là:

- Chiến dịch Đăk Tô I (năm 1967): ngày 10/9/1967, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng vũ trang ba thứ quân, mở chiến dịch tiến công nhằm mục đích tiêu diệt một bộ phận quân Mỹ, thu hút lực lượng chủ lực cơ động của địch lên Tây Nguyên, tạo điều kiện cho chiến trường đồng bằng Khu 5 và toàn miền diệt địch, chống phá bình định, sẵn sàng đánh bại cuộc phản công chiến lược lần thứ ba của Mỹ, Ngụy. Mở màn chiến dịch, nổ súng tiến công đánh bại đợt ra quân ứng chiến lần đầu và phản đột kích của Lữ đoàn 1 (Sư đoàn 4) của Mỹ ở Ngọc Bờ Biêng và Lữ dù ở Ngọc Kom Liệt - Ngọc Dơ Lang, tiếp tục dụ địch vào thế trận đã chuẩn bị ở khu vực điểm cao 876. Chiến dịch Đăk Tô I kết thúc bằng trận then chốt quyết định ở khu vực 875 giành được thắng lợi ngày 22 tháng 11 năm 1967. Kết thúc chiến dịch, các lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã đánh 78 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 4570 tên (có 4.030 tên Mỹ), phá hỏng ba sân bay, bắn rơi và phá hủy 70 máy bay (có 7 máy bay vận tải), phá hủy 18 khẩu pháo, 52 xe quân sự (có 16 xe bọc thép), hai kho đạn, ba kho xăng. Chiến dịch Đăk Tô I mang lại những bài học kinh nghiệm có ý nghĩa thực tiễn cả về nghệ thuật tổ chức và thực hành tiến công trên địa hình rừng núi, đó là: nghệ thuật đánh địch trên điểm cao, trong đó có sự phát triển của hình thức chiến thuật vận động tiến công lên một bước mới là “vận động tiến công kết hợp chốt”.

- Chiến dịch Đăk Tô II (năm 1969) - đòn phủ đầu đối với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: mùa hè năm 1969, Bộ Tư lệnh Chiến trường Tây Nguyên mở chiến dịch Đăk Tô II nhằm cụ thể hóa ý định của Bộ tư lệnh Quân khu 5: “Tập trung một bộ phận lực lượng chủ lực B3 mở khu chiến ở Tây Bắc Kon Tum (Đăk Tô - Tân Cảnh - Ngọc Bờ Biêng) nhằm tiêu diệt một bộ phận lực lượng cơ động của địch, diệt từ 1 - 2 tiểu đoàn Mỹ, đánh quỵ 1 Lữ của Sư đoàn 4 Mỹ. Sau 45 ngày đêm chiến đấu, quân và dân ta đã đánh 659 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 12.997 tên địch, có 5.014 tên Mỹ, bắt sống 168 tên; phá hủy 1.151 xe quân sự (có 406 xe tăng, xe bọc thép), 74 pháo cối lớn, 317 nhà, 392 lô cốt hầm ngầm, 6 dàn ra đa, 101 kho các loại; bắn rơi và phá hủy 266 máy bay, phá sập 11 cầu cống và 1.409 ống dẫn dầu. Chiến dịch Đăk Tô II đã thu được thắng lợi toàn diện, giáng đòn phủ đầu vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của địch ở Tây Nguyên, làm thất bại một bước biện pháp chiến lược “quét và giữ”, buộc chúng phải co về thế phòng ngự bị động.

- Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 ở Bắc Tây Nguyên: thắng lợi to lớn của ba nước Đông Dương năm 1971 đã dẫn đến những thay đổi trong cục diện chiến tranh, trước tình hình đó, tháng 8 năm 1971, Bộ Chính trị ra Nghị quyết mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên các hướng miền Đông Nam Bộ, Trị - Thiên, Tây Nguyên. Ngày 10/9/1971, Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên tiêu diệt địch, giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh, có điều kiện thì giải phóng thị xã Kon Tum. Hướng phát triển có điều kiện thì mở rộng vùng giải phóng phía Tây Plei Ku, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, hình thành căn cứ địa hoàn chỉnh nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ. Lực lượng chủ lực mặt trận Tây Nguyên tham gia chiến dịch này có 4 Trung đoàn bộ binh: 66, 95, 28, 24, Tiểu đoàn 631, Trung đoàn đặc công 400, Trung đoàn pháo binh hỗn hợp 40 (pháo mặt đất, pháo phòng không, xe tăng) và Trung đoàn công binh 7; lực lượng được trên tăng cường gồm có Sư đoàn bộ binh 320A chủ lực của Bộ, Sư đoàn bộ binh 2 (thiếu 1 trung đoàn) của Quân khu 5, 1 Tiểu đoàn xe tăng T54, Trung đoàn pháo binh hỗn hợp 675 (có 1 Tiểu đoàn ca nông Đ74, 1 Tiểu đoàn lựu pháo 122mm, 1 Đại đội cối 160mm), 1 Đại đội tên lửa chống tăng B-72, 3 Tiểu đoàn pháo phòng không 37mm, 1 Tiểu đoàn súng máy phòng không 14,5mm, 1 Đại đội pháo phòng không tự hành 57mm, Trung đoàn công binh 83; tham gia chiến dịch còn có lực lượng vũ trang các địa phương trên địa bàn Bắc Tây Nguyên, mỗi tỉnh đội có 1 Tiểu đoàn bộ binh, 1 Tiểu đoàn đặc công và một số Đại đội binh chủng. Để tăng cường sức lãnh đạo, chỉ huy cho Mặt trận Tây Nguyên, Ban Bí thư Trung ương Đảng cử đồng chí Trương Chí Cương (Tư Thuận) - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng trực tiếp làm Chính ủy chiến dịch, Bộ Tổng tham mưu cử đồng chí Nguyễn Hòa làm Tư lệnh phó chiến dịch, cùng nhiều cán bộ, phái viên. Chiến dịch Bắc Tây Nguyên Xuân - Hè 1972 bắt đầu từ ngày 30 tháng 3, kết thúc ngày 5 tháng 6 năm 1972. Mở màn chiến dịch, quân ta đánh tan quân dù trên dãy điểm cao Tây sông Pô Kô và tiến xuống Đăk Tô - Tân Cảnh tiêu diệt Sư đoàn bộ binh 22 và Trung đoàn thiết giáp 14 giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh. Sau khi Đăk Tô - Tân Cảnh bị tiêu diệt, lực lượng địch ở Kon Tum bị suy yếu, chỉ có 1 Tiểu đoàn (thuộc Trung đoàn 53), Tiểu đoàn dù 7, lực lượng bảo an và tân quân, tinh thần sa sút nghiêm trọng... Trước những diễn biến mới của chiến dịch, đêm ngày mùng 5 rạng ngày 6 tháng 6 năm 1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định các lực lượng trong thị xã Kon Tum rút ra an toàn và kết thúc chiến dịch. Trải qua 68 ngày đêm chiến đấu ác liệt, mặc dù ta chưa đạt được mục tiêu cao nhất là giải phóng thị xã Kon Tum, nhưng Chiến dịch tiến công Xuân - Hè năm 1972 của quân và dân Tây Nguyên đã giành được kết quả to lớn và có ý nghĩa chiến lược, góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường. Ta đã tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 22, đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 23 và Sư đoàn dù 2, hai Liên đoàn biệt động quân, nhiều tiểu đoàn biệt kích biên phòng, bảo an, tổng cộng đã loại khỏi chiến đấu: 41.437 tên địch. Về phương tiện chiến tranh, ta bắn rơi và phá hủy 212 máy bay, 1227 xe quân sự, 146 pháo cối lớn, 75 kho, 25 cầu cống, 1 dàn ra đa, đốt cháy 70 vạn lít xăng dầu, phá hủy 1 vạn tấn bom đạn; thu 3.518 súng các loại, 88 xe, 3 trực thăng, 228 vô tuyến điện, 4 tổng đài, gần 9.000 viên đạn pháo và nhiều quân trang quân dụng khác; giải phóng phần lớn tỉnh Kon Tum và khoảng 4 vạn dân.

Các địa điểm di tích liên quan đến Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh bao gồm: địa điểm Căn cứ E42, Sân bay Phượng Hoàng và sân Bay L19, Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049.

Căn cứ E42: rộng khoảng 20 hecta, nằm trên quả đồi có độ cao 600m, với 2 phía là sông và núi bao bọc, một phía là đường quốc lộ. Trên phần đất của Khu Căn cứ E42 hiện nay được quy hoạch và cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích, có hệ thống biển chỉ dẫn di tích, biển cấm xâm hại di tích và các biển đá chỉ các hệ thống công sự xưa.

Sân bay L19: nằm về phía Tây Bắc của Căn cứ E42, cách khu trung tâm 100m, có chiều dài 1km, rộng 50m, đường băng được rải nhựa. Quân đội Pháp sử dụng sân bay này cho các loại phi cơ, L19 và các máy bay loại nhỏ.

Sây bay Phượng Hoàng: nằm cách trung tâm Căn cứ E42 khoảng 7km về phía Tây, cạnh đường 14, có chiều dài 1.4km, rộng 70cm, đường băng được rải nhựa. Quân đội Mỹ sử dụng sân bay này cho các phương tiện máy bay cỡ lớn được sử dụng tại đây như báy bay C130, C157…

Điểm cao 1015Điểm cao 1049 nằm ở bờ Tây sông Pô Cô thuộc địa bàn của 02 xã Rờ Kơi, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy và xã Pô Cô, huyện Đăk Tô, phía Tây Bắc của tỉnh Kon Tum, phía Đông giáp với sông Pô Cô, phía Tây giáp với đường 14, phía Nam giáp với sông Pô Cô và Sê San, phía Bắc giáp với đường 14C, huyện Ngọc Hồi. Điểm cao 1015 (hay còn gọi là đồi Charlie) nằm trên dãy núi Ngok Bờ Biêng ở phía Tây của sông Pô Cô, thuộc địa phận của xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy và xã Pô Cô, huyện Đăk Tô, ở độ cao trên 1.277m. Điểm cao 1049 (còn gọi là căn cứ Delta) nằm trên dãy núi Ngok Ring Rua, thuộc địa bàn xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển.

Hiện nay, các công trình di tích đã được tu bổ, tôn tạo như: nhà bia, nhà trưng bày chuyên đề về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đăk Tô - nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trên mảnh đất Đăk Tô, trong đó có phần mộ của các liệt sĩ Kíp xe tăng 377 anh hùng:  Nguyễn Nhân Triển,  Hoàng Văn Ái, Trần Quang Vịnh, Nguyễn Đắc Lượng.

Một số hiện vật tiêu biểu liên quan đến di tích đang được trưng bày tại Nhà truyền thống Đăk Tô - Tân Cảnh (Kon Tum), Bảo tàng tỉnh Kon Tum, Bảo tàng Quân đoàn III (Gia Lai), Bảo tàng Quân Khu 5 (Đà Nẵng), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh (thành phố Hồ Chí Minh), Bảo tàng lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng lực lượng Tăng thiết giáp (Hà Nội)...

Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cùng với chiến thắng Quảng Trị và miền Đông Nam Bộ có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, tạo ra một cục diện mới trên chiến trường Miền Nam, góp phần đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và “Học thuyết Nich Xơn” ở Đông Dương, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, rút quân khỏi Việt Nam.

Với giá trị tiêu biểu, di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22 tháng 12 năm 2016). Ngày 18 tháng 01 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, huyện Sa Thầy và huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đắk Tô - Tân Cảnh./.

Vũ Tiến Dũng

(Theo hồ sơ di tích Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website