Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền quan Trạng, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm), thuộc thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vị Trạng nguyên triều Mạc Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có sứ mệnh lịch sử đặc biệt, vừa là nơi để tri ân những đóng góp của một danh nhân trong lịch sử, vừa là địa điểm diễn ra các hoạt động, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân trong vùng.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (có tên là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ), sinh năm Tân Hợi (1491), người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, trấn Hải Dương (nay là thôn Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Khoa thi năm Ất Mùi, triều Mạc Đăng Doanh (1535), ông đỗ Tiến sĩ đệ nhất danh (tức Trạng nguyên), được trao chức Đông các hiệu thư, dần thăng lên làm Hữu thị lang kiêm Đông các Đại học sĩ. Ông được liệt vào hàng đệ nhất công thần, được phong tước Trình tuyền hầu, đến Thượng thư Bộ Lại, Thái bảo, tước Trình Quốc công. Năm 1542, sau khi dâng sớ xin chém 18 kẻ lộng thần không được chấp thuận, ông treo mũ từ quan về quê nhà ở ẩn, dựng quán Trung Tân, lập am Bạch Vân làm trường dạy học, sáng tác thơ ca, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Am trở thành trung tâm đào tạo nhân tài cho đất nước, với nhiều tên tuổi lưu danh sử sách, như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải… Nguyễn Bỉnh Khiêm không còn tham dự quốc chính, nhưng nhà Mạc vẫn trọng vọng ông, thường hỏi ý kiến về những việc trọng đại. Ông mất ngày 28 tháng Mười Một năm Ất Dậu (tức 17/01/1586), thọ 95 tuổi. Học trò suy tôn ông là Tuyết Giang phu tử.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà nho yêu nước, nhà lý học đại tài được các học giả kính phục, sử sách ghi lại và lưu truyền trong nhân gian về tài tiên đoán hậu vận (sấm ký)... Ông còn là một nhà thơ lớn, để lại cho hậu thế trên 1.000 bài thơ (620 bài thơ chữ Hán,153 bài thơ Nôm), tiêu biểu như các tập thơ “Bạch Vân am thi tập" (chữ Hán) và Bạch Vân quốc ngữ  thi tập (chữ Nôm). Thi phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang giá trị nghệ thuật cao, bút pháp tinh thâm, đề cập đến nhiều vấn đề của cuộc sống, như: tình yêu quê hương, đất nước, châm biếm đả kích bọn tham quan...

Theo một số nguồn tư liệu, đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm được xây dựng sau khi ông mất và hoàn thành vào cuối năm 1586. Còn theo “Từ Vũ bi ký…" lập năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) hiện lưu tại di tích, đền dựng từ sau khi ông mất, đến năm 1735, dân làng Trung Am, tổng Thượng Am đóng góp công của trùng tu, tôn tạo lại đền để thờ phụng. Vào năm 1928, đền tiếp tục được trùng tu, với kiến trúc chữ “đinh”, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Năm 1991, nhân kỷ niệm 500 năm sinh Nguyễn Bỉnh Khiêm, di tích được tu bổ, phục hồi, mở rộng, dựng tượng đài, lập quảng trường, xây hồ bán nguyệt, với quy mô và cảnh quan như hiện nay.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm tọa lạc giữa không gian rộng lớn, quay hướng Đông, phía trước là hồ nước; phía Bắc là triền đê và dòng Tuyết giang; phía Đông hướng nhìn ra biển cả bao la; phía Nam là xóm làng; phía Tây với những cánh đồng lúa, thuốc lào xanh ngắt. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm có tổng diện tích 91.500,7m2 (khu vực I: 3.137,5m2, khu vực II: 88.327,2m2), bao gồm các hạng mục: Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm; đền thờ Thân phụ, Thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm; am Bạch Vân; quán Trung Tân; tháp Bút Kình Thiên; mộ phần cụ Nguyễn Văn Định; quảng trường, tượng đài. 

1. Nghi môn ngoại: tạc bằng đá, đỉnh hai cột giữa tạc cách điệu quả dành dành; đỉnh hai cột bên tạc đôi nghê hướng mặt vào lòng cổng. Khối đèn lồng của trụ tạc tứ linh trong thế hàm thư, cõng thư, cuốn thư; thân trụ là khối hình chữ nhật tạc các vế câu đối chữ Hán; đế trụ tạo kiểu thắt đáy cổ bồng.

2. Nghi môn nội: kiến trúc 2 tầng 8 mái, đao cong bốn phía gắn các linh vật rồng, phượng; cổ diêm và thân cổng có đắp các câu đối, đại tự chữ Hán. Mặt ngoài đắp bức đại tự “Trung Am từ”, mặt trong đắp chữ “Trình Quốc Công”.

3. Hồ Thái ất, Thái nhâm: hai hồ này nằm ở phía trước đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Giữa hồ có một đảo nhỏ, được nối với bờ bằng cây cầu đá xanh được bắc 5 nhịp, thân cầu được khắc hoa văn sóng nước mềm mại. Trên đảo có đặt tấm bia đá ghi việc dựng lại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm.

4. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm: có bố cục mặt bằng theo hình chữ “đinh” với Tiền tế 03 gian 02 chái và Hậu cung 02 gian.

Tiền tế: 03 gian, gian giữa rộng 3,17m, hai gian bên, mỗi gian rộng 2,80m và hai gian chái mỗi gian rộng 2,10m. Hệ thống khung chịu lực có 04 bộ vì, 22 cột gỗ lim. Vì nóc kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường”. Hoa văn trang trí, trên thân các con rường và má câu đầu được chạm bong kênh đề tài lá lật, trụ đấu chạm cánh sen, dạ câu đầu khắc dòng chữ cho biết việc tu sửa đền vào năm 1928, đời vua Bảo Đại. Bốn đầu dư được chạm thủng kết hợp kênh bong bốn đầu rồng mang phong cách Nguyễn đầu thế kỷ XX. Hai mặt của vì nách “ván mê”được trang trí dầy đặc, tỉ mỉ, với đề tài rồng kết hợp vân mây, lá lật, sóng nước, hoa văn chữ triện, hoa lá sen, thủy ba, cá chép, vân hóa long.

- Hậu cung: làm kiểu tường hồi bít đốc, hệ thống khung chịu lực gồm hai bộ vì kèo, vì nóc và vì nách đều có liên kết kiểu vì “ván mê”. Hoa văn trang trí trên hệ vì là lưỡng long chầu nhật, cây mai, cành sen, rùa, long mã... Bộ vì thứ hai, kiểu biến thể “giá chiêng chồng rường”. Trong cung cấm đặt khám và tượng Nguyễn Bỉnh Khiêm.

5. Đền thờ thân phụ - thân mẫu Nguyễn Bỉnh Khiêm: khởi công xây dựng năm 2010, mặt bằng chính hình chữ “công”, gồm: Tiền tế, ống muống, Hậu cung, hai tòa Giải vũ (Tả/ Hữu mạc), và Nam - Bắc môn. Toàn bộ các hạng mục đều được xây dựng theo kiến trúc truyền thống với các bộ khung, vì gỗ kết cấu kiểu “chồng rường giá chiêng”, “chồng rường trụ trốn”, “vì ván mê”, mái lợp ngói vẩy, trang trí trên cấu kiện với các đề tài hoa dây lá lật, hoa sen...

6. Am Bạch Vân: được dựng lên sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm cáo quan về quê. Am xưa là nhà ở và trường dạy học của Trạng Trình. Tại đây, Ông đã tiếp kiến sứ giả của nhà Mạc, Trịnh, Nguyễn đến tham vấn về việc quân quốc, trọng sự. Trải qua thăng trầm của lịch sử, am Bạch Vân bị hư hỏng và đổ nát. Năm 2004, am được phục dựng, mặt bằng hình chữ “nhất”, 03 gian, hệ thống khung dựng trên 04 bộ vì, 24 cột. Hoa văn trang trí gồm các đề tài như trụ đấu hoá sen, hoa văn lá lật trên má các con rường, má câu đầu, bẩy hiên chạm bong kênh lá cách điệu hình rồng...

7. Quán Trung Tân : được dựng lên sau khi Nguyễn Bỉnh Khiêm rời chốn quan trường về quê dạy học. Năm 1742, Vũ Phương Đề có tới thăm quán Trung Tân thì: “còn tấm bia cũ nhưng nét chữ đã quá mờ không sao đọc nổi”. Đến năm 1777, La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp đến thăm làng Trung Am đã có bài ngũ ngôn ghi rõ: “Am, bia đều mất hếtMan mác dòng Tuyết giang”. Như vậy, sau năm 1742 đến trước năm 1777, quán Trung Tân đã không còn. Năm 2001, quán Trung Tân được dựng lại bên bến đò Hàn với 3 gian, tổng diện tích là 905,5m2.

8. Tháp bút Kình thiên: tổng diện tích là 845,5m2, tương truyền, tháp do học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên cách đây hơn 400 năm, để ca ngợi tài năng của thầy như cột chống trời (kình thiên). Trải qua năm tháng, gò đất bị bào mòn, tháp bút Kình Thiên bị đổ nát, đến thời Nguyễn thì được xây lại kiểu hai tầng tám mái, cửa tháp đắp các vế câu đối, lòng tháp để rỗng và trong có đặt bát nhang,

 9. Mộ phần cụ Nguyễn Văn Định: là thân sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm, hiệu là Cù Xuyên tiên sinh, được vua Mạc phong Thái Bảo nghiêm quận công. Sinh thời, Cụ làm nghề dạy học và từng theo học ở nhà Thái học. Khi mất, cụ được an táng tại quê nhà, mộ đặt giữa cánh đồng làng Trung Am (phía sau khu di tích bây giờ).

10. Quảng trường, tượng đài và bức phù điêu

Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tạc bằng đá granit, cao 5,7m, nặng 8,5 tấn, trong tư thế ngồi, tay phải cầm bút, tay trái cầm cuốn sách và mặc y phục nhà nho. Hai bức phù điêu hai bên, mỗi bức cao khoảng hơn 5m, dài hơn 20m. Bức bên phải, khắc tả lại cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Bỉnh Khiêm; bức còn lại khắc tả những giai đoạn lịch sử của địa phương (từ khi thực dân Pháp xâm lược cho đến ngày nay). Trước tượng đài Nguyễn Bỉnh Khiêm là một quảng trường lớn, đây là địa điểm tổ chức lễ hội hàng năm của di tích, cũng là khu vực để tổ chức các sự kiện lớn của thành phố Hải Phòng, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn lưu giữ được một số cổ vật, có giá trị, niên đại từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, như: bản chúc, bát bửu, long ngai, bài vị, câu đối, đại tự.., trong đó đáng chú ý là Bia đá “Từ vũ bi kí...” thời Lê Trung Hưng, năm Vĩnh Hựu thứ hai (1736) đã bị mờ khá nhiều chữ, không đọc được toàn văn, nội dung bia nhắc đến việc dựng lại đền Nguyễn Bỉnh Khiêm vào năm 1736; Bát hương gốm men vàng nâu (thế kỷ XVIII)... Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ một tảng đá xanh hình khối chữ nhật, khắc 3 chữ Hán “Trường Xuân Kiều” (Cầu Trường Xuân), tương truyền do đích thân Nguyễn Bỉnh Khiêm viết khi khuyến khích nhân dân địa phương xây dựng cầu.

Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn ẩn chứa giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc, thể hiện vai trò quan trọng của di tích này trong tâm thức, đời sống tinh thần của nhân dân địa phương. Lễ hội đền Trạng được tổ chức từ ngày 27 – 29 tháng Mười Một Âm lịch hàng năm, với những nghi thức như Lễ Mộc dục, Rước văn, Cáo yết và nhiều chương trình văn hoá văn nghệ của các địa phương (đấu vật, cờ tướng, múa tứ linh, đua thuyền, pháo đất, đu sòng/đu tiên, múa rối cạn, rối nước). Ngoài ra, hàng năm, nhân dịp khai giảng năm học mới, thành phố Hải Phòng còn tổ chức Lễ biểu dương học sinh - sinh viên tiêu biểu xuất sắc, ngay tại đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đây là nét văn hóa mới, thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo, giáo dục về tấm gương sáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tạo động lực cho thế hệ trẻ phấn đấu trên bước đường học tập và lập nghiệp.

Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng) được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2367/QĐ-TTg ngày 23/12/2015 )./.

Khắc Đoài (Theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website