Di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh
Tính từ cuối năm 1965 đến năm 1968 (theo thống kê chưa đầy đủ), toàn huyện Vĩnh Linh có 114 địa đạo với tổng chiều dài hơn 40km, hệ thống giao thông hào hơn 2.000km và hàng trăm tiểu đạo khác, trở thành những “làng hầm” - lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, thể hiện ý chí “một tấc không đi, một ly không rời” bám trụ chiến đấu bảo vệ quê hương và giữ thông mạch máu ra tiền tuyến.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh phân bố khắp 15/22 xã, thị trấn của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, bao gồm:
1. Địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch)
Thuộc thôn Vịnh Mốc và thôn Sơn Hạ, xã Vĩnh Thạch, dài 1.060,25m (chưa bao gồm các ngách, căn hộ...); chiều cao đường hầm từ 1,7 - 1,8m, gồm có 13 cửa ra vào (có 6 cửa được thông lên đồi, 7 cửa thông ra hướng biển). Dọc hai bên đường hầm, có khoét các ngách nhỏ đủ sinh hoạt cho 2 đến 4 người. Trong hầm còn có hội trường (sức chứa từ 50 - 60 người), làm nơi hội họp, xem phim, biểu diễn văn nghệ... và một số công trình khác như: bảng tin, nhà hộ sinh, 3 giếng nước, nhà vệ sinh, trạm phẫu thuật, trạm xá, bếp nấu ăn (bếp Hoàng Cầm).
Hệ thống đường hầm và các công trình trong lòng đất của địa đạo Vịnh Mốc gồm 3 tầng: Tầng 1 có tổng chiều dài 421,82m, rộng từ 0,90m - 1,1m và chiều cao từ 1,6m - 1,75m, có độ sâu cách mặt đất 8 - 11m, đường hầm có dạng hình vòm, lòng đường, vách, trần đào khá phẳng... Tầng 2 có độ sâu cách mặt đất 11 - 15m, chiều dài 508,08m, cao từ 1,6m - 1,94m, rộng từ 0,8m - 1,1m. Đường hầm có dạng hình vòm cuốn với kết cấu đất đỏ bazan vững chắc.. Trục chính tầng 3 chạy chủ yếu theo hướng Nam rồi vòng qua hướng Đông, dài 130,35m, cao từ 1,6 - 1,74m, rộng từ 0,8 - 1,1m, trần hình vòm cuốn, sâu cách mặt đất từ 21 - 22,5m, có 2 giếng nước, 1 nhà tắm, 5 căn hầm được bố trí so le ở hai bên trục chính, 2 hệ thống cửa (10 và số 12) thông ra biển và cũng có hệ thống đường trục để nối giữa các tầng hầm với nhau.
Ngoài hệ thống đường hầm, địa đạo trong lòng đất, địa đạo Vịnh Mốc còn có các công trình trên mặt đất như: giao thông hào, ụ pháo, kè chắn sóng, nhà trưng bày...
2. Hệ thống địa đạo Hiền Dũng (Vĩnh Hòa)
Nằm trên địa phận thôn Hiền Dũng, xã Vĩnh Hòa, bao gồm 2 địa đạo:
Địa đạo Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh có chiều dài khoảng 1.540m, bao gồm 18 cửa lên xuống, 15 giếng thông hơi, nay chỉ có cửa số 1 (ở gần khe Cầu) còn nguyên vẹn.
Địa đạo Thông tin Công an nhân dân vũ trang khu vực Vĩnh Linh có 8 cửa lên xuống và 10 giếng thông hơi. Hiện nay, chỉ còn cửa số 1, 2, giếng thông hơi số 4 (tầng 1). Tổng chiều dài của toàn bộ địa đạo này là 761m (bao gồm cả phần hiện trạng và phần giả định).
3. Hệ thống địa đạo Hương Nam, Troong Môn - Cửa Hang, thôn Roọc và các địa đạo Hải Quân (Vĩnh Kim)
- Địa đạo Hương Nam: thuộc thôn Hương Nam, xã Vĩnh Kim, đường hầm còn tương đối nguyên vẹn, chạy theo hình vòng cung, dài gần 134m, gồm có 2 cửa, một giếng thông hơi và 2 nhánh rẽ.
- Hệ thống địa đạo Troong Môn: nằm sát bờ biển của xã Vĩnh Kim, có tổng chiều dài 170,60m, gồm 5 cửa, trong đó, có 3 cửa thông lên đồi và 2 cửa thông ra biển, với 4 tuyến chính.
- Địa đạo Cửa Hang: do địa đạo được đào sát bờ biển nên qua thời gian, dưới sự tác động của thủy triều, nhất là vào mùa mưa lũ nên lòng đường hầm có đoạn đã bị cát biển bồi lấp hết ¼. Trục đường hầm chạy theo hướng Đông - Tây, có 2 cửa. Hiện trạng, cửa số 1 mở ra hướng Đông, cao 1,05m, rộng 1,2m; cửa số 2 mở hướng Tây, cao 1,25m, rộng cửa 1,2m.
- Địa đạo thôn Roọc: chạy theo hướng Đông - Tây, lệch Bắc, có chiều dài 141,1m, cao từ 1,1 - 1,9m, rộng từ 0,8 - 1,1m. Địa đạo có 2 cửa (cửa số 1, cửa số 2). Nhìn tổng thể, đường hầm địa đạo giống hình chữ Y, với một trục chính và một nhánh rẽ, chia thành 2 tuyến.
- Các địa đạo Hải Quân: gồm có 4 địa đạo nằm về phía Tây Nam của thôn Roọc, hai bên trong của hai quả đồi dạng bát úp. Các tiểu đạo này nằm gần nhau trong vòng bán kính 50m gồm: Địa đạo Hải quân 1, Địa đạo Hải quân 2, Địa đạo Hải quân 3, Địa đạo Hải quân 4.
4. Hệ thống địa đạo Mũi Si, địa đạo 61 (thị trấn Cửa Tùng)
- Địa đạo Mũi Si: nằm bên trục đường ven biển từ Cửa Tùng đến Địa đạo Vịnh Mốc, thuộc khu phố Thạch Bàn, thị trấn Cửa Tùng. Địa đạo có diện tích khoanh vùng bảo vệ 26.204m2 (khu vực I: 9.820m2, khu vực II: 16.384m2). Hiện nay, khu vực này là nơi trồng cây phi lao chắn gió, trên mặt đường của địa đạo còn lại nhiều hố bom. Trải qua thời gian, sự tác động của thiên nhiên và của con người nên địa đạo này đã bị hư hại một phần.
- Địa đạo 61: nằm bên trục đường vào xóm Bến, thuộc khu phố An Hòa 2, thị trấn Cửa Tùng. Địa đạo 61 có diện tích khoanh vùng bảo vệ 3.526m2 (khu vực I: 1.675m2, khu vực II: 1.851m2). Năm 1984, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Quang đã xây dựng khuôn viên đài bia tưởng niệm và được nâng cấp vào năm 2002, 2012. Đài bia và nấm mộ tập thể ở di tích địa đạo 61 là nơi tưởng niệm những nạn nhân đã chết trong vụ sập địa đạo do bom Mỹ ngày 20/6/1967.
5. Địa đạo Hải quân (Vĩnh Nam)
Nằm trên quả đồi thuộc thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, diện tích khoanh vùng bảo vệ 6.586m2 (khu vực I: 5.049m2, khu vực II: 1.537m2), tổng chiều dài 76,12m, cao từ 1,7 - 2m, rộng từ 1,6 - 2m. Cấu trúc đường hầm hình vòm cuốn, hai vách đường hầm tương đối thẳng, độ khum trần vòm ngắn và được tạo nhẵn, láng. Hai bên chân vách có hai rãnh thoát nước nhỏ. Hiện nay, di tích còn 3 đoạn đường hầm chính, nối với nhau tạo thành một hệ thống địa đạo vững chắc.
Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh là chứng tích lịch sử về sức mạnh, tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường bám đất giữ làng, sự sáng tạo độc đáo của chiến tranh nhân dân, biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dân tộc ta.
Ngày nay, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh trở thành một di sản lịch sử, văn hóa đặc thù, độc đáo có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, đồng thời góp phần thu hút khách du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho địa phương.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ./.