Ngày 6 tháng 10 năm 2024
Liên kết website

Di tích Lịch sử khu Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt

Di tích Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt thuộc thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Khu di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về lịch sử, văn hóa, khoa học, gắn liền với tên tuổi của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, triều đại Tây Sơn cuối thế kỷ XVIII, tiêu biểu là vị anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ. Di tích gốc gồm: Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt, Bến Trường Trầu cùng Bảo tàng Quang Trung và các công trình văn hóa khác.

         Điện Tây Sơn: sau khi triều đại Tây Sơn sụp đổ, vùng đất Kiên Mỹ quê hương của ba anh em nhà Tây Sơn bị hủy hoại, ly tán... Nhưng với tấm lòng tri ân những người anh hùng của quê hương, trên nền nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc, nhân dân dựng lên một ngôi đình cao to, bề thế, gọi là đình Kiên Mỹ, để bí mật thờ “Ba ngài Tây Sơn”.

         Điện Tây Sơn được xây dựng lại trên nền đình Kiên Mỹ. Phía trước điện có cổng lớn, trụ xây bằng gạch, trên hai trụ cổng chính có câu đối bằng chữ Hán. Trên cổng là tấm bảng đúc nổi 3 chữ: Tây Sơn Điện. Phía trong cổng là nhà bia ghi công trạng của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ bằng chữ quốc ngữ. Sau nhà bia là tiền sảnh nối với trung tâm điện chính.

Nội thất Điện hiện nay có 10 án thờ, các án đều làm bằng gỗ, chạm trổ công phu hình lưỡng long chầu nguyệt, dây leo, chùm nho... theo phong cách của miền Trung. Án tiền điện gọi là án Công đồng thờ chung những nhân vật nhà Tây Sơn.

Hậu điện có 3 án, ở giữa là án thờ Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ; bên phải là án thờ Hoàng đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc; bên trái là án thờ Đông Định Vương - Nguyễn Lữ. Sau các án thờ hậu điện là bức hoành lớn bằng gỗ có chạm trổ rồng, hoa văn và sơn son thếp vàng. Phía trước, hai bên đầu của ba án thờ có đặt hai giá gỗ để bát bộ binh khí: Trường đao, xà mâu, vòng âm dương, trường chùy, trường thương, trường kích, trường phủ, ba chĩa. Hai phía Đông Tây trong nội điện, đặt các án thờ văn thần võ tướng thời Tây Sơn, cùng kích thước, chạm trổ hoa văn dây lá... Dãy phía Đông có 3 án thờ: Binh bộ thượng thư Ngô Thì Nhậm; Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ; Đại Tư mã Ngô Văn Sở. Dãy phía Tây có 3 án thờ: Thiếu phó Trần Quang Diệu; Đô đốc Bùi Thị Xuân; Đại Tư đồ Võ Văn Dũng. Các bức vách tường Đông, Tây đều dựng bức hoành bằng gỗ sơn son thếp vàng, có chạm khắc hoa văn và các biểu tượng: bút lồng trong cuốn thư (quan văn) và mặt hổ phù (quan võ). Hai phòng đầu hồi dùng để giá chiêng, giá trống.

Di tích Giếng nước được ghép bằng đá ong, đường kính 0,9m, thành giếng cao 0,8m. Năm 1998, xây nhà mái che cổ lầu, hình lục giác, chiều dài mỗi cạnh 3,45m, mái đổ bê tông dán ngói vảy, thành giếng được bảo vệ bằng khung gỗ hình lục giác cách điệu như những mắt trúc

Cây me trên dưới 300 năm tuổi, gốc có chu vi 3,9m, tán rộng đến 30 mét, cành lá rậm rạp, che mát cả góc vườn. Ngoài giá trị lâu năm, tạo cảnh quan, cây me còn có ý nghĩa đặc biệt về mặt văn hóa, lịch sử, là biểu tượng cho sức sống, sự trường tồn của phong trào Tây Sơn trong lòng dân tộc.

          Năm 2007, tỉnh Bình Định có quyết định mở rộng tiếp khu đất di tích Điện Tây Sơn ra hướng Nam, sát bờ Bắc sông Côn, bao cả khu di tích lịch sử Bến Trường Trầu, với diện tích gần 6 ha (khu C,D). Khu vực Bến Trường Trầu đường đi được lát đá chẻ, bờ sông Côn cũng được kè đá để chống xói lở. Hàng năm, khu đất C, D được sử dụng làm khu vui chơi giải trí, nơi tổ chức các lễ hội và tôn vinh di tích lịch sử.

Bến Trường Trầu: là bến buôn bán trầu lớn bên bờ sông Côn xưa, thuộc xóm Trầu, thôn Kiên Mỹ, cách đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt khoảng 200m.

Trầu cau là sản phẩm nổi tiếng của cả hai vùng Tây Sơn thượng đạo và hạ đạo, đặc biệt là loại trầu nguồn do đồng bào Thượng trồng trên Tây Nguyên. Bến Trường Trầu trở thành nơi trung chuyển, quan hệ trao đổi buôn bán giữa miền núi và đồng bằng, ngoài trầu cau còn có nhiều mặt hàng thiết yếu khác. Gia đình ông Hồ Phi Phúc khi còn cư trú ở quê vợ - làng Phú Lạc, ngoài nghề nông còn tham gia buôn bán trao đổi với miền xuôi, miền ngược, nhờ vậy trở nên giàu có. Đến đời các con ông cũng tiếp nối sự nghiệp của cha, duy trì và mở rộng việc buôn bán, trao đổi.

Bến Trường Trầu với việc giao lưu buôn bán, đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp khởi nghĩa của ba anh em Tây Sơn, đặc biệt là Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc thường qua lại vùng Tây Sơn thượng đạo, có quan hệ mật thiết với các dân tộc ít người ở Tây Nguyên, giao lưu buôn bán với các chợ, bến, thị tứ vùng đồng bằng. Điều này giúp cho ông mở rộng tầm nhìn, thấu hiểu nỗi thống khổ của các tầng lớp nhân dân, từ đó dễ dàng vận động, liên kết các lực lượng tham gia khởi nghĩa.

Sau quá trình chuẩn bị ở Tây Sơn thượng đạo, nghĩa quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Nguyễn Nhạc đã mở cuộc hành quân quy mô lớn tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo, giải phóng phủ Quy Nhơn, đặt nền móng vững chắc cho những thắng lợi tiếp theo của phong trào. Trong thành quả đó, Bến Trường Trầu, một đầu mối quan trọng, nơi kết nối thông tin, liên lạc thư từ của nghĩa quân trong những ngày đầu chuẩn bị khởi nghĩa, cho đến khi đạt đến đỉnh cao.

Tương truyền, cạnh Bến Trường Trầu xưa, Nguyễn Nhạc có dựng một ngôi nhà để chứa trầu và làm quán trọ cho khách buôn trầu. Vì vậy, nhân dân Kiên Mỹ, cũng như nhiều vùng xung quanh đều biết đến Nguyễn Nhạc với cái tên là anh Hai Trầu. Sau khi nhà Tây Sơn mất, nhân dân Kiên Mỹ có dựng trên nền nhà xưa ngôi miếu thờ ba anh em Tây Sơn, gọi là miếu Vĩnh Thọ (còn gọi là miếu Cây Gòn vì nơi đây có cây gòn to). Về sau, thực dân Pháp dùng làm kho chứa lương thực, rồi phá hủy. Đến năm 1963, có ba vị khất sĩ người Nam Bộ cùng nhân dân địa phương xây dựng một ngôi chùa nhỏ lợp tranh (trên nền miếu cũ), năm 1967, mới xây bằng gạch gọi là Tịnh xá Ngọc Bình.

Bến Trường Trầu nay đã bị bồi lấp, chỉ còn là một bãi cát ven sông, không còn cảnh thuyền ghe tấp nập cùng không khí hối hả chuẩn bị cho một sự nghiệp lớn, nhưng “Cây me cũ, Bến Trầu xưa…” đã đi vào lịch sử, mãi còn vang vọng về một thời oanh liệt.

Bảo tàng Quang Trung:  được xây dựng năm 1977 và khánh thành năm 1979, trưng bày 11.605 tư liệu, hiện vật liên quan đến phong trào Tây Sơn. Phía trước Bảo tàng có tượng đài Hoàng đế Quang Trung uy nghi bằng đồng.

Nhà biểu diễn nhạc - võ Tây Sơn: diện tích 268m2, là nơi đội nhạc võ  biểu diễn các chương trình như: trống trận, võ cổ truyền Tây Sơn và nghệ thuật văn hoá dân gian Tây Nguyên ở một số dân tộc thiểu số từng tham gia phong trào Tây Sơn.

Nhà rông văn hoá Tây Nguyên: diện tích 118m2, trưng bày các tư liệu, hiện vật về văn hoá của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, lực lượng đã tham gia phong trào Tây Sơn trong giai đoạn tụ nghĩa.

Ngoài ra, các nghi lễ tri ân ba anh em nhà Tây Sơn cũng được tổ chức hàng năm tại di tích, có thể kể đến như: ngày hiệp kỵ Tây Sơn Tam Kiệt (15 tháng Mười Một), ngày giỗ trận Đống Đa (mùng 5 tháng Giêng), ngày giỗ Hoàng Đế Quang Trung (29 tháng Bảy)... Trong những ngày này, Bảo tàng Quang Trung cùng ban Nghi lễ Điện long trọng tổ chức lễ cúng kỵ theo nghi thức truyền thống của dân tộc thu hút hàng vạn người về chiêm bái, tưởng nhớ ân đức của các bậc tiền nhân.

Với giá trị đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng di tích lịch sử Khu đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014)./.

Nguyễn Khắc Đoài (Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website