Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La
Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La nằm trên đỉnh đồi Khau Cả, thuộc tổ 9, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Từ 1930 - 1945, thực dân Pháp đã giam giữ 14 đoàn tù chính trị, với tổng số 1.013 lượt tù nhân tại đây. Nhà tù Sơn La đã trở thành nơi đào tạo, bồi dưỡng những chiến sỹ cộng sản xuất sắc, đóng góp chung vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tiêu biểu như các đồng chí: Tô Hiệu, Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Trân, Lê Thanh Nghị, Trần Quốc Hoàn,...
Nhà tù Sơn La được xây dựng từ năm 1908, sau đó tiếp tục được mở rộng vào những năm 1930 - 1940. Tổng diện tích qua ba lần mở rộng là 2.184m2, gồm 3 hạng mục lớn: Nhà tù Sơn La, Nghĩa trang Liệt sỹ Nhà tù Sơn La và Cây đa bản Hẹo.
1. Nhà tù Sơn La: được phân chia thành khu khởi nguyên xây dựng từ năm 1908 và khu vực mở rộng từ những năm 1930 - 1945:
- Khu vực khởi nguyên xây dựng năm 1908: tổng diện tích hơn 1.200m2, quay hướng Nam, cửa ra vào rộng 2m, cao 3,25m, trên cổng chính có hàng chữ “Prison Provincial” (nhà tù tỉnh), bao gồm các hạng mục:
+ Bờ tường rào xung quanh và chòi canh gác: hệ thống tường rào cao 3,5m, dày 0,34m. Chòi canh gác ở hai góc phía Tây Nam và Đông Bắc, mỗi chòi có 2 tầng, tổng chiều cao 6,2m.
+ Phòng giam và các hạng mục bên trong: tổng diện tích mặt sàn mỗi phòng gần 50m2 đều có sàn nằm của tù nhân, xây bằng đá, láng xi măng cao 0,4m, rộng 2m, dài 12m dọc theo 2 bên tường.
+ Phòng canh gác ban đêm của binh lính: nằm ở giữa 2 phòng giam tù cấm cố, bờ tường xây bằng gạch, cao 6,8m, diện tích 21,12m2. Ngoài ra còn có: buồng giặt giũ, khu vệ sinh và phòng tắm rửa của tù nhân, phòng tạm giam, phòng canh gác và bàn giấy, phòng y tế tạo thành một dãy hàng ngang theo chiều Đông - Tây, dài 28m. Xà lim cá nhân và nhà bếp, có 4 xà lim cá nhân ở 2 đầu (mỗi đầu 2 xà lim), ở giữa là nhà bếp, tạo thành một dãy chạy dọc theo chiều Bắc - Nam, chiều dài 15m.
- Khu vực được mở rộng từ năm 1930 – 1940: căn cứ vào bản vẽ mặt bằng năm 1937 (tài liệu lưu tại Bảo tàng Sơn La) cho thấy, từ Nhà tù Sơn La ban đầu (1908) hình vuông, sau khi được mở rộng (từ năm 1930 - 1940), có hình thang vuông, mặt quay về hướng Đông. Tổng diện tích sau khi mở rộng là 2.184m2, gồm các hạng mục: cổng chính và tường rào bao quanh; hệ thống chòi canh gác; hệ thống phòng phạt giam trên mặt, dưới lòng đất; khu sân chung nhà tù.
+ Cổng chính và tường rào bao quanh: cổng xây bằng gạch, chiều cao 3,5m, tường dày 0,45m, mái cuốn gạch vòm. Tường rào xây bằng đá hộc lẫn gạch vồ rất kiên cố, chiều cao 4,5m, dày 0,4 - 0,5m. Do hậu quả của chiến tranh, 4 bức tường bao quanh Nhà tù bị đổ nát, chỉ còn phần móng. Từ năm 1990 - 1993, các bức tường này được khai quật, phát lộ và tiến hành phục chế.
+ Hệ thống chòi canh gác gồm: chòi canh Đông Bắc, 2 tầng, cao 6,2m. Năm 2006, được phục chế lại, tường xây gạch dày 0,4m, cao 6,2m, diện tích 6,75m2. Chòi canh Tây Nam 2 tầng, cao 6,2m, diện tích 6,7m2. Năm 1989, được phục chế gồm 2 tầng, cao 6,5m. Chòi canh Đông Nam 2 tầng, cao 7m, diện tích khoảng 32m2, chia đôi thành 2 ngăn dùng làm nhà kho của trại lính khố xanh, tầng trên là tháp canh. Chòi canh Trung tâm xây dựng trên vị trí của cổng ra vào sân chung và nhà bàn giấy cũ (năm 1908), gồm 2 tầng, cao hơn 7m. Sau khi được phục chế năm 2006, nhà bàn giấy và chòi canh gồm có 3 gian như cũ, diện tích 73,2m2, tường xây bằng gạch dày 0,4m, tổng chiều cao 8m.
+Hệ thống phòng phạt giam trên mặt, dưới lòng đất: khi mở rộng nhà tù năm 1930, các công trình của khu nhà trước đây hầu hết được cải tạo lại và mở rộng thành các trại giam mới, bao gồm các hạng mục: trại ba gian, trại lớn mới, dãy xà lim ngầm dưới lòng đất, nhà bếp, kho xép, trại hai gian, nhà xưởng (phía Bắc và phía Nam), dãy nhà kho, xà lim cá nhân trên mặt đất, khu trại giam chéo hình tam giác, trại giam mở rộng năm 1940.
+ Khu sân chung nhà tù: có hình chữ nhật, chiều dài 17,34m, chiều rộng 14,72m, diện tích 225,2m2. Năm 1930, diện tích khu sân chung còn lại hơn 200m2, bao gồm bể nước ngầm sâu dưới lòng đất 3,1m, mặt bể có chiều dài 8m, rộng 7m, chiều cao thành 3m, dung tích 168m3.
Ngoài ra, còn có các công trình phụ cận như:
+ Khu vực Trại lính khố xanh: bao gồm nhiều hạng mục: tường rào xung quanh, nhà giám binh, chòi canh Tây Nam, nhà ba gian trên hầm bể nước ngầm.
+ Khu nhà Giám ngục: nằm cách khu nhà ngục khoảng 6m về phía Bắc, do hậu quả của chiến tranh, công trình này bị đổ sập hoàn toàn. Tháng 9/2004, vết tích còn lại của khu nhà Giám ngục gồm nền móng, lô cốt phía sau đã được khai quật, phát lộ. Mái lô cốt phía sau nhà Giám ngục đã bị sập, bờ tường của lô cốt và 05 lỗ châu mai trên đó đến nay vẫn còn nguyên hiện trạng.
+ Tàu ngựa: là nơi thực dân Pháp nuôi ngựa để phục vụ cho nhu cầu đi lại hàng ngày của Giám ngục, cai ngục, có diện tích khoảng 126m2.
+ Tòa Công sứ: nằm cách khu nhà tù 150m về phía Nam, có diện tích 420m2, gồm 16 phòng. Trải qua hai lần bị ném bom của Thực dân Pháp (1952) và Đế quốc Mỹ (1965), tòa Công sứ đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, địa điểm này là trụ sở làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La.
2. Nghĩa trang liệt sỹ Nhà tù Sơn La
Nghĩa trang này còn gọi là Nghĩa địa Gốc Ổi, cách Nhà tù Sơn La khoảng 400m. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, nghĩa trang được quy hoạch trên diện tích 42.860m2, gồm các hạng mục: sân, nhà quản trang, cổng, vườn cây, tượng đài, nhà bia, các phần mộ. Nghĩa trang có các phần mộ chí được thiết kế bao quanh đài tưởng niệm. Mộ đồng chí Tô Hiệu đặt tại vị trí trung tâm. Nhà bia ghi danh sách 61 liệt sỹ, cao 3,6m, rộng 3,4m, dài 4,3m, mái bê tông có chạm khắc hoa văn.
3. Cây đa bản Hẹo
Đây là nơi liên lạc bí mật của chi bộ nhà tù Sơn La với Trung ương Đảng và các cơ sở cách mạng bên ngoài nhà tù, thuộc tổ 2, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La. Cây đa bản Hẹo mọc tự nhiên ở lưng chừng đồi, cao khoảng 25m, có kích thước lớn, đường kính chỗ rộng nhất lên tới 10m.
Di tích lịch sử Nhà tù Sơn La đang lưu giữ và trưng bày 48 tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh Sơn La. Nhà tù Sơn La là một bằng chứng vật chất có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, minh chứng điển hình về tội ác tàn bạo của chế độ thực dân cũ đối với nhân dân Việt Nam, đồng thời, khẳng định chủ nghĩa yêu nước chân chính, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam. Nhà tù Sơn La trở thành địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần yêu nước cho nhân dân, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập và nghiên cứu...
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử Nhà tù Sơn La (thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) đã được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ)./.
Khắc Đoài (Theo Hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)