Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá Phượng Cách
Trong lịch sử hình thành, chùa Thầy gắn liền với tên tuổi và cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1117) - vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, với nhiều tên gọi, như “Hương Hải Am”, “Bồ Đề Viện”, “Phật Tích”... Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách, thuộc các xã Sài Sơn, xã Phượng Cách và thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Đây là một quần thể di tích kết hợp với cảnh quan của những ngọn núi thấp ở giữa vùng đồng bằng trù phú, tạo nên một diện mạo linh thiêng mà kỳ vĩ, gồm 03 cụm điểm: Khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách; Quần thể di tích chùa Thầy; các di tích trên núi động Hoàng Xá.
1. Khu núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách
Theo thuyết phong thuỷ, núi Sài được xem như là con rồng lẻ đàn (quái long), xung quanh có 18 ngọn núi nhỏ - “Thập bát tú sơn” chầu về, án ngữ cho tổ sơn Tản Viên. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn lại 11 ngọn núi, là: Sài Sơn, Long Đẩu, Hoa Sơn, Hương Sơn (Hổ Sơn), Phượng Hoàng, Kỳ Lân, Sơn Tượng, Âm Giang, Ông Minh, Đồng Hè và Hoàng Xá. Trong số đó, nổi tiếng nhất là núi Sài Sơn (núi Thầy), hình vòng cung cao khoảng 100m từ Sài Sơn kéo xuống tận Hoàng Xá với bán kính trên 3km. Trên núi có nhiều loại cây cổ thụ trăm năm tuổi, nhiều loại thuốc quý được thiên nhiên ban tặng. Núi Sài với nhiều hang động nổi tiếng như hang Cắc Cớ, hang Thánh Hoá, hang Gió, trên đỉnh lại có Bàn cờ tiên, Chợ Trời. Đặc biệt, Hang Cắc Cớ ở lưng chừng núi, rất sâu, cửa hang nhỏ hẹp, tối và trơn, muốn vào hang phải có đèn đuốc. Trong hang có vòm rộng, hiện còn lưu giữ một bể xương người - tương truyền là nơi tuẫn tiết của nghĩa quân Lữ Gia thời Triệu chống lại nhà Tây Hán thất bại.
2. Quần thể di tích chùa Thầy
Đây là tổ hợp công trình kiến trúc nằm ở chân, sườn núi Sài Sơn và một số ngọn núi nhỏ xung quanh, gồm: chùa Thầy (chùa Cả, Thiên Phúc Tự), chùa Bối Am, chùa Cao, đền Thượng, chùa Long Đẩu, chùa Sài Khê, đền Quán Thánh.
Chùa Thầy: bố cục mặt bằng tổng thể với nhiều đơn nguyên kiến trúc hợp lại thành kiểu “nội tiền công, hậu nhất, ngoại quốc”, gồm các hạng mục:
- Thủy đình: nằm ở giữa hồ Long Trì, 1 gian 2 dĩ, kiểu phương đình, chồng diêm hai tầng, 8 mái với các góc đao cong. Thuỷ đình xây dựng khoảng thời Hậu Lê (1533 - 1788), chia thành 2 cấp: giữa ngập nước, hai bên cao trên mặt nước, là nơi để đồ diễn rối nước.
- Cầu Nhật Tiên, Nguyệt Tiên: kiến trúc kiểu “thượng gia hạ kiều”. Cầu Nhật Tiên nằm bên trái chùa đi ra đảo nơi có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên ở bên phải chùa nối với bờ hồ lên núi. Tương truyền hai cây cầu này do Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528 - 1613) xây dựng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XVII.
- Đền Tam Phủ: nằm trên một gò đất nổi giữa hồ, dài 7m, rộng 5m, gồm 3 gian 2 dĩ nhỏ. Đền được xây bằng đá ong đỏ sẫm, 4 lá mái, lợp ngói mũi hài, kết cấu tàu đao lá mái, kết cấu bộ khung vì theo kiểu chồng rường bảy hiên. Theo các nhà nghiên cứu, đền mới xuất hiện vào đầu thời Nguyễn.
- Tiền đường (chùa Hạ): dài 20m, rộng 5m, cao 5,2m gồm 3 gian 2 chái, dựng trên nền cao khoảng 1m so với sân chùa. Kết cấu bộ vì có 4 hàng chân cột, bộ vì nóc giá chiêng - kẻ suốt, mái lợp ngói mũi hài, bốn đầu đao cong vươn lên. Trang trí trên bộ mái có makara, lân, rồng. Hai đầu hồi làm kiểu vỉ ruồi, trổ thủng hình mặt trời, hoa cúc, vấn xoắn tròn xen lẫn với mây cụm hình đao mác. Hệ thống cửa kiểu bức bàn. Ở ván nong, ván lá gió trang trí tia lửa, lá đề …
- Nhà cầu (ống muống): có chức năng nối tiền đường với thượng điện, gồm 1 gian, có 2 mái chạy dọc, dài 4,1m, rộng 4,5m, kết cấu 2 bộ vì 4 hàng chân cột và 4 kẻ góc đỡ đầu mái. Bộ vì kèo kiểu kẻ chuyền giá chiêng với những trụ ngắn. Ở 2 hàng lan can, vách ngăn gỗ trang trí chấn song con tiện, bên dưới chia 4 tầng, có nhiều họa tiết trang trí điển hình cho nghệ thuật điêu khắc gỗ thế kỷ XVII.
- Thượng điện (chùa Trung): gồm 3 gian 2 chái, dài 20m, rộng 9,5m và cao 5,5m, nền cao hơn nền tiền đường 0,5m. Thượng điện có khám thờ bên trong. Kết cấu bộ vì kiểu chồng rường - giá chiêng và giá chiêng kẻ suốt. Mái lợp ngói mũi hài, với kết cấu tàu đao - lá mái với các góc đầu đao uốn cong. Thượng điện có kết cấu khá thông thoáng nhờ vào hệ thống cửa bức bàn gỗ bao hai bên hồi và phía sau.
- Điện Thánh (chùa Thượng): cao hơn điện Phật 0,95m, gồm 1 gian 2 chái lớn, dài 14,7m, rộng 11,7m và cao 6m. Bộ khung gồm 4 cột cái, 16 cột quân. Trong 4 cột cái có 1 cột gỗ ngọc am và một cột gỗ chò vẩy có chu vi 1,8m. Vì nóc kiểu chồng rường con nhị - giá chiêng”. Trang trí hoa văn bên trong điện Thánh rất ít. Bên ngoài, ở cả 3 mặt ván gỗ bưng được chạm trổ khá cầu kỳ các đề tài rồng, lân, phượng, hoa lá, vân mây và những đường cánh sen chạm lộng nhiều lớp. Phía sau, từ cửa hậu xuống là hệ thống bậc đá (có đôi sấu đá đầu nghê, mình sóc mang đậm phong cách điêu khắc thời Trần).
- Hành lang - gác chuông, gác trống, hậu đường: 2 dãy hành lang nằm dọc hai bên sườn chùa, mỗi dãy 13 gian nhỏ, với 9 tượng La Hán. 3 gian cuối của mỗi dãy được đẩy lên cao thành gác Chuông, gác Trống - kết cấu này là một đặc điểm độc đáo của chùa Thầy. Nhà hậu đường ở phía sau điện Thánh có 11 gian 2 dĩ nhỏ.
Chùa Cao (Đỉnh Sơn tự): nối với chùa Cả qua cầu Nguyệt Tiên, tọa ở lưng chừng núi, còn gọi là Am Hiển Thuỵ với hang Thánh hoá là nơi Từ Đạo Hạnh giải thi (trút xác) để đầu thai làm con của Sùng Hiền Hầu, sau trở thành vua Lý Thân Tông. Chùa Cao có quy mô kiến trúc nhỏ với các công trình kiến trúc: gác chuông, chùa chính (tiền đường, thượng điện) và các công trình phụ trợ.
Chùa Một Mái (Bối Am tự): nằm dưới chân núi, có cửa sau để đi lên núi gồm Tiền đường và Thượng điện, gác Chuông và Nhà lưu niệm Bác Hồ (nguyên là nhà tổ chùa Bối Am). Tại đây, Bác Hồ đã ở và làm việc từ ngày 3 tháng 2 đến 2 tháng 3 năm 1947.
Đền Thượng (đền Văn Xương): nằm ở bên phía kia sườn núi, bên trên chùa Bối Am, được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII - XVIII thờ Văn Xương Đế Quân, Tản Viên Sơn Thánh, Từ Đạo Hạnh. Đền có 3 gian 2 chái, với bốn lá mái các góc đao cong, bộ khung vì gỗ bốn hàng chân, hệ cửa bức bàn. Xưa kia, các sĩ tử thời phong kiến thường đến đây ăn ngủ (ăn chay, cầu đảo) với mong muốn xin đỗ đạt và đây cũng từng là nơi hội họp của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Chùa Long Đẩu: nằm dưới chân Long Đẩu Sơn - núi hình rồng (tiền án của chùa Thầy) ngay bên hồ Long Trì. Chùa được khởi dựng vào cuối thế kỷ XI và được trùng tu lớn vào thời Trần, niên hiệu Hưng Long thứ 2 (1294). Năm Chính Hoà thứ 21(1708), chúa Trịnh Cương cùng Cung Tần Ngọc Lãnh đã bỏ tiền vàng cúng tam bảo, xây thêm nhà Tổ, hành lang, hậu điện, tam quan.
Chùa Sài Khê (Hoa Phát tự): tọa lạc dưới chân núi Hoa Sơn, cũng là ngôi chùa được khởi dựng khá sớm, đã qua nhiều lần trùng tu tôn tạo, đến thế kỷ XVII đã có quy mô và hệ thống tượng khá phong phú đầy đủ… Hiện nay, Chùa có các hạng mục: tam quan, gác chuông, chùa chính, nhà Tổ/Mẫu. Chùa Sài Khê có 51 pho tượng tròn cùng toà Cửu Long, có nhiều pho đẹp như Đại Thế Chí Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát,...
Đền Quán Thánh: nằm dưới chân ngọn Hổ Sơn, cách chùa Thầy khoảng 1km về hướng Đông Nam. Tương truyền, đây là nơi chôn cất tro cốt của Từ Đạo Hạnh, còn tinh cốt (xá lợi) được yểm vào tượng rồi đặt trong khám thờ. Quán được dựng từ thế kỷ XII, đến thế kỷ XV được xây dựng với quy mô như hiện nay. Năm Khải Định thứ 10 (1925) quán được tu sửa lớn, năm 1996 đại tu. Kiến trúc Đền hình chữ “Nhất”, vì nóc kiểu chồng rường, tường xây đá ong cổ, mái lợp ngói mũi. Trang trí trên kiến trúc có các đề tài tứ linh, rồng mây và hoa lá vân xoắn cách điệu phong cách Lê Trung Hưng.
3. Các di tích trong núi động Hoàng Xá
Núi động Hoàng Xá (xã Hoàng Ngô nay là thị trấn Quốc Oai) nhìn xa giống như một chú voi khổng lồ, nên còn được gọi là núi Tượng Linh. Bên trong núi có một hang động lớn là Hoàng Xá. Trên vách động đặt ượng Cao Xuân Dục (1842 - 1923). Ông từng làm Tri phủ Quốc Oai, được dân tin yêu nên sau khi ông mất, dân tạc tượng thờ ông giữa động. Các di tích ở núi động Hoàng Xá bao gồm: chùa Hoa Vân, đền Văn Xương, quán Hoàng Xá, chùa Hoàng Kim.
Chùa Hoa Vân: từ động Hoàng Xá, đi khoảng 200m, rẽ phải tới chùa Hoa Vân, gồm: tiền đường, thượng điện, nhà khách, nhà Tổ, nhà Mẫu. Tiền đường 5 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, hai tầng mái lợp ngói ri, phần trước thắt cổ diêm. Ở hai đầu và giữa bờ nóc mái đặt 3 cây tháp cửu phẩm liên hoa, gợi cho du khách nhận biết ngôi chùa này thờ Phật theo tông Tịnh Độ. Các bộ vì bên trong kết cấu theo lối thượng giá chiêng con nhị, hạ kẻ bẩy trên 4 hàng chân cột. Thượng điện là ngôi nhà 3 gian, nối từ giữa tiền đường về phía sau. Các bộ vì kết cấu tương tự như tiền đường.
Đền Văn Xương: tọa lạc trên đỉnh núi Hoàng Xá, kết cấu kiểu chữ “Đinh” gồm tiền tế, hậu cung. Tiền tế có 3 gian 2 dĩ, kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, cửa bức bàn, chắn song con tiện. Các bộ vì kiểu thượng chồng rường hạ kẻ bẩy trên 4 hàng chân cột, mang đậm dấu ấn thời Nguyễn. Hai gian bên bài trí các ban thờ và tượng. Hậu cung là một gian nhà dọc nối từ gian giữa vào phía trong, bài trí sập thờ, tượng thánh Văn Xương.
Quán Hoàng Xá: kết cấu chữ “Đinh” với nghi môn, tiền tế, hậu cung nằm ngay trên trục đường đi, lưng tựa vào núi Hoàng Xá. Tiền tế có 3 gian 2 chái, kiểu tường hồi trụ biểu, bốn bộ vì đỡ mái kiểu thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ bẩy hiên. Phía trước hiên đặt đôi rồng đá chầu ra cổng. Hậu cung 3 gian, bộ vì ngoài kiểu giá chiêng kẻ ngồi. Bộ vì giữa kiểu ván mê, trang trí lưỡng long chầu nguyệt, trong cùng có 4 chữ Hán “Cổ tích linh từ”. Gian trong đặt khám lửng, thờ Thành hoàng làng. Tại đây, có pho tượng Lữ Gia thời Mạc, tạc giống như người thật.
Chùa Hoàng Kim: kết cấu chữ “Đinh” gồm tiền đường và thượng điện. Tiền đường 3 gian 2 chái. Các bộ vì kiểu giá chiêng kẻ bẩy trên 3 hàng chân cột, cột cái là cốn mê chạm nổi hình tượng rồng và tứ linh. Thượng điện (Tam bảo) - nơi bài trí chủ yếu tượng thờ Phật, có 3 gian, bộ vì kết cấu giá chiêng kẻ ngồi trên 2 hàng chân cột. Chùa Hoàng Kim hiện lưu giữ nhiều tượng có giá trị, như pho A Di Đà và Nhị vị Bồ tát mang phong cách nghệ thuật tượng thời Lê. Đặc biệt, một pho tượng đá độc đáo gồm phần tượng và bệ tượng mang phong cách nghệ thuật thời Lý. Trong khuôn viên chùa còn có nhà Mẫu, miếu Võ Thịnh thờ Quan Công và Đức Thánh Trần.
Quần thể di tích chùa Thầy còn lưu giữ được hệ thống các di vật, cổ vật rất phong phú đa dạng, thuộc nhiều chủng loại, chất liệu, như: đá, gỗ, giấy, hệ thống tượng thờ, nhang án, hoành phi câu đối,… tiêu biểu như bộ tượng Di đà tam tôn (đã được công nhận là Bảo vật quốc gia), tượng thánh Từ ở ba kiếp, tượng Lữ Gia, Tam thế Phật, Bệ đá hoa sen Phật có sư tử đội thời Lý, bệ hoa sen hai tầng (Bách hoa đài) thời Trần, khám thờ thời Mạc …
Ngoài những giá trị vật thể hiện hữu, chùa Thầy còn bảo lưu được các giá trị văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đặc sắc và độc đáo biểu hiện qua tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, lễ hội truyền thống (Hội Thầy), diễn ra từ ngày mùng 5 - 8 tháng Ba Âm lịch hàng năm (chính hội ngày mùng 7). Đây là lễ hội lâu đời, nức tiếng của xứ Đoài và kinh thành Thăng Long xưa thể hiện qua câu: “Nhất vui là hội chùa Thầy…”, “Nhớ ngày mồng bẩy tháng Ba/Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy”... Đến Hội, mọi người sẽ được tham gia, thưởng thức các trò chơi dân gian hấp dẫn (đánh cờ, đấu vật, kéo co, chọi gà…), đặc biệt, có múa rối nước tại Thủy đình.
Chùa Thầy mang những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, thể hiện qua không gian cảnh quan, kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc và hệ thống tượng pháp,… là nơi lưu dấu tích của thiền sư Từ Đạo Hạnh và những câu chuyện mang sắc màu của tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo, Phật giáo, thể hiện sự dung hội tôn giáo, tín ngưỡng dân gian qua các thời kỳ lịch sử, là một trong những nơi thờ “tiền Phật, hậu Thánh” sớm nhất nước ta. Chùa Thầy cũng ghi dấu mốc son của lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Pháp, từng là cơ sở hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Trọng Tuệ, Xuân Thủy, Lê Quang Đạo, Xứ ủy Bắc Kỳ và Cơ quan Báo Cứu quốc. Khu vực này còn chứa đựng những giá trị về văn hóa khảo cổ đã được phát hiện và khai quật.
Với giá trị đặc biệt tiêu biểu, di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách (huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội) đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014./.
Khắc Đoài (Theo Hồ sơ di tích, Cục Di sản văn hóa)