Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội)
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng (Khu di tích lịch sử đền Phù Đổng, Khu di tích lịch sử đền Gióng) nằm trên địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.
Phù Đổng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, thuộc xứ Kinh Bắc xưa, có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa. Phù Đổng cũng là nơi gắn với nhiều huyền thoại về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc, mà tiêu biểu là người anh hùng làng Gióng, một nhân vật còn in đậm trong tâm thức người dân nơi đây, với nhiều di tích còn lại cho đến ngày nay, như đền Thượng (thờ Thánh Gióng), đền Hạ (đền Mẫu), miếu Ban (nơi thờ mẹ Gióng), Cố viên, Đống đàm (nơi Gióng trận đánh), Giá ngự, đình Hạ mã…
Thánh Gióng còn được tôn vinh là Phù Đổng Thiên Vương, Xung Thiên Thần Vương, là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Sự tích về Thánh Gióng có nhiều dị bản khác nhau, nhưng ít nhiều đều tập trung khẳng định: Thánh Gióng là một vị anh hùng văn hóa, biểu tượng cho sức mạnh chống ngoại xâm của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.
Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng gồm 8 điểm di tích thành phần, phân bố trên địa bàn 3 thôn của xã Phù Đổng, với tổng diện tích 60.343,7m2.
1. Đền Thượng (đền Phù Đổng Thiên Vương), là ngôi đền chính, quay hướng Nam, trông ra đê sông Đuống. Đền gồm các hạnh mục: thủy đình, cổng ngũ môn (năm cửa), phương đình, tiền đường, trung đường, hậu cung, tả hữu mạc, nhà giám, nhà ba gian, nhà khách, nhà hiệu.
Thủy đình nằm ở giữa ao đình, phía trước đền, có mặt bằng hình vuông, với hai tầng, 8 mái, lợp ngói mũi hài. Các bộ vì có kết cấu chồng rường giá chiêng, hoành mái được phân khoảng theo kiểu thượng tam, hạ tam. Hệ mái tì lực trên 4 hàng chân cột.
Cổng ngũ môn (năm cửa) với 3 cửa chính và 2 cửa phụ, mang dáng dấp đồ sộ như một cổng thành, được xây bằng gạch, các khuôn cửa đều có cấu tạo dạng vòm cuốn, cánh cửa kiểu thượng song, hạ bản. Trên cổng là tòa nhà kiểu 2 tầng 8 mái.
Phương đình là tòa nhà 2 tầng 8 mái, lợp ngói mũi hài, có mặt bằng nền hình vuông, bờ nóc, bờ dải đắp hình hoa chanh, hoa văn hình học, 8 góc đao gắn hình lá lật. Hệ khung mái được đỡ bởi 4 hàng cột, kết cấu vì dạng thượng rường, hạ cốn.
Tiền tế gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái kiểu chồng diêm hai tầng, hệ mái tì lực trên 6 bộ vì gỗ, trong đó, 4 bộ vì giữa được kết cấu theo dạng thượng đinh, hạ kẻ, 2 vì hồi kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.
Trung tế gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, hai đầu hồi xây tường bao, mặt trước và mặt sau để trống, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, tì lực trên 6 hàng chân cột, 4 vì giữa kiểu thượng đinh, hạ kẻ, 2 bộ vì bên kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.
Hậu cung có mặt bằng kiến trúc dạng chữ Công, gồm ngoại cung, ống muống và hậu cung.
Tả mạc, hữu mạc là 2 dãy nhà, mỗi bên 9 gian, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 10 bộ vì kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên.
Nhà khách có mặt bằng hình chữ Nhất, tường hồi bít đốc, hệ thống cửa bức bàn, hai đầu bờ nóc đắp rồng lá cách điệu. Bộ khung gồm 4 bộ vì, được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng, mái phân khoảng hoành kiểu thượng tam, hạ ngũ. Hệ khung mái tì lực trên 3 hàng chân cột.
Nhà giám có mặt bằng dạng chữ U, gồm cung chính và 2 dãy nhà ngang hai bên. Cung chính gồm 5 gian, 2 dĩ, mái lợp ngói mũi hài, 6 bộ vì gỗ được kết cấu theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ ngồi, bẩy hiên, tì lực trên 6 hàng chân cột.
2. Đền Hạ, còn gọi là đền Mẫu, quay hướng Tây, tọa lạc ở vị trí ngoài đê sông Đuống, bao gồm các hạng mục: nghi môn, tả - hữu mạc và kiến trúc chính dạng chữ Tam, gồm tiền tế, trung tế và hậu cung.
Nghi môn gồm 3 cửa dạng vòm cuốn. Trên cửa chính (giữa) xây tòa nhà 8 mái. Tả - hữu mạc, mỗi bên 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung mỗi tòa gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ cốn, tì lực trên 6 hàng chân cột.
Tiền tế gồm 5 gian, 2 chái, bốn mái với 4 đao cong hình lá lật, các bờ guột được gắn những đầu kìm cách điệu, hai đốc mái đắp hai đấu hình chữ Nhật, bên cạnh gắn các đầu rồng chầu vào bờ nóc, mái lợp ngói mũi hài. Trung tế gồm 5 gian, 2 chái, có hình thức kết cấu kiến trúc giống tòa tiền tế. Hậu cung gồm 5 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài, bộ khung gồm 6 bộ vì gỗ, được kết cấu theo kiểu thượng chồng rường, hạ kẻ, tì lực trên 6 hàng chân cột, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng tam, hạ tứ.
3. Miếu Ban, nằm cách đền Thượng khoảng 200m, ở phía bên trong đê sông Đuống, gồm nghi môn, tả - hữu vu, sân, kiến trúc chính dạng chữ Đinh.
Nghi môn gồm 2 tầng, với 4 mái kiểu chồng diêm, lợp ngói mũi hài. Chính giữa nóc mái đắp hình mặt trời, bờ nóc, bờ dải trang trí hình hoa chanh, 4 góc đao đều gắn đầu rồng cách điệu. Tầng dưới có tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói ta. Nhà giải vũ mỗi bên 2 gian, với 3 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng giá chiêng, hạ bẩy, hoành mái được phân khoảng kiểu thượng nhị, hạ tam.
Tòa tiền tế gồm 7 gian, tường hồi bít đốc dạng tay ngai, mái lợp ngói mũi hài, bờ nóc đắp trang trí hình hoa chanh, chính giữa đắp bức cuốn thư có hình hổ phù, hai đầu hồi đắp hai đấu hình chữ Nhật, ở vị trí đầu kìm gắn hai đầu rồng quay về phía giữa bờ nóc. Bộ khung gồm 8 bộ vì, được kết cấu kiểu thượng rường, hạ kẻ suốt hoặc thượng rường, hạ cốn, tì lực trên trên 8 hàng cột.
Miếu là một nếp nhà 1 gian, 2 chái, ở phía sau tiền tế, hợp với tiền tế thành một kiến trúc có mặt bằng hình chữ Đinh. Toà này được xây theo kiểu tường hồi bít đốc, hệ khung có 2 bộ vì, được kết cấu kết dạng thượng ván mê, hạ cốn, tì lực trên 2 hàng chân cột.
4. Đình Hạ mã, nằm phía trái đền Thượng, có diện tích khoảng 200m2. Hiện nay, kiến trúc này chỉ còn phần móng, đình đã bị huỷ hoại do không được tu sửa.
5. Cố viên, còn gọi là vườn rau, hay vườn cà, nằm trên thềm đất bãi sông, cách đền Hạ khoảng 500m. Tương truyền, mẹ Gióng ra vườn này hái rau, rồi ướm vào vết chân người khổng lồ, về nhà mang thai, sinh ra Gióng. Tại đây có 1 ngôi miếu nhỏ, với kết cấu 2 tầng, 8 mái, 4 mặt để thông. Bên cạnh có hòn đá hình thù đặc biệt, với nhiều vết lồi, lõm, được coi là vết chân người khổng lồ và một tấm bia mang dòng chữ “Đổng Thiên Vương Thánh Mẫu Cố trạch”.
6. Giá ngự, mới được phục dựng vào đầu thế kỷ XX, nằm ở phía bên kia đê, thuộc khoảng giữa đền Thượng và đền Hạ. Cổng vào Giá ngự có 2 trụ biểu cao khoảng 6m, đỉnh trụ đắp tượng nghê, phía dưới đắp đấu hình vuông, các ô lồng đèn đắp tứ linh, tứ quý, thân trụ bổ khung đắp câu đối.
7. Khu đánh cờ Đống đàm, là một bãi đất rộng, nằm cách đền Thượng khoảng 3 km, thuộc thôn Phù Đổng. Đây là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ nhất của Gióng trong hội.
8. Bãi đánh cờ - Soi bia, thuộc địa phận thôn Phù Đổng, là nơi diễn ra trận đánh giặc Ân lần thứ hai của Gióng trong hội.
Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích đền Phù Đổng còn được khẳng định qua hệ thống di vật, cổ vật, mang tính đa dạng, phong phú về chủng loại và chất liệu, trong đó, phải kể đến 37 đạo sắc phong có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn; hệ thống bia đá, rồng đá, nghê đá, hoành phi, câu đối, cửa võng, long ngai, kiệu, hương án, tượng thờ, bát bửu…, mang giá trị nghệ thuật cao, gắn với nhiều giai đoạn lịch sử của lịch sử dân tộc, hàm chứa những quan niệm, triết lý nhân sinh sâu sắc.
Hội Gióng diễn ra trong 3 ngày, từ mùng 7 đến mùng 9 tháng 4 (Âm lịch), từ lâu đã trở thành một trong những lễ hội nổi tiếng nhất vùng châu thổ Bắc Bộ và đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong hội có nhiều lớp văn hóa, tín ngưỡng đan xen lẫn nhau, như tín ngưỡng thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ tổ nghề rèn sắt... Và, có lẽ, nét đặc biệt và độc đáo nhất ở hội Gióng chính là diễn xướng bản anh hùng ca mô phỏng cuộc chiến đấu của đội quân Thánh Gióng với giặc Ân trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc - Huyền thoại Gióng luôn gắn liền với hầu hết nghi lễ và diễn trình trong hội Gióng./.
Nguyễn Khắc Đoài (Theo Hồ sơ xếp hạng di tích - Tư liệu Cục Di sản văn hóa)