Ngày 3 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Đình An Bài, tỉnh Thái Bình

Đình An Bài nằm trên địa bàn thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Theo Thần tích, từ thời Hùng Duệ Vương, làng An Bài đã có miếu thờ ba vị Thành hoàng; có thể sau đó miếu được xây dựng lại thành đình làng An Bài. Nhưng hiện nay, bia đá không còn nên không có căn cứ xác định niên đại xây dựng gốc của ngôi đình, là nơi thờ ba vị Thành hoàng theo tín ngưỡng thờ Thành hoàng của người Việt và phối thờ các vị Tiến sĩ người làng An Bài. Bia "Bản huyện tiên hiền duệ hiệu bi ký", hiện đang lưu giữ tại đình Đông Linh (thị trấn An Bài, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chép làng An Bài có 07 vị Tiến sĩ. Sách "Trạng Nghè Thái Bình", tác giả Phạm Hóa, Vũ Mạnh Quang, Nguyễn Thanh, do Sở Văn hóa và Thông tin Thái Bình xuất bản năm 1989, cũng theo đó xác định, làng An Bài có 7 vị Tiến sĩ. Năm 1951, đình An Bài bị giặc Pháp cho xe tăng húc đổ, lấy nguyên vật liệu về làm đường và xây dựng lô cốt. Năm 1955 - 1956, nhân dân trong làng xây dựng lại Hậu cung để thờ ba vị Thành hoàng và các vị Tiến sĩ. Năm 1995, nhân dân trong làng đóng góp công đức, sang huyện Vĩnh Bảo (thành phố Hải Phòng) mua được một ngôi từ đường cổ đem về dựng trước Hậu cung thành tòa Tiền tế. Năm 2001, dân làng xây dựng lại cổng và hệ thống tường bao xung quanh đình. Đây là nơi dân làng thực hành tín ngưỡng tâm linh và tỏ lòng ngưỡng mộ, thành kính với những vị đại khoa. Đình đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp và được dân làng từng bước phục hồi trên nền móng cũ.

Đình có diện tích 1.230,3m2. quay về hướng Tây Bắc, gồm các hạng mục công trình sau: Cổng đình, sân đình, tòa Tiền tế, tòa Hậu Cung. Tiền tế gồm 05 gian (13,95m x 6,3m), xây kiểu hồi văn đắp đấu, mái chảy lợp ngói mũi, bờ nóc đắp ngạc long ngậm đại bờ, chính giữa đắp mặt nhật. Hai gian hồi xây tường, làm giả cửa sổ chữ Thọ; ba gian giữa lắp cánh cửa khay, chân quay, bốn cánh. Lòng tòa Tiền tế có 4 hàng chân cột, gồm hai hàng 08 cột cái và hai hàng 12 cột quân; phía trên có 06 bộ vì kèo, hai vì hồi không có cột cái đỡ, nên được làm đơn giản theo kiểu kèo cầu, trụ báng quá giang; hai bộ vì gian cạnh được làm theo kiểu ván mê, chạm hoa văn lá lật hóa hổ phù ở vì nóc và lá lật xen kẽ văn triện ở vì nách; hai bộ vì gian trung tâm được làm theo kiểu "Thượng giá chiêng, hạ chồng rường", giá chiêng được đặt trên các đấu đỡ chạm hoa sen, các thanh ngang và thanh rường đều được chạm khắc hoa văn lá lật. Gần đây nhân dân trong làng đã dùng sơn màu nâu, sơn lên tất cả các cấu kiện gỗ trong khung kiến trúc làm cho đường nét chạm trổ không còn được sắc nét và mềm mại như trước, duy có hệ thống bẩy hiên không bị sơn lại nên trông nét chạm có phần tinh xảo hơn.

Hậu cung gồm 3 gian (5,45m x 5,16m), xây kiểu mái chảy lợp ngói mũi, hồi đắp ngũ đấu, hai cột hiên có thiết diện vuông trên đắp đấu kép, lồng đèn, dọc thân cột nhấn hai câu đối chữ Hán.Hai gian tả, hữu của Hậu cung được trang trí giống hệt nhau, phía trên treo một bức tranh gỗ, chạm khắc theo đề tài tứ linh; phía dưới treo một bộ cửa võng và xây ban thờ đặt bài vị, bát hương thờ các vị Tiến sĩ họ đỗ làng Bệ. Hiện vật quý nhất tại đình An Bài là đôi câu đối gỗ lòng máng, có niên đại từ thời Nguyễn, diềm chạm hoa dây, lòng sơn son, chữ chạm nổi, thếp vàng; nội dung câu đối "Tam vương sự nghiệp lưu thần tích, Biến thế khoa danh lũy quốc ân" đã khẳng định lịch sử thờ cúng tại đình An Bài.

Với những giá trị tiêu biểu trên, đình An Bài, tỉnh Thái Bình được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 37/QĐ-BVHTTDL ngày 07/01/2020.

                                        Khánh Chi

 (Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa)

Liên kết website