Đình Chèm
Đình Chèm (còn gọi là đình Thụy Phương) thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại sống vào thời An Dương Vương. Căn cứ vào các tư liệu, hiện vật, văn bia và trang trí trên cấu kiện kiến trúc đồ thờ, có thể nhận thấy đình Chèm hiện nay được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng và đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là vào năm Bính Thìn 1916, đình được kiệu lên cao thêm 2,4m.
Đình Chèm tọa lạc trên khu đất cao, diện tích rộng 0,5 ha, quay về phía Bắc, hướng ra sông Hồng, phong cảnh khoáng đạt, thể hiện ước nguyện của dân làng mong muốn vị thần trị thủy bảo vệ yên bình cho người dân. Đình Chèm được bố cục theo lối kiến trúc “nội Công ngoại Quốc”, gồm các hạng mục: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Phương đình và hai tiểu phương đình, tả - hữu mạc, Đại bái, ống muống và Hậu cung hình chữ công.
1. Nghi môn ngoại
Được làm theo kiểu nghi môn trụ, kết cấu hình vuông, hai cột giữa có kích thước lớn kích thước 1m x 1m; hai trụ ngoài cùng nhỏ hơn kích thước 0,76m x 0,76m. Trên đỉnh của 4 cột trụ nghi môn ngoại là hình chim phượng, ở bốn góc trụ có đắp hình rồng uốn lượn, bốn mặt trụ là hình hổ phù lớn, phía dưới là lồng đèn giả, bên trong đắp nổi hình tứ linh. Tất cả trang trí đắp bằng vữa đều còn dấu tích gắn mảnh sứ hoa lam - đặc trưng của nghệ thuật trang trí thời Nguyễn.
Thân trụ khắc các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức thánh Chèm. Đáng chú ý dưới chân ba cột trụ còn có ba lan can đá xanh nhỏ hình thang vuông 98cm x 30cm x 9,5cm, hai mặt chạm hoa văn rồng mây cách điệu. Xét chất liệu nét chạm hoa văn có thể thấy đây là dấu tích của nghi môn cổ hơn nghi môn trụ vữa hiện nay. Như vậy, có lẽ trước đây (khoảng thế kỷ XVIII), đã có một nghi môn khác, bởi dù là chân của các cột này có hình trái dành nhưng hiện nay đều là các cấp bậc vuông, sản phẩm của thế kỷ XX.
2. Nghi môn nội
Nghi môn nội có mặt bằng hình chữ nhật, gồm ba gian hai chái, với nền cao hơn sân 1m, bó vỉa bằng đá xanh. Thềm bậc gian giữa có hai lan can thành bậc chạm rồng bằng đá xanh theo phong cách thời Nguyễn. Bộ khung nghi môn được làm bằng gỗ với 4 bộ vì nóc kết cấu kiểu “chồng rường giả giá chiêng”. Mái được làm theo kiểu “tàu đao lá mái”, phía trên lợp ngói mũi (hay ngói vẩy hến) - đặc trưng của thời Nguyễn.
Trang trí trên kiến trúc chủ yếu là ở bộ vì nóc ở gian giữa bên trái: sát dép hoành đỡ thượng lương trang trí hình hổ phù. Phía dưới đầu dư (phần nối hai cột cái) có trang trí hai con rồng với kỹ thuật chạm nổi thể hiện phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Ngoài ra, bộ cánh cửa giữa nghi môn nội được chạm nổi bốn con dơi xòe cánh rộng biểu trưng cho “Phúc”, miệng ngậm đồng tiền tròn.
3. Phương đình
Phương đình có mặt bằng hình vuông, cao hơn nền sân 67cm, được dựng lại năm 1989, trên nền của tòa phương đình cũ. Phương đình là nơi làm lễ mộc dục (nhà mộc dục) cho tượng Thánh và các tượng khác trước khi diễn ra lễ hội.
Nghệ thuật trang trí khá đơn giản: các góc mái được uốn cong, đầu đao đắp nổi hình rồng uốn lượn khá mềm mại. Ở góc đầu bờ mái phía dưới cổ diêm có gắn xi măng sứ hình bốn con nghê. Mái trên trang trí đôi rồng chầu mặt nguyệt.
4. Nhà bia (tiểu phương đình)
Hai nhà bia được bố trí đối xứng hai bên Phương đình, kết cấu kiểu nhà vuông bốn mái với bốn hàng cột đỡ xây gạch Bát Tràng, xung quanh để thoáng. Trong mỗi nhà bia có đặt một tấm bia, có kích thước cao 115cm, rộng 50cm, dày 10cm. Hai tấm bia này do Tiến sĩ Nghiêm Xuân Quảng soạn năm 1917, nội dung ca ngợi công đức của Đức Thánh Chèm và việc kiệu đình Chèm năm 1916.
Nhà bia Đình Chèm. Ảnh: Tư liệu Cục Di sản văn hóa
5. Tả - hữu mạc
Tả - hữu mạc là nơi để các đồ thờ và sắp xếp lễ vật dâng cúng đức Thánh trong các ngày lễ hội. Mỗi dãy nhà có năm gian hai chái, 6 vì. Các vì ở đây làm kiểu bốn hàng chân, gồm có hai cột cái và hai cột quân. Liên kết hai cột cái là các quá giang. Liên kết cột cái với cột quân là xà nách và bẩy hiên. Bên trên quá giang là hệ thống kết cấu kiểu giá chiêng.
6. Đại bái
Đại bái có mặt bằng hình chữ “Nhất”, mái chữ “Nhị” dưới dạng trùng thiềm điệp ốc, có chung một máng nước, kích thước 20m x 12m, chia thành 5 gian 2 chái lớn, trong đó gian chính giữa có kích thước lớn nhất. Nền Đại bái được tôn cao hơn sân đền 1m và bó vỉa bằng đá xanh, mặt nền lá gạch Bát Tràng vuông.
Bộ khung của Đại bái được làm bằng gỗ với 6 bộ vì nóc, liên kết với nhau bằng hệ thống xà. Các vì gian giữa được kết cấu theo kiểu “chồng rường giá chiêng” và “bẩy hiên”, các vì gian bên được kết cấu theo kiểu “chồng rường, bẩy hiên”. Nét đặc sắc của khung kiến trúc Đại bái là một dạng khung kép kết hợp với nhau thành một bộ, diện tích lớn gấp đôi khung nhà bình thường. Nghệ nhân xưa khi xây dựng đình Chèm đã khéo léo nối liền hai khung nhà với nhau bằng một hệ thống xà trung gian.
Do Đại bái được kết cấu bởi 2 bộ khung nhà nối liền nhau nên bộ mái cũng được hình thành nên 2 bộ khung 6 mái hết sức độc đáo. Trên nóc mái của tòa Đại bái có đắp nổi hình hai đám mây, hai đầu nóc đắp hình long mã, mình gắn sứ. Hai đầu kìm là những hình đao cong vút, có trang trí nghê với tư thế vờn mây, trên mình có khảm sứ. Phía đỉnh đao là hình đầu rồng.
Bộ khung gỗ của Đại bái được trang trí đẹp và công phu nhất. Tất cả các vì tại các vị trí như đấu kê, đầu các con rường đều được soi, chạm tọa thành các guột hoa lá uốn lượn mềm mại, đặc biệt, một số vị trí được chạm khắc hết sức công phu trong đó tập trung nhất ở các vì gian giữa và hai gian bên.
Ở các đầu bẩy phía trước được trang trí rất công phu, mỗi đầu bẩy là một đề tài trang trí. Nghệ thuật chạm khắc ở đây chủ yếu là những linh vật như rồng, phượng, chim, cá, rùa, long mã và những con vật gắn với tư duy của người Việt xưa. Trên bộ vì nóc: toàn bộ 2 đấu vuông, các con rường và cốn bịt giá chiêng giả là mặt rồng kích thước lớn với đôi mắt tròn nổi cao, mũi sư tử, trán nhô cao, miệng ngậm chữ “Thọ”, hai chân khuỳnh dang rộng ra 2 bên. Ở các đầu bẩy, nghé bẩy ở phía sau, đề tài trang trí là tứ linh...
Chạm khắc ở vì gian giữa, phía trong bên trái chạm “ly phượng hàm thư”, ngoài là“long mã đội quy bối”. Chạm khắc xà nách, cốn mê, chồng rường, phía trong bên phải tiếp liền với đề tài tứ linh ở đòn bẩy. Đề tài này chiếm vị trí chủ đạo, lặp đi lặp lại ở di tích, mang ý nghĩa tâm linh và biểu trưng rất cao.
Nối giữa cột cái và cột quân là hệ thống cốn chồng rường với 3 con rường và một xà nách, mặt ngoài được chạm nổi những vân xoắn và đao như tại bộ vì nóc, song ở mặt trong lại được chạm tứ linh - một đặc điểm riêng có của đình Chèm, cụ thể là không gian của tứ linh được phân đôi, rồng và phượng được thực hiện nổi tại mặt trong của cốn nằm giữa cột cái và cột quân, nhưng lân và rùa thì ở trên bẩy liên quan, rồng thể hiện dưới dạng cuốn thủy, dòng nước từ mồm rồng chảy ra chạy qua đầu cột quân đè lên nghé (đuôi bẩy) rồi phủ lên mặt bên phía trong của đầu bẩy. Trên dòng nước được chảy ra từ mồm rồng là 3 con cá trong thế vượt vũ môn, nhưng trung tâm của mảng chạm là con rùa đang ngóc đầu bơi. Ở cốn bên phải cũng được thể hiện tứ linh. Ở ngoài đầu bẩy, phía trên lưng là ván nong được chạm lân dưới dạng long mã.
Ngoài hai đầu bẩy gian giữa, các đầu bẩy còn lại ở phía trước cũng có một số bức chạm độc đáo ở phía bên trái. Đầu bẩy ngoài của gian bên trái chạm đề tài rồng ẩn trong mây - rùa bơi trên sóng nước. Đầu bẩy gian hồi trái, mé trong chạm hình một con sư tử. Bốn đầu dư của 2 vì gian giữa đều chạm đầu rồng mang phong cách rồng Nguyễn, nhưng điểm khác là được chạm nổi thể hiện toàn bộ đầu dư thành đầu rồng dưới dạng tượng tròn.
7. Hậu cung
Hậu cung gồm ba thành phần kiến trúc tạo thành hình chữ “Công” gồm Cung đệ nhất, Cung đệ nhị (ống muống) và Cung cấm, trong đó mặt bằng Cung thứ nhất và Cung cấm đều có hình chữ nhật kích thước 14,2m x 7,4m, nằm song song và nối liền với nhau bởi tòa ống muống.
* Cung đệ nhất và Cung cấm
Cung đệ nhất có bố cục 5 gian 2 chái. Bộ khung làm bằng gỗ được kết cấu bởi 6 bộ vì. Gian cuối của Hậu cung có kết cấu vì nóc cũng theo kiểu chồng rường bẩy hiên. Cung cấm đặt song song và có kết cấu kiến trúc, kích thước y hệt Cung đệ nhất.
* Ống muống (Cung đệ nhị)
Ống muống vừa có chức năng để đồ thờ, vừa để kết nối giữa Cung đệ nhất với Cung cấm, cấu trúc khung nhà được làm hết sức khéo léo. Hai cột cái của hai vì gian giữa của Cung đệ nhất được kết cấu “kiểu chồng rường - giá chiêng” để làm đỉnh nóc cho mái ống muống, đối diện, Cung cấm cũng làm như vậy. Hai đỉnh của bộ giá chiêng này nối lại với nhau tại ra nóc mái ống muống, đó chính là 2 vì trong của gian ống muống.
Hệ thống đỡ bộ mái này là một khung gỗ 3 gian. Điều khéo léo nhất là tạo giáp mái cho mái của Cung đệ nhất và Cung cấm với ống muống. Để làm được điều đó, hai vì gian giữa của hai Cung đều được bỏ cột quân thứ 4 ở mé đối diện nhau và đẩy lùi ra phía ngoài đưa về 4 phía tạo nên cột quân của vì ống muống. Kết quả liên kết như vậy tạo nên bộ khung của Hậu cung có bố cục hình chữ “Công” hoàn chỉnh, không tách rời nhau, tạo điều kiện cho việc khai triển các lớp không gian thờ cúng ở bên trong.
Hiện ở Hậu cung đình Chèm còn dòng lạc khoản ghi niên đại tu sửa Duy Tân thứ 10 (1916). Nghệ thuật trang trí khá đơn giản, ở hai bức cốn gian giữa chạm nổi hình hoa lá, mây mác và để mộc. Vì nóc được chạm nổi hình lá, hoa cúc. Tại các đầu bẩy ở gian giữa trang trí đầu rồng để mộc, các đầu bẩy ở hai gian chái trang trí đơn giản hình vân xoắn và mây mác. Bốn cánh cửa gỗ gian giữa cung cấm đều được sơn son thếp vàng với những nét vẽ hết sức điêu luyện và rất kỹ càng. Đề tài vẽ là tứ linh, tương tự như các hình chạm trang trí kiến trúc ở Đại bái. Có tất cả 3 bức trần thiết hình vuông trên ống muống và cung cấm, mỗi trần thiết vẽ một đề tài khác nhau (chữ Thọ vuông, long phượng kỳ duyên, biểu tượng bát quái và âm dương bát lõm giữa).
Với giá trị đặc biệt nêu trên, Đình Chèm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 25/12/2017)./.
Khánh Chi
Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa