Ngày 23 tháng 11 năm 2024
Liên kết website

Đình, chùa La Phù, Thành phố Hà Nội

Đình, chùa La Phù (thuộc làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức), theo Thần phả hiện lưu giữ, đình thờ Tĩnh Quốc đại vương - vị Thành hoàng bảo hộ cho dân làng La Phù, được xây trên một khu đất cao, quay mặt về hướng Tây. Phía sau đình là chùa La Phù, nằm sát cạnh nhau tạo thành một quần thể kiến trúc kiểu tiền Thần hậu Phật.

1. Đình La Phù: được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Tam bao gồm các công trình kiến trúc: Tam quan, Đại đình và Hậu cung.

- Tam quan: đình La Phù có hai lớp tam quan, gồm tam quan ngoài và tam quan trong. Tam quan ngoài nằm sát đường trục chính của làng, gồm 4 cột trụ xây gạch, 2 trụ giữa cao, trên nóc là 4 con phượng bằng vữa quay ra 4 góc tạo thành hình quả dành. Phía dưới là hình 4 mặt hổ phù, dưới hổ phù là hình lồng đèn, phía trong đắp nổi hình tứ linh: long, ly, quy, phượng. Phần thân trụ đắp nổi các câu đối bằng chữ Hán. Hai cột trụ hai bên nhỏ hơn, trên đỉnh trụ là hình con nghê quay đầu vào nhau. Phần nối trụ giữa và trụ bên là những mảng tường xây gạch. Chính giữa mỗi mảng tường mở 1 cửa nhỏ, được xây theo kiểu vòm, phía trên có mái.

Qua tam quan ngoài là sân gạch nhỏ, tiếp đến là tam quan trong, mở 3 cửa cánh gỗ, hai đầu nhà xây tường gạch theo kiểu tường hồi bít đốc. Bộ vì kèo của Tam quan gồm 3 hàng cột, cột giữa bằng gỗ, cao, 2 cột hai bên xây bằng gạch Bát Tràng vuông. Bộ khung của tam quan làm theo kiểu chồng rường. Các thanh rường, xà đều được chạm khắc chủ yếu là đề tài tứ linh, cá hóa rồng và hoa lá, đường nét mềm mại, chau chuốt mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn - Thế kỷ XIX.

- Đại đình: 5 gian, được làm theo kiểu nhà đầu hồi bít nóc. Trong lòng Đại đình gồm 6 hàng cột ngang và 6 hàng cột dọc. Các bộ vì kèo được chạm khắc công phu. Cả 08 đầu dư đều được chạm hình đầu rồng có mắt lồi to, miệng ngậm ngọc, râu xoắn vào nhau. Nghệ nhân xưa đã sử dụng lối chạm thủng và chạm bong kênh khiến đầu rồng rất sống động. Đề tài chạm khắc đa dạng và phong phú, các bức cốn 2 bộ vì kèo gian giữa chạm nổi đề tài tứ linh, văn mây, sóng nước và cá chép hóa rồng. Các bức cốn gian bên chạm hình rồng uốn khúc và hoa lá. Các thanh kẻ bộ vì ở gian giữa chạm hình rồng uốn khúc và hoa lá, gian bên chạm hình hoa lá cách điệu. Các đầu bẩy hiên của Đại đình được chạm hình rồng cách điệu, hoa lá. Các thanh rường được chạm khắc, trang trí các đề tài rồng uốn khúc, hoa văn hình học chau chuốt với phong cách nghệ thuật cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Gian giữa của Đại đình được lát bằng loại gạch bát vuông. Hai bên là hai hệ thống sàn gỗ cao hơn mặt nền khoảng 60cm với hệ thống cửa bức bàn gỗ.

- Hậu cung: 7 gian theo lối đầu hồi bít nóc, các bộ vì kèo được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng, bẩy hiên. Riêng hai bộ vì kèo bên cạnh gian giữa được làm theo kiểu chồng rường kẻ chuyền, 4 đầu dư của gian giữa chạm hình đầu rồng. Hai bức cốn phía ngoài chạm hình rồng cuốn thủy, rồng uốn khúc, mặt bên kia của cốn chạm nổi hình phượng. Hai cốn bên trong chạm hình hoa lá, các thanh rường chạm hoa văn hình học, hoa lá. Nghệ thuật trang trí trong Hậu cung tập trung chủ yếu, dày đặc trên hai bộ vì kèo gian giữa. Các bộ vì kèo khác trang trí đơn giản hơn.

Hai gian đầu hồi của Hậu cung được ngăn riêng biệt. Vách ngăn bằng gỗ, được làm theo kiểu ván đố lụa. Hậu cung chỉ mở cửa một phía quay ra hướng Đại đình. Phía kia là tường hậu xây gạch bịt kín, cửa Hậu cung là cửa bức bàn bằng gỗ lim.

Đình La Phù là một trong những ngôi đình hiện còn lưu giữ được khối lượng lớn các di vật phong phú về loại hình, chất liệu, trong đó có nhiều hiện vật có giá trị cao về lịch sử, nghệ thuật. Đáng lưu ý và có giá trị nhất là những tài liệu văn tự của đình:

- Thần phả: Cuốn thần phả của đình tựa đề: "Hùng Duệ Vương Triều công thân nhất vị đại vương quốc triều phá lạc" (ghi chép triều phả 1 vị đại vương - vị thần có công ở triều vua Hùng Duệ Vương). Nội dung cuốn thần phả này ghi chép lại sự tích lai lịch và công tích của vị thần được thờ ở đình làng. Tương truyền, cuốn thần phả được soạn vào năm đầu niên hiệu Hồng Phúc (1572) và được sao chép lại vào năm Đinh Tỵ, năm thứ hai niên hiệu Khải Định (1917).

- Sắc phong: Hiện đình còn lưu giữ được sắc phong của các triều vua phong tặng cho vị Thành hoàng Tĩnh Quốc đại vương. Trong số 14 đạo sắc đó có 6 sắc thời Lê, 3 sắc thời Tây Sơn và 5 sắc thời Nguyễn. Sắc phong có niên đại sớm nhất đề ngày 10 tháng Mười Hai năm thứ Hai niên hiệu Vĩnh Khánh (1730). Sắc phong có niên đại muộn nhất là sắc đề ngày 15 tháng Bảy năm thứ Chín Khải Định (1924). Có giá trị nhất là 3 sắc thời Tây Sơn, 01 sắc ghi năm 1802.

Đình La Phù có 04 hoành phi, 13 đôi câu đối. Các bức này đa số được làm bằng gỗ chạm trổ hình rồng, mây, hoa lá, sơn son, thếp vàng lộng lẫy. Nội dung ca ngợi công tích của Tĩnh quốc đại vương và phong cảnh địa phương.

Phần trên tường hiên đầu hồi phải Hậu cung hiện còn 02 tấm bia đá, xanh mịn, chữ khắc nông. Tấm bia thứ nhất được lập năm 1783 nói về việc tu sửa và danh sách những người đóng góp tiền của tu sửa. Tấm bia thứ hai được dựng năm 1816 ghi chép lệ đình, một số tục lệ, hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng tại đình. Bên cạnh đó, đình còn giữ được rất nhiều đồ tế tự có giá trị.

2. Chùa La Phù: truyền thuyết địa phương cho biết chùa được xây dựng từ thời Lý, tuy nhiên, hiện nay, chùa chỉ còn dấu vết của các thời: Lê, Tây Sơn và  Nguyễn.

- Tam quan: được xây dựng vừa làm tam quan vừa làm gác chuông, toàn bộ khu tam quan dài 14m, trong đó cổng chính là nhà để chuông có chiều dài 5,3m, phần trên 4 mái được đỡ bằng 2 cột chính, xung quanh là cột trốn đặt trên 4 bức tường. Trên nóc treo quả chuông lớn niên đại Tây Sơn. Hai cổng hai bên được tạo bằng những cột trụ cao bằng gạch trên đó đặt những con giống được gọt giũa tỉ mỉ.

- Chùa chính: được xây theo hình chữ Đinh, gồm: 5 gian Tiền đường và 4 gian Hậu cung. Chùa lợp ngói ta, tường quây 4 mặt, các bộ vì đỡ mái làm theo kiểu thượng chồng rường hạ kẻ với sáu hàng chân, trên mỗi vì nhiều bộ phận được chạm khắc, trang trí các hình rồng, phượng phổ biến của thế kỷ XIX.

Song song với chùa chính về bên trái là dãy nhà khách 9 gian, mái thấp với thức vì thượng rường hạ kẻ, được chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý, hoa lá.

Nhà Tổ nằm ngay sau Hậu cung của chùa chính, đây là nơi tọa lạc của Bồ đề đạt ma, có niên đại kiến trúc muộn và quy mô vừa phải, gồm 5 gian nhà, lớp ngói ta xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bên trong là những bộ vì 4 hàng chân ghép nối với nhau kiểu thượng kèo hạ kẻ.

Những di vật có giá trị nghệ thuật của chùa La Phù có thể phân chia làm các dạng cơ bản là tượng tròn, nghệ thuật trang trí bia và điêu khắc gỗ. Nổi bật là hệ thống tượng tròn và những tấm bia thời Hậu Lê.

Những pho tượng của chùa La Phù phong phú, tập trung ở chùa chính, được tạo tác từ các chất liệu khác nhau: đá, đồng, gỗ, đất; có 03 pho tượng đá tả thực, sinh động của nghệ thuật dân gian thế kỷ XVII – XVIII; 03 pho tượng đồng đúc vào thế kỷ XIX với dáng gầy của các vị chân tu: Từ Đạo Hạnh, Không Lộ, Giác Hải. Hệ thống tượng của chùa La Phù có kích thước lớn được xếp theo thứ tự cao dần từ ngoài vào trong.

Tấm bia thời Lê Trung Hưng có 2 loại: bia trụ vuông và dẹt, cả 2 loại diềm và trán bia đều được đục khắc tỉ mỉ, nghệ thuật trang trí và đề tài rất gần với bia ở Văn Miếu. Bên cạnh đó, chùa La Phù còn có một số hiện vật tiêu biểu như: Chuông Thiên Hưng cổ tích đúc năm Cảnh Thịnh thứ Hai (1794); chuông Thiên Hưng tự chung đúc năm Tự Đức thứ Hai (1849); bia Thiên Hưng tự hậu phật bia ký niên đại Lê Trung Hưng; hai tấm bia vuông dựng năm Vĩnh Trị thứ Hai (1677); đại tự, long án, cửa võng...

Với những giá trị tiêu biểu trên, đình, chùa La Phù đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 191-VH/QĐ ngày 22/03/1988./.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website