Đình, đền, miếu Hạ, tỉnh Phú Thọ
Cụm di tích Đình, đền, miếu Hạ (thường gọi Đình là đình Hạ, gọi đền Hạ là miếu Ông và miếu Hạ là miếu Bà) được xây dựng ở một vị trí bằng phẳng, thoáng đãng thuộc xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Cụm di tích thờ Nữ tướng Xuân Nương và Thập bộ Thần quan đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi Tô Định giành thắng lợi.
Hiện, cụm di tích còn lưu giữ cuốn ngọc phả do Nguyễn Bính phụng soạn năm 1572 ghi lại hành trạng của các vị Thần trong di tích.
1. Đình Hạ: Được xây dựng trên một khu đất rộng, quay hướng Đông - Nam, trước cửa đình là ao và cánh đồng. Đình có kiến trúc chữ Đinh, Đại bái gồm 5 gian, 2 trái (hiện nay chỉ còn 5 gian) và Hậu cung 2 gian, được kết cấu 4 hàng chân cột gỗ, hiện nay chỉ còn 16 cột trong có 8 cột cái và 8 cột quân. Cột cái cao 3,70m, đường kính 0,30m, cột quân cao 2,80m, đường kính 0,26m. Hiện nay còn có 4 bộ vì được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng cột đội con lợn. Có 8 đầu dư được chạm lộng thành các đầu rồng chầu vào nhau từng đôi một. Với các mảng trang trí nghệ thuật mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, tập trung ở gian giữa đình, gồm:
- 02 đầu bảy và 02 bức cuốn nách được đục chạm giống nhau, sử dụng kỹ thuật đục bong, chạm nổi với đề tài “Tứ linh” ( Long - ly - quy - phượng).
- Cốn mê trước Hậu cung được chạm nổi mặt hổ phù cầm chữ Thọ.
2. Đền Hạ (Miếu Ông ): Được xây dựng trên một gò đất cao, quay hướng Đông - Nam, phía trước và bên phải đền là ao (gọi là hồ bán nguyệt), kiến trúc kiểu chữ Nhất, gồm 05 gian thờ dọc, cửa mở ở phía đầu hồi, được đắp theo kiểu táp môn có 03 cửa vòm và hai cột đồng trụ đắp hình quả dành. Đại tự trước cửa đình ghi ba chữ “Tối linh từ”. Đền được kết cấu 4 hàng chân cột với tổng số là 24 cột gỗ trong đó có 12 cột cái cao 3,10m, đường kính 0,30m. Cột con cao 2,20m, đường kính 0,20m. Các cột đều kê trên đá tự nhiên để chống ẩm.
Đền Hạ được làm theo kiểu nhà hai mái và mở thông thoáng không xây tường, riêng 02 gian trong cùng được xây bằng đá ong để làm Hậu cung. Thượng cung được làm cách nền 1,2m, gian ngoài đặt bát hương, đài nến, mâm bồng và các đồ thờ. Gian trong cùng bưng ván kín đặt ngai thờ. Đặc biệt 04 cánh cửa khám được đục chạm khá tinh xảo, điêu luyện mang tính nghệ thuật cao, được thể hiện bằng những hình gai dứa, hoa thị, cánh sen, ô trám lồng ... xếp thành 4 lớp đối xứng. Đây là bộ cửa khám được đục chạm tỉ mỉ, đường nét chau chuốt, thanh thoát, mềm mại và sơn son thếp vàng khiến cho mảng trang trí lộng lẫy, uy nghiêm. Cửa khám là một tác phẩm mang phong cách nghệ thuật thời Lê và rất giống với những cửa khám ở đình Hữu Bồ thượng (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao), đình Lâu Thượng (xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì).
Đền Hạ có 6 bộ vì được bố trí lần lượt như sau :
- 4 bộ vì gian giữa được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng, cột đội con lợn.
- 2 bộ vì còn lại ở hàng cột thứ nhất và hàng cột trước cửa Thượng cung được làm theo kiểu cốn mê, đục chạm nổi hình mặt hổ phù cầm chữ thọ.
Đền Hạ có nhiều mảng trang trí nghệ thuật dày đặc, hầu hết các bức cốn, đầu bảy, đến đấu kê đều được đục chạm cả hai mặt. Vì vậy, các bức chạm ở đền tuy không để lại những dấu ấn của nền nghệ thuật sớm (ngoài 04 cánh cửa bức bàn), song có tới gần 30 bức chạm mang dấu ấn nghệ thuật Nguyễn, đó là:
- 14 bức chạm ở đầu bảy (gồm 02 mặt bảy) đề tài chủ yếu là Tứ linh: Long, ly, quy, phượng, điểm xuyết xung quanh là cây hoa, lá, trúc hoá long... Các bức chạm được sử dụng kỹ thuật đục bong, chạm nổi, kết hợp với bối màu. Đặc biệt, rồng ở đây được thể hiện rất dữ tợn, đầu rồng được đục riêng rồi gắn vào.
- 8 đầu dư được đục chạm lộng thành hình đầu rồng chầu vào nhau đỡ câu đầu.
- Bức chạm xà rồng chạm nổi hình lưỡng long chầu nguyệt được sơn thếp đẹp. Hai hình rồng được đục bong, chạm nổi thể hiện rất dữ tợn, thân uốn khúc, bờm tóc tua tủa, đuôi xoắn.
3. Miếu Hạ (Miếu Bà): Được xây dựng trên cùng khu đất Đển Hạ, quay hướng Đông - Nam, phía trước và phía sau là ao hồ, kiến trúc kiểu 3 gian thờ dọc, dài 5,10m, rộng 4,80m, gồm có 16 cột gỗ (8 cột cái, 8 cột con). Có 03 bộ vì, trong đó 02 bộ vì được kết cấu theo kiểu chồng rường giá chiêng và 01 bộ vì được làm kiểu cốn mê đục chạm nổi mặt hổ phù. Các đầu dư được chạm lộng thành các hình đầu rồng chầu vào nhau, đỡ câu đầu.
Miếu Bà có kiến trúc nhỏ, song các chi tiết kết cấu kiến trúc như cột, xà còn rất chắc khoẻ. Các mảng trang trí nghệ thuật ở Miếu Bà đơn giản, tập trung ở bức xà rồng, cốn mê và 02 cửa khám, đường nét đục chạm mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Cụm di tích Đình, đền, miếu Hạ là một quần thể di tích có giá trị về mặt lịch sử và nghệ thuật. Đặc biệt, cụm di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quí có giá trị như: Sắc phong, ngọc phả, 3 cỗ ngai thời, 2 cỗ kiệu, sưu tập bát chén, lọ lục bình, mâm sứ và nhiều đồ thờ có giá trị.
Lễ hội truyền thống được bảo tồn và duy trì tại cụm di tích vào ngày mồng 10 tháng Giêng hàng nam với nhiều trò diễn, trò chơi dân gian, đặc biệt là lễ hội cầu trâu.
Cụm di tích Đình, đền, miếu Hạ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 53/2001/QĐ-BVHTT ngày 28/12/2001./.
Tuyết Chinh
Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa