Ngày 3 tháng 1 năm 2025
Liên kết website

Đình Đoàn Xá, Thành phố Hà Nội

Đình Đoàn Xá là tên gọi theo địa danh thôn Đoàn Xá, thuộc xã Đồng Tiến, huyện Ứng Hòa, Thành phố Hà Nội. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, cùng hệ thống di văn tại di tích cũng như các tài liệu thu thập được từ Viện Viễn Đông bác cổ thì đình Đoàn Xá là nơi phụng thờ 4 vị Thần: Báo Đức đại vương; Huệ An đại vương cùng hai vị nữ thần: Đệ Nhất tiên cung công chúa và Quế Hoa đệ nhị công chúa. Đình nằm trên một thửa đất rộng độc lập, thoáng mát, với tổng diện tích khoảng 2.094,3m². Đình quay hướng Nam, phía trước có ao.

Đình Đoàn Xá gồm hai bộ phận cấu thành: đình Thượng và đình Hạ. Căn cứ vào dòng lạc khoản khắc ở phần trên cột cái gian bên đình Thượng, đình được xây dựng vào năm Chính Hòa 17 (1696). Căn cứ và kiểu thức, sắc thái kiến trúc đình Hạ được xây dựng vào thời Nguyễn. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử dân tộc, đến nay di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đình Thượng và đình Hạ đều có Đại bái và Hậu cung. Ngoài ra, còn có các hạng mục khác cùng hệ thống sân vườn.

- Đình Thượng:

Cổng được làm khá giản lược với lối đi dẫn vào bên tả sân đình, bên trên đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, bên dưới đắp 4 chữ Hán “Thượng đẳng linh từ", cửa tạo hình vòm cuốn, hai bên là cửa nhỏ được nối với hai trụ biểu. Tiếp đến là một khoảng sân rộng, lát gạch dẫn vào nơi thờ tự. Phía trước Đại bái có bức bình phong đắp kiểu cuốn thư ở chính giữa, hai bên là hình chữ Thọ.

+ Đại bái:

Đại bái đình Thượng là căn nhà ba gian, hai chái với bốn mái đao cong, trông xa như những mũi thuyền, tạo cho mái đình nhẹ nhàng và thanh thoát. Chính giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long chầu nguyệt, hai bên đắp đầu kìm, bờ dải hình nghê trong tư thế nhìn xuống. Hai bên đầu hồi chạm hình hổ phù ngậm chữ thọ với những đường nét chạm trổ, mạch lạc, dứt khoát. Đặc biệt, với kết cấu 4 mái đao cong, phần hiên bên ngoài của Đại đình được tạo ở cả 4 mặt, các cột hiên chạy xung quanh. Phía trước mở cửa gỗ ở ba gian, tại gian giữa làm kiểu “thượng song hạ bản", phần dưới được chạm nổi các hoa văn trang trí với đề tài tứ linh, tứ quý, hai gian bên mở cửa ván bung, hai trái trổ cửa sổ. Vào bên trong, bộ khung kiến trúc của Đại bái được kết cấu trên mặt bằng 4 hàng chân cột, tương ứng với 4 bộ vì, các cột bằng gỗ lim, cột cái có đường kính khoảng 70cm, kê chân tảng đá xanh. Trước đây, những chân tảng này cao khoảng 60cm, ngày nay, do nền đình được tôn cao hơn nên các chân tảng chỉ còn nổi khoảng 10cm. Toàn bộ hệ thống cột này do các giáp, các cá nhân trong làng hưng công dựng đình. Một trong số các cột cái ghi niên đại Chính Hòa thứ 17 (1696) - cuối thế kỷ XVII, thời Lê Trung Hưng. Đặc biệt, trên các thân cột vẫn còn dấu vết các lỗ mộng dầm sàn, một dạng thức tiêu biểu của những ngôi đình được dựng vào thời Lê, với các ván sàn chạy dài hai bên tả, hữu và bốn mặt ngoài có các cột hiên, dải hành lang. Kết cấu này có thể thấy ở đình Mông Phụ (Đường Lâm - Sơn Tây), đình Hữu Bằng (Hữu Bằng - Thạch Thất)...

Các bộ vì tại tòa Đại bái có kiểu thức liên kết tương tự nhau, theo kiểu “thượng đinh, hạ cốn rường, bẩy hiên”. Nối hai đầu cột cái là một câu đầu to, chính giữa lưng câu đầu là một trụ nóc được kê đấu vuông thót đáy. Đầu trên trụ nóc đỡ thượng lương qua đấu kê hình thuyền. Một vì tam giác được tạo bởi hai kèo, hai đầu nối với đầu trụ trên nóc, hai đầu kia đứng trên thân câu đầu. Dưới câu đầu là các đầu dư chạm đầu rồng, mắt lồi, mũi hếch, miệng ngậm ngọc, bờm râu là những tia mác chải ngược ra phía sau thành nhiều lớp. Các đao mác này như những tia lửa mạnh mẽ, 2/3 đao mác được vuốt thẳng. Đây là lối tạo hình đầu dư đặc trưng của thời Lê Trung Hưng. Nối từ cột cái sang cột quân là các xà hạ, trên xà là các con rường chồng khít lên nhau tạo thành cốn mê. Các bức cốn tại gian giữa chạm hình tượng rồng ổ, đấu kê cũng được chạm hình rồng hoặc hoa sen, cốn các gian còn lại chạm đề tài tứ linh, các nét chạm trổ dày đặc với kỹ thuật chạm lộng và chạm bong kênh.

+ Hậu cung:

Hậu cung đình Thượng được ngăn cách qua một khoảng sân nhỏ với Đại bái. Hậu cung là một ngôi nhà dọc ba gian, được bưng kín 3 mặt, bài trí long ngai, bài vị thờ Thành hoàng. Hạng mục này được xây dạng vòm cuốn, trổ cửa gian giữa và hai cửa nhỏ hai bên. Hai bên hồi hiên có đắp tượng hai ngài Vũ Đinh và Thiên Ất. Đây là sự ảnh hưởng của lối kiến trúc ở giai đoạn cuối cùng của thời Nguyễn.

- Đình Hạ:

+ Đại bái:

Nhìn bên ngoài, Đại bái đình Hạ có dạng 3 gian, 1 tầng, hai mái chảy lợp ngói ri cổ, tường hồi bít đốc. Bờ nóc để trơn, không trang trí, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cuối bờ giải xây giật nhị cấp. Mặt ngoài của tường hồi đắp nổi hình tượng hổ phù ngậm chữ Thọ.

Vào bên trong, tương ứng với 3 gian là 4 bộ vì, được kết cấu theo kiểu “thượng vì kèo, quá giang, trốn cột, hạ cốn, bảy hiên". Một đầu quá giang gối tường, một đầu gối cột, trên lưng quá giang là hai cột trốn được kê đấu vuông thót đáy. Đầu dưới của trốn là hệ thống xà dọc lớn xẻ họng, đầu trên của trụ trốn có một câu đầu ăn mộng, tiếp đó là hai kèo tạo thành vì thượng hình tam giác đỡ thượng lương qua đấu kê hình thuyền. Các cấu kiện gỗ ở vì thượng để trơn, không có chạm khắc trang trí.

Từ thân cột cái là các xà hạ, trên các xà là cốn mê được trang trí chạm khắc các hình tượng tứ linh, tứ quý mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Thực tế, phần vì hạ này chỉ có ở phía bên ngoài, tương ứng với phần hiên. Phần vì hạ bên trong đã lược bớt, nối liền từ gian giữa vào hậu cung.

+ Hậu cung:

Hậu cung đình Hạ có dạng chuôi vồ, được nối từ gian giữa Đại bái. Hậu cung là một ngôi nhà dọc hai gian, đây là nơi bài trí long ngai - bài vị thờ Thành hoàng. Tương tự như Hậu cung đền Thượng, hạng mục này được xây dạng vòm cuốn, trổ cửa nhỏ hai gian bên tạo sự thông thoáng của lối kiến trúc ở giai đoạn cuối cùng thời Nguyễn.

Đình Đoàn Xá được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 2277/QĐ-BVHTTDL ngày 28/06/2016.

Tuyết Chinh

Theo hồ sơ tư liệu Cục Di sản văn hóa

Liên kết website